Ảnh hưởng của cúm trên bệnh nhân tim mạch

Bác sĩ Nguyễn Văn Tân
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Tân
Trưởng khoa Tim mạch cấp cứu và can thiệp – Bệnh viện Thống Nhất / Trưởng Bộ môn Lão khoa, Khoa Y – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
  • Ngày cập nhật: 14/8/2024

Mới đây bệnh viện chúng tôi nhận một bệnh nhân nam 58 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng ho, sốt, tức ngực, khó thở, buồn nôn, đổ mồ hôi lạnh. Anh có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, có chẩn đoán suy tim hồi năm ngoái. Qua thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ khoa Tim mạch cấp cứu và can thiệp và bác sĩ khoa Hồi sức tích cực chẩn đoán anh bị nhồi máu cơ tim cấp sau mắc cúm A, tiên lượng nặng. Sau 7 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của anh đã dần cải thiện.

Không chỉ riêng trường hợp kể trên, qua các tài liệu y văn và thực tế lâm sàng, chúng tôi nhận thấy người bệnh tim mạch khi nhiễm cúm mùa sẽ tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim đến 6 lần.

Có nhiều cơ chế được cho là làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim sau khi nhiễm cúm. Virus cúm có thể xâm nhập trực tiếp vào các động mạch, tác động đến các mảng xơ vữa, gây mất ổn định mảng xơ vữa. Từ đó dẫn đến tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và rối loạn chức năng tim. Ngoài ra, virus cúm còn có thể tác động gián tiếp thông qua phản ứng viêm toàn thân. Những chất trung gian gây viêm do cúm gây ra làm vỡ mảng xơ vữa, hình thành cục máu đông, làm trầm trọng thêm tình trạng xơ vữa động mạch và sau đó gây nhồi máu cơ tim cấp tính.

ảnh hưởng của bệnh cúm

Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, gây hoại tử cơ tim vĩnh viễn do thiếu hụt nguồn oxy cung cấp. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng phức tạp như rối loạn nhịp tim, hở van tim,…

Không chỉ nhồi máu cơ tim, cúm còn có thể gây ra nhiều hệ lụy khác cho người bệnh tim mạch như viêm cơ tim, đợt cấp của bệnh suy tim sẵn có, thuyên tắc mạch, đột quỵ… Từ đó làm tăng chi phí điều trị y tế và gánh nặng cho bệnh nhân và người nhà.

ảnh hưởng của bệnh cúm trên bệnh nhân tim mạch

Với trường hợp người bệnh suy tim ở trên, nhờ nhập viện kịp thời và đáp ứng với điều trị nên sức khỏe của anh đã cải thiện nhiều, được ra viện 2 tuần sau đó. Tôi cũng khuyên anh chủ động phòng ngừa cúm. Nếu có dấu hiệu nhiễm cúm cần nhập viện ngay vì khi bị cúm cần điều trị sớm thì mới giảm được nguy cơ gặp biến chứng tim mạch.

Tôi mong rằng, không chỉ những người suy tim mà tất cả bệnh nhân tim mạch nên tích cực phòng ngừa cúm hơn. Tiêm phòng hằng năm là biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu gánh nặng bệnh. Từ xưa đã có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, việc chủ động phòng ngừa sẽ giúp chúng ta không phải chịu những tác động tiêu cực hay những chi phí y tế đắt đỏ khi có biến chứng nặng do cúm.

bác sĩ Nguyễn Văn Tân thăm khám bệnh nhân
PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Tân

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

1. Flu Shots and Your Heart | CardioSmart – American College of Cardiology. CardioSmart. Accessed September 22, 2023. https://www.cardiosmart.org/topics/flu-shots-and-your-heart

2. Kwong JC, Schwartz KL, Campitelli MA, et al. Acute Myocardial Infarction after Laboratory-Confirmed Influenza Infection. N Engl J Med. 2018;378(4):345-353. doi:10.1056/NEJMoa1702090

3. Gopal R, Marinelli MA, Alcorn JF. Immune Mechanisms in Cardiovascular Diseases Associated With Viral Infection. Front Immunol. 2020;11:570681. Published 2020 Oct 22. doi:10.3389/fimmu.2020.570681

4. Skaarup KG, Modin D, Nielsen L, Jensen JUS, Biering-Sørensen T. Influenza and cardiovascular disease pathophysiology: strings attached. Eur Heart J Suppl. 2023;25(Suppl A):A5-A11. Published 2023 Feb 14. doi:10.1093/eurheartjsupp/suac117

5. Mechanic OJ, Gavin M, Grossman SA. Acute Myocardial Infarction. In: StatPearls. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; September 3, 2023.

6. Corral M, Castro RC, To TM, Arndorfer S, Wang S, Stephens J. Burden of influenza in patients with cardiovascular disease who receive antiviral treatment for influenza. J Med Econ. 2022;25(1):1061-1067. doi:10.1080/13696998.2022.2111910

VTM1326228 (v1.0)