Đối mặt với sảy thai liên tiếp: Hiểu về nguyên nhân, hướng tới giải pháp
- Ngày cập nhật: 27/6/2024
Mục lục
Thân gửi các cặp vợ chồng đang phải đối mặt với nỗi đau sảy thai liên tiếp. Với nhiều năm làm việc trong chuyên khoa phụ sản, tôi hiểu rằng sảy thai liên tiếp là một trong những thách thức lớn nhất mà các cặp đôi phải đối mặt trong hành trình làm cha mẹ. Thống kê cho thấy, cứ 100 cặp vợ chồng thì có khoảng 2 đến 5 cặp phải đối mặt với nỗi đau mất đi thai nhi 2 lần trở lên liên tiếp. Sảy thai liên tiếp không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ, mà còn gây tác động tiêu cực đến tinh thần và chất lượng cuộc sống của cả gia đình. Vì vậy, nâng cao nhận thức, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các bác sĩ và chuyên gia tâm lý là vô cùng quan trọng đối với những cặp đôi đang phải trải qua tình trạng này.
1. Sảy thai liên tiếp là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sảy thai liên tiếp (RPL – Recurrent Pregnancy Loss) là tình trạng sảy thai từ 3 lần trở lên liên tiếp trước tuần thứ 22 của thai kỳ hoặc mất thai nhi có trọng lượng dưới 500g.
Tuy nhiên, hướng dẫn của Hội Sinh sản và Phôi học Châu Âu (ESHRE) thì định nghĩa sảy thai liên tiếp là mất tự nhiên từ 2 thai kỳ trở lên kể từ thời điểm thụ thai cho đến tuần thứ 24 của thai kỳ.
Theo quan điểm cá nhân tôi, hướng dẫn của ESHRE mang lại lợi ích hơn cho người bệnh vì được tiếp cận chẩn đoán chuyên biệt ngay sau 2 lần sảy thai liên tiếp, thay vì phải chờ đến lần thứ 3.
2. Nguyên nhân dẫn đến sảy thai liên tiếp
Nguyên nhân dẫn đến sảy thai liên tiếp rất đa dạng và phức tạp, bao gồm cả yếu tố có thể thay đổi và không thể thay đổi. Mặc dù đã được đánh giá kỹ lưỡng, khoảng 50% trường hợp vẫn không rõ nguyên nhân.
Trong số 50% còn lại, các nguyên nhân thường gặp bao gồm: Di truyền, giải phẫu, nội tiết, hội chứng kháng phospholipid, miễn dịch, yếu tố môi trường.
3. Giải pháp cho tình trạng sảy thai liên tiếp?
Để giảm nguy cơ sảy thai, các cặp vợ chồng cần thay đổi lối sống như:
Không sử dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá, caffein. Duy trì cân nặng hợp lý giảm cân nếu béo phì (BMI ≥ 30 tăng đáng kể nguy cơ sảy thai) và tăng cân nếu thiếu cân (BMI < 18.8 tăng tỷ lệ sẩy thai). Dùng thực phẩm nhiều chất xơ, đầy đủ dưỡng chất, vitamin
Với phụ nữ có BMI < 25 kg/m2 đang cố gắng thụ thai, nên hạn chế tập thể dục mạnh (dưới 5 giờ/tuần).
Bên cạnh đó, người vợ cũng được làm các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân cũng như điều trị phù hợp từ trước và trong thai kỳ.
Nếu có chẩn đoán hội chứng antiphospholipid có thể sử dụng aspirin từ trước khi thụ thai và heparin khi có kết quả thử thai dương tính. Nếu có bất thường giải phẫu như vách ngăn hoặc dính buồng tử cung, cần phẫu thuật nội soi để khắc phục. Nếu có rối loạn nội tiết như nhược giáp, đái tháo đường thì cần được dùng thuốc điều trị như levothyroxine, metformin.
Trường hợp không rõ nguyên nhân thì theo kinh nghiệm có thể dùng progesterone, aspirin, heparin.
Tôi biết hành trình vượt qua nỗi đau sảy thai liên tiếp đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, nỗ lực và niềm tin. Nhưng các bạn không đơn độc. Với sự đồng hành của gia đình, bạn bè, và bác sĩ, các bạn hoàn toàn có thể vượt qua thử thách. Hãy tin tưởng và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tăng cơ hội thành công cho lần mang thai tiếp theo.
Xem thêm:
- Sảy thai liên tiếp: Vượt qua nỗi đau hiện tại, xây dựng kế hoạch tương lai
- Hành trình mang thai thành công ở những người phụ nữ lạc nội mạc tử cung
- Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến khả năng mang thai như thế nào?
Tài liệu tham khảo:
[1] Le TAD, Nguyen DA, Ta TV, Hoang VM. Analysis of the cause of recurrent pregnancy loss in Vietnam: A cross-sectional study. Health Care Women Int. 2018;39(4):463-471. doi:10.1080/07399332.2017.1391264
[2] Turesheva A, Aimagambetova G, Ukybassova T, et al. Recurrent Pregnancy Loss Etiology, Risk Factors, Diagnosis, and Management. Fresh Look into a Full Box. J Clin Med. 2023;12(12):4074. Published 2023 Jun 15. doi:10.3390/jcm12124074
[3] Cao C, Bai S, Zhang J, Sun X, Meng A, Chen H. Understanding recurrent pregnancy loss: recent advances on its etiology, clinical diagnosis, and management. Med Rev (2021). 2022;2(6):570-589. Published 2022 Dec 19. doi:10.1515/mr-2022-0030
[4] Pillarisetty LS, Gupta N. Recurrent Pregnancy Loss. PubMed. Published 2020. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554460/
[5] ESHRE 2017 Recurrent pregnancy loss
[6] Infotrieve.com. Published 2024. Accessed May 16, 2024. https://www-uptodate-com.ez03.infotrieve.com/contents/natural-fertility-and-impact-of-lifestyle-factors?search=recurrent%20pregnancy%20loss%20management&topicRef=5444&source=see_link#H772206183
[7] Sharma B, Deep J, Pandit C, Basnyat B, Khanal B, et al. Overview on current approach on recurrent miscarriage and threatened miscarriage. Clin J Obstet Gynecol. 2020; 3: 151-157.
[8] Empson M, Lassere M, Craig J, Scott J. Prevention of recurrent miscarriage for women with antiphospholipid antibody or lupus anticoagulant. Cochrane Database Syst Rev 2005