12 câu hỏi thường gặp về tiêm phòng cúm cho người cao tuổi có bệnh mạn tính

Tiêm phòng vắc xin cúm cho người cao tuổi và người có bệnh mạn tính là cách hiệu quả nhất để giảm các biến chứng nghiêm trọng như viêm đường thở và phổi, gia tăng cơn đau tim, đột quỵ… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về việc tiêm phòng cúm cho người cao tuổi và bệnh mạn tính cần được giải đáp. Ở bài viết này, a:care Việt Nam sẽ giải đáp một số những câu hỏi thường gặp.

1. Cúm mùa là gì?

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hệ hô hấp, do virus cúm gây ra. Các triệu chứng của cúm có thể từ mức vừa phải đến nghiêm trọng, bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, chảy nước mũi, đau họng, cực kỳ mệt mỏi và ho. Mặc dù các bệnh do virus khác có thể có các triệu chứng tương tự, nhưng các triệu chứng do virus cúm gây ra thường nặng hơn và bắt đầu đột ngột hơn.

Bệnh cúm lây lan dễ dàng từ người này sang người khác do ho, hắt hơi, hoặc tiếp xúc trực tiếp. Virus cúm cũng lây lan khi một người chạm vào những giọt bắn nhỏ khi ho hoặc hắt hơi bám trên một người khác hoặc một vật và rồi đưa vào mắt, miệng hoặc mũi của chính họ trước khi rửa tay.

2. Nguy cơ của bệnh cúm đối với người cao tuổi là gì?

Những người từ 65 tuổi trở lên có nguy cơ phát triển các biến chứng cúm nghiêm trọng cao hơn so với người lớn trẻ, khỏe mạnh. Nguy cơ gia tăng này một phần là do sự suy giảm miễn dịch khi tuổi tác ngày càng cao. Trong những năm gần đây, ước tính có từ 50% đến 70% số ca nhập viện và 70% đến 85% trường hợp tử vong liên quan đến cúm ở những người từ 65 tuổi trở lên

nguy cơ bệnh cúm ở người cao tuổi
Ngăn ngừa nguy cơ bệnh cúm ở người cao tuổi bằng cách tiêm phòng cúm hàng năm

3. Người có bệnh mạn tính có những nguy cơ nào khi nhiễm virus cúm?

Những người mắc bệnh hen suyễn, bệnh tim, tiểu đường và một số bệnh mạn tính khác có nguy cơ cao bị các biến chứng cúm nghiêm trọng, có thể dẫn đến nhập viện hoặc thậm chí tử vong.

Trên thực tế, trong những mùa cúm gần đây, 9 trong số 10 người nhập viện vì cúm có ít nhất một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn – đó là lý do tại sao việc tiêm phòng cúm hàng năm đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh mạn tính.

  • Người bị bệnh hen suyễn thường có đường hô hấp bị sưng và nhạy cảm, bệnh cúm có thể gây viêm thêm đường thở và phổi, dẫn đến nguy cơ cao bị biến chứng cúm nghiêm trọng.
  • Người có bệnh tim chiếm một nửa số người lớn nhập viện vì virus cúm trong những mùa gần đây. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh cúm có liên quan đến sự gia tăng các cơn đau tim và đột quỵ.
  • Người có bệnh tiểu đường chiếm khoảng 30% người lớn nhập viện vì cúm mùa được báo cáo với Trung tâm Phòng và kiểm soát bệnh tật của Mỹ (CDC). Các bệnh cấp tính như cảm cúm có thể khiến việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn.

Tìm hiểu thêm:

4. Cần làm gì để điều trị bệnh cúm tại nhà?

Khi bị cúm mùa, có một số gợi ý về tự chăm sóc dưới đây:

  • Nghỉ ngơi thật nhiều
  • Uống thêm nước để bù vào lượng nước bị mất do cơn sốt
  • Tránh hút thuốc và yêu cầu người khác không hút thuốc trong nhà
  • Hít thở không khí ẩm từ vòi hoa sen nước nóng hoặc từ bồn rửa chứa đầy nước nóng để giúp thông mũi bị ngạt.
  • Bạn có thể dùng thuốc ho và thuốc trị cảm không cần đơn – để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh cúm.

Lưu ý các loại thuốc này không được khuyên dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi.

5. Tiêm phòng cúm mùa là cách tốt nhất để tăng cường miễn dịch

Tiêm vắc xin cúm mùa định kỳ hàng năm giúp tăng cường miễn dịch phòng, chống cúm. Ngoài ra, cần lưu ý một số các vấn đề sau:

  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
  • Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
  • Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
  • Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus mà cần phải theo chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc.
  • Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Tiêm phòng cúm mùa là cách tốt nhất để tăng cường miễn dịch
Tiêm phòng cúm mùa là cách tốt nhất để tăng cường miễn dịch

6. Vắc xin cúm hoạt động như thế nào?

Vắc xin phòng bệnh cúm hoạt động bằng cách giúp cơ thể bạn nhận ra virus cúm thông qua việc tạo ra các kháng thể trong cơ thể khoảng hai tuần sau khi bạn tiêm vắc xin. Các kháng thể này và các phần khác của hệ miễn dịch của bạn cung cấp sự bảo vệ chống lại việc nhiễm bệnh nếu sau này bạn tiếp xúc với virus trong mùa đó.

Vì lý do này, nên tiêm loại vắc xin cúm được Bộ Y tế cấp phép và có sẵn trên thị trường để phát huy hiệu quả cao nhất.

7. Trong vắc xin cúm có gì?

Vắc xin cúm 2022 có chứa kháng nguyên bề mặt bất hoạt của 4 chủng virus cúm, giúp bảo vệ khỏi 4 chủng virus cúm lưu hành cho mùa cúm năm nay.

8. Người cao tuổi có nên tiêm vắc xin cúm không?

Khi con người già đi, họ có thể có nguy cơ cao bị các biến chứng do bệnh cúm. Vì lý do này, người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên được đặc biệt khuyến nghị nên tiêm vắc xin cúm tứ giá mỗi năm.

Nên tiêm vắc xin cho người cao tuổi để làm giảm nguy cơ các biến chứng do cúm
Nên tiêm vắc xin cho người cao tuổi để làm giảm nguy cơ các biến chứng do cúm

9. Người có bệnh nền nên tiêm vắc xin cúm khi nào? Có lưu ý nào không?

Người có bệnh nền có nguy cơ cao bị các biến chứng do bệnh cúm. Vì vậy nên tiêm vắc xin cúm sớm và tiêm nhắc lại mỗi năm. Chỉ cần người bệnh đang không ở trong tình trạng cấp cứu thì có thể tiêm vắc xin cúm an toàn mà không cần ngưng thuốc đang dùng hay có lưu ý đặc biệt khác.

10. Liệu mỗi năm phải tiêm nhắc lại vắc xin cúm có cần thiết không?

Cần tiêm phòng cúm hàng năm vì hai lý do chính: virus cúm liên tục thay đổi, và mức độ bảo vệ mà vắc xin mang lại cho bạn giảm dần theo thời gian. Mỗi năm, các loại virus được sử dụng để tạo ra vắc xin được cập nhật. Điều này giúp bảo vệ bạn chống lại các loại virus cúm có nhiều khả năng lây lan trong năm đó.

11. Người bị dị ứng với trứng có thể tiêm phòng cúm không?

Hầu hết những người bị các bệnh dị ứng có thể nhận vắc xin cúm mà không gặp phải bất cứ vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu bạn đã từng bị một phản ứng dị ứng nghiêm trọng với một liều vắc xin cúm trước đây hoặc với bất cứ thành phần nào của vắc xin, hãy nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn. Bạn có thể cần được xét nghiệm dị ứng trước khi tiêm phòng cúm. Những người bị dị ứng với trứng có thể được tiêm phòng bằng vắc xin cúm bất hoạt một cách an toàn.

12. Có thể tiêm phòng cúm tại đâu?

Có thể liên hệ tiêm vắc xin phòng cúm mùa tại các địa điểm tiêm chủng trên toàn quốc như:

  • Hệ thống tiêm chủng tư nhân như VNVC, …
  • Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh
  • Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương/ Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật các tỉnh thành
  • Trung Tâm Y Tế Dự Phòng Quận, Huyện
  • Phòng Tiêm Chủng tại Bệnh Viện

Theo khuyến cáo của Trung tâm Phòng và kiểm soát bệnh tật của Mỹ (CDC), tất cả mọi người đều nên đi tiêm phòng cúm hằng năm, nhất là trước thời điểm mùa cúm xảy ra.

Vì thế, càng nên ưu tiên đưa người cao tuổi và người có bệnh nền mạn tính đi tiêm vắc xin cúm theo lịch để bảo vệ sức khỏe.

Tài liệu tham khảo

https://www.cdc.gov/flu/index.htm
http://www.bccdc.ca/health-info/diseases-conditions/influenza
https://vncdc.gov.vn/khuyen-cao-phong-chong-benh-cum-mua-nd14909.html

Tìm hiểu thêm:

VTM1298308