Bảo vệ sức khỏe vàng: Tiêm phòng cúm cho người cao tuổi Việt Nam (Phần 1)
- Ngày cập nhật: 26/9/2024
Mục lục
I. Mở đầu: Một trường hợp nhiễm cúm bị biến chứng
Trong quá trình công tác, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp đáng tiếc vì bị biến chứng sau khi nhiễm cúm ở người cao tuổi. Một trong những trường hợp như thế là một bác trong khu phố, bác năm nay 67 tuổi, bị nhiễm cúm và có biến chứng nặng từ 2 năm trước. Tuy ở gần nhà, bác hiếm khi qua phòng khám của tôi vì sức khỏe rất tốt. Bác vẫn thường xuyên đạp xe, chơi cờ tướng, và chăm sóc vườn cây cảnh. Tuy nhiên, chỉ sau một đợt cúm mùa, sức khỏe của bác suy giảm đáng kể.
Ban đầu, bác chỉ có các triệu chứng thông thường như sốt, ho và đau nhức cơ thể. Nhưng sau một tuần, tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, bác bị biến chứng viêm phổi cấp, buộc phải nhập viện điều trị tích cực. Quá trình điều trị kéo dài gần một tháng, để lại nhiều hậu quả không mong muốn.
Sau khi xuất viện, bác không còn giữ được phong độ như trước. Bác thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, khó thở khi gắng sức và không thể đi bộ lâu. Khả năng vận động suy giảm khiến bác phải từ bỏ nhiều hoạt động yêu thích, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.
II. Thực trạng tại Việt Nam
Qua nghiên cứu và theo dõi, tôi nhận thấy Việt Nam đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng. Tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đã chiếm khoảng 12% dân số năm 2019, và theo dự báo của tổng cục thống kê sẽ tăng lên hơn 20% vào năm 2038. Sự gia tăng này đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống y tế và an sinh xã hội của nước ta [1], [2].
Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính ở Việt Nam khá cao. Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, trung bình mỗi người cao tuổi có 3 bệnh nền, chẳng hạn như tăng huyết áp, đái tháo đường hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…. Điều này làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng khi họ mắc cúm [3].
Mặc dù vậy, tỷ lệ tiêm vaccine phòng cúm ở Việt Nam đặc biệt là trong nhóm người cao tuổi vẫn còn rất thấp. Theo số liệu ước tính, dưới 6% người cao tuổi được tiêm phòng cúm hàng năm. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu 75% của Tổ chức Y tế Thế giới đối với nhóm người trên 65 tuổi [4-7].
III. Tư vấn về phòng ngừa cúm tại phòng khám
Mỗi ngày tại phòng khám, tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều bệnh nhân cao tuổi cùng gia đình. Đây là những cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa, giúp tôi hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe và mối quan tâm của họ. Ngày càng có nhiều người cao tuổi đến khám với các vấn đề sức khỏe đa dạng, từ các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh xương khớp đến những lo lắng khác về sức khỏe.
Trong quá trình tư vấn, tôi luôn đề cập đến tầm quan trọng của việc tiêm phòng cúm. Tôi giải thích rằng vaccine là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả, đặc biệt quan trọng đối với người cao tuổi do họ có nguy cơ cao gặp biến chứng nghiêm trọng do bệnh đặc biệt là cúm, phế cầu, zona…
Tuy nhiên, quá trình tư vấn không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nhiều người e ngại và từ chối tiêm phòng. Tôi thường xuyên nghe về những lo ngại từ phía người bệnh…
Xem thêm:
- Bảo vệ sức khỏe vàng: Tiêm phòng cúm cho người cao tuổi Việt Nam (Phần 2)
- Những lưu ý cho mùa cúm 2024-2025 trong bối cảnh biến đổi khí hậu
- Khuyến cáo tiêm phòng cúm cho người cao tuổi từ các hiệp hội y khoa – a:care Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
[1] UNFPA Vietnam. Già hóa dân số. UNFPA Vietnam. Published October 13, 2021. https://vietnam.unfpa.org/vi/topics/gi%C3%A0-h%C3%B3a-d%C3%A2n-s%E1%BB%91#:~:text=Vi%E1%BB%87t%20Nam%20l%C3%A0%20m%E1%BB%99t%20trong
[2] Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Molisa.gov.vn. Published 2024. Accessed August 28, 2024. https://www.molisa.gov.vn/baiviet/220529?tintucID=220529
[3] Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi. Moj.gov.vn. Published 2019. Accessed August 28, 2024. https://tgpl.moj.gov.vn/Pages/hoi-nhap-phat-trien.aspx?ItemID=1905&l=Nghiencuutraodoi#_ftn1
[4] Palache A, Oriol-Mathieu V, Abelin A, Music T. Seasonal influenza vaccine dose distribution in 157 countries (2004–2011). Vaccine. 2014;32(48):6369-6376. doi:https://doi.org/10.1016/j.vaccine.2014.07.012
[5] Nguyễn Du Trần, Nhựt Anh Lâm, Minh Trung Nguyễn, Minh Hữu Lê. NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN TIÊM NGỪA VẮC XIN CÚM MÙA Ở NGƯỜI TỪ 65 TUỔI TRỞ LÊN TẠI THÀNH PHỐ CẦN THƠ NĂM 2022-2023. Tạp chí Y Dược học Cần Thơ. 2024;(74):93-99. doi:https://doi.org/10.58490/ctump.2024i74.2442
[6] Phòng Ngừa Cúm Mùa ở Người Cao Tuổi và Người Có Bệnh Nền Mạn Tính: Liệu Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn? Thảo Luận Mở. Accessed August 28, 2024. https://www.campus.sanofi/dam/jcr:3467f700-972c-4158-9280-41a548976873/B%C3%A0i%203%20-%20Th%E1%BA%A3o%20lu%E1%BA%ADn%20m%E1%BB%9F%20-%20Li%E1%BB%87u%20ch%C3%BAng%20ta%20c%C3%B3%20th%E1%BB%83%20l%C3%A0m%20t%E1%BB%91t%20h%C6%A1n.pdf
[7] Managing seasonal vaccination policies and coverage in the European Region. Who.int. Published 2021. Accessed August 28, 2024. https://www.who.int/europe/activities/managing-seasonal-vaccination-policies-and-coverage-in-the-european-region#:~:text=In%202003%2C%20the%20World%20Health