Hen Phế Quản Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Kiểm Soát

Hen phế quản hay hen suyễn là một bệnh lý đường hô hấp phổ biến. Hãy cùng với a:care Việt Nam tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách kiểm soát cơn hen trong bài viết sau. 

Hen phế quản là gì?

Bệnh hen phế quản
Hen phế quản gây tắc nghẽn và hạn chế nguồn khí thở của cơ thể

Hen là tình trạng viêm mạn tính đường thở với sự tham gia của nhiều tế bào và thành phần tế bào làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt phù nề, tăng tiết đàm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí thở dẫn tới xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực, và ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra ban đêm và sáng sớm, có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc.

Các dạng hen phế quản

Dựa trên mức độ nặng của bệnh, chúng ta có thể chia thành 4 dạng hen phế quản.

  • Cơn hen xảy ra từng đợt, không liên tục: Các triệu chứng xuất hiện ít hơn 2 lần/ tuần và người bệnh phải thức dậy ít hơn 2 đêm/ tháng
  • Hen dai dẳng, nhẹ: Các triệu chứng xuất hiện ít nhất 2 lần/ tuần và người bệnh phải thức dậy 3-4 đêm/ tháng
  • Hen dai dẳng, trung bình: Các triệu chứng xuất hiện ít nhất mỗi ngày và người bệnh phải thức dậy ít nhất 1 đêm/ tuần
  • Hen dai dẳng, nặng: Các triệu chứng xuất hiện suốt ngày và người bệnh phải thức dậy mỗi đêm do cơn hen.

Triệu chứng hen phế quản

Triệu chứng của hen phế quản
Khó thở, nặng ngực là một trong những triệu chứng của hen phế quản

Các triệu chứng của hen phế quản bao gồm: 

  • Ho khò khè, khó thở nặng ngực
  • Tái phát thường xuyên
  • Nặng hơn về đêm và buổi sáng sớm
  • Nặng hơn khi vận động hoặc khi tiếp xúc với các dị nguyên
  • Tiền căn bản thân bị dị ứng
  • Tiền căn gia đình có dị ứng hoặc hen
  • Khám bệnh nhân có hội chứng tắc nghẽn đường hô hấp dưới.

Yếu tố nguy cơ dẫn đến hen phế quản

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến hen phế quản có thể là: 

  • Tiền căn gia đình: nếu có ba mẹ bị hen thì con có nguy cơ bị hen tăng gấp 3-6 lần
  • Nhiễm trùng hô hấp do siêu vi
  • Dị ứng: chàm da, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn
  • Môi trường sống: nhiều bụi, ô nhiễm không khí, nước hoa, phấn hoa, thú nuôi.
  • Khói thuốc lá
  • Béo phì

Yếu tố khởi phát cơn hen và cách phòng tránh

Yếu tố gây ra hen phế quản
Thời tiết thay đổi có thể là yếu tố khởi phát cơn hen

Yếu tố khởi phát có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng hen gồm:

  • Nhiễm siêu vi
  • Chất gây dị ứng trong nhà hoặc nghề nghiệp (ví dụ mạt bọ nhà, phấn hoa, gián)
  • Dị ứng thức ăn
  • Khói thuốc lá
  • Gắng sức
  • Thay đổi thời tiết
  • Bệnh lý đồng mắc: trào ngược dạ dày thực quản, viêm mũi dị ứng.

“Tùy yếu tố nguy cơ sẽ có cách phòng tránh thích hợp.”

Cách chăm sóc bệnh nhân và kiểm soát cơn hen

Bước 1: Kiểm soát hen – đánh giá cả việc kiểm soát triệu chứng và yếu tố nguy cơ

– Đánh giá việc kiểm soát triệu chứng trong vòng 4 tuần gần nhất:

  • Các triệu chứng  có xảy ra ban ngày? Nhiều hay ít hơn 2 lần/ tuần?
  • Bất kỳ đêm nào người bệnh trẻ thức giấc do lên cơn hen?
  • Người bệnhTrẻ có cần dùng thuốc làm giảm cơn hen > 2 lần/ tuần?

– Người bệnh có bị giới hạn bất kỳ hoạt động nào do hen?

– Xác định các yếu tố nguy cơ khác cho kết quả xấu

– Đo chức năng hô hấp trước khi bắt đầu điều trị, 3-6 tháng sau và định kỳ

Bước 2: Vấn đề điều trị

Bác sĩ tư vấn điều trị hen phế quản cho bệnh nhân
Bác sĩ tư vấn điều trị hen phế quản cho bệnh nhân
  • Ghi lại điều trị của bệnh nhân và hỏi về tác dụng phụ
  • Quan sát bệnh nhân sử dụng bình xịt, kiểm tra kỹ thuật của họ
  • Thảo luận cởi mở và đồng cảm về tuân thủ điều trị
  • Kiểm tra bệnh nhân có bảng kế hoạch hành động cho hen
  • Hỏi người bệnh về thái độ và mục tiêu đối với bệnh hen của họ.

Bước 3: Có bệnh kèm theo không?

Bệnh kèm theo bao gồm viêm mũi, viêm mũi xoang, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), béo phì, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, trầm cảm và lo âu.

Bệnh kèm theo nên cần được xác định khi chúng có thể góp phần làm tăng các triệu chứng hô hấp và làm chất lượng cuộc sống kém đi. Điều trị các bệnh này có thể làm việc xử trí hen phức tạp hơn.

Dấu hiệu bệnh nhân cần nhập viện

Người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất nếu gặp phải một trong các trường hợp sau:

  • Khó thở
  • Thở nhanh hoặc thở chậm, cơn ngừng thở
  • Rút lõm ngực
  • Kích thích, vật vã, lơ mơ, hôn mê.

Các loại thuốc điều trị hen

– Thuốc cắt cơn: salbutamol, terbutaline

– Thuốc điều trị lâu dài:

  • Kháng leucotriene (viên/ bột/ siro)
  • Corticosteroid hít (ICS)
  • Thuốc giãn phế quản tác dụng dài phối hợp (ICS/ LABA)
  • Các nhóm thuốc khác

Qua bài viết trên, a:care Việt Nam hy vọng bạn đã trang bị thêm những thông tin liên quan tới hen phế quản để tự bảo vệ bản thân hoặc chăm sóc người bị hen. 

VTM1291411 (v1.0)