Chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh như thế nào
Mục lục
Chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinhlà một quá trình quan trọng của mỗi gia đình khi bé chào đời. Việc chăm sóc đúng cách giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Hãy khám phá các lời khuyên, hướng dẫn thực tế, kinh nghiệm chăm sóc trong bài viết sau đây cùng a:care Việt Nam.
Chăm sóc sản phụ
Hậu sản là gì?
Hậu sản là thời gian khoảng 4-6 tuần sau sinh
Sau khi sinh, cơ thể của người phụ nữ sẽ trải qua nhiều sự thay đổi lớn, đồng thời phải đảm bảo nguồn sữa cho bé phát triển. Vì vậy, việc chăm sóc sản phụ đóng một vai trò rất quan trọng giúp cho người phụ nữ nhanh chóng trở về trạng thái bình thường.
Những thay đổi về thể chất: Trong vòng 6 tuần sau sinh, bà mẹ cần được nghỉ ngơi để tái tạo sức khỏe sau những tháng mang thai và vượt cạn. Việc ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp bà mẹ hồi phục sức khỏe, lấy lại vóc dáng, sinh lực, có sữa cho bé để hoàn thành tốt thiên chức làm mẹ của mình.
Một số hiện tượng thường gặp trong thời kỳ hậu sản:
• Sản dịch (dịch máu sau sổ nhau kéo dài đến 2-3 tuần sau sinh).
• Đau vết may tầng sinh môn nếu sinh thường, vết mổ trên bụng nếu sinh mổ.
Cần chú ý vệ sinh
Việc giữ vệ sinh âm đạo, đi đứng nhẹ nhàng sẽ giúp tử cung nhanh trở lại bình thường sau 20-30 ngày (gọi là co hồi tử cung).
Giữ âm đạo luôn sạch và khô, đặc biệt sau mỗi lần đi vệ sinh để tránh nhiễm trùng.
Sau sinh khoảng 2-3 ngày, bà mẹ đã có thể gội đầu và tắm toàn thân. Dùng dầu gội đầu hay trái bồ kết nấu nước sôi để ấm, nên gội nhanh 5-7 phút, không nên ngâm tóc lâu. Sau khi gội, nên sấy tóc khô ngay.
Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ để tránh táo bón.
Thực hiện các bài tập thể dục phù hợp
Vận động cơ thể sau sinh sẽ giúp co hồi tử cung tốt, tránh bế sản dịch, tránh thuyên tắc tĩnh mạch.
Ngày đầu có thể ngồi dậy ra khỏi giường sau 8 tiếng, những ngày tiếp theo có thể đi lại trong phòng. Có thể ra tắm nắng ngoài trời từ ngày thứ 2 trở đi, vào buổi sáng sớm từ 7-8 giờ. Sau 1 tuần, bà mẹ có thể tập thể dục toàn thân với các động tác nhẹ nhàng.
Những động tác nhẹ nhàng như đi bộ sẽ giúp co khít cơ niệu đạo, cơ âm đạo, tránh bị són tiểu sau này. Bà mẹ còn có thể tự xoa bóp nhẹ vùng xương mu, xoa bóp vùng bụng và không nên nằm nhiều.
Chế độ ăn uống
Nên uống mỗi ngày từ 10-12 ly nước hoặc nước ép trái cây. Không nên uống nước có ga.
Tăng cường thịt để tăng lượng đạm, sắt như thịt gà, thịt bò, cá. Tăng cường thực phẩm dạng hạt.
Hạn chế thực phẩm chế biến quá kỹ.
Nên nuôi con bằng sữa mẹ, đây là cách tốt nhất cho cả mẹ lẫn con, trong đó có tác dụng giảm cân và duy trì vẻ đẹp tự nhiên cho cơ thể phụ nữ sau sinh.
Vấn đề tình dục sau khi sinh
Nếu sức khỏe của sản phụ hồi phục nhanh thì sau 4-6 tuần đã có thể sinh hoạt tình dục bình thường, đây cũng là cách giúp cho cơ thể người phụ nữ kích hoạt trở lại trạng thái bình thường.
Việc bắt đầu quan hệ lại sau khi sinh cần phải có sự đồng thuận của cả hai vợ chồng. Khi quan hệ, người chồng cần phải hết sức nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương cho phụ nữ, động viên trò chuyện để làm giảm căng thẳng và vượt qua ám ảnh về cơn đau vượt cạn.
Tìm hiểu thêm: Các phương pháp tránh thai sau sinh
Ám ảnh tóc rụng sau khi sinh
Đối với phụ nữ sau sinh, việc rụng tóc là do:
Sự thay đổi nội tiết tố, hậu quả của các sang chấn tâm lý (lo lắng, căng thẳng) từ lúc mang thai đến lúc sinh con. Dùng chất tẩy rửa mạnh, gội đầu quá thường xuyên (bình thường một tuần chỉ nên gội 2-3 lần). Nhiều trường hợp rụng tóc do nấm với các biểu hiện kèm theo như ngứa da đầu, tóc rụng thành từng mảng. Người mẹ cần đi khám ngay để điều trị kịp thời.
Nếu rụng trên 100 sợi tóc mỗi ngày mới gọi là bệnh lý, còn ít hơn vẫn là bình thường.
Cách hạn chế lượng tóc rụng
Khi không cho con bú nữa, nội tiết của người phụ nữ dần ổn định, mọi thứ quay trở lại như trước và tóc có thể sẽ bớt rụng. Ngoài ra, để hạn chế lượng tóc rụng và kích thích tóc mọc lại, bạn nên:
- Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ trong thời gian mang thai và cho con bú.
- Có chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế đồ ngọt, ăn nhiều rau tươi, trái cây, đồ hải sản, cá, trứng, các loại đậu, những thực phẩm giàu sắt, kẽm, canxi, vitamin nhóm B.
- Chải tóc nhẹ nhàng, kết hợp xoa bóp da đầu giúp máu lưu thông, thúc đẩy sự tăng trưởng của tóc mới.
- Tránh kiêng khem quá mức việc tắm, gội đầu, chải tóc trong thời gian ở cữ sau sinh. Cần đảm bảo vệ sinh, giữ thông thoáng cho tóc và da đầu.
- Hạn chế sử dụng các loại dầu gội có chất tẩy rửa mạnh, tốt nhất nên dùng loại có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Tìm hiểu thêm: Trầm cảm sau sinh
Chăm sóc trẻ sơ sinh
Lợi ích khi nuôi con bằng sữa mẹ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và duy trì tiếp tục ít nhất 1 năm hay lâu hơn tùy theo nguyện vọng của mẹ và bé. Việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại rất nhiều lợi ích cho bé và cả cho mẹ.
• Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng với các thành phần tiêu chuẩn, có sẵn, tiết kiệm và hết sức an toàn.
• Cho con bú giúp tử cung co hồi tốt, mẹ chậm có kinh lại, tăng thời gian ngừa thai, nhanh chóng lấy lại vóc dáng sau sinh.
• Sữa mẹ giúp hệ thống đường ruột của trẻ trưởng thành. Sữa mẹ chứa kháng thể giúp trẻ tăng sức đề kháng chống lại các bệnh dị ứng và nhiều bệnh truyền nhiễm dễ mắc phải trong thời kỳ nhũ nhi.
• Tình cảm giữa mẹ và con càng thêm gắn bó, bé có cảm giác được yêu thương, dễ thích nghi với thay đổi đầu đời khi vừa ra khỏi tử cung.
Trong trường hợp người mẹ không thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, nên gặp bác sĩ, nhân viên y tế để tham vấn chọn lựa các chế phẩm sữa phù hợp giúp bé tránh nguy cơ bị hạ đường huyết, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển về sau.
Bú dặm
• Việc chuyển từ bú mẹ hoàn toàn sang bú mẹ có xen kẽ các cữ bú bình được gọi là giai đoạn bú dặm.
• Bú dặm khi mẹ không đủ sữa, bé chưa đủ no khiến bé khóc quấy đòi bú, khó ngủ, chậm tăng cân so với mức tiêu chuẩn.
• Đầu tiên, nên kiểm tra xem bé có được bú theo nhu cầu không: cách khoảng 3 giờ/cữ bú, mẹ có ăn uống đủ chất, uống đủ nước, và tư thế cho bú đã đúng chưa. Khi đã kiểm tra những nguyên nhân này mà bé vẫn chưa đủ no thì nên cho bú dặm thêm.
Hướng dẫn: Cho bé bú mẹ và xen kẽ thêm các cữ bú bình, số lần tăng dần tùy vào thời gian thích hợp và nhu cầu của bé: 3 ngày đầu 1 cữ bú bình, 3 ngày tiếp theo 2 cữ bú bình, 3 ngày tiếp theo 3 cữ bú bình.
Ăn dặm
• Phần lớn các bà mẹ phải quay trở lại với công việc khoảng 4-6 tháng sau sinh. Trong khi đó, bé ngày càng trưởng thành và cần nhiều chất dinh dưỡng để phát triển. Sữa mẹ lúc này cũng không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng ngày càng cao của bé nên việc cho bú dặm và ăn dặm là điều cần thiết.
• Dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm bao gồm: bé hay khóc, thường xuyên thức dậy trong đêm và nhanh thay tã hơn. Một số kiến khác cho rằng khi bé hào hứng nhìn người khác ăn và có thể cầm nắm được thì cũng là lúc nên cho bé ăn dặm.
Hướng dẫn: Thời gian ăn dặm linh động tùy vào nhu cầu và thói quen của mẹ và bé. Trong giai đoạn này, không cần phải cai sữa mẹ hoàn toàn. Sự kết hợp giữa ăn dặm và bú mẹ trong một khoảng thời gian đầu sẽ giúp cơ thể bé dễ dàng chấp nhận các loại thực phẩm mới tốt hơn.
Việc chăm sóc giữ vai trò rất quan trọng giúp sản phụ nhanh chóng trở về trạng thái bình thường và giúp trẻ sơ sinh phát triển tốt. Tham khảo những chia sẻ trong bài viết này của a:care Việt Nam để có thể chăm sóc mẹ và bé tốt hơn nhé.
Xem thêm: