Điều trị giảm non-HDL-C để làm giảm nguy cơ tim mạch tồn dư 

bác sĩ Châu Ngọc Hoa
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS Châu Ngọc Hoa
Phó Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam / Phó Chủ Tịch Hội Tim Mạch học TPHCM / Giảng viên cao cấp – Bộ môn Nội – Khoa Y – Đại học Y Dược TPHCM
  • Ngày cập nhật: 29/7/2024

Tiếp theo phần trước, bài viết này chúng tôi sẽ giải thích một số lợi ích của việc giảm non-HDL-C với nguy cơ tim mạch, đặc biệt là ở người trẻ có các yếu tố nguy cơ đi kèm, cũng như các phương pháp điều trị bằng thuốc giúp giảm non-HDL-C. 

1. Giảm non-HDL-C giúp giảm nguy cơ tim mạch trong dài hạn

Một nghiên cứu tại 19 quốc gia khảo sát về mối quan hệ giữa non-HDL-C và nguy cơ tim mạch. Trong nghiên cứu này, 398.846 người không có bệnh tim mạch ở thời điểm ban đầu tham gia theo dõi dài hạn, với thời gian trung vị là 13,5 năm. Kết quả cho thấy, nếu một người là nam giới, dưới 45 tuổi, non-HDL-C tăng cao (≥ 220 mg/dL); và có từ 2 yếu tố nguy cơ tim mạch trở lên, thì khả năng mắc bệnh tim mạch đến năm 75 tuổi ước tính là 43,0% nếu không điều trị. Trong khi đó, khả năng mắc bệnh tim mạch giảm chỉ còn 4,4% nếu điều trị giảm được 50% non-HDL-C. Nghiên cứu kết luận, người trẻ có mức non-HDL-C cao thường có nhiều nguy cơ tim mạch trong dài hạn. Sự can thiệp giảm non-HDL-C càng sớm, nguy cơ tim mạch giảm càng nhiều.

2. Tình hình điều trị non-HDL-C tại châu Á

Ở khu vực Châu Á, tình trạng béo phì và đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt ở người trẻ tuổi. Các người bệnh này thường có tăng non-HDL-C trong máu, từ đó gia tăng nguy cơ gặp các vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, tại Châu Á, tỷ lệ điều trị không đạt mức non-HDL-C mong muốn lại khá cao. Cụ thể, trên những người đạt mục tiêu điều trị LDL-C, có hơn 20% bệnh nhân không đạt được mức non-HDL-C mong muốn. Trong nghiên cứu này, tỷ lệ đạt mục tiêu non-HDL-c thấp hơn so với LDL-c và sự khác biệt này là lớn nhất ở những người có nguy cơ cao. 

Trong một nghiên cứu khác trên 23.641 bệnh nhân có bệnh động mạch vành đã được điều trị statin và có LDL-c <1.8 mmol/L, những người có non-HDLc càng cao thì thì biến cố tim mạch và tử vong càng nhiều. Các dữ liệu này gợi ý tầm quan trọng của việc nỗ lực kiểm soát non-HDL-c, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao và rất cao. 

tình trạng béo phì

Tình trạng béo phì và đái tháo đường đang tăng nhanh ở khu vực Châu Á, đặc biệt ở người trẻ tuổi.

3. Các liệu pháp điều trị dùng thuốc

Trong điều trị rối loạn lipid máu, LDL-c là mục tiêu hàng đầu. Điều trị nền tảng là thay đổi lối sống và thuốc statin. Nhóm thuốc này giúp giảm mức LDL-C và biến cố tim mạch ở những người chưa có biến cố tim mạch và cả những người đã có biến cố tim mạch trước đó. Nếu chưa đạt mục tiêu LDL-c ở liều statin tối ưu, có thể xem xét phối hợp một số nhóm thuốc khác như Ezetimibe, ức chế PCSK9…

Các nghiên cứu cho thấy ngay cả khi đã kiểm soát LDL-c, tăng non-HDLc vẫn làm gia tăng nguy cơ tim mạch tồn dư, đặc biệt ở người đái tháo đường, béo phì, hội chứng chuyển hoá.

Xem thêm: Kiểm soát non-HDL-C: Chìa khóa giảm nguy cơ tim mạch tồn dư trong điều trị rối loạn lipid máu.

Bác sĩ Châu Ngọc Hoa
PGS. Châu Ngọc Hoa

Do đó, trên bệnh nhân đã đạt mục tiêu LDL-c với liều statin tối ưu, nhưng còn tăng Triglyceride (là một thành phần của Non-HDL-c), có thể xem xét phối hợp thêm các thuốc fibrate, icosapen ethyl, hoặc một số nhóm thuốc khác như niacin, omega-3. Việc kết hợp fenofibrate và statin giảm thêm 9% mức non-HDL-C so với việc chỉ sử dụng một mình statin. Sự kết hợp này tạo ra các hạt cholesterol lớn, dễ nổi, ít gây bệnh tim mạch hơn so với hạt cholesterol nhỏ, và dễ lắng đọng.

Tóm lại, việc kiểm soát mức non-HDL-C cao rất quan trọng trong dự phòng nguy cơ tim mạch dài hạn, đặc biệt đối với những người đái tháo đường, béo phì, hội chứng chuyển hoá. Can thiệp giảm non-HDL-C càng sớm càng hiệu quả trong việc giảm nguy cơ tim mạch. Bên cạnh điều trị chính là thay đổi lối sống và statin, có thể phối hợp các liệu pháp khác để đạt mục tiêu non-HDL-c mong muốn, nhờ đó cải thiện sức khoẻ tim mạch tốt hơn.

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

1. Brunner FJ, Waldeyer C, Ojeda F, et al. Application of non-HDL cholesterol for population-based cardiovascular risk stratification: results from the Multinational Cardiovascular Risk Consortium [published correction appears in Lancet. 2019 Dec 14;394(10215):2154. doi: 10.1016/S0140-6736(19)33059-4] [published correction appears in Lancet. 2020 Jan 4;395(10217):32. doi: 10.1016/S0140-6736(19)33151-4]. Lancet. 2019;394(10215):2173-2183. doi:10.1016/S0140-6736(19)32519-X

2. David Tak Wai Lui, Junya Ako, Jamshed Dalal, et al. Obesity in the Asia-Pacific Region: Current Perspectives, Journal of Asian Pacific Society of Cardiology 2024;3:e21.

3. Ramachandran A, Snehalatha C, Ma RC. Diabetes in South-East Asia: an update. Diabetes Res Clin Pract. 2014 Feb;103(2):231-7

4. Ramachandran A, Snehalatha C, Shetty AS, et al. Trends in prevalence of diabetes in Asian countries. World J Diabetes. 2012 Jun 15;3(6):110-7. 

5. Luk AO. Changing landscape of diabetes in Asia – What are the unmet needs? J Diabetes Investig. 2024 Apr;15(4):402-409.

6. Santos RD, Waters DD, Tarasenko L, et al. A comparison of non-HDL and LDL cholesterol goal attainment in a large, multinational patient population: the Lipid Treatment Assessment Project 2. Atherosclerosis. 2012;224(1):150-153. doi:10.1016/j.atherosclerosis.2012.06.052

7. Hansen MK, Mortensen MB, Warnakula Olesen KK, et al. Non-HDL cholesterol and residual risk of cardiovascular events in patients with ischemic heart disease and well-controlled LDL cholesterol: a cohort study. Lancet Reg Health Eur. 2023 Nov 4;36:100774. 

8. Stone NJ, Robinson JG, Lichtenstein AH, et al. 2013 ACC/AHA guideline on the treatment of blood cholesterol to reduce atherosclerotic cardiovascular risk in adults: a report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Practice Guidelines [published correction appears in J Am Coll Cardiol. 2014 Jul 1;63(25 Pt B):3024-3025] [published correction appears in J Am Coll Cardiol. 2015 Dec 22;66(24):2812]. J Am Coll Cardiol. 2014;63(25 Pt B):2889-2934. 

9. Visseren FLJ, Mach F, Smulders YM, et al. 2021 ESC Guidelines on cardiovascular disease prevention in clinical practice. Eur Heart J. 2021 Sep 7;42(34):3227-3337. doi: 10.1093/eurheartj/ehab484. Erratum in: Eur Heart J. 2022 Nov 7;43(42):4468. 

10. Raja V, Aguiar C, Alsayed N, et al. Non-HDL-cholesterol in dyslipidemia: Review of the state-of-the-art literature and outlook. Atherosclerosis. 2023 Oct;383:117312.

11. Ginsberg HN, Packard CJ, Chapman MJ, et al. Triglyceride-rich lipoproteins and their remnants: metabolic insights, role in atherosclerotic cardiovascular disease, and emerging therapeutic strategies-a consensus statement from the European Atherosclerosis Society. Eur Heart J. 2021 Dec 14;42(47):4791-4806. 

12. Grundy SM, Vega GL, Yuan Z, et al. Effectiveness and tolerability of simvastatin plus fenofibrate for combined hyperlipidemia (the SAFARI trial) [published correction appears in Am J Cardiol. 2006 Aug 1;98(3):427-8]. Am J Cardiol. 2005;95(4):462-468. 

VTM1324550 (v1.0)