Diễn tiến bệnh cúm trong mùa đông xuân 2025-2026

- Ngày cập nhật: 28/04/2025
Mục lục
1. Vi rút cúm mùa: Tiến hoá và nguy cơ tiềm ẩn
Vi rút cúm có nhiều loại, nhưng thường gặp nhất là cúm A và cúm B – hai týp gây bệnh chính ở người. Điểm đáng lo ngại là vi rút cúm A có khả năng biến đổi cao bằng cách thay đổi protein bề mặt, khiến hệ miễn dịch của chúng ta khó nhận biết và chống lại. Trong quá khứ, chính những biến đổi này đã giúp cúm “lẩn trốn” hệ miễn dịch và gây ra các đại dịch lớn, như H1N1 năm 1917, H3N2 năm 1968, hay H1N1 năm 2009. Hiện nay, các chủng H1N1 và H3N2 vẫn đang âm thầm lưu hành. Cúm B ít thay đổi hơn nhưng cũng không thể xem nhẹ, với hai dòng phổ biến là Victoria và Yamagata – cả hai đều từng là tác nhân gây dịch đáng kể.
2. Xu hướng mới trong đặc điểm dịch tễ cúm mùa đến dự báo chủng phổ biến trong tương lai
Đến tháng 3/2025, mùa cúm ở các nước ôn đới Bắc bán cầu đang dần kết thúc, nhưng ở Việt Nam – một quốc gia nhiệt đới – vi rút cúm lại có thể “tranh thủ” thời tiết thuận lợi để lưu hành quanh năm. Từ đầu năm 2025, tại Việt Nam đã ghi nhận hàng ngàn ca mắc cúm thuộc nhiều chủng khác nhau: A/H1N1, A/H3N2 và cả cúm B. Một số bệnh viện tại Hà Nội cũng có lượng ca cúm A nhập viện tăng nhanh, cho thấy cho thấy hoạt động vi rút cúm khác nhau theo khu vực và thời điểm.

Trên thế giới, dữ liệu 2024-2025 cho thấy sự “góp mặt” của cả cúm A và B, đặc biệt là cúm B dòng Victoria. Tỷ lệ mắc cúm B năm nay cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là ở Đông Nam Á và châu Âu. Đáng lo ngại là xu hướng đồng nhiễm cúm A và B gia tăng, khiến triệu chứng nặng hơn và giảm hiệu quả điều trị.
Dựa trên những xu hướng dịch tễ hiện tại, chúng tôi dự đoán rằng cả ba chủng cúm phổ biến sẽ tiếp tục lưu hành trong mùa dịch 2025–2026. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến cúm A, nhất là chủng H3N2, do khả năng tái tổ hợp cao – tức là vi rút có thể biến đổi bất ngờ và lây lan nhanh nếu chúng ta mất cảnh giác. Dù dòng Victoria hiện đang chiếm ưu thế trong nhóm cúm B, chúng tôi cũng không loại trừ khả năng dòng Yamagata sẽ quay trở lại trong thời gian tới. Chính vì vậy, việc theo dõi chặt chẽ tình hình cúm cả trong nước lẫn quốc tế là hết sức cần thiết để kịp thời ứng phó và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
3. Phòng ngừa và kiểm soát
Vắc xin vẫn là “vũ khí” lợi hại nhất để phòng ngừa cúm. Thật đáng mừng là ngày càng nhiều người Việt Nam chủ động tiêm phòng. Tuy nhiên, để vắc xin phát huy tối đa hiệu quả, các nhà khoa học đã không ngừng theo dõi sự thay đổi của vi rút để cập nhật thành phần vắc xin phù hợp với từng mùa dịch mới. Chính vì vậy, việc tiêm nhắc lại mỗi năm là điều rất cần thiết.

Ngoài vắc xin, những hành động nhỏ trong đời sống hàng ngày cũng mang lại hiệu quả to lớn. Mỗi người hãy duy trì thói quen rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang ở nơi đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người bệnh, và vệ sinh môi trường sống. Bổ sung dinh dưỡng hợp lý và tập luyện thể dục đều đặn cũng góp phần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, tạo “lá chắn” vững chắc giảm nguy cơ lây nhiễm cúm mùa.
Xem thêm: