Bệnh nhân rối loạn lipid máu nên ăn gì và kiêng gì?

Rối loạn lipid máu (rối loạn mỡ máu) là tình trạng khi một hoặc nhiều chỉ số lipid không ổn định, thường được phát hiện kèm theo các vấn đề về tim mạch, nội tiết và chuyển hóa. Nguyên nhân có thể do di truyền hoặc lối sống không lành mạnh như chế độ ăn uống không phù hợp. Vậy người bệnh rối loạn lipid máu nên ăn gì và kiêng gì? Cùng tham khảo các thông tin được a:care Việt Nam cung cấp trong bài viết sau để giải đáp.  

Cần biết gì về rối loạn lipid máu?

Rối loạn lipid xảy ra khi có lượng lipid bất thường trong máu. Trong máu có chứa 3 loại lipid chính là lipoprotein mật độ cao (HDL), lipoprotein mật độ thấp (LDL) và triglyceride (chất béo trung tính). Bạn sẽ mắc rối loạn lipid máu khi mức LDL hoặc triglyceride trong máu tăng cao hoặc mức HDL hạ xuống thấp. 

Điều cần biết về rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid xảy ra khi có lượng lipid bất thường trong máu

Nguyên tắc trong chế độ ăn của bệnh nhân rối loạn lipid máu 

Để trả lời cho câu hỏi người bệnh rối loạn lipid máu nên ăn gì và kiêng gì, cùng điểm qua một số nguyên tắc trong chế độ ăn uống để cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu dưới đây: 

  • Giảm lượng chất béo nạp vào cơ thể: Đây là nguyên tắc quan trọng nhất. Với người bình thường lượng chất béo có thể chiếm từ 22 – 25%/tổng năng lượng trong khẩu phần ăn, nhưng đối với bệnh nhân rối loạn lipid máu tỷ lệ này chỉ nên chiếm 15 – 20%. 
  • Giảm lượng cholesterol khẩu phần: Cholesterol thường có nhiều trong các loại thực phẩm như phủ tạng động vật, đồ chiên rán và đồ ăn nhanh. Đối với bệnh nhân rối loạn lipid máu nên có chế độ ăn để hạn chế lượng cholesterol nạp vào cơ thể ở mức <300mg/ngày.
  • Tăng cường chất xơ:  Chất xơ có trong rau củ và trái cây giúp làm chậm quá trình hấp thụ lipid vào máu và giúp giảm lipid máu.
  • Tăng cường thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất chống oxy hóa (A, C, E. kẽm…): Các loại rau củ màu đỏ, xanh đậm có chứa nhiều vitamin A như cải thảo, rau dền, rau ngót, xoài, chuối,.. Vitamin C có nhiều trong các cây họ có múi (bưởi, cam, quýt), cần tây, rau mùi hoặc dưa hấu.
  • Uống đủ nước: Viện dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, mỗi người nên uống 40 ml nước/kg/ngày (Ví dụ: 1 người 50 kg nên uống ~ 2 lít nước/ngày).
  • Hạn chế rượu bia, nước ngọt, thuốc lá: Hạn chế rượu bia, nước ngọt giúp người mắc rối loạn lipid giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm của bệnh như bệnh mạch vành, đột quỵ. 
  • Cách chế biến thực phẩm: Nên chọn cách chế biến hoặc các thực phẩm hấp, luộc thay cho đồ ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu mỡ.
Nguyên tắc trong chế độ ăn của người rối loạn lipid máu
Bệnh nhân rối loạn lipid máu cần tuân thủ chế độ ăn uống

Bệnh nhân rối loạn lipid máu cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống. Việc tuân thủ chế độ ăn uống và biết cách lựa chọn thực phẩm sẽ giúp người bệnh kiểm soát được cholesterol, triglycerid máu và các chỉ số khác, hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Rối loạn lipid máu nên ăn gì? 15 thực phẩm nên có trong thực đơn

Một chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu và chất béo tốt có thể giúp giảm LDL Cholesterol – đôi khi được gọi là “cholesterol xấu”.

Rau củ và trái cây tươi

Trái cây và rau củ là những loại thực phẩm không chứa cholesterol và chứa rất ít chất béo sẽ là sự lựa chọn tốt cho người bệnh rối loạn lipid máu. Có thể chọn các loại rau củ, trái cây như quả mọng, lê, cam, nho, táo, cà chua, khoai mỡ, bông cải xanh, súp lơ, cần tây, rau chân vịt, cải xoăn, rau lá xanh đậm, bí, bí xanh, cà tím và ớt chuông trong thực đơn ăn hàng ngày. 

Rau củ và trái cây
Trái cây và rau củ rất tốt cho người rối loạn lipid máu

Kiwi

Để giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm của rối loạn lipid máu, người bệnh nên bổ sung kiwi vào thực đơn. Kiwi có chứa nhiều arginine giúp tăng cường lưu thông máu, hạn chế hình thành các cục máu đông, đồng thời giảm tỷ lệ phát sinh một số bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim,… Ngoài ra, kiwi còn là thực phẩm có chứa nhiều loại vitamin C,E,K,; nhiều dinh dưỡng và chất xơ rất tốt cho người mắc bệnh. 

Tỏi

Một loại thực phẩm cần kể đến tiếp theo chính là tỏi, với tác dụng làm tăng HDL Cholesterol ; hạ cholesterol trong máu, triglyceride và LDL Cholesterol . Tỏi cũng giúp ngăn ngừa xơ cứng động mạch và ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Nó là một loại gia vị rất có giá trị để ngăn ngừa các bệnh về tim mạch. Tuy nhiên, nếu dùng tỏi không đúng cách có thể gây ra tác dụng phụ. Dùng tỏi thường xuyên có thể dễ dàng gây viêm mí mắt và viêm kết mạc. Ngoài đặc tính cay nồng, tỏi còn có đặc tính ăn mòn. Ăn quá nhiều có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày và gây loét dạ dày. Vì vậy, những người mắc bệnh về dạ dày hoặc bị kích ứng mắt không nên sử dụng.

Tỏi giúp giảm cholesterol trong máu
Tỏi giúp ngừa xơ cứng động mạch

Hành tây

Hành tây không chỉ giúp làm giảm cholesterol trong máu, cải thiện tình trạng xơ cứng động mạch mà còn có tác dụng làm giảm độ nhớt của máu, tương tự như aspirin. Người lớn tiêu thụ 60 gam hành tây mỗi ngày sẽ giúp ngăn ngừa mức cholesterol trong máu tăng cao.

Đậu nành

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ 100g đậu nành mỗi ngày giúp giảm mức cholesterol trong máu khoảng 20% ​​và đặc biệt là làm giảm nồng độ LDL Cholesterol. Ngoài ra, đậu nành còn là nguồn cung cấp protein tốt, ít chất béo nên tác động rất tích cực đến sức khỏe tim mạch.

Rong biển

Rong biển là một loại thực phẩm và là vị thuốc có ích đối với sức khỏe. Trong rong biển có nhiều iod và magie có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa hình thành mảng bám trong thành mạch. Ngoài ra, trong rong biển còn có chứa laminaria polysaccharide, một thành phần giúp giảm cholesterol toàn phần và triglycerid.

Ớt

Là loại thực vật có hàm lượng vitamin C cao nhất, ớt giúp làm giảm lượng cholesterol máu và giảm mỡ máu tự nhiên. Vì vậy, người bệnh rối loạn lipid máu nên cân nhắc bổ sung thêm ớt vào thực đơn của mình để cải thiện tình trạng bệnh. 

Ớt có lượng vitamin C cao
Ớt giúp làm giảm lượng cholesterol máu và giảm mỡ máu tự nhiên

Súp lơ

Súp lơ được biết đến là thực phẩm có chứa lượng chất xơ cao. Ngoài ra, súp lơ cũng cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, và đặc biệt là flavonoid. Flavonoid là một loại chất có tác dụng làm sạch lòng mạch, có khả năng giúp loại bỏ cholesterol tích tụ trên thành mạch, đồng thời có thể ngăn chặn sự kết tụ của tiểu cầu, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch..

Mướp đắng

Mướp đắng là một thực phẩm tốt cho sức khỏe, có chứa nhiều loại vitamin như B1, C và nhiều loại khoáng chất. Có nhiều ứng dụng tích cực của mướp đắng đối với sức khỏe, như khả năng giảm mỡ máu và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Ngoài ra, mướp đắng cũng được biết đến với khả năng kích thích sản xuất insulin, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và hỗ trợ quá trình giảm đường huyết.

Giá đỗ

Bản thân đậu xanh có tác dụng rất tốt trong việc giảm cholesterol máu, sau khi nảy mầm hàm lượng vitamin C có thể tăng cao gấp 6-7 lần. Giá đỗ xanh có vị ngọt, mát, chứa nhiều vitamin C và chất xơ, có tác dụng đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể, có thể kết hợp với chất béo trong ruột và đào thải ra ngoài. Đồng thời, còn làm tăng  chuyển hóa và bài tiết axit mật, từ đó làm giảm lượng cholesterol trong máu và giảm sự lắng đọng cholesterol ở thành động mạch.

Táo

Táo chứa nhiều pectin, một loại chất xơ hòa tan trong nước, giúp giảm mỡ máu. Pectin đã được chứng minh là làm giảm mức cholesterol trong máu. Cơ chế được giải thích là do tăng độ nhớt trong đường ruột làm giảm sự  hấp thu cholesterol từ mật hoặc thức ăn. Tuy nhiên, táo cũng chứa nhiều đường nên người bệnh tiểu đường không nên ăn quá nhiều.

Táo bổ sung thêm chất xơ
Táo chứa nhiều pectin giúp làm giảm mức cholesterol trong máu

Thịt nạc

Nên chọn những loại thịt trắng như ức gà, gà tây không da, những miếng thịt nạc như thăn lợn thay cho thịt đỏ. Đọc nhãn dinh dưỡng để đảm bảo thịt không chứa chất béo ít nhất 92%. 

Thực phẩm giàu axit béo omega-3

Omega-3 là một loại axit béo tốt cho sức khoẻ tuy nhiên không được bổ sung đầy đủ trong ăn uống. Loại axit béo này có chứa nhiều trong thịt cá như cá hồi, cá ngừ, cá trích, cà thu, cá trích hoặc trong các thực vật như quả óc chó, hạt chia và hạt lanh xay. 

Cà rốt

Cà rốt rất giàu carotene và các loại vitamin. Ngoài ra, cà rốt còn chứa 9 loại axit amin, hơn 10 loại enzyme, khoáng chất và chất xơ. Những thành phần này rất tốt cho người mắc bệnh tim mạch vành. Cà rốt cũng chứa quercetin, một loại flavonoid, được chứng minh là có tác dụng tăng lưu lượng máu đến động mạch vành, giảm lipid máu, thúc đẩy tổng hợp hormon tuyến thượng thận và hạ huyết áp.

Cà rốt
Cà rốt rất giàu carotene và các loại vitamin

Nấm

 Các loại nấm như nấm hương, linh chi và mộc nhĩ có tác dụng trong việc giảm cả cholesterol và triglycerid máu.

Xem thêm: Chế độ ăn giảm nồng độ cholesterol và triglyceride

Người bị rối loạn lipid máu kiêng ăn gì?

Thực phẩm chứa hàm lượng cholesterol cao

Người bị rối loạn nói riêng và tất cả mọi người nói chung nên tránh các loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao dưới đây để bảo vệ sức khoẻ. 

  • Đồ chiên rán: Các đồ chiên rán như thịt chiên giòn, phô mai que là những thực phẩm chứa nhiều cholesterol cần tránh. Chúng chứa nhiều calo và chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và gây bất lợi cho sức khỏe. 
  • Đồ ăn nhanh: Ăn thức ăn nhanh là yếu tố nguy cơ chính gây ra nhiều bệnh như tim mạch, tiểu đường và béo phì. Người thường xuyên ăn có xu hướng có cholesterol cao hơn, bụng mỡ nhiều hơn, huyết áp cao hơn cũng như khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu bị suy giảm.
  • Thịt chế biến sẵn: Các loại thịt đã qua chế biến như xúc xích, thịt xông khói,.. là những thực phẩm chứa nhiều cholesterol mà bạn cần hạn chế trong chế độ ăn uống của mình.
  • Đồ ngọt: Bánh quy, kem, bánh ngọt,… có xu hướng chứa nhiều cholesterol, đường bổ sung, chất béo không lành mạnh và calo. 
Một số thực phẩm chứa hàm lượng cholesterol cao
Người bị rối loạn nên tránh các loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao

Chất béo chuyển hóa

Tránh xa những loại thực phẩm có nhiều chất béo chuyển hóa như các món ăn nhẹ đóng gói (bánh ngọt, bánh quy, bánh quy giòn), một số loại bơ thực vật, bánh mì ăn sáng, bắp rang bơ, kẹo nhân kem, bánh rán, thức ăn nhanh chiên và pizza đông lạnh.

Đồ uống có cồn

Uống quá nhiều đồ uống có cồn có thể khiến tình trạng rối loạn lipid máu trở nên trầm trọng hơn thông qua việc tăng triglyceride. Trong một số trường hợp, rượu có thể là nguyên nhân gây ra mức chất béo trung tính cực cao và làm tăng nguy cơ viêm tụy. Đặc biệt, những bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa dường như dễ bị tăng triglyceride máu nặng.

Đồ uống có cồn
Uống đồ uống có cồn khiến tình trạng rối loạn lipid máu trầm trọng hơn

Đường

Ăn nhiều đường sẽ gây ra các vấn đề như tăng cân, bệnh tim mạch, tiểu đường cũng như cholesterol. Vì vậy, người bệnh rối loạn lipid máu nên hạn chế đường trong khẩu phần ăn của mình. 

Vì sao người rối loạn lipid máu cần bỏ hút thuốc lá? 

Ở phía trên chúng ta đã trả lời được câu hỏi bệnh nhân rối loạn lipid máu nên ăn gì và kiêng gì, tiếp theo sau đây là những lý do tại sao những mắc rối loạn lipid máu cần bỏ hút thuốc lá. 

  • Trên thực tế, những người hút thuốc có khả năng phát triển bệnh tim cao gấp 2 đến 4 lần và nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi người không hút thuốc.
  • Khi phổi hấp thụ khói thuốc lá sẽ làm giảm mức HDL; tăng mức LDL; làm cho máu đặc hơn, dính hơn và dễ đông máu hơn; làm tổn thương các tế bào mạch máu và động mạch; gây dày và hẹp mạch máu.
  • Hợp chất acrolein có trong khói thuốc lá làm ngăn cản HDL trong máu vận chuyển LDL ra khỏi động mạch đến gan. Điều này cho thấy khói thuốc lá không chỉ làm tăng sự tích luỹ LDL mà còn làm suy yếu khả năng phục hồi tổn thương do LDL gây ra.
Tránh xa thuốc lá
Người hút thuốc có nguy cơ đột quỵ cao

Người bị rối loạn lipid máu cần lưu ý gì trong sinh hoạt hàng ngày?

Khi chế biến thức ăn: 

Khi chuẩn bị bữa ăn cố gắng giảm hàm lượng chất béo trong thịt bằng cách: chọn những miếng thịt nạc không có mỡ, cắt bỏ phần mỡ hoặc sụn còn sót lại trên thịt và bỏ phần da, nướng hoặc quay thịt thay vì chiên với bơ hoặc dầu. Với trái cây và rau quả, tránh thêm quá nhiều muối, đường, bơ hoặc dầu hạt cải. 

Ăn vào thời gian nào:

Nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều vào ban đêm có mức LDL Cholesterol  cao hơn những người ăn vào ban ngày. Ngoài ra một số nghiên cứu về tác động của bỏ bữa cho thấy những người bỏ bữa sáng có LDL Cholesterol  cao hơn, những người bỏ bữa tối có nhiều triglyceride hơn, tỷ lệ cholesterol toàn phần và HDL cao hơn.

Người bị rối loạn lipid máu cần cải thiện gì trong sinh hoạt?
Việc tăng cường hoạt động thể chất là rất quan trọng

Thay đổi lối sống:

Các bác sĩ sẽ điều chỉnh chế độ ăn có hàm lượng cholesterol cao dựa trên tình trạng và hồ sơ sức khỏe tổng thể của bạn. Đôi khi thay đổi cách ăn uống không đủ để giảm cholesterol thì việc thay đổi lối sống lành mạnh như tăng cường hoạt động thể chất và giảm cân là rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu các biện pháp không thành công, bác sĩ điều trị sẽ phải kê đơn thuốc điều trị cho bạn. 

Như vậy, việc lựa chọn thực phẩm phù hợp và duy trì một lối sống lành mạnh có thể giúp kiểm soát rối loạn lipid máu và giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tim mạch. Đồng thời, thay đổi này cũng mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe tổng thể, làm tăng chất lượng cuộc sống và sự hài lòng với bản thân. Hy vọng những thông tin được a:care Việt Nam cung cấp trên đã giúp bạn trả lời được câu hỏi rối loạn lipid máu nên ăn gì, kiêng gì.

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

1. VN​CDC. Rối loạn chuyển hóa lipid máu. https://vncdc.gov.vn/roi-loan-chuyen-hoa-lipid-mau-nd14588.html 

2. Healthline. Dyslipidemia: What You Need to Know. https://www.healthline.com/health/dyslipidemia

3. Bệnh viện 108. Chế độ ăn cho bệnh nhân rối loạn lipid máu trong những ngày Tết. benhvien108.vn/che-do-an-cho-benh-nhan-roi-loan-lipid-mau-trong-nhung-ngay-tet.htm   

4. Webmd. Foods to Eat and Avoid for High Cholesterol. https://www.webmd.com/cholesterol-management/heart-health-foods-to-buy-foods-to-avoid 

5. Rối loạn chuyển hóa lipid máu nên ăn gì? http://benhvien108.vn/roi-loan-chuyen-hoa-lipid-mau-nen-an-gi.htm 

6. Van de Wiel A. The effect of alcohol on postprandial and fasting triglycerides. Int J Vasc Med. 2012;2012:862504. doi:10.1155/2012/862504

7. Healthline. Can Smoking Affect Your Cholesterol? https://www.healthline.com/health/smoking-and-cholesterol   

8. Verywellhealth. High Cholesterol Diet: What to Eat and Avoid. https://www.verywellhealth.com/foods-to-eat-on-a-low-cholesterol-diet-697531 

VTM1300336 (v1.0)