Các thuốc sử dụng trong điều trị khó tiêu chức năng thể khó chịu sau ăn
- Ngày cập nhật: 28/8/2024
Mục lục
Thuốc trợ vận động tiêu hóa (prokinetic) là lựa chọn chính trong điều trị khó tiêu chức năng thể khó chịu sau ăn. Nếu triệu chứng không cải thiện, bác sĩ có thể kết hợp thêm thuốc ức chế bơm proton (PPI) và/hoặc thuốc chống trầm cảm (khi cần thiết). Bài viết này sẽ giải thích thêm về các prokinetic được sử dụng phổ biến trên lâm sàng hiện nay.
1. Itopride
Itopride hydrochloride là prokinetic uống, được chỉ định để điều trị các triệu chứng do viêm dạ dày mạn như cảm giác đầy chướng bụng, đau bụng trên, chán ăn, ợ nóng, buồn nôn và nôn.
Itopride có cơ chế tác dụng kép. Thuốc làm tăng nồng độ acetylcholine và đối kháng với dopamin, từ đó thúc đẩy vận động dạ dày, tăng áp lực cơ thắt thực quản dưới, tăng tốc độ làm rỗng dạ dày và cải thiện sự phối hợp vận động giữa dạ dày và tá tràng.
Tác dụng của itopride đặc hiệu với đường tiêu hóa trên, giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng khó tiêu, chướng bụng, đồng thời có nhiều ưu điểm về độ an toàn so với các prokinetic khác.
Thuốc không qua được hàng rào máu não, nên không gây tác dụng phụ liên quan đến thần kinh trung ương như hội chứng ngoại tháp. Itopride được ghi nhận không kéo dài khoảng QT nên không gây loạn nhịp tim do QT kéo dài. Thuốc cũng ít tương tác thuốc hơn so với các prokinetic khác.
2. Domperidone
Hiện nay, domperidone không còn được khuyến cáo sử dụng cho khó tiêu chức năng, mà chỉ dùng để điều trị nôn và buồn nôn với thời gian điều trị không quá 1 tuần. Trong một số trường hợp thuốc này có thể gây tác dụng phụ trên tim mạch (kéo dài khoảng QT trên diện tâm đồ, tăng nguy cơ loạn nhịp tim), tương tác với kháng sinh nhóm macrolide và thuốc kháng nấm, cũng như gây chảy sữa ở nữ, nữ hóa tuyến vú ở nam.
3. Mosapride
Mosapride kích thích các thụ thể serotonin trong đường tiêu hóa, tăng giải phóng acetylcholine dẫn đến cải thiện chức năng nhu động và làm rỗng dạ dày. Thuốc có khả năng thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày.
Thuốc có thể tương tác với kháng sinh nhóm macrolide như erythomycin.
4. Metoclopramide
Metoclopramid đối kháng với tác dụng của dopamin, tăng cường tác dụng của acetylcholin ở đường tiêu hóa. Nhờ đó, thuốc làm tăng nhu động của hang vị, tá tràng, hỗng tràng, giảm độ giãn phần trên dạ dày, làm dạ dày rỗng nhanh.
Metoclopramide có thể đi qua hàng rào máu não, có thể gây ra hội chứng ngoại tháp là các rối loạn vận động ngoại biên như tay chân run rẩy, cứng cơ, múa giật, đi lại chậm chạp,…..
Thuốc có thể gây kéo dài khoảng QT trên diện tâm đồ, tăng nguy cơ loạn nhịp tim và gây chảy sữa ở nữ, nữ hóa tuyến vú ở nam.
Sau khi sử dụng thuốc trợ vận động tiêu hóa, nếu triệu chứng không cải thiện, bác sĩ có thể kết hợp thêm thuốc ức chế bơm proton và/hoặc thuốc chống trầm cảm.
Tóm lại, với sự chăm sóc và điều trị phù hợp từ bác sĩ chuyên khoa, người bệnh hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng khó tiêu và có được chất lượng sống tốt hơn. Điều quan trọng là cần tuân thủ phác đồ điều trị để bác sĩ có thể theo dõi đáp ứng thuốc và các tác dụng ngoại ý của thuốc (nếu có). Chúc các bạn sớm tìm lại một hệ tiêu hóa khỏe mạnh!
Xem thêm:
- Hiểu sâu hơn về khó tiêu chức năng: Khó chịu sau ăn và đau bụng vùng thượng vị
- Khó tiêu chức năng: những điều người bệnh thường thắc mắc
- Khi nào cần thăm khám bác sĩ vì đầy bụng khó tiêu?
Tài liệu tham khảo:
[1] Stanghellini V, Chan FK, Hasler WL, et al. Gastroduodenal Disorders. Gastroenterology 2016;150:1380–92.
[2] Aurobindo Pharma – Milpharm Ltd. Summary of product characteristics, Domperidone 10 mg tablets. EMC, 2020. Available from: http://www.medicines.org.uk/emc/product/556/smpc.
[3] Accord-UK Ltd. Summary of product characteristics, Metoclopramide 10 mg tablets. EMC, 2020. Available from: http://www.medicines.org.uk/emc/medicine/24123.
[4] Huang X, Lv B, Zhang S, Fan YH, Meng LN. Itopride therapy for functional dyspepsia: a
meta-analysis. World J Gastroenterol 2012;18:7371–7.
[5] Abbott Laboratories. Itopride hydrochloride Company Core Data Sheet. Approved November 28, 2016.
[6] Abbott Laboratories. Summary of product characteristics, Itopride hydrochloride 50 mg tablets.
[7] Curran MP, Robinson DM. Mosapride in gastrointestinal disorders. Drugs. 2008;68(7):981-991. doi:10.2165/00003495-200868070-00007