Các Triệu Chứng Cúm A Ở Trẻ Mà Cha Mẹ Cần Lưu Ý
Mục lục
Cúm A ở trẻ là một bệnh liên quan đến đường hô hấp do vi rút gây ra. Để làm giảm những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe con trẻ, việc phòng ngừa bệnh và điều trị kịp thời khi nhiễm bệnh là vô cùng quan trọng. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn hãy cùng a:care Việt Nam tìm hiểu cáctriệu chứng cúm A ở trẻ và cách phòng bệnh ngay sau đây nhé.
Bệnh cúm A là gì?
Bệnh cúm A là một loại bệnh nhiễm nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút gây ra và lây lan nhanh từ người sang người. Cúm A lây nhiễm cho trẻ em và thanh thiếu niên nhiều hơn ở những người trưởng thành.
Cúm A có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến đường hô hấp của trẻ nhỏ. Theo ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, có khoảng 44% ca bệnh cúm A nhập viện là trẻ dưới 5 tuổi. Trong đó, nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, 45% trẻ mắc cúm A vào viện có hiện tượng co giật, 6% có biểu hiện viêm não.
Xem thêm: Cúm mùa từ A-Z: Những điều cần biết về bệnh cúm mùa
Các triệu chứng cúm A ở trẻ em
Mặc dù là một bệnh về đường hô hấp nhưng cúm A cũng có những triệu chứng toàn thân. Khi bị cúm, các triệu chứng cúm A ở trẻ thường gặp phải là hắt xì, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể, sốt (có thể cao trên 39 độ C), chán ăn, bỏ bú, đau họng… Trong một số trường hợp, trẻ còn có thể buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy.
Thông thường, trẻ em mắc cúm A có thể khỏi bệnh trong vòng 1 tuần và cảm thấy mệt mỏi trong 3-4 tuần sau đó.
Trường hợp các triệu chứng cúm A ở trẻ có diễn biến nặng, bé thường có triệu chứng như co giật, không tỉnh táo, giảm tương tác, khó thở, thở nhanh, tím môi, lồng ngực rút lõm, cơn ho kéo dài, liên tục, ngủ li bì, mệt mỏi, thường xuyên bị nôn trớ, sốt trên 40oC, trẻ dưới 3 tháng tuổi có sốt. Khi thấy trẻ có những triệu chứng này, bố mẹ không được chủ quan, hãy đưa con đi khám càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Cúm A ở trẻ nhỏ nguy hiểm như thế nào?
Trẻ em dưới 5 tuổi, hoặc có bệnh mạn tính, hoặc có các vấn đề sức khoẻ khác ảnh hưởng đến đường hô hấp, ví dụ như hen suyễn, viêm phổi, có nguy cơ bị biến chứng của cúm A cao hơn. Tìm hiểu chi tiết về tính nguy hiểm của cúm A ở trẻ nhỏ ngay dưới đây:
Bệnh cúm A lây lan nhanh
Vi rút cúm A có tính chất lây lan nhanh, truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp trong khoảng cách 2 m. Theo Cơ quan Y tế Quốc gia Anh, vi rút cúm ở dạng giọt có thể tồn tại trong không khí trong vài giờ, trên tay trong vài phút. Vi rút cúm A tồn tại lâu bên ngoài không khí, chúng thông qua giọt bắn li ti bám vào và sống trên các bề mặt cứng như bàn, ghế, đồ chơi khoảng 48h.
Triệu chứng cúm A ở trẻ dễ nhầm lẫn
Biểu hiện bệnh cúm A ở trẻ em không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh. Bệnh cảm lạnh thường có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, đau nhẹ, đau họng, sốt nhẹ, mệt mỏi nhẹ… Những dấu hiệu bệnh cảm lạnh này cũng tương tự trong giai đoạn đầu của bệnh cúm A ở trẻ.
Tuy nhiên, ở giai đoạn phát triển của cúm, biểu hiện của cúm A ở trẻ trở nên rõ ràng hơn như sốt cao, nhức đầu, ho nặng, đau nhức cơ thể, mệt mỏi cực độ… Vậy nên, bố mẹ cần lưu ý những dấu hiệu của bệnh cúm A để bảo vệ sức khoẻ cho con được tốt hơn.
Các biến chứng cúm A ở trẻ em nguy hiểm
Bệnh cúm A nguy hiểm hơn bệnh cảm lạnh thông thường đối với trẻ nhỏ. Các biến chứng do cúm A ở trẻ có thể là:
- Nhiễm trùng tai và xoang ở trẻ là những ví dụ về biến chứng ở mức độ vừa phải do cúm A gây ra.
- Bên cạnh đó, viêm phổi là biến chứng nghiêm trọng do nhiễm vi rút cúm đơn thuần hoặc do đồng nhiễm vi rút cúm và vi khuẩn. Các biến chứng nghiêm trọng khác do cúm gây ra có thể gặp phải là viêm cơ tim, viêm não, suy hô hấp.
- Nhiễm vi rút cúm ở đường hô hấp còn có thể gây ra phản ứng viêm quá mức trong cơ thể, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Cúm cũng có thể làm cho các vấn đề bệnh lý mạn tính trở nên trầm trọng hơn. Ví dụ như những người mắc bệnh hen suyễn bị cúm có thể bị lên cơn hen suyễn, và những người mắc bệnh tim mạn tính bị cúm có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
Một số điểm khác biệt giữa cúm A và cảm lạnh thông thường
Triệu chứng cảm lạnh | Triệu chứng cúm |
Không sốt hoặc sốt nhẹ | Thường sốt cao |
Có một số trường hợp cảm thấy đau đầu | Đa số ca bệnh cảm thấy đau đầu |
Nghẹt mũi và chảy nước mũi | Một số trường hợp sổ mũi trong |
Hắt hơi | Một số ít trường hợp hắt hơi |
Ho khan nhẹ | Ho nhiều, thường trở nên nghiêm trọng hơn |
Đau nhức toàn thân nhẹ | Đau nhức toàn thân, đau cơ nhiều |
Mệt mỏi nhẹ, ít | Mệt mỏi nhiều, thường kéo dài hàng tuần |
Thường đau họng | Một số ít trường hợp đau họng |
Cách theo dõi và chăm sóc trẻ bị cúm A tại nhà
Nếu phát hiện những triệu chứng cúm A ở trẻ em, bố mẹ có thể áp dụng các cách chăm sóc sau để tránh lây lan cho mọi người và giúp bé nhanh khỏi bệnh.
- Cách ly trẻ: Cúm A dễ lây lan từ người sang người, vậy nên hãy cho bé ở phòng riêng cũng như hạn chế dùng chung đồ để tránh lây nhiễm vi rút cúm A.
- Đeo khẩu trang: Vi rút cúm A lây qua đường hô hấp, hãy đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây bệnh. Nên sử dụng khẩu trang y tế thay vì khẩu trang vải để bé thấy dễ chịu hơn và ngăn ngừa lây lan tốt hơn.
- Không nằm điều hoà quá lạnh: Cha mẹ không nên cho con nằm phòng lạnh để tránh bị ho, khô mũi, đau họng… khiến bệnh lâu khỏi hơn. Hãy cho con nằm ở phòng có không gian thoáng mát, sạch sẽ.
- Mặc quần áo thoáng: Cho bé mặc quần áo thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt để bé cảm thấy dễ chịu, thoải mái, hỗ trợ điều trị bệnh nhanh hơn.
- Ăn uống đủ chất kết hợp nghỉ ngơi: Trong thời gian này, bé cần được nghỉ ngơi và thư giãn nhiều hơn để cải thiện tình trạng sức khoẻ. Hơn nữa, cha mẹ nên cung cấp những thực phẩm giàu dinh dưỡng như tinh bột, vitamin và protein.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị cúm A
Khi nhận thấy những triệu chứng cúm A ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần cung cấp cho con một chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp con xây dựng hệ thống miễn dịch khỏe mạnh – là lớp bảo vệ cơ thể chống lại kẻ thù gây hại như bệnh cúm A.
Cha mẹ nên bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày của trẻ các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hoá, có tác dụng nâng cao đề kháng như các loại quả mọng, cải xoăn, bông cải xanh, nho khô, bơ cùng các loại rau có màu cam, đỏ và vàng. Bên cạnh trái cây và rau quả, các loại ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt và gia cầm cũng là thực phẩm có lợi, chứa nhiều axit amin giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch cho trẻ.
Khi bị nhiễm cúm, bé thường mất cảm giác ăn ngon và chán ăn. Bố mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, ấm, dễ tiêu như cháo, súp, sữa,… và uống các loại trái cây như cam, chanh… Việc chia nhỏ bữa ăn và ăn nhiều lần cũng giúp trẻ dễ tiêu và hấp thụ tốt hơn các chất dinh dưỡng.
Phòng ngừa bệnh cúm A cho trẻ
Cúm A rất dễ lây lan từ người bệnh sang người lành, nhất là khi điều kiện thuận lợi như thời tiết thay đổi, hoặc khi bé đi học tiếp xúc với nhiều nguồn lây. Hiểu và phòng ngừa bệnh cúm A hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu tỷ lệ trẻ mắc bệnh cũng như giảm những rủi ro không mong muốn khi bé nhiễm bệnh.
Một số biện pháp phòng ngừa xuất hiện triệu chứng cúm A ở trẻ.
- Tiêm phòng cúm theo định kỳ hằng năm.
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi, họng hằng ngày.
- Hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người, ra ngoài cần đeo khẩu trang.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, nghi ngờ hoặc nguy cơ cao nhiễm cúm.
- Luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học cho con.
Kết luận
Bài viết đã cung cấp thông tin về triệu chứng cúm A ở trẻ giúp bố mẹ nhận biết và phòng tránh bệnh cho con. Hãy cùng a:care Việt Nam chung tay bảo vệ sức khỏe bé yêu trước mùa cúm sắp tới nhé.
Xem thêm:
- Triệu chứng và cách phòng cúm hiệu quả cho trẻ em
- Khoảng trống miễn dịch ở trẻ nhỏ và nguy cơ nhiễm bệnh trong mùa đông xuân
Tài liệu tham khảo
1.Bệnh viện nhân dân 115. Chủ động phòng chống cúm A (H1N1). https://benhvien115.com.vn/kien-thuc-y-khoa-/chu-dong-phong-chong-cum-a-(h1n1)/20191004033314159
2.Health Hub. Influenza A (H1N1) in Children. https://www.healthhub.sg/a-z/diseases-and-conditions/353/influenzaa_h1n1_nuh
3.Trungtamytequan6. Dịch cúm A bùng phát, trẻ nhập viện liên tục do bệnh chuyển nặng, cha mẹ cần làm gì? https://trungtamytequan6.medinet.gov.vn/chuyen-muc/dich-cum-a-bung-phat-tre-nhap-vien-lien-tuc-do-benh-chuyen-nang-cha-me-can-lam-cmobile14415-67461.aspx
4.Influenza (Flu) in Children. Johns Hopkins Medicine, https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/influenza/influenza-flu-in-children. Accessed 14 September 2023
5.CDC Hoa Kỳ, Flu Symptoms & Complications. https://www.cdc.gov/flu/symptoms/symptoms.htm
6.Inactivation of influenza A viruses in the environment and modes of transmission: A critical review. NCBI, 9 October 2008, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7112701/. Accessed 25 September 2023.
7.How To Clean and Disinfect Schools To Help Slow the Spread of Flu. CDC, https://www.cdc.gov/flu/school/cleaning.htm. Accessed 25 September 2023.
8.How Flu Spreads – How Flu Spreads. CDC, 20 September 2022, https://www.cdc.gov/flu/about/disease/spread.htm. Accessed 14 September 2023.
9.Cold vs Flu in Children: How to Tell the Difference – Children’s Health. Children’s Health, 5 September 2017, https://www.childrens.com/health-wellness/cold-vs-flu. Accessed 25 September 2023.
10.Appleford, sarah. Foods to help your kids fight colds and flu — Nutrition For Kids. Nutrition For Kids, 6 March 2020, https://www.nutritionforkids.com.au/blog/foods-colds. Accessed 14 September 2023.
11.Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị mắc cúm tại nhà. Bệnh viện Nhi Trung ương, 31 January 2018, https://benhviennhitrunguong.gov.vn/huong-dan-cach-cham-soc-tre-bi-mac-cum-tai-nha.html. Accessed 14 September 2023.