Đái tháo đường và rối loạn lipid máu liên quan với nhau như thế nào?

Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Bích Đào
Phó Chủ tịch Hội Nội tiết – Ðái tháo đường Việt Nam. Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Tâm Đức Tp HCM
  • Ngày cập nhật: 05/12/2023

1. Bệnh đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng glucose huyết (đường huyết) mạn tính, do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

3 loại đái tháo đường chính: Đái tháo đường típ 1, đái tháo đường típ 2, và đái tháo đường thai kỳ (đái tháo đường khi mang thai). Đa số các trường hợp Đái tháo đường là Đái tháo đường típ 2 (90-95%).

2. Đái tháo đường gây tác động đến sức khoẻ như thế nào?

Hiện nay Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Đái tháo đường gắn liền với nguy cơ tổn thương mạch máu, làm phát triển các bệnh lý thận, mắt, thần kinh, tim mạch và làm tăng nguy cơ tử vong. 

Đái tháo đường có thể điều trị và kiểm soát được bằng cách thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và kiểm soát các bệnh đồng mắc để ngăn ngừa, làm chậm sự tiến triển biến chứng, đảm bảo sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Kiểm soát đái tháo đường bằng cách thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và kiểm soát các bệnh đồng mắc
Kiểm soát đái tháo đường bằng cách thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và kiểm soát các bệnh đồng mắc

3. Đái tháo đường làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu (cách gọi khác: rối loạn chuyển hóa lipid máu, rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa mỡ máu), là tình trạng bệnh lý khi có một hoặc nhiều thông số lipid bị rối loạn (tăng cholesterol hoặc tăng triglicerid, hoặc tăng LDL-c, hoặc giảm HDL-c…). 

Rối loạn lipid máu thường được phát hiện cùng lúc với một số bệnh lý Tim mạch – Nội tiết – Chuyển hóa. Có sự liên hệ giữa Đái tháo đường và Rối loạn lipid máu.

Người bị Đái tháo đường có xu hướng giảm cholesterol “tốt”, tăng cholesterol “xấu” và triglycerideNgười bị Đái tháo đường có Rối loạn lipid máu sẽ làm tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch, bệnh  mạch tim mạch do xơ vữa, bệnh động mạch ngoại biên và đột quỵ sớm. Khoảng 70%-90% người đái tháo đường típ 2 có rối loạn lipid máu.

4. Thế nào là cholesterol “tốt”, cholesterol “xấu” và triglyceride

Lipid là thành phần quan trọng của màng tế bào, có nguồn gốc nội sinh được tổng hợp chủ yếu ở gan và nguồn gốc ngoại sinh chuyển hóa từ thực phẩm. Có 3 loại lipid chính lưu hành trong máucholesterol, triglycerid và phospholipid. Cholesterol có vai trò tham gia quá trình tổng hợp màng tế bào, tổng hợp vitamin D và là tiền chất của quá trình tổng hợp hormone. 

Vì lipid nói chung và cholesterol nói riêng không tan trong nước nên để di chuyển trong hệ tuần hoàn, chúng cần kết hợp với các protein (apoprotein) tạo thành các nhóm lipoprotein. Có hai nhóm lipoprotein vận chuyển cholesterol chính là LDL-C (lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp) và HDL-C (lipoprotein cholesterol tỷ trọng cao). 

LDL-C có nhiệm vận chuyển hầu hết cholesterol trong máu đến tế bào. Đây là loại cholesterol có liên quan đến quá trình gây xơ vữa động mạch nên được xem là cholesterol “xấu”. HDL-C có nhiệm vụ vận chuyển cholesterol ngược lại về gan để đào thải ra khỏi cơ thể. HDL-C cao giúp hạn chế nguy cơ xơ vữa động mạch. Vì vậy mà HDL-C còn được gọi là cholesterol “tốt”. 

Quá trình tổng hợp, vận chuyển và thoái hóa cholesterol là một quá trình cân bằng để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh. Khi quá trình này mất cân bằng sẽ dẫn đến rối loạn lipid máu, hậu quả là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đau tim và đột quỵ.

Rối loạn lipid máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đau tim và đột quỵ
Rối loạn lipid máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đau tim và đột quỵ

Triglyceride là loại chất béo phổ biến, cũng là nguồn năng lượng dự trữ của cơ thể. Triglyceride có thể từ chế độ ăn hoặc do gan tạo ra

Khi ăn một số thực phẩm, triglyceride sẽ được ruột hấp thụ và được vận chuyển trong máu để đến các mô tế bào, nhằm cung cấp năng lượng hoặc dự trữ để sử dụng sau này.

5. Những thành phần nào gây xơ vữa động mạch?

Ngoài LDL-C, các cholesterol “tồn dư” như VLDL-C cũng góp phần đáng kể trong việc hình thành các mảng xơ vữa động mạch.

Tất cả các cholesterol có tiềm năng gây xơ vữa được gọi là Non HDL-Cholesterol, bao gồm LDL- C, VLDL-C, IDL-C, phản ánh tổng lượng cholesterol “xấu” và lượng cholesterol “tồn dư”. 

Chỉ số Non HDL-Cholesterol càng cao, nguy cơ tiến triển mảng xơ vữa động mạch càng lớn. 

Kiểm soát tốt nồng độ triglyceride trong máu là một trong những giải pháp để kiểm soát tốt chỉ số Non HDL-C.

Chỉ số Non HDL-Cholesterol càng cao, nguy cơ tiến triển mảng xơ vữa động mạch càng lớn
Chỉ số Non HDL-Cholesterol càng cao, nguy cơ tiến triển mảng xơ vữa động mạch càng lớn

6. Những ai có nguy cơ cao bị rối loạn lipid máu do đái tháo đường

Những yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn lipid máu ở bệnh nhân Đái tháo đường típ 2.

  • Tuổi cao 
  • Ít vận động
  • Béo phì
  • Tăng huyết áp 
  • Lượng đường trong máu cao

7. Điều trị rối loạn lipid máu ở những người có đái tháo đường típ 2

Điều trị bao gồm không dùng thuốc và dùng thuốc.

Thay đổi lối sống (điều trị không dùng thuốc) là biện pháp bắt buộc và hiệu quả để làm giảm cholesterol máu. Thay đổi lối sống bao gồm chế độ ăn phù hợp, tăng cường vận động, duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì, không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá. Thay đổi lối sống giúp cải thiện nhiều yếu tố nguy cơ, có lợi cho kiểm soát đường huyết, huyết áp và sức khỏe chung. 

Bên cạnh thay đổi lối sống, việc dùng thuốc cũng cần thiết để làm giảm bệnh lý tim mạch do xơ vữa.

Các thuốc dùng để điều trị rối loạn lipid máu do đái tháo đường bao gồm statins, fibrates,…

Statins:

Gồm atorvastatin, rosuvastatin, simvastatin,… giúp giảm LDL-Cholesterol trong máu

Nghiên cứu đã cho thấy giảm biến cố tim mạch khi sử dụng statin ở người có đái tháo đường típ 2. Statins thường dễ dung nạp, nhưng vẫn cần lưu ý ở người lớn tuổi, và những thuốc tương tác với statins. 

Bên cạnh thay đổi lối sống, việc dùng thuốc cũng cần thiết để làm giảm bệnh lý tim mạch do xơ vữa
Bên cạnh thay đổi lối sống, việc dùng thuốc cũng cần thiết để làm giảm bệnh lý tim mạch do xơ vữa

Fibrates

Gồm fenofibrate, ciprofibrate, bezafibrate,… giúp giảm triglyceride và tăng HDL-Cholesterol trong máu. 

Đặc biệt riêng fenofibrate qua các nghiên cứu lâm sàng còn cho thấy khả năng làm giảm tiến triển bệnh võng mạc do đái tháo đường típ 2 ở giai đoạn sớm. 

Phối hợp statin với fibrate giúp phòng ngừa biến cố tim mạch cho người có đái tháo đường típ 2 có tăng triglyceride. 

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo

1.Centers for Disease Control and Prevention. What Is Diabetes? Centers for Disease Control and Prevention. Published September 5, 2023. https://www.cdc.gov/diabetes/basics/diabetes.html

2. CDC. Diabetes and Vision Loss. Centers for Disease Control and Prevention. Published May 7, 2021. https://www.cdc.gov/diabetes/managing/diabetes-vision-loss.html#:~:text=Eye%20diseases%20that%20can%20affect

3. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường Tuýp 2 (Ban hành kèm theo Quyết định số 3319/QĐ-BYT ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

4. Jialal I, Singh G. Management of diabetic dyslipidemia: An update. World Journal of Diabetes. 2019;10(5):280-290. doi:https://doi.org/10.4239/wjd.v10.i5.280

5. Li J, Nie Z, Ge Z, Shi L, Gao B, Yang Y. Prevalence of dyslipidemia, treatment rate and its control among patients with type 2 diabetes mellitus in Northwest China: a cross-sectional study. Lipids in Health and Disease. 2022;21(1). doi:https://doi.org/10.1186/s12944-022-01691-1

6. Thekraiat Al Quran, Bataineh ZM, Abdel-Hameed Al-Mistarehi, et al. Prevalence and Pattern of Dyslipidemia and Its Associated Factors Among Patients with Type 2 Diabetes Mellitus in Jordan: A Cross-Sectional Study. International Journal of General Medicine. 2022;Volume 15:7669-7683. doi:https://doi.org/10.2147/ijgm.s377463

7. American Heart Association. Cholesterol and Diabetes. www.heart.org. Published 2021. https://www.heart.org/en/health-topics/diabetes/diabetes-complications-and-risks/cholesterol-abnormalities–diabetes

8. Centers for Disease Control and Prevention. LDL & HDL: Good & Bad Cholesterol. Centers for Disease Control and Prevention. Published October 31, 2017. https://www.cdc.gov/cholesterol/ldl_hdl.htm

9. UpToDate. www.uptodate.com. Accessed November 10, 2023. https://www.uptodate.com/contents/high-cholesterol-and-lipids-beyond-the-basics#H1824696354

10. Hoffman M, MD. HDL Cholesterol: The Good Cholesterol. WebMD. https://www.webmd.com/cholesterol-management/hdl-cholesterol-the-good-cholesterol

11. Brunner FJ, Waldeyer C, Ojeda F, et al. Application of non-HDL cholesterol for population-based cardiovascular risk stratification: results from the Multinational Cardiovascular Risk Consortium. The Lancet. Published online December 2019. doi:https://doi.org/10.1016/s0140-6736(19)32519-x

12. Puri R, Nissen SE, Shao M, et al. Non-HDL Cholesterol and Triglycerides. Arteriosclerosis, Thrombosis, and Vascular Biology. 2016;36(11):2220-2228. doi:https://doi.org/10.1161/atvbaha.116.307601

13. Zambon A, Puato M, Faggin E, Grego F, Rattazzi M, Pauletto P. Lipoprotein remnants and dense LDL are associated with features of unstable carotid plaque: a flag for non-HDL-C. Atherosclerosis. 2013;230(1):106-109. doi:https://doi.org/10.1016/j.atherosclerosis.2013.06.024

14. Mach F, Baigent C, Catapano AL, et al. 2019 ESC/EAS Guidelines for the Management of dyslipidaemias: Lipid Modification to Reduce Cardiovascular Risk. European Heart Journal. 2019;41(1). doi:https://doi.org/10.1093/eurheartj/ehz455

15. Visseren FLJ, Mach F, Smulders YM, et al. 2021 ESC Guidelines on cardiovascular disease prevention in clinical practice. European Heart Journal. 2021;42(34). doi:https://doi.org/10.1093/eurheartj/ehab484

16. Haile K, Timerga A. Dyslipidemia and Its Associated Risk Factors Among Adult Type-2 Diabetic Patients at Jimma University Medical Center, Jimma, Southwest Ethiopia. Diabetes, Metabolic Syndrome and Obesity: Targets and Therapy. 2020;Volume 13:4589-4597. doi:https://doi.org/10.2147/dmso.s283171

17. Castro’ ML de. Diabetic dyslipidaemia: which drugs to use. www.escardio.org. https://www.escardio.org/Journals/E-Journal-of-Cardiology-Practice/Volume-19/diabetic-dyslipidaemia-which-drugs-to-use

18. Effects of long-term fenofibrate therapy on cardiovascular events in 9795 people with type 2 diabetes mellitus (the FIELD study): randomised controlled trial. The Lancet. 2005;366(9500):1849-1861. doi:https://doi.org/10.1016/s0140-6736(05)67667-2

19. Scott R, O’Brien R, Fulcher G, et al. Effects of Fenofibrate Treatment on Cardiovascular Disease Risk in 9,795 Individuals With Type 2 Diabetes and Various Components of the Metabolic Syndrome: The Fenofibrate Intervention and Event Lowering in Diabetes (FIELD) study. Diabetes Care. 2008;32(3):493-498. doi:https://doi.org/10.2337/dc08-1543

20. Effects of Combination Lipid Therapy in Type 2 Diabetes Mellitus. New England Journal of Medicine. 2010;362(17):1563-1574. doi:https://doi.org/10.1056/nejmoa1001282

21. Noonan JE, Jenkins AJ, Ma JX ., Keech AC, Wang JJ, Lamoureux EL. An Update on the Molecular Actions of Fenofibrate and Its Clinical Effects on Diabetic Retinopathy and Other Microvascular End Points in Patients With Diabetes. Diabetes. 2013;62(12):3968-3975. doi:https://doi.org/10.2337/db13-0800

22. Preiss D, Spata E, Holman RR, et al. Effect of Fenofibrate Therapy on Laser Treatment for Diabetic Retinopathy: A Meta-Analysis of Randomized Controlled Trials. 2021;45(1):e1-e2. doi:https://doi.org/10.2337/dc21-1439

23. Keech A, Mitchell P, Summanen P, et al. Effect of fenofibrate on the need for laser treatment for diabetic retinopathy (FIELD study): a randomised controlled trial. The Lancet. 2007;370(9600):1687-1697. doi:https://doi.org/10.1016/s0140-6736(07)61607-9

24. Effects of Medical Therapies on Retinopathy Progression in Type 2 Diabetes. New England Journal of Medicine. 2010;363(3):233-244. doi:https://doi.org/10.1056/nejmoa1001288

25. What Is Avastin? American Academy of Ophthalmology. Published April 19, 2023. Accessed November 10, 2023. https://www.aao.org/eye-health/drugs/avastin#:~:text=Avastin%20is%20a%20drug%20used

26. Injections to Treat Eye Conditions | National Eye Institute. www.nei.nih.gov. Published July 8, 2022. https://www.nei.nih.gov/learn-about-eye-health/eye-conditions-and-diseases/diabetic-retinopathy/injections-treat-eye-conditions

VTM1296909 (v1.0)