Các câu hỏi nên chuẩn bị trước khi gặp bác sĩ tim mạch
Mục lục
Gặp và trao đổi với bác sĩ là việc tưởng đơn giản, nhưng lại rất phức tạp bởi trao đổi ra sao để bác sĩ nắm rõ tình trạng bệnh tình và đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp cần rất nhiều sự chuẩn bị. Vì vậy nếu bạn đang có dự định đi gặp bác sĩ tim mạch, hãy tham khảo ngay những câu hỏi nên chuẩn bị trước khi trao đổi với bác sĩ tim mạch mà a:care Việt Nam liệt kê dưới đây.
Tại sao phải đi khám bác sĩ?
Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc gặp khó khăn trong việc điều trị, các bác sĩ có thể hỗ trợ bạn về những gì liên quan đến sức khoẻ. Bằng cách trao đổi rõ ràng với các bác sĩ, bạn sẽ nhận được những lời khuyên và phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.
Các bác sĩ có thể giúp bạn giải đáp mọi câu hỏi và băn khoăn về những gì liên quan đến sức khoẻ. Khi nắm được tình trạng sức khỏe của bạn, bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên phù hợp về cách kiểm soát bệnh lý và giảm nguy cơ tiến triển bệnh tim mạch.
Để trao đổi suôn sẻ với bác sĩ, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng những thắc mắc cần giải đáp trước khi đến buổi hẹn khám.
Lí do cần bác sĩ kiểm tra nồng độ mỡ trong máu
Rối loạn mỡ máu thường không có triệu chứng rõ ràng, nhưng có một số người sẽ có nguy cơ bị rối loạn mỡ máu cao hơn. Những người có người thân có nồng độ cholesterol cao sẽ có nguy cơ cao bị rối loạn mỡ máu khi còn trẻ.
Với trường hợp này, bạn cần thực hiện xét nghiệm máu đơn giản để ngăn ngừa các biến chứng. Hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh nên kiểm tra nồng độ cholesterol 4-6 năm/lần. Khám sức khỏe thường xuyên là việc cần thiết khi tuổi tác của bạn tăng lên.
Một số người có thể sẽ phải kiểm tra nồng độ cholesterol thường xuyên hơn. Đó là những bệnh nhân mắc bệnh tim, đái tháo đường hoặc gia đình có tiền sử có nồng độ cholesterol cao. Bác sĩ sẽ là người phù hợp nhất để giải thích kết quả và cho bạn biết cách kiểm soát mức cholesterol dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn.
Hãy chuẩn bị kỹ lưỡng, chia sẻ và mô tả rõ tình trạng của bạn!
Để cuộc hẹn khám với bác sĩ có hiệu quả nhất, bạn cần có sự chuẩn bị cần thiết. Trước khi đến khám, bạn có thể chuẩn bị trước một số câu hỏi cho bác sĩ:
A. Đặt câu hỏi liên quan đến xét nghiệm nồng độ cholesterol
Đầu tiên là một số câu hỏi về nồng độ Cholesterol, để có thêm những thông tin hữu ích bạn có thể hỏi một số câu hỏi sau đây:
- Chỉ số cholesterol của tôi có ý nghĩa gì?
- Chỉ số cholesterol mà tôi cần đạt là bao nhiêu?
- Tôi nên kiểm tra nồng độ cholesterol bao lâu một lần?
- Tôi có cần tập thể dục không? Nên tập bài tập nào và tần suất như thế nào?
- Tôi có cần giảm cân không? Giảm bao nhiêu? Và tôi nên theo chế độ ăn uống nào?
B. Đặt câu hỏi liên quan đến các triệu chứng của bạn
Khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng mà bạn gặp phải. Bạn nên nói cho bác sĩ tất cả các triệu chứng mình gặp phải trong những tháng qua.
C. Đánh giá nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
Ngoài các câu hỏi liên quan đến chỉ số cholesterol, bạn nên nhờ bác sĩ đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim. Bạn có thể đặt các câu hỏi sau:
- Yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim của tôi là gì?
- Tôi có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ không?
- Dấu hiệu cảnh báo cho bệnh tim hay đột quỵ là gì?
- Tôi có thể làm giảm nguy cơ của mình bằng cách nào?
D. Trao đổi về cách thay đổi lối sống tốt nhất theo tình trạng sức khỏe của bạn
Thay đổi lối sống là chủ đề quan trọng cần trao đổi với bác sĩ. Việc thực hiện những thói quen sống lành mạnh phù hợp với tình trạng sức khỏe là điều cần thiết để giảm nồng độ cholesterol và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Dưới đây là một số câu hỏi mà bạn có thể hỏi bác sĩ:
Liên quan đến chế độ ăn uống:
Tiếp theo sẽ là một số những câu hỏi về chủ đề thực phẩm, chế độ ăn uống phù hợp mà bạn có thể tham khảo:
- Tôi nên ăn những loại thực phẩm nào?
- Tôi nên tránh những loại thực phẩm nào?
- Tôi có nên hạn chế lượng calo hoặc chất béo nạp vào cơ thể ở một mức nhất định không?
- Tôi có cần đi khám chuyên gia dinh dưỡng không? Nếu cần, bác sĩ có thể giới thiệu cho tôi một chuyên gia không?
- Làm cách nào để đọc thông số có trên nhãn thực phẩm?
- Làm cách nào để kiểm soát khẩu phần ăn? Tôi nên ăn bao nhiêu muối?
Liên quan đến hoạt động thể chất:
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là một số câu hỏi về hoạt động thể chất, việc rèn luyện thể chất một cách khoa học sẽ mang đến một sức khoẻ tốt cho cơ thể.
- Tại sao cần phải vận động thường xuyên?
- Tôi có thể tập thể dục không?
- Tôi có thể chơi thể thao không?
- Loại hoạt động thể chất nào phù hợp nhất với tôi?
- Tôi cần vận động ở cường độ nào?
Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều câu hỏi mà bạn có thể hỏi. Bạn nên thẳng thắn trao đổi và nhớ rằng không có câu hỏi nào là không nên hỏi cả.
Bạn đã từng cảm thấy căng thẳng, nản lòng hay mất phương hướng sau khi nghe bác sĩ giải thích? Đừng lo lắng. Dưới đây là một số mẹo có thể giúp bạn trao đổi với bác sĩ dễ ràng hơn.
Các mẹo đơn giản giúp bạn dễ dàng trao đổi với bác sĩ
Các chuyên gia y tế đôi khi đưa ra thông tin khó hiểu.
A. Yêu cầu làm rõ
Đừng ngại hỏi lại để hiểu rõ thông tin hơn, chẳng hạn “Bác sĩ nói rõ hơn được không? và “Tôi không hiểu, bác sĩ có thể giải thích đơn giản hơn được không?”
B. Diễn đạt bằng cách khác
Để đảm bảo bạn hiểu rõ những điều bác sĩ nói, bạn có thể diễn đạt lại theo cách hiểu của mình. Cuối buổi trò chuyện, hãy cố gắng liệt kê lại thông tin. Bạn có thể nói như sau: “Bác sĩ nói là tôi nên…” và “Chúng ta đã thống nhất là sẽ….”
C. Viết lại các thông tin
Hãy viết lại tất cả thông tin bác sĩ cung cấp trong hoặc sau buổi khám. Trước khi viết bất kỳ thông tin nào, hãy tóm lược lại thông tin mà bạn hiểu từ lời giải thích của bác sĩ. Sau buổi tư vấn, hãy tóm lược lại với bác sĩ tất cả thông tin bạn viết để đảm bảo bạn hiểu rõ và chính xác tất cả thông tin.
Bạn cũng nên chia sẻ những trở ngại về thể chất và tâm lý, cảm xúc và những mối bận tâm của mình. Đừng ngại chia sẻ với bạn bè và gia đình; vì bạn không hề đơn độc trên hành trình này!
Bạn cần ghi nhớ những bước quan trọng sau:
1. Chuẩn bị một danh sách câu hỏi,
2. Yêu cầu làm rõ và hỏi lại nếu không hiểu,
3. Kiểm tra lại những điều bác sĩ đã nói trong suốt buổi khám,
4. Và viết lại tất cả các thông tin.
Hãy trao đổi hiệu quả với bác sĩ trong buổi khám để có bước đầu điều trị thuận lợi hơn! Hãy trao đổi với bác sĩ về những khó khăn bạn gặp phải khi đối mặt với bệnh rối loạn mỡ máu. Hy vọng với những thông tin trên củaa:care Việt Nam, bạn sẽ có được buổi trao đổi chất lượng cùng bác sĩ tim mạch.
Xem thêm:
- Rối loạn mỡ máu ảnh hưởng như thế nào đến tim mạch?
- Chế độ ăn giảm nồng độ cholesterol và triglyceride
- Cách phòng ngừa bệnh rối loạn lipid máu
Tài liệu tham khảo
1.British Heart Foundation, Focus on: Familial hypercholesterolemia, https://www.bhf.org.uk/informationsupport/heart-matters-magazine/medical/familial-hypercholesterolaemia#:~:text=About%20one%20in%20250%20people,even%20know%20they%20have%20it., Accessed November 9, 2020
2.Centers for Disease Control and Prevention. Getting Your Cholesterol Checked. https://www.cdc.gov/cholesterol/cholesterol_screening.htm#:~:text=Most%20healthy%20adults%20should%20have,their%20cholesterol%20checked%20more%20often Published 2020. Accessed October 30, 2020
3.American Heart Association. Cardiac Rehab Questions for Your Healthcare Professional. https://www.heart.org/en/health-topics/cardiac-rehab/communicating-with-professionals/cardiac-rehab-questions-for-your-healthcare-professional Published 2020. Accessed October 30, 2020.
4.American Heart Association. Preparing for Medical Visits. https://www.heart.org/en/health-topics/cardiac-rehab/communicating-with-professionals/preparing-for-medical-visits Published 2020. Accessed October 30, 2020.