Điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ dưới 2 tuổi như thế nào?
- Ngày cập nhật: 25/6/2024
Mục lục
Các phụ huynh thân mến, tiêu chảy cấp là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ em, có thể biến chứng nặng gây mất nước điện giải, thậm chí tử vong. Ngoài ra, tiêu chảy cấp ảnh hưởng đến sự phát triển và tình trạng dinh dưỡng của trẻ, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi. Trong bài viết này, tôi sẽ cung cấp thông tin về dấu hiệu nhận biết vàcách điều trị bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ dưới 2 tuổi, cũng như thời điểm mà các phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện khám ngay.
1. Triệu chứng của tiêu chảy cấp ở trẻ dưới 2 tuổi
Trẻ nhỏ có thể không diễn đạt bằng lời những gì bé cảm nhận, vì vậy việc quan sát các dấu hiệu bất thường rất quan trọng. Các phụ huynh cần chú ý những triệu chứng, biểu hiện ở trẻ như:
Tiêu phân lỏng và tóe nước: trẻ đi tiêu phân lỏng tóe nước ít nhất 3 lần trong 24 giờ, trong trường hợp bệnh tả, phân có thể đục như nước vo gạo. Trẻ có thể đi tiêu phân lẫn nhày đàm, hoặc dây máu.
Đa số các trường hợp trẻ nôn ói kèm theo tiêu chảy dẫn đến tình trạng dễ mất nước hơn. Trẻ có thể đau bụng từng cơn, có hoặc không giảm đau sau đi tiêu. Trẻ thường ăn uống kém, không muốn ăn hoặc bỏ bú, ít chơi. Một số trường hợp trẻ có chướng bụng đi kèm, tình trạng này liên quan đến mất các chất điện giải như kali. Trẻ cũng có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao.
Bên cạnh đó, còn có những dấu hiệu mất nước ở trẻ mà ba mẹ cần lưu ý, chẳng hạn như bứt rứt, lừ đừ, mệt mỏi, khát nước, uống nước háo hức, hoặc không uống được, tiểu ít, mắt trũng, tay chân lạnh.
2. Điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ dưới 2 tuổi
Điều trị tiêu chảy cấp chủ yếu là phòng ngừa mất nước nếu trẻ chưa bị mất nước; bù nước điện giải đầy đủ cho trẻ khi trẻ bị mất nước; điều trị các tác nhân gây tiêu chảy như vi khuẩn; điều trị hỗ trợ giảm thời gian và mức độ tiêu chảy, đồng thời phòng ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ.
a. Bù nước và điện giải
Để đảm bảo trẻ được cung cấp đủ nước, phòng ngừa mất nước và các chất điện giải, ba mẹ hãy cho trẻ uống tùy theo nhu cầu của trẻ cho đến khi trẻ ngưng tiêu chảy. Thông thường khoảng 50-100ml dung dịch bù nước điện giải sau mỗi lần tiêu lỏng đối với trẻ dưới 2 tuổi.
Đối với trẻ còn bú mẹ, có thể cho trẻ bú mẹ nhiều và lâu hơn ở mỗi lần bú. Đối với trẻ không bú mẹ, có thể cho trẻ uống dung dịch Oresol (còn gọi là nước biển khô), nước muối đường, và thức ăn lỏng như canh súp, cháo …v.v…để cung cấp đủ nước và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Tránh sử dụng thức uống chứa nhiều đường, nước có gas, nước trà, nước trái cây công nghiệp…v.v…vì các thức uống này không cung cấp đủ điện giải phù hợp và có thể làm tiêu chảy nhiều và nặng hơn.
b. Ăn uống dinh dưỡng đầy đủ
Ba mẹ hãy cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu hóa, chế độ ăn bình thường của trẻ, có thể chia làm nhiều bữa ăn nhỏ để trẻ dễ tiêu hóa hơn nhằm phòng ngừa suy dinh dưỡng.
c. Sử dụng thuốc hợp lý
Bác sĩ có thể chỉ định bổ sung kẽm, thuốc kháng tiết giúp làm giảm sự tiết nước và điện giải như Racecadotril, một số men vi sinh để giảm số lần và lượng phân tiêu chảy. Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy do nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh.
Tránh tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, chống tiêu chảy (loperamide, diosmectite, hoặc bismuth subsalicylate), thuốc chống ói (promethazine, metoclopramide) cho trẻ dưới 2 tuổi mà không có hướng dẫn của bác sĩ.
Ba mẹ hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể và đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc cho trẻ.
3. Theo dõi tình trạng của trẻ tiêu chảy cấp và nhận biết các dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay
Ba mẹ cần theo dõi số lần đi tiêu, số lượng phân, màu sắc phân, lượng nước tiểu, khả năng uống, cân nặng, và các dấu hiệu mất nước ở trẻ; và hãy đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ có một trong các biểu hiện sau:
- Trẻ đi tiêu lỏng nhiều lần, trên 2 lần/giờ
- Tiêu phân có nhày máu
- Ói tất cả mọi thứ
- Không uống được hoặc bỏ bú
- Trẻ rất khát nước
- Sốt cao khó hạ
- Trẻ lừ đừ, bứt rứt, quấy khóc khó dỗ
Trong trường hợp trẻ có những triệu chứng như trên, ba mẹ hãy đưa trẻ đến bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời, vì tiêu chảy nhiều có thể gây mất nước nghiêm trọng và nguy hiểm cho trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
Xem thêm:
- Ba mẹ cần chăm sóc trẻ dưới 2 tuổi bị tiêu chảy cấp như thế nào?
- Trẻ bị tiêu chảy cấp: mẹ phải làm gì để bé nhanh khỏi?
- Cách kiểm soát tiêu chảy cấp ở trẻ em tại nhà
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y tế (2009). Hướng dẫn xử trí tiêu chảy cấp ở trẻ em
2. Tổ chức Y tế Thế giới (2005). Điều trị tiêu chảy: Sổ tay dành cho bác sĩ và nhân viên y tế
3. Carson RA, Mudd SS, Madati PJ. Clinical Practice Guideline for the Treatment of Pediatric Acute Gastroenteritis in the Outpatient Setting. J Pediatr Health Care. 2016;30(6):610-616. doi:10.1016/j.pedhc.2016.04.012
4. Guarino A, Ashkenazi S, Gendrel D, et al. European Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition/European Society for Pediatric Infectious Diseases evidence-based guidelines for the management of acute gastroenteritis in children in Europe: update 2014. J Pediatr Gastroenterol Nutr. 2014;59(1):132-152. doi:10.1097/MPG.0000000000000375