Cách ứng phó với những vấn đề thai kỳ thường gặp
Mục lục
- Sảy thai/ Dọa sảy thai
- Xử trí sẩy thai/ Dọa sảy thai
- Vỡ ối sớm
- Các lựa chọn điều trị vỡ ối sớm
- Chuyển dạ và sinh non
- Các lựa chọn điều trị chuyển dạ và sinh non
- Tiền sản giật
- Các lựa chọn điều trị tiền sản giật
- Đái tháo đường thai kỳ
- Các lựa chọn điều trị đái tháo đường thai kỳ
- Tôi nên làm gì để giảm nguy cơ biến chứng trong thai kỳ?
- Đối phó với biến chứng
Mang thai là một giai đoạn đặc biệt trong cuộc sống của người phụ nữ, và trong thời kỳ này, cơ thể phải đối mặt với nhiều thay đổi và yêu cầu mới để bảo vệ cả mẹ và bé. Để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn, các bà bầu cần thực hiện các biện pháp đề phòng các biến chứng có thể phát sinh trong suốt 9 tháng mang thai và trong quá trình sinh nở. Sau đây a:care Việt Nam sẽ đưa ra một số cách ứng phó với những biến chứng thai kỳ thường gặp.
Sảy thai/ Dọa sảy thai
Sảy thai là một thuật ngữ được dùng cho trường hợp một thai kỳ kết thúc trong vòng 20 tuần đầu của thai kỳ. Không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân gây sảy thai.
Nếu sảy thai trong ba tháng đầu (sẩy thai sớm), người ta cho rằng những trường hợp này thường liên quan đến nhiễm sắc thể khiến bào thai phát triển bất thường.
Nếu sảy thai trong ba tháng giữa (tuần thứ 14-20), đôi khi nguyên nhân đến từ vấn đề sức khỏe tiềm ẩn ở người mẹ.
Dọa sẩy thai là tình trạng đau bụng kèm chảy máu âm đạo từ tử cung trong 20 tuần đầu của thai kỳ, có thể kèm thêm đau lưng. Khi có các dấu hiệu trên, cổ tử cung vẫn đóng. Một số trường hợp có thể tránh được bằng cách tìm tư vấn y tế và điều trị của bác sĩ.
Dọa sẩy thai xảy ra ở khoảng 20% phụ nữ có thai và trong số những phụ nữ bị dọa sẩy thai, khoảng 12% sẽ dẫn đến sẩy thai thực sự. Điều quan trọng cần nhớ là trong hầu hết trường hợp, sẩy thai không phải là lỗi của bất kỳ ai.
Các dấu hiệu cần lưu ý
- Đau lưng và/hoặc co thắt dạ dày từ nhẹ đến nặng (thường nặng hơn so với co thắt thông thường trong kỳ kinh nguyệt).
- Chất nhầy âm đạo có màu trắng-hồng.
- Cơn co bóp (rất đau, xảy ra mỗi 5-20 phút).
- Chảy máu màu nâu hoặc màu đỏ tươi, có hoặc không có co thắt.
- Chất giống như cục máu đông lớn đi ra từ âm đạo.
- Giảm đột ngột các dấu hiệu hoặc triệu chứng của mang thai.
- Đôi khi, các dấu hiệu trên không rõ ràng, vì vậy nên khám thai định kỳ.
Xử trí sẩy thai/ Dọa sảy thai
Nếu bạn có các triệu chứng dọa sảy thai, có thể bạn sẽ được siêu âm để kiểm tra tình trạng của thai nhi.
Nếu thai kỳ vẫn đang tiến triển nhưng có một số dấu hiệu bất thường, bạn sẽ được chỉ định điều trị “dọa sẩy thai”, được khuyên nghỉ ngơi và tránh bất kỳ sự gắng sức nào.
Bạn cũng có thể được điều trị hỗ trợ bằng phương pháp hoàng thể bằng progestogen (liên quan đến nội tiết progesterone) để giúp duy trì thai kỳ.
Bạn có thể cảm thấy lo ngại khi phải dùng thuốc trong thai kỳ. Nhưng trong một số trường hợp, thuốc là điều cần thiết cho thai kỳ khỏe mạnh và con bạn phát triển tốt. Hãy nghe theo lời khuyên của bác sĩ.
Nếu không may bạn bị sảy thai, chắc chắn phải kết thúc thai kỳ. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về các lựa chọn xử trí thích hợp.
Trong một số trường hợp, thai có thể ra khỏi âm đạo một cách tự nhiên trong một hoặc hai tuần. Đôi khi cần dùng thuốc hỗ trợ ra thai hoặc tiểu phẫu để lấy thai ra.
Sẩy thai ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn cảm xúc của người phụ nữ. Do đó, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi để hồi phục thể chất lẫn tinh thần trước khi quay về nhịp sống ngày thường.
Vỡ ối sớm
Vỡ ối sớm (PROM) là khi túi nước ối bao quanh em bé trong tử cung vỡ ra trước khi bạn chuyển dạ. Nhiều phụ nữ sẽ chuyển dạ trong vòng 24 giờ khi có vỡ ối. Ối vỡ sớm được định nghĩa là khi túi ối vỡ ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Vỡ ối càng sớm thì càng nghiêm trọng đối với bạn và con bạn vì nhiễm khuẩn có thể xảy ra.
Các dấu hiệu cần lưu ý
Nước ối có thể chảy thành dòng hoặc nhỏ giọt khiến bạn tưởng lầm là nước tiểu. Nước ối trong suốt hoặc màu hơi hồng. Đôi khi nước ối có thể có màu nâu xanh hoặc hơi nhuốm máu.
Các lựa chọn điều trị vỡ ối sớm
Vỡ ối sớm thường được chẩn đoán bằng kiểm tra âm đạo. Việc siêu âm cũng có thể được sử dụng để giúp ước tính lượng nước ối xung quanh em bé. Bác sĩ sẽ khám để xác định xem túi ối của bạn có bị vỡ hay không.
Một khi bị vỡ ối sớm, bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Hầu hết các trường hợp sẽ tự chuyển dạ trong tuần đầu tiên sau khi vỡ ối.
Bạn có thể được điều trị để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và giảm nguy cơ cho con vì phải sinh ra sớm. Một liệu trình tiêm Corteroid cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ cho sự phát triển của phổi em bé.
Chuyển dạ và sinh non
Sinh non được định nghĩa là sinh con trước 37 tuần.
Các dấu hiệu cần lưu ý
- Co thắt tử cung nhẹ hoặc dữ dội, có thể kèm đau lưng.
- Ra nhớt hồng (khi các nút nhầy bịt kín cổ tử cung trong thời kỳ mang thai đi ra khỏi âm đạo).
- Vỡ ối đột ngột.
Các lựa chọn điều trị chuyển dạ và sinh non
Nếu có các dấu hiệu và triệu chứng của chuyển dạ sớm, bạn cần đến bệnh viện để được đánh giá và theo dõi.
Nếu xác định tình trạng chuyển dạ sớm, các bác sĩ có thể cho dùng thuốc (thuốc chống co bóp tử cung) để ngăn các cơn co bóp tạm thời. Điều này hy vọng sẽ cho phép có đủ thời gian để tiêm corteroid. Corteroid có thể làm giảm nguy cơ em bé bị các biến chứng do sinh ra rất sớm (đặc biệt là khó thở và chảy máu). Trong một số tình huống nghiêm trọng, nghỉ ngơi tại giường và dùng thuốc là cần thiết để giúp thai kỳ phát triển đủ tháng.
Tiền sản giật
Tiền sản giật là tình trạng được chẩn đoán khi người phụ nữ mang thai có huyết áp cao, có thể có protein trong nước tiểu và cơ thể bị phù do giữ nước. Tình trạng này cần được điều trị nhanh chóng để tránh các biến chứng có thể đe dọa sự an toàn của mẹ và bé, bao gồm các cơn co giật (sản giật) và rối loạn chức năng gan nghiêm trọng.
Tiền sản giật ảnh hưởng đến khoảng 2-6% số trường hợp mang thai lần đầu tiên.
Điều quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ các triệu chứng, thường xuyên kiểm tra huyết áp, lượng protein trong nước tiểu và có thể làm các xét nghiệm máu để đánh giá bạn có bị tiền sản giật không và mức độ nghiêm trọng của nó.
Các dấu hiệu cần lưu ý
Cao huyết áp thai kỳ là tình trạng rất phổ biến trong quá trình mang thai và là một yếu tố nguy cơ gây ra tiền sản giật hoặc thai nhẹ cân.
TIỀN SẢN GIẬT NHẸ: huyết áp cao, giữ nước (sưng phù, đặc biệt là ở mắt cá chân và mặt) và có protein trong nước tiểu.
TIỀN SẢN GIẬT NẶNG: Nhức đầu, nhìn mờ, không chịu được ánh sáng chói, mệt mỏi, buồn nôn/ nôn, lượng nước tiểu ít, đau vùng bụng trên bên phải, hơi thở ngắn và có khuynh hướng dễ bị bầm tím.
Liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bị nhìn mờ, nhức đầu dữ dội, đau bụng, và hoặc đi tiểu rất thường xuyên.
Các lựa chọn điều trị tiền sản giật
Cách xử trí tốt nhất đối với tiền sản giật là chấm dứt thai kỳ, để em bé chào đời.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào thời điểm dự sinh và tình trạng phát triển của con, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định cho việc mẹ sinh con hoặc sử dụng thuốc kiểm soát huyết áp để duy trì thai kỳ đến thời kỳ thích hợp cho việc sinh con an toàn.
Đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến khoảng 2-5% phụ nữ mang thai.
Lượng glucose trong máu được kiểm soát bởi một nội tiết được gọi là insulin. Tuy nhiên trong thai kỳ, một số phụ nữ có lượng glucose trong máu cao hơn bình thường và cơ thể của họ không sản xuất đủ insulin để vận chuyển tất cả glucose vào trong tế bào. Trong hầu hết các trường hợp, đái tháo đường thai kỳ biến mất sau khi người phụ nữ sinh con. Mức glucose cao có thể dẫn đến em bé to hơn mức trung bình.
Các dấu hiệu cần lưu ý
Thông thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng trong trường hợp bị đái tháo đường thai kỳ, nhưng các triệu chứng có thể bao gồm:
- Khát nước nhiều, đi tiểu nhiều lần
- Mệt mỏi, buồn nôn
- Nhiễm khuẩn bàng quang, âm đạo hoặc da tái phát
- Nhìn mờ
- Em bé to hơn mức trung bình trong giai đoạn mang thai
Các lựa chọn điều trị đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ thường có thể được kiểm soát bằng chế độ ăn và tập luyện. Một số phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ cần dùng insulin để kiểm soát nồng độ glucose trong máu.
“Hãy lắng nghe lời khuyên của bác sĩ và tuân thủ kế hoạch chăm sóc bác sĩ đưa ra.”
Tôi nên làm gì để giảm nguy cơ biến chứng trong thai kỳ?
Cơ hội tốt nhất để có thai kỳ khỏe mạnh và an toàn là khi diễn tiến thai kỳ và các biến chứng có thể gặp được kiểm soát tốt.
Một số phụ nữ có vấn đề về sức khỏe trước khi mang thai cần được chăm sóc đặc biệt hơn trong thai kỳ.
Các biến chứng phát sinh trong thai kỳ có thể liên quan đến sức khỏe của người mẹ, sức khỏe của con, hoặc cả hai. Khi gặp biến chứng, các bà mẹ thường rất lo lắng. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng các biến chứng chỉ là thường gặp hay hiếm gặp và có nhiều cách để xử trí chúng.
Hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ, quan tâm đến chế độ ăn, vận động giúp cả bạn và con khỏe mạnh, giảm nguy cơ sẩy thai cũng như các biến chứng khác.
- Không hút thuốc trong thai kỳ
- Không uống rượu trong thai kỳ
- Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng
- Cân nặng khỏe mạnh trước khi mang thai
- Hỏi bác sĩ trước khi dừng bất kỳ loại thuốc nào bạn uống hoặc uống bất kỳ loại thuốc mới nào
Đối phó với biến chứng
- Xử trí các biến chứng là giai đoạn khó khăn khi bạn luôn cảm thấy lo lắng cho tình trạng của con.
- Hãy nhớ rằng bác sĩ sẽ giúp bạn đưa ra những lời khuyên hữu ích để cả bạn và con khỏe mạnh.
- Đồng thời, hãy chia sẻ nỗi lo lắng cũng như tình trạng hiện tại của bạn với người bạn đời và gia đình để cùng nhau tìm hiểu và vượt qua giai đoạn này.
- Lời khuyên
- Viết ra mọi câu hỏi và hỏi bác sĩ trong lần khám tới.
- Hỏi bác sĩ nơi bạn có thể tìm hiểu thông tin chính xác hơn như các trang web uy tín.
- Nói chuyện với bạn bè, một thành viên đáng tin cậy trong gia đình hoặc bạn bè. Sự giao tiếp rất quan trọng vì nó giúp bạn giải tỏa căng thẳng để cùng nhau tìm ra giải pháp.
Tóm lại, thai phụ nên khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi. Gia đình cùng người thân cần tìm hiểu thông tin về những biến chứng thai kỳ để luôn chủ động xử lý tình huống. Khi có những dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán.
Tìm hiểu thêm cách chăm sóc thai phụ và thai nhi qua loạt bài viết về các giai đoạn của thai kỳ:
Những câu hỏi thường gặp trong 3 tháng đầu thai kỳ
Những câu hỏi thường gặp trong 3 tháng giữa thai kỳ
Những câu hỏi thường gặp trong 3 tháng cuối thai kỳ
Xem thêm các bài viết khác: