Chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình có nguy hiểm không?

PGS.TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng
Nguyên Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh Viện Lão khoa Trung ương / Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh Viện Lão khoa Trung ương / Giảng viên Cao cấp, Chuyên ngành Thần kinh, Trường Đại học Y Hà Nội
  • Ngày cập nhật: 21/10/2024

Một buổi sáng mùa thu lạnh, phòng khám của tôi đón nhận một vị khách đặc biệt, một phụ nữ trung niên với đôi mắt lo âu và bước đi không vững. Dù đã hơn 30 năm kinh nghiệm, thăm khám cho rất nhiều người, nhưng với tôi mỗi người bệnh vẫn luôn là một câu chuyện đáng nhớ.

Sau khi chào hỏi, tôi lắng nghe cô kể lại trải nghiệm của mình:“Sáng hôm qua, khi vừa thức dậy, tôi thấy cả thế giới như đang quay cuồng xung quanh mình. Căn phòng xoay vòng không ngừng, và tôi không thể đứng vững. Tôi còn nghĩ là mình bị đột qụy não”. Giọng cô run rẩy khi kể tiếp.

“Cơn chóng mặt kinh khủng đó kéo dài mấy tiếng đồng hồ, cùng với buồn nôn và nôn ói. Tôi không thể làm được gì cả nữa, ngay cả việc nhấc đầu khỏi gối cũng khiến cơn chóng mặt nặng hơn. Lúc đó tôi thấy rất bất lực và lo sợ quá, không biết mình bị làm sao và khi nào mới khỏi nữa”.

Sau khi lắng nghe triệu chứng và tiến hành kiểm tra, thăm khám kỹ lưỡng, tôi giải thích bằng giọng nhẹ nhàng: ”Những gì chị đã trải qua chắc hẳn là rất đáng sợ, nhưng đừng quá lo lắng. Qua những gì chị kể và kết quả thăm khám, chẩn đoán của tôi là chị đang bị viêm dây thần kinh tiền đình.”

Tôi tiếp tục giải thích:“Chị thử tưởng tượng trong tai chúng ta có một hệ thống cân bằng tinh vi; và dây thần kinh tiền đình là một phần quan trọng của hệ thống này. Nó có nhiệm vụ thông báo cho bộ não biết về vị trí và chuyển động của đầu chúng ta. Khi dây thần kinh tiền đình bị viêm sẽ gửi những thông tin không chính xác đến não, lúc này gây ra cảm giác chóng mặt dữ dội và mất thăng bằng.”

PGS.TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng

Nhận thấy ánh mắt vẫn còn bàng hoàng của cô, tôi chia sẻ thêm: “Trong suốt thời gian làm việc, tôi đã gặp nhiều người có triệu chứng giống như chị. Mặc dù trải nghiệm có thể rất đáng sợ, nhưng hầu hết các trường hợp, chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình có thể được kiểm soát và điều trị hiệu quả.”

Để người bệnh có thêm thông tin về tình trạng của mình, tôi nói chi tiết hơn về các triệu chứng thường gặp 

“Đầu tiên phải kể đến là chóng mặt quay cuồng, như chị đã trải qua, hầu hết những ai bị viêm dây thần kinh tiền đình đều gặp triệu chứng chóng mặt như vậy. Đây là triệu chứng nổi bật nhất, là cảm giác như thế giới đang xoay vòng quanh chúng ta hoặc bản thân chúng ta đang quay cuồng trong không gian. Cảm giác buồn nôn và nôn thường đi kèm với biểu hiện chóng mặt dữ dội. 

Bên cạnh đó, vì hệ thống cân bằng của cơ thể bị ảnh hưởng, nên có thể sẽ khó khăn khi đi lại hoặc thậm chí là khi đứng thẳng, và gần như mọi người sẽ gặp vấn đề về thăng bằng trong giai đoạn cấp tính của bệnh. Ngoài ra, một số người còn thấy ù tai hoặc nghe kém hơn so với khi bình thường.”

Sau khi lắng nghe tôi nói, người bệnh dần hiểu hơn và bắt đầu bằng một câu hỏi thú vị: “Tôi không hiểu vì sao mình lại bị chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình ạ? Vì sức khỏe của tôi trước giờ vẫn tốt, thần kinh cũng ổn và chưa từng bị như thế này bao giờ”

“Một câu hỏi hay! Việc hiểu biết thêm về nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của bệnh sẽ có thể giúp chị quản lý bệnh tốt hơn”. Tôi tiếp lời.

“Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm dây thần kinh tiền đình được cho là do nhiễm virus ở dây thần kinh tiền đình hoặc mê đạo tai. Bên cạnh đó, thiếu máu cục bộ cấp tính ở các bộ phận này cũng có thể là nguyên nhân quan trọng. Tuy nhiên, cơ chế gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng.”

Yếu tố nguy cơ gây chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình

Sau khi nghe giải thích cô dường như bình tĩnh hơn nhưng vẫn còn lo lắng. Cô hỏi tiếp: “Vậy tình trạng này có nguy hiểm như đột quỵ không ạ, về lâu về dài tôi có bị sao không vậy bác sĩ?”

Khi nghe câu hỏi này, tôi hiểu rằng triệu chứng của viêm dây thần kinh tiền đình, đặc biệt là sự chóng mặt quay cuồng ảnh hưởng đến cô rất nhiều. Vì vậy tôi cố gắng giải thích chi tiết và đơn giản về mức độ nguy hiểm của bệnh để cô có sự chuẩn bị tốt hơn.

A. Tác động ngắn hạn

“Trong giai đoạn cấp tính của viêm dây thần kinh tiền đình, nguy cơ té ngã là điều cần quan tâm, vì có thể dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn, chị nên di chuyển cẩn thận, sử dụng các thiết bị hỗ trợ như gậy hoặc khung tập đi nếu cần thiết, nhờ người thân giữ cho nhà cửa gọn gàng, lối đi thông thoáng, loại bỏ các thảm trơn trượt.

Bên cạnh nguy cơ té ngã, triệu chứng bệnh cũng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thường nhật, như việc nhà, giao tiếp xã hội và mối quan hệ với gia đình, bạn bè. Vì vậy, chị cần chia sẻ với người thân và thông báo với nơi làm việc để được hỗ trợ nếu cần. Chị cũng đừng ngại nhờ người thân hỗ trợ trong các hoạt động hàng ngày để tránh các rủi ro không đáng có và đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi.”

Tác động ngắn hạn

B. Tác động dài hạn

Sau khi chia sẻ về tác động ngắn hạn và những điều chị cần lưu ý trong giai đoạn này, tôi tiếp tục nói về khả năng tái phát chóng mặt quay vòng sau khi mắc viêm dây thần kinh tiền đình:

“Mặc dù viêm dây thần kinh tiền đình ít khi tái phát, nhưng nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tái diễn chóng mặt do bất kỳ nguyên nhân nào ở người từng có viêm dây thần kinh tiền đình vào khoảng 26%. Để giảm nguy cơ chóng mặt quay trở lại, chị nên duy trì lối sống lành mạnh, quản lý hiệu quả các căng thẳng tâm lý (stress) và tiếp tục thực hiện các bài tập phục hồi chức năng tiền đình ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm.

Xem thêm: Bài tập phục hồi chức năng tiền đình

Bên cạnh đó, trải qua các triệu chứng của bệnh có thể để lại những ảnh hưởng tâm lý lâu dài, như nỗi sợ bệnh tái phát hoặc nỗi lo là không kiểm soát được bệnh…, đừng ngần ngại chia sẻ cảm xúc với gia đình, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý khi cần. Nếu chị cảm thấy lo lắng hoặc trầm cảm kéo dài, hãy nói cho chúng tôi biết để cùng nhau tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.

Hãy nhớ rằng, mặc dù bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, nhưng với sự chăm sóc và kiểm soát phù hợp, hầu hết mọi người đều có thể phục hồi tốt trở lại cuộc sống bình thường. Vậy nên đừng ngại khi chia sẻ những lo lắng, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ.”

Phần tiếp theo

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

[1]. Viêm dây thần kinh tiền đình điều trị thế nào? Suckhoedoisong.vn. Published April 29, 2023. Accessed October 10, 2024. https://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-va-khac-phuc-cac-trieu-chung-cua-viem-day-than-kinh-tien-dinh-169230427160551217.htm

[2].Cleveland Clinic. Vestibular Neuritis | Cleveland Clinic. Cleveland Clinic. Published 2019. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15227-vestibular-neuritis

[3].Smith T, Rider J, Cen S, Borger J. Vestibular Neuronitis (Labyrinthitis). Nih.gov. Published December 4, 2019. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK549866/

[4].Marill KA. Vestibular Neuritis Clinical Presentation: History, Physical, Causes. Medscape.com. Published June 30, 2023. Accessed October 10, 2024. https://emedicine.medscape.com/article/794489-clinical#b5

[5].Donovan J, De Silva L, Cox H, Palmer G, Semciw AI. Vestibular dysfunction in people who fall: A systematic review and meta-analysis of prevalence and associated factors. Clinical Rehabilitation. 2023;37(9):2692155231162423. doi:10.1177/02692155231162423

[6].Smith LJ, Pyke W, Fowler R, Matthes B, de Goederen E, Surenthiran S. Impact and experiences of vestibular disorders and psychological distress: Qualitative findings from patients, family members and healthcare professionals. Health Expectations : An International Journal of Public Participation in Health Care and Health Policy. 2023;27(1):e13906. doi:10.1111/hex.13906

[7].Kim YH, Kim KS, Kim KJ, Choi H, Choi JS, Hwang IK. Recurrence of vertigo in patients with vestibular neuritis. Acta Oto-Laryngologica. 2011;131(11):1172-1177. doi:10.3109/00016489.2011.593551[8].Omara A, Basiouny EM, Shabrawy ME, Shafei RRE. The correlation between anxiety, depression, and vertigo: a cross-sectional study. The Egyptian Journal of Otolaryngology. 2022;38(1). doi:10.1186/s43163-022-00318-7

VTM1333380 (v1.0)