Điều trị và quản lý chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình như thế nào?
- Ngày cập nhật: 21/10/2024
Mục lục
Tình trạng chóng mặt có thể gây ra nhiều khó khăn và lo lắng trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn chia sẻ với bạn những thông tin quan trọng về phương pháp chẩn đoán, điều trị và quản lý chóng mặt.
Tiếp nối phần trước, bài viết sau đây sẽ nói về chẩn đoán và điều trị chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình. Hy vọng rằng những kiến thức này sẽ giúp bạn hiểu thêm về bệnh và tuân thủ theo điều trị tốt hơn.
Phương pháp chẩn đoán chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình
Khi bạn đến khám, chúng tôi sẽ thực hiện một bài kiểm tra đơn giản, chỉ gồm ba phần.
Đầu tiên, chúng tôi sẽ dịch chuyển đầu của bạn và quan sát mắt bạn phản ứng ra sao. Tiếp theo, chúng tôi sẽ kiểm tra xem mắt bạn có chuyển động bất thường nào không. Cuối cùng, chúng tôi sẽ che và mở từng mắt của bạn, trong khi bạn cố gắng nhìn thẳng để xem mắt bạn có chuyển động lạ hay không.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ quan sát cách bạn đi lại và giữ thăng bằng. Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ không cần phải chụp Cộng hưởng từ (MRI) hoặc cắt lớp vi tính (CT) sọ não. Chúng tôi chỉ đề xuất chỉ định những xét nghiệm này khi có kèm theo triệu chứng đặc biệt khác.
Mục đích chính của thăm khám là để chúng tôi có thể loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng hơn, như đột quỵ chẳng hạn, và xác định chính xác tình trạng của bạn. Từ đó giúp bạn được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Điều trị và quản lý chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình
Trong giai đoạn đầu, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Thường thì đó sẽ là thuốc chống nôn (metoclopramide), kháng histamine (diphenhydramine) và an thần nhẹ (diazepam, lorazepam). Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng những loại thuốc này chỉ nên dùng ngắn ngày theo hướng dẫn, tức là trong khoảng 3 ngày. Nếu dùng lâu hơn, có thể sẽ dẫn đến làm chậm quá trình hồi phục tự nhiên của cơ thể.
Thuốc có thể dùng kéo dài là thuốc hỗ trợ chức năng tiền đình (betahistine). Với tác động ổn định hệ thống tiền đình, thuốc sẽ giúp cải thiện dần triệu chứng, phục hồi thăng bằng, tái hòa nhập cuộc sống sớm. Để đạt được hiệu quả như mong đợi, bạn cần kiên trì sử dụng theo hướng dẫn, trong 1-3 tháng
Để nhanh chóng cải thiện tình trạng chóng mặt, bên cạnh điều trị bằng thuốc, việc tập luyện các bài tập phục hồi chức năng tiền đình là vô cùng quan trọng.
Xem thêm: Bài tập phục hồi chức năng tiền đình
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bài tập này giúp cải thiện triệu chứng và chức năng tiền đình của người bệnh rất hiệu quả. Để đạt được kết quả tốt nhất, chúng tôi khuyên bạn nên thực hiện đầy đủ chương trình tập luyện tiền đình được thiết kế riêng cho mình. Cũng đừng ngại hỏi bác sĩ về quá trình điều trị hoặc tập luyện. Chúng tôi sẽ sẵn sàng lắng nghe, giải đáp và hỗ trợ bạn.
Lời khuyên từ chuyên gia
Dưới đây là một số thông tin quan trọng về tình trạng chóng mặt mà tôi muốn chia sẻ với các bạn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn bị chóng mặt kèm theo đau đầu dữ dội, sốt trên 38°C, nhìn đôi, nhìn mờ, khó nói, khó nghe, yếu tay chân, méo miệng, không thể tự đi lại, bị ngất, tê hoặc ngứa ran, đau ngực, hoặc nôn liên tục không dứt, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay. Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng cần được nhập viện khẩn cấp.
Ngoài ra, nếu bạn chóng mặt kéo dài vài phút trở lên và thuộc một trong các trường hợp như trên 60 tuổi, đã từng bị đột quỵ, hoặc có nguy cơ đột quỵ cao (ví dụ như bị đái tháo đường hoặc hút thuốc lá), chúng tôi khuyên bạn đừng chủ quan mà nên thăm khám sớm.
Ngay cả khi thỉnh thoảng bị chóng mặt mà không có các triệu chứng trên hay không thuộc trường hợp kể trên, bạn vẫn nên đặt lịch khám với bác sĩ để đảm bảo hơn.
Những điều bạn cần làm
Để đối phó với tình trạng chóng mặt, đầu tiên, bạn hãy chú ý phòng ngừa té ngã. Nên dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, bỏ các thảm trơn trượt, đi giày chắc chắn, chống trượt, và đảm bảo lối đi sáng sủa sẽ giúpbạn an toàn hơn khi đi lại trong nhà.Khi cảm thấy chóng mặt, bạn nên ngồi hoặc nằm xuống ngay lập tức. Nếu đang lái xe, hãy tấp xe vào lề ngay để đảm bảo an toàn cho bạn và những người xung quanh.
Một lời khuyên quan trọng nữa là tránh thay đổi tư thế đột ngột. Khi thức dậy vào buổi sáng, hãy ngồi dậy từ từ trước khi đứng lên khỏi giường. Như vậy sẽ giúp cơ thể thích nghi dần dần và giảm nguy cơ bị chóng mặt.
Các bạn thân mến, hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng chóng mặt và cách đối phó, xử trí. Với sự kiên trì và tuân thủ đúng phương pháp điều trị, chúng tôi tin rằng bạn sẽ sớm cải thiện được tình trạng sức khỏe và quay trở lại với cuộc sống bình thường. Hãy giữ vững niềm tin và tinh thần lạc quan!
Xem thêm:
- Chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình có nguy hiểm không?
- 6 bước giúp ngăn ngừa cơn chóng mặt tái phát
- Kiểm soát cơn chóng mặt như thế nào?
Tài liệu tham khảo:
[1] Smith T, Rider J, Cen S, Borger J. Vestibular Neuronitis (Labyrinthitis). Nih.gov. Published December 4, 2019. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK549866/
[2] Vestibular neuritis and labyrinthitis – UpToDate (infotrieve.com)
[3] Patient education: Vertigo (a type of dizziness) (The Basics) – UpToDate (infotrieve.com)