Giải đáp 10 điều cần biết trước khi tiêm vắc xin cúm (phần 2)

Tiếp nối phần 1 những điều cần biết trước khi tiêm vắc xin phòng cúm, phần 2 chúng tôi tiếp tục cung cấp cho độc giả những kiến thức sâu hơn về vắc xin phòng cúm cho cả trẻ em và người lớn.

6. Cơ chế hoạt động của vắc xin cúm

Như phần trước PGS.TS. Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết vắc xin cúm mùa là một loại chế phẩm từ kháng nguyên của vi rút cúm mùa.

Sau khi được tiêm vào cơ thể, các kháng nguyên này sẽ tương tác với hệ miễn dịch để kích thích các tế bào trong máu sản sinh ra kháng thể, giúp cơ thể nhận diện được vi rút lạ mặt này.

Quá trình tạo kháng thể thường mất khoảng 2 tuần, có thể gây ra một số phản ứng phụ nhẹ như sốt nhưng đây là biểu hiện bình thường vì đó là dấu hiệu đáp ứng miễn dịch của cơ thể.

Sau khi kết thúc quá trình nhiễm trùng bắt chước, cơ thể sẽ tạo ra các tế bào lympho có trí nhớ miễn dịch để sẵn sàng bảo vệ cơ thể chống lại các vi rút gây bệnh cúm có trong vắc xin khi gặp phải chúng trong những lần sau.

7. Vắc xin cúm có tác dụng trong bao lâu?

PGS.TS. Huy Nga cho biết, theo quy luật các chủng vi rút sẽ biến đổi theo từng năm, nên hiệu lực của vắc xin chỉ kéo dài 6 – 12 tháng mặc dù hiệu lực của vắc xin rất cao lên đến 90%. Do đó, các loại vắc xin được dùng trong năm nay có thể không còn tác dụng phòng ngừa trong năm sau nữa.

Nên tìm hiểu các loại vắc xin trước khi tiêm (Ảnh minh họa).

“Chính vì vậy mọi người nên đi tiêm phòng cúm mỗi năm một lần, đặc biệt là trẻ nhỏ, nhằm đảm bảo sự tương đồng giữa chủng vi rút cúm đang lưu hành với chủng vi rút cúm có trong vắc xin”, PGS Nga lưu ý.

8. Vắc xin phòng cúm có mấy loại? Phòng được những loại vi rút nào?

Hiện nay,tại Việt Nam đã có vắc xin cúm tứ giá được cập nhật chủng mới theo khuyến cáo của WHO, giúp bảo vệ trước 4 chủng vi rút cúm gồm 2 chủng cúm A (A/H3N2, A/H1N1) và 2 chủng cúm B (B/Yamagata và B/Victoria). Vaccine cúm tứ giádùng được cho trẻ từ 6 tháng tuổi, gồm vắc xin phân mảnh và vắc xin tiểu đơn vị. Hai loại vắc xin này khác biệt về công nghệ sản xuất. Trong đó, vắc xin phân mảnh có chứa các mảnh vi rút sau phân cắt, còn vắc xin tiểu đơn vị chỉ chứa kháng nguyên bề mặt vi rút với tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm, …

9. Vị trí tiêm vắc xin cúm: tiêm cúm ở tay hay chân?

PGS.TS. Nga cho biết, vắc xin thông thường được tiêm bắp hay tiêm dưới da sâu. Trước khi dùng nên để vắc xin trở về nhiệt độ phòng và được lắc kỹ đến khi đạt được một hỗn dịch đồng nhất. Sát trùng vị trí tiêm. Tiêm vắc xin vào vị trí đã sát trùng, dùng liều đúng với lứa tuổi.

10. Một số tác dụng phụ của vắc xin cúm

PGS. Nga nhận định, đối với nhiều người khi mới tiêm vắc xin ngừa cúm có thể gặp một số tác dụng phụ như: Sưng nhẹ, đỏ, đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ, phát ban nhẹ, đau đầu hoặc đau người.

Có một số tác dụng phụ nghiêm trọng khác có thể xảy ra nhưng rất hiếm gặp như các phản ứng dị ứng nghiêm trọng: sốt cao, nổi mề đay, sưng mặt, khó thở, tim đập nhanh … sau vài phút hoặc vài giờ tiêm thì cần phải đến bệnh viện gấp.

“Mọi người có thể đến các trung tâm tiêm chủng uy tín để được bác sĩ thăm khám và tư vấn về việc tiêm vắc xin phòng cúm, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”, PGS. Nga lưu ý.

Mong rằng với những thông tin nêu trên sẽ giúp bạn hiểu được các loại vắc xin cúm hiện có và tiêm phòng cúm an toàn, hiệu quả nhất.

THANH LAM

VTM2257677