Phần 1: Cúm và đái tháo đường – Mối liên hệ nguy hiểm cần được quan tâm
- Ngày cập nhật: 31/7/2024
Mục lục
Trong y học, những trải nghiệm thực tế là nguồn cảm hứng mạnh mẽ nhất cho việc nghiên cứu cải tiến phương pháp quản lý, điều trị bệnh. Trong bài viết này, tôi sẽ viết về những trải nghiệm của bản thân từ một ca biến chứng nặng do cúm ở người bệnh đái tháo đường, điều đã thúc đẩy tôi tìm hiểu sâu hơn về mối liên hệ giữa 2 tình trạng trên, cũng như tầm quan trọng của tiêm phòng cúm ở những người có bệnh đái tháo đường.
Chương I. Trải nghiệm đáng nhớ của tôi tại phòng hội chẩn
A. Bệnh nhân đầu tiên bị biến chứng nặng do cúm
Đó là một trường hợp khiến tôi không thể quên được. Anh đang điều trị ngoại trú tại khoa nội tiết, một người đàn ông 55 tuổi, đã nhập viện trong tình trạng nguy kịch do biến chứng của cúm. Anh có đái tháo đườngtíp 2 trong 7 năm, và chưa từng tiêm phòng cúm. Đợt đó khi nhiễm virus cúm, anh bị biến chứng viêm phổi nặng, kèm theo tình trạng nhiễm toan ceton, tình trạng rất nguy hiểm cần nhập viện cấp cứu.
B. Suy ngẫm về tầm quan trọng của tiêm phòng cúm
Anh đã đấu tranh từng giây với tử thần và vượt qua được cơn nguy kịch. Khi làm hồ sơ xuất viện cho anh, tôi đã ghi chú về việc anh cần tiêm phòng cúm ngay khi tình trạng bệnh ổn định lại. Chúng ta đã có vaccine phòng cúm hiệu quả, nếu được tiêm phòng trước đó, có thể anh đã không phải trải qua tất cả những khó khăn này. Một mũi tiêm dù đơn giản nhưng có thể phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm mà ta không lường trước.
Chương II. Hành trình tìm hiểu của tôi
A. Khám phá mối liên hệ giữa cúm và đái tháo đường
Sau sự kiện đáng nhớ đó, tôi đã bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về cúm và đái tháo đường. Tôi dành nhiều đêm, đọc các tạp chí y khoa và dữ liệu lâm sàng. Tôi nhận ra cơ chế phức tạp mà virus cúm tác động. Virus không chỉ gây ra tình trạng viêm hệ thống, mà còn làm tăng nguy cơ đề kháng insulin ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết.
B. Tại sao virus cúm rất nguy hiểm với người bệnh đái tháo đường?
Khi nhiễm virus cúm, cơ thể thường sẽ tạo ra một số hormone giúp tăng cường năng lượng để chống lại nhiễm trùng. Các hormon này khiến lượng đường trong máu tăng lên. Đặc biệt ở người đái tháo đường, khi đường huyết tăng thì chức năng miễn dịch của cơ thể cũng phần nào bị ảnh hưởng. Các tế bào bạch cầu có thể bị suy giảm khả năng tiêu diệt các tế bào nhiễm virus, tạo điều kiện cho virus cúm nhân lên nhanh chóng và gây ra nhiều biến chứng.
C. Mong muốn người bệnh hiểu tầm quan trọng của tiêm phòng cúm
Tôi nhận thấy tiêm phòng cúm không còn đơn thuần là phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, mà còn là một phần cần thiết trong quản lý tổng thể bệnh đái tháo đường. Tôi muốn giải thích cho mọi người hiểu về mối liên hệ giữa cúm và đái tháo đường. Tôi muốn người bệnh nhận thức được rằng tiêm phòng cúm không chỉ giúp họ tránh được những đợt ốm khó chịu, mà còn bảo vệ họ khỏi những biến chứng nguy hiểm, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tài liệu tham khảo:
[1] Bauer L, Rijsbergen LC, Leijten L, et al. The pro-inflammatory response to influenza A virus infection is fueled by endothelial cells. Life Sci Alliance. 2023;6(7):e202201837. Published 2023 Apr 18. doi:10.26508/lsa.202201837
[2] Raber J, Rhea EM, Banks WA. The Effects of Viruses on Insulin Sensitivity and Blood-Brain Barrier Function. Int J Mol Sci. 2023;24(3):2377. Published 2023 Jan 25. doi:10.3390/ijms24032377
[3] Ohno M, Sekiya T, Nomura N, Daito TJ, Shingai M, Kida H. Influenza virus infection affects insulin signaling, fatty acid-metabolizing enzyme expressions, and the tricarboxylic acid cycle in mice. Sci Rep. 2020;10(1):10879. Published 2020 Jul 2. doi:10.1038/s41598-020-67879-6
[4] Hulme KD, Tong ZWM, Rowntree LC, et al. Increasing HbA1c is associated with reduced CD8+ T cell functionality in response to influenza virus in a TCR-dependent manner in individuals with diabetes mellitus. Cell Mol Life Sci. 2024;81(1):35. Published 2024 Jan 12. doi:10.1007/s00018-023-05010-4