8 điều cần biết về hội chứng chuyển hóa
- Ngày cập nhật: 3/1/2024
Mục lục
- Hội chứng chuyển hóa là gì?
- Hội chứng chuyển hóa có thường gặp không?
- Nguyên nhân gây hội chứng chuyển hóa?
- Ai dễ mắc hội chứng chuyển hóa?
- Cần chuẩn bị trước khi đi thăm khám?
- Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh như thế nào?
- Thay đổi lối sống trong điều trị hội chứng chuyển hóa
- Bác sĩ sẽ sử dụng những thuốc nào để điều trị hội chứng chuyển hóa
1. Hội chứng chuyển hóa là gì?
Hội chứng chuyển hóa là một nhóm gồm năm tình trạng có thể dẫn đến bệnh tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm:
• Đường huyết cao
• Nồng độ HDL-Cholesterol (Cholesterol “tốt”) trong máu thấp
• Nồng độ triglyceride trong máu cao
• Vòng eo lớn
• Huyết áp caoHội chứng chuyển hóa là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khiến người mắc có nguy cơ cao bị bệnh tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ và các bệnh liên quan đến xơ vữa động mạch. Nguyên nhân của hội chứng chuyển hóa bao gồm thừa cân và béo phì, kháng insulin, ít hoạt động thể chất, yếu tố di truyền và cao tuổi.
2. Hội chứng chuyển hóa có thường gặp không?
Theo ước tính, có đến 12–37% dân số châu Á mắc hội chứng chuyển hóa.
Các nghiên cứu thực hiện tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa ở người lớn là khoảng 16%. Tỷ lệ cao nhất được thấy ở những người có nồng độ cholesterol “tốt” trong máu thấp (34,1%), và những người có nồng độ triglyceride cao (33,3%).
3. Nguyên nhân gây hội chứng chuyển hóa?
Thừa cân, béo phì là nguyên nhân chính gây ra hội chứng chuyển hóa. Các tế bào mỡ, đặc biệt là ở vùng bụng (mỡ nội tạng), làm tăng nồng độ axit béo tự do dẫn tới làm gia tăng các chất trung gian ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát đường huyết, đặc biệt là Leptin, một cytokine từ mô mỡ. Cơ thể có thể không còn đáp ứng tốt với insulin. Tình trạng này được gọi là “đề kháng insulin”.
Axit béo tự do và tình trạng kháng insulin có thể làm tăng Cholesterol “xấu” (LDL-C) và giảm Cholesterol “tốt” (HDL-C), cũng có thể làm tăng nồng độ triglyceride trong máu, và tăng huyết áp.
Ngoài ra, tế bào mỡ thừa cũng góp phần tạo ra các chất trung gian làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, tạo thành mảng bám trong thành mạch. Mảng bám nếu bong ra sẽ dẫn đến tắc nghẽn mạch máu.
Xem thêm: Các nguyên nhân gây ra hội chứng chuyển hóa
4. Ai dễ mắc hội chứng chuyển hóa?
Những yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh được chia làm 2 nhóm chính là Yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát và Yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát
Yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát bao gồm:
– Thói quen sinh hoạt không tốt:
- Không hoạt động thể chất
- Ăn uống không lành mạnh
- Không ngủ đủ giấc
- Hút thuốc và uống nhiều rượu
Người mẹ khi mang thai có những thói quen trên có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa sau này ở người con.
– Nghề nghiệp: Những người làm việc theo ca có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn vì thường có “đồng hồ sinh học” không phù hợp với môi trường sống.
Yếu tố nguy cơ không kiểm soát được bao gồm:
• Tuổi tác: Nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa tăng lên khi tuổi càng cao.
• Môi trường: Môi trường kinh tế xã hội kém có thể dẫn đến chế độ ăn uống không lành mạnh, lối sống ít vận động và thiếu ngủ.
• Tiền sử gia đình và di truyền: Nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa tăng nếu tiền sử gia đình có đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa hoặc các yếu tố nguy cơ khác.
• Tình trạng bệnh lý khác làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa như:
- Thừa cân và béo phì
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Có vấn đề về hệ miễn dịch, các phương pháp điều trị ung thư ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
- Có vấn đề về giấc ngủ, thiếu ngủ, rối loạn nhịp sinh học và ngưng thở khi ngủ
- Một số loại thuốc điều trị dị ứng, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, HIV và tâm thần phân liệt
• Giới tính: Ở người lớn tuổi, phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn nam giới. Điều này là do sự thay đổi nồng độ hormone sau khi mãn kinh.
5. Cần chuẩn bị trước khi đi thăm khám?
Để chuẩn bị cho việc thăm khám diễn ra thuận lợi, chuẩn bị trước khi thăm khám là điều cần thiết. Một số lưu ý dưới đây có thể giúp ích cho bạn đọc:
- Khi hẹn thăm khám cần nhịn ăn trước đó.
- Viết ra các triệu chứng đã gặp phải, kể cả các triệu chứng không phải là nguyên nhân dẫn tới việc đi khám.
- Viết ra các thông tin sức khỏe quan trọng. Nếu đang tự theo dõi đường huyết hoặc huyết áp tại nhà thì hãy mang theo nhật ký theo dõi.
- Liệt kê các thuốc đang dùng kể cả vitamin và thuốc bổ.
- Ghi rõ tiền sử gia đình. Đặc biệt cho bác sĩ biết nếu có người thân cùng huyết thống bị đái tháo đường, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, hoặc bị đột quỵ.
- Đi cùng người thân có thể giúp cung cấp thông tin cho bác sĩ đầy đủ hơn.
6. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh như thế nào?
Để chẩn đoán hội chứng chuyển hóa, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, các thuốc đang dùng, lối sống để xác định các yếu tố nguy cơ. Bác sĩ cũng đo vòng eo, đo huyết áp để chẩn đoán.
Xét nghiệm được thực hiện gồm xét nghiệm máu để đo đường huyết, HDL- Cholesterol, triglyceride.
Hội chứng chuyển hóa được chẩn đoán khi có từ 3 tình trạng sau trở lên:
- Béo bụng (đo bằng chu vi vòng eo), nam ≥ 90 cm, nữ ≥ 80 cm
- Triglyceride cao ( 150 mg/dL trở lên) hoặc đang dùng thuốc điều trị tăng triglyceride
- HDL- Cholesterol thấp (Nam dưới 40 mg/dL, Nữ dưới 50 mg/dL) hoặc đang dùng thuốc tăng HDL- Cholesterol
- Huyết áp cao (từ 130/85 mmHg trở lên) hoặc đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp
Đường huyết lúc đói cao (từ 100 mg/dL trở lên), hoặc đang dùng thuốc giảm đường huyết
7. Thay đổi lối sống trong điều trị hội chứng chuyển hóa
Mục tiêu chính của điều trị hội chứng chuyển hóa là giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ngăn ngừa đái tháo đường típ 2.
Thay đổi lối sống là phương pháp điều trị hội chứng chuyển hóa ban đầu. Các chuyên gia dinh dưỡng, vật lý trị liệu sẽ hỗ trợ để tìm ra chế độ ăn và chế độ tập thể dục phù hợp với mỗi người. Những điều cơ bản trong thay đổi lối sống bao gồm:
– Sử dụng thức ăn tốt cho tim mạch như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Chế độ ăn DASH cho sức khỏe tim mạch được khuyến cáo. Hạn chế chất béo bão hòa (có trong bơ, cheese, kem, thịt đỏ, mỡ động vật, dầu cọ, dầu dừa, thức ăn chiên rán), muối, đường và rượu.
Lượng chất béo bão hòa ăn vào phải ít hơn 7% tổng lượng calo, tổng lượng chất béo chiếm 25% đến 35% tổng lượng calo, cholesterol trong chế độ ăn uống cần ít hơn 200 mg/dL. Đường và thực phẩm chứa nhiều đường cần được hạn chế.
– Duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm 3 đến 5% trọng lượng khi thừa cân. Đối với người bị béo phì, giảm 7 đến 10% cân nặng trong vòng 1 năm đầu, sau đó tiếp tục giảm cân từ từ để đạt được ngưỡng BMI (cân nặng/bình phương chiều cao) mục tiêu là thấp hơn 23 kg/m2 . Chú ý duy trì cân nặng yêu cầu, tránh tăng cân trở lại.
– Tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát các yếu tố như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, thừa cân và béo phì. Khuyến khích 30 đến 60 phút vận động mỗi ngày, chẳng hạn chư đi bộ nhanh, tăng cường các hoạt động hàng ngày (chẳng hạn làm vườn, làm việc nhà). Đối với những người mới bị suy tim sung huyết, điều trị tái thông, hay có hội chứng mạch vành cấp, bác sĩ hay các chuyên gia y tế sẽ tư vấn chương trình tập luyện, có theo dõi phù hợp.
– Kiểm soát căng thẳng, thư giãn để cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất
– Bỏ hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động, yêu cầu bạn bè và thành viên gia đình không hút thuốc trong nhà, cũng đừng đến những nơi được phép hút thuốc.
– Ngủ đủ giấc, thời gian ngủ khoảng từ 7-9 tiếng một ngày đối với người lớn là phù hợp.
Xem thêm: Cách phòng tránh mắc bệnh hội chứng chuyển hóa
8. Bác sĩ sẽ sử dụng những thuốc nào để điều trị hội chứng chuyển hóa
Nếu thay đổi lối sống không hiệu quả, dùng thuốc là lựa chọn tiếp theo trong tiến trình điều trị. Người có hội chứng chuyển hóa vẫn cần tiếp tục duy trì lối sống lành mạnh.
Trường hợp rối loạn mỡ máu trong hội chứng chuyển hóa, có các nhóm thuốc điều trị như statins, fibrat, niacine…. Phối hợp thuốc sẽ được bác sĩ cân nhắc tùy thuộc các chỉ số LDL-C và Non HDL-C.
Nghiên cứu cho thấy sự kết hợp statin và 1 số fibrate có tác động làm giảm nguy cơ tim mạch so với chỉ sử dụng statin trên bệnh nhân có triglyceride cao, HDL-C thấp.
– Trường hợp có tăng huyết áp, thuốc được lựa chọn có thể là nhóm ức chế men chuyển, nhóm chẹn thụ thể angiotensin, lợi tiểu, chẹn beta.
– Trường hợp tăng đường huyết, dùng các thuốc làm giảm đường huyết bên cạnh thay đổi lối sống đã đề cập
Tùy vào tình trạng của mỗi người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các hướng điều trị dùng thuốc phù hợp.
Hy vọng bài viết trên đây giúp bạn đọc hiểu thêm về hội chứng chuyển hóa, cách thay đổi lối sống khỏe mạnh và có thêm thông tin về điều trị. Hãy cùng chia sẻ bài viết đến những người thân đang có hội chứng chuyển hóa hoặc những người có nguy cơ cao mắc bệnh, để tăng cường thông tin và hiểu biết về chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Xem thêm:
- Dấu hiệu nhận biết và đối tượng dễ bị đái tháo đường
- Cách kiểm soát rối loạn mỡ máu tại nơi làm việc
- Phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý võng mạc đái tháo đường.
Tài liệu tham khảo
1.American Heart Association. About Metabolic Syndrome. www.heart.org. Published 2016. https://www.heart.org/en/health-topics/metabolic-syndrome/about-metabolic-syndrome
2.National Heart, Lung, and Blood Institute. Metabolic Syndrome – What Is Metabolic Syndrome? | NHLBI, NIH. www.nhlbi.nih.gov. Published 2022. https://www.nhlbi.nih.gov/health/metabolic-syndrome
3.Sigit FS, Tahapary DL, Trompet S, et al. The prevalence of metabolic syndrome and its association with body fat distribution in middle-aged individuals from Indonesia and the Netherlands: a cross-sectional analysis of two population-based studies. Diabetology & Metabolic Syndrome. 2020;12(1). doi:https://doi.org/10.1186/s13098-019-0503-1
4.Dang AK, Le HT, Nguyen GT, et al. Prevalence of metabolic syndrome and its related factors among Vietnamese people: A systematic review and meta-analysis. Diabetes & Metabolic Syndrome: Clinical Research & Reviews. 2022;16(4):102477. doi:https://doi.org/10.1016/j.dsx.2022.102477
5.Nguyen SN, Tran VD, Mai Le TT, Nga HT, Thi Thi Tho N. High prevalence of metabolic syndrome among overweight adults in Vietnam based on different criteria: Results from a community-based study. Clinical Epidemiology and Global Health. 2021;12:100852. doi:https://doi.org/10.1016/j.cegh.2021.100852
6.Metabolic Syndrome – Causes and Risk Factors | NHLBI, NIH. www.nhlbi.nih.gov. https://www.nhlbi.nih.gov/health/metabolic-syndrome/causes#:~:text=Overweight%20and%20obesity%20are%20the
7.Hội chứng chuyển hóa. Hội Tim mạch học Việt Nam. Accessed November 20, 2023. http://vnha.org.vn/huyetap.vn/baiphatthanh/21.Hoi-chung-chuyen-hoa.pdf
8.Metabolic Syndrome – Diagnosis | NHLBI, NIH. www.nhlbi.nih.gov. https://www.nhlbi.nih.gov/health/metabolic-syndrome/diagnosis
9.Symptoms and Diagnosis of Metabolic Syndrome. www.heart.org. Published 2016. https://www.heart.org/en/health-topics/metabolic-syndrome/symptoms-and-diagnosis-of-metabolic-syndrome
10.Takamiya T, Zaky WR, Edmundowics D, et al. World Health Organization-Defined Metabolic Syndrome Is a Better Predictor of Coronary Calcium Than the Adult Treatment Panel III Criteria in American Men Aged 40–49 Years. Diabetes Care. 2004;27(12):2977-2979. doi:https://doi.org/10.2337/diacare.27.12.2977
11.Grundy SM, Cleeman JI, Daniels SR, et al. Diagnosis and Management of the Metabolic Syndrome. Circulation. 2005;112(17). doi:https://doi.org/10.1161/circulationaha.105.169405
12.Huang PL. A comprehensive definition for metabolic syndrome. Disease Models & Mechanisms. 2009;2(5-6):231-237. doi:https://doi.org/10.1242/dmm.001180
13.Metabolic Syndrome – Treatment | NHLBI, NIH. www.nhlbi.nih.gov. Published May 27, 2022. https://www.nhlbi.nih.gov/health/metabolic-syndrome/treatment
14.Kim NH, Han KH, Choi J, Lee J, Kim SG. Use of fenofibrate on cardiovascular outcomes in statin users with metabolic syndrome: propensity matched cohort study. BMJ. Published online September 27, 2019:l5125. doi:https://doi.org/10.1136/bmj.l5125