Câu hỏi thường gặp khi tiêm phòng cúm cho người cao tuổi

- Ngày cập nhật: 23/04/2025
Mục lục
1. Tiêm vaccine cúm có ảnh hưởng đến thuốc tôi đang uống không?
Đây là câu hỏi mà tôi hay nhận được trong quá trình tư vấn. Câu trả lời là: Được. Các loại thuốc huyết áp, tim mạch, tiểu đường hầu hết không ảnh hưởng gì đến vaccine cúm. Theo khuyến nghị của Hội đồng Tư vấn về Thực hành Tiêm chủng Hoa Kì (ACIP), vaccine cúm bất hoạt có thể tiêm cho người cao tuổi mà không cần thay đổi liều hoặc ngưng các thuốc đang dùng.
Tuy nhiên, nếu các bác đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, thì hãy đem theo toa thuốc đang sử dụng để hỏi ý kiến bác sĩ điều trị. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cách sử dụng thuốc sau tiêm vaccine cúm.

2. Tại sao người cao tuổi cần tiêm vaccine cúm mùa hằng năm?
Các bác thường hay hỏi chúng tôi “Tại sao năm ngoái tôi đã tiêm cúm rồi, mà năm nay vẫn cần tiêm lại?”. Và đây là lý do:
Thứ nhất, virus cúm luôn thay đổi, dẫn đến sự xuất hiện của các biến chủng mới mỗi năm. Vì vậy, vaccine cúm cũng được cập nhật hằng năm để phù hợp với các chủng virus đang lưu hành, giúp tăng cường hiệu quả bảo vệ.
Thứ hai, hệ miễn dịch suy giảm theo tuổi tác. Càng lớn tuổi, hệ miễn dịch của chúng ta càng yếu đi, khiến cơ thể khó chống lại các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là cúm. Tiêm vaccine hàng năm giúp duy trì miễn dịch, giảm nguy cơ mắc cúm và các biến chứng nghiêm trọng.
Thứ ba là lợi ích khi tiêm vaccine nhắc lại. Các nghiên cứu cho thấy tiêm vaccine cúm hàng năm giúp giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong do cúm ở người cao tuổi.
3. Người cao tuổi tiêm vaccine cúm hằng năm thì tác động đến hệ miễn dịch như thế nào?
Trong quá trình tiêm phòng cúm, nhiều bác hỏi rằng tiêm vaccine hằng năm có giúp cơ thể khỏe hơn hay không?
Thực tế, vaccine cúm hoạt động bằng cách kích thích hệ miễn dịch sản xuất kháng thể chống lại virus cúm. Ở người cao tuổi, hệ miễn dịch có thể suy giảm do tuổi tác và bệnh mạn tính. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng đáp ứng kháng thể sau khi tiêm phòng cúm cho người cao tuổi vẫn được duy trì ở mức nhất định. Điều này có nghĩa là cơ thể vẫn tạo ra sự bảo vệ cần thiết sau mỗi lần tiêm.
Ngoài ra, cũng có một số bác lo lắng rằng nếu năm nào cũng tiêm vaccine cúm thì hiệu quả của vaccine có bị giảm đi không?
Nghiên cứu cho thấy rằng tiêm cúm hàng năm cần thiết để duy trì miễn dịch chống lại cúm ở người cao tuổi và không làm giảm hiệu quả của vaccine.

4. Mỡ máu cao khi tiêm vaccine phòng cúm có ảnh hưởng gì không?
Các bác có mỡ máu cao thường hay hỏi chúng tôi câu hỏi này. Hiện tại thì không có bằng chứng nào cho thấy vaccine cúm có ảnh hưởng bất lợi cho nhóm đối tượng này. Ngược lại, tiêm phòng cúm giúp giảm nguy cơ biến cố tim mạch, một vấn đề đặc biệt quan trọng với những người mỡ máu tăng cao. Vì mỡ máu cao thường có nguy cơ biến cố tim mạch cao hơn.
Ở người mỡ máu cao, nhiễm cúm có thể gây viêm hệ thống, dẫn đến vỡ mảng bám ở thành mạch máu, đặc biệt là mạch máu tim và não, từ đó hình thành cục máu đông, và sau đó có thể gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ Tiêm vaccine giúp ngăn ngừa nhiễm cúm, từ đó giảm nguy cơ viêm và các biến cố tim mạch liên quan. Việc tiêm phòng cúm được khuyến nghị mạnh cho người cao tuổi có bệnh mạn tính, bao gồm cả những người có mỡ máu cao.
Xem thêm:
- Vì sao người cao tuổi, người có bệnh nền nên tiêm vắc xin cúm định kỳ hằng năm?
- Người cao tuổi là đối tượng rất dễ bị tổn thương do cúm mùa
- Khuyến cáo tiêm phòng cúm cho người cao tuổi từ các hiệp hội y khoa – a:care Việt Nam
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Prevention and Control of Seasonal Influenza With Vaccines: Recommendations of the Advisory Committee on Immunization Practices – United States, 2022-23 Influenza Season. Grohskopf LA, Blanton LH, Ferdinands JM, et al. MMWR. Recommendations and Reports : Morbidity and Mortality Weekly Report. Recommendations and Reports. 2022;71(1):1-28. doi:10.15585/mmwr.rr7101a1.
2. 2022 American College of Rheumatology Guideline for Vaccinations in Patients With Rheumatic and Musculoskeletal Diseases. Bass AR, Chakravarty E, Akl EA, et al. Arthritis & Rheumatology (Hoboken, N.J.). 2023;75(3):333-348. doi:10.1002/art.42386.
3. Skaarup KG, Modin D, Nielsen L, Jensen JUS, Biering-Sørensen T. Influenza and cardiovascular disease pathophysiology: strings attached. Eur Heart J Suppl. 2023;25(Suppl A):A5-A11. Published 2023 Feb 14. doi:10.1093/eurheartjsupp/suac117
4. Influenza Vaccination: Protecting the Most Vulnerable. Tanner AR, Dorey RB, Brendish NJ, Clark TW. European Respiratory Review : An Official Journal of the European Respiratory Society. 2021;30(159):200258. doi:10.1183/16000617.0258-2020.
5. Effective Immunization of Older Adults Against Seasonal Influenza. Schaffner W, Chen WH, Hopkins RH, Neuzil K.mThe American Journal of Medicine. 2018;131(8):865-873. doi:10.1016/j.amjmed.2018.02.019.
6. Repeated Influenza Vaccination for Preventing Severe and Fatal Influenza Infection in Older Adults: A Multicentre Case-Control Study. Casado I, Domínguez Á, Toledo D, et al. CMAJ : Canadian Medical Association Journal = Journal De l’Association Medicale Canadienne. 2018;190(1):E3-E12. doi:10.1503/cmaj.170910.
7. A Population-Based Propensity Score-Matched Study to Assess the Impact of Repeated Vaccination on Vaccine Effectiveness for Influenza-Associated Hospitalization Among the Elderly. Hsu PS, Lian IB, Chao DY. Clinical Interventions in Aging. 2020;15:301-312. doi:10.2147/CIA.S238786.
8. Influenza Vaccine-Induced Antibody Responses Are Not Impaired by Frailty in the Community-Dwelling Elderly With Natural Influenza Exposure. Narang V, Lu Y, Tan C, et al. Frontiers in Immunology. 2018;9:2465.
9. Impact of Repeated Yearly Vaccination on Immune Responses to Influenza Vaccine in an Elderly Population. Kitamura S, Matsushita M, Komatsu N, et al. American Journal of Infection Control. 2020;48(12):1422-1425.
10. Influenza Vaccination as Secondary Prevention for Cardiovascular Disease: A Science Advisory From the American Heart Association/American College of Cardiology. Davis MM, Taubert K, Benin AL, et al. Circulation. 2006;114(14):1549-53. doi:10.1161/CIRCULATIONAHA.106.178242.
11. Influenza Vaccination as a Novel Means of Preventing Coronary Heart Disease: Effectiveness in Older Adults. Aidoud A, Marlet J, Angoulvant D, et al. Vaccine. 2020;38(32):4944-4955. doi:10.1016/j.vaccine.2020.05.070.
12. Vaccines for Preventing Influenza in the Elderly. Demicheli V, Jefferson T, Di Pietrantonj C, et al. The Cochrane Database of Systematic Reviews. 2018;2:CD004876.