Chung Sống Khỏe Mạnh Với Hội Chứng Ruột Kích Thích (IBS)

Bạn chắc hẳn muốn biết mình có thể làm gì để cuộc sống không bị ảnh hưởng nhiều từ hội chứng ruột kích thích (IBS). Hãy tham khảo bài viết từ a:care Việt Nam dưới đây.

Bí quyết sống chung với hội chứng ruột kích thích

Đây là bệnh lý rất khó đoán trước. Các triệu chứng thay đổi theo thời gian và khó nói trước điều gì sẽ xảy đến tiếp theo, cũng như thử thách nào bạn sẽ gặp phải khi sống chung với căn bệnh này. Hơn thế nữa, hội chứng ruột kích thích không chỉ ảnh hưởng đến người mắc bệnh mà còn ảnh hưởng đến những người tương tác với họ – gia đình, bạn bè, cấp trên, học sinh, giáo viên, v.v….

Chung sống khỏe mạnh với hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích còn ảnh hưởng đến những người tương tác với họ

Hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn hội chứng ruột kích thích, nhưng có nhiều cách giúp bạn kiểm soát các triệu chứng. Bạn cần trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Dưới đây là một số lưu ý và bí quyết giúp bạn cũng như những người thân sống chung dễ dàng với hội chứng ruột kích thích:

  • Đừng phí thời gian lo lắng về các triệu chứng của bạn. Hãy đi khám để được chẩn đoán chính xác.
  • Hãy chủ động quan tâm đến sức khỏe của mình. Tìm hiểu mọi thông tin về hội chứng ruột kích thích và các phương pháp điều trị khác nhau trong khả năng của bạn.
  • Cố gắng tìm ra các yếu tố khiến triệu chứng của bạn trở nặng hơn và tìm cách giảm nhẹ ảnh hưởng của các yếu tố đó.
  • Tìm kiếm cho mình một lối sống và các phương pháp điều trị không dùng thuốc có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng.
  • Dùng thuốc để giảm nhẹ các triệu chứng. Có thể thi thoảng bạn mới cần dùng đến thuốc.
  • Hãy trao đổi với bác sĩ về các liệu pháp phù hợp với bạn.

Có thể bạn đang có những thắc mắc liên quan đến sự giao tiếp với người thân và muốn biết cách tốt hơn để có thể chia sẻ với họ về tình trạng bệnh của mình. Dưới đây là một số bước mà bạn nên lưu ý khi giao tiếp với người thân để đạt hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh và giúp cải thiện tâm trạng tốt hơn:

  • Cố gắng xác định các xung đột trong các mối quan hệ cá nhân của bạn và trao đổi thẳng thắn với họ, đồng thời hạn chế lảng tránh hoặc đổ lỗi. Trao đổi thẳng thắn về các vấn đề đã xảy ra sẽ giúp bạn giải tỏa được căng thẳng.
  • Hãy nói rõ bạn cần người thân giúp đỡ thế nào. Họ có thể chưa biết cách làm sao để hỗ trợ bạn.
  • Bạn bè và người nhà có thể quá lo lắng cho bạn. Hãy chỉ ra cho mọi người biết có nhiều góp ý không phù hợp với các tình trạng bệnh của bạn.

Người mắc hội chứng ruột kích thích cũng gặp khó khăn khi đi xa, bất kể là đi du lịch hay công tác. Do các triệu chứng không cố định, nên bạn lo sợ rằng mình không thể kiểm soát được các triệu chứng khi rời khỏi nhà hoặc những nơi quen thuộc. Trong trường hợp đó, có một số cách giúp bạn có thể kiểm soát các triệu chứng và yên tâm hơn khi đi xa.

Chung sống khỏe mạnh với hội chứng ruột kích thích
Di chuyển bằng xe ô tô riêng thuận tiện hơn vì bạn có thể dừng lại để đi vệ sinh nếu cần
  • Hãy cân nhắc tự lái xe khi lên kế hoạch đi xa. Di chuyển bằng ô tô thuận tiện hơn vì bạn có thể dừng lại để đi vệ sinh hoặc nghỉ ngơi nếu cần.
  • Hãy mang theo “bộ dụng cụ sinh tồn” khi đi xa. Sử dụng túi đựng máy tính, cặp, túi lớn hoặc ba lô để mang theo quần áo để thay và giấy vệ sinh.
  • Dành đủ thời gian để đến sân bay đúng giờ.
  • Khi đi máy bay, hãy yêu cầu ngồi càng gần phòng vệ sinh càng tốt. Ngoài ra, hãy yêu cầu ngồi ở lối đi để đi lại dễ dàng và nhanh chóng mà không phải nhờ người khác nhường đường.

Hãy nhớ rằng bạn không đơn độc: hàng triệu người khác cũng đang chung sống với hội chứng ruột kích thích mỗi ngày. Bước đầu tiên để chung sống tốt hơn với hội chứng ruột kích thích: Hãy hẹn gặp bác sĩ ngay hôm nay.

Căng thẳng trong hội chứng ruột kích thích là gì

Trước khi có các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS), bạn thường lo lắng hay căng thẳng hơn so với bình thường. Đây là điều thường xảy ra ở những người mắc các bệnh lý tiêu hóa chức năng và gây đau như hội chứng ruột kích thích. Sự căng thẳng này có thể đến từ các vấn đề chung hoặc liên quan cụ thể đến các vấn đề và triệu chứng tiêu hóa như ăn uống, đau bụng hoặc tiêu chảy. Nỗi lo âu về triệu chứng bệnh đặc trưng bởi tình trạng gia tăng sợ hãi và lo lắng về các cảm giác tại đường tiêu hóa, dù chỉ là những cơn đau nhẹ. Nếu cố tránh các tình huống có khả năng gây ra các triệu chứng và cố gắng giới hạn các hoạt động của mình trong vùng “an toàn”, bạn có thể giảm bớt những căng thẳng trong thời gian ngắn; tuy nhiên, trên thực tế thì sự căng thẳng sẽ gia tăng và càng làm kéo dài nỗi lo âu chung của bạn.

Giải pháp để kiểm soát sự lo âu và căng thẳng

Nghiên cứu cho thấy một số phương pháp điều trị tâm lý có thể có tác động rất tích cực đối với hội chứng ruột kích thích. Nếu bạn có các triệu chứng hội chứng ruột kích thích từ trung bình đến nặng và đang gặp phải vấn đề căng thẳng tâm lý, thì loại phương pháp điều trị này có thể phù hợp với bạn. Các phương pháp điều trị tâm lý dành cho hội chứng ruột kích thích bao gồm tâm lý trị liệu (liệu pháp tâm động học và liệu pháp nhận thức – hành vi), liệu pháp thôi miên và liệu pháp thư giãn. Bạn cũng có thể kết hợp các phương pháp điều trị này tùy theo nhu cầu.

  • Liệu pháp nhận thức hành vi tập trung vào việc giúp thay đổi cách suy nghĩ và hành vi để giảm căng thẳng và cải thiện các triệu chứng hội chứng ruột kích thích.
  • Liệu pháp thôi miên đường tiêu hóa có thể giúp bạn thư giãn và giảm bớt sự khó chịu; những phương pháp điều trị này giúp giải quyết các vấn đề chung và các vấn đề liên quan cụ thể đến triệu chứng như nỗi sợ hãi và cách xử lý khi gặp các triệu chứng.
  • Tập luyện thư giãn có thể giúp giải tỏa căng thẳng và giảm căng cơ 
  • Liệu pháp tâm lý trị liệu liên cá nhân có thể giúp giải quyết căng thẳng nhờ tương tác với người khác 
Kiểm soát hội chứng ruột kích thích
Tập luyện thư giãn giúp giải tỏa căng thẳng và giảm căng cơ

Ngoài giúp giảm bớt các triệu chứng, các liệu pháp này còn có thể giúp bạn trao đổi và tìm hiểu về các vấn đề cá nhân mà không sợ bị đánh giá hay đổ lỗi. Hãy trò chuyện với bác sĩ để hiểu thêm về các liệu pháp này và xem chúng có phù hợp với bạn không nhé.

Kiểm soát căng thẳng bằng các phương pháp chánh niệm

Bên cạnh các liệu pháp tâm lý, các phương pháp chánh niệm như ngồi thiền cũng có thể giúp ích trong việc kiểm soát các triệu chứng hội chứng ruột kích thích. Thực hành các phương pháp này giúp bạn thư giãn và cải thiện tình trạng căng thẳng chung cũng như giảm các triệu chứng như đau bụng, chướng bụng, đầy hơi và tiêu chảy. Hơn nữa, các phương pháp này và các liệu pháp vận động như tập yoga hoặc thái cực quyền có thể tập luyện thường xuyên mà không cần lo lắng đến tác dụng phụ.

Các nghiên cứu cũng ghi nhận tác dụng của liệu pháp điều trị tâm lý trong việc kiểm soát các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Việc quyết định phương pháp điều trị nào sẽ phụ thuộc vào tình trạng, yêu cầu và nguồn lực sẵn có của người bệnh.  Liệu pháp điều trị tâm lý cũng có thể nằm trong quá trình điều trị đa liệu pháp nhằm giúp bạn kiểm soát các triệu chứng tốt hơn, đồng thời giải quyết những vấn đề về tâm lý xã hội như cảm giác bị gièm pha hoặc mất mát trong cuộc sống hàng ngày do bệnh và giúp tăng khả năng kiểm soát bệnh tật.

Hãy nhớ: Luôn trao đổi phương pháp điều trị với bác sĩ hoặc chuyên gia tiêu hóa. Do mỗi bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích đều khác nhau, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về phương pháp điều trị thích hợp cho bạn. Sau khi bạn quyết định kế hoạch điều trị tốt nhất với bác sĩ, hãy nhớ tuân theo các khuyến nghị của họ để cải thiện hội chứng ruột kích thích nhé.

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

1. International Foundation for Gastrointestinal Disorders. Living with IBS. https://aboutibs.org/living-with-ibs.html Accessed on 09.10.2020
2. International Foundation for Gastrointestinal Disorders. Living with IBS: Relationships and IBS. https://aboutibs.org/living-with-ibs-main/relationships-and-ibs.html Accessed 09.10.2020
3. National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases. Treatment for Irritable Bowel Syndrome. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/irritable-bowel-syndrome/treatment Accessed on 05.10.2020
4. International Foundation for Gastrointestinal Disorders. Psychological Treatments. https://www.aboutibs.org/treatment-main/psychologicaltreatments.html accessed on 08.10.2020
5. International Foundation for Gastrointestinal Disorders. Treatments for IBS. https://www.aboutibs.org/what-is-ibs-sidenav/treatments-for-ibs.html accessed 05.10.2020
6. National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases. Treatment for Irritable Bowel Syndrome. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/irritable-bowel-syndrome/treatment accessed on 05.10.2020.
7. International Foundation for Gastrointestinal Disorders. Complementary and Alternative Treatments. https://www.aboutibs.org/complimentary-or-alternative-treatments.html accessed on 05.10.2020

VTM1291417 (v1.0)