Giải đáp các câu hỏi thường gặp về tiêm phòng cúm ở người có bệnh hô hấp mạn tính
- Ngày cập nhật: 29/09/2023
Mục lục
- Tại sao người mắc bệnh hô hấp mạn tính ví dụ hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, dãn phế quản, di chứng lao phổi cũ có nguy cơ cao mắc cúm?
- Người mắc bệnh hô hấp mạn tính khi mắc cúm sẽ bị tổn hại cho sức khỏe như thế nào?
- Tiêm ngừa cúm cho người mắc bệnh hô hấp mạn tính có hiệu quả như thế nào?
- Tiêm ngừa cúm cho người mắc bệnh hô hấp mạn tính có tác dụng phụ thế nào?
- Thời điểm nào tiêm ngừa cúm cho người mắc bệnh hô hấp mạn tính là an toàn và hiệu quả hơn cả?
- Có thể tiêm ngừa cúm chung với các vắc xin khác mà người bệnh cần tiêm không, ví dụ vaccin ngừa phế cầu, ngừa bạch hầu uốn ván ho gà, ngừa bệnh “giời leo”?
- Khuyến cáo điều trị hiện nay khuyên tiêm ngừa cúm cho người bệnh phổi mạn tính như thế nào?
1. Tại sao người mắc bệnh hô hấp mạn tính ví dụ hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, dãn phế quản, di chứng lao phổi cũ có nguy cơ cao mắc cúm?
Trả lời: Virus cúm xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Hệ hô hấp toàn vẹn sẽ giúp cơ thể ngăn cản virus cúm xâm nhập. Ngược lại, người mắc bệnh hô hấp mạn tính có hệ hô hấp đã bị suy yếu từ trước, nên không thể phòng chống virus cúm xâm nhập vào cơ thể một cách hiệu quả được.
2. Người mắc bệnh hô hấp mạn tính khi mắc cúm sẽ bị tổn hại cho sức khỏe như thế nào?
Trả lời: So với người không mắc bệnh hô hấp mạn tính, người mắc bệnh hô hấp mạn tính sẽ chịu nhiều tổn hại sức khỏe hơn hẳn.
Thứ nhất, các triệu chứng của bệnh cúm như hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, sốt sẽ nhiều và nặng hơn vì số lượng virus xâm nhập nhiều hơn và miễn dịch của cơ thể yếu hơn không khống chế hiệu quả virus tăng sinh.
Thứ hai, các triệu chứng của bệnh hô hấp nền tảng như là ho, khò khè, khó thở, nặng ngực cũng nặng hơn lên vì cúm chính là yếu tố kích phát quan trọng làm nặng thêm bệnh.
Hậu quả là người bệnh sẽ phải dùng dịch vụ y tế nhiều hơn: khám cấp cứu, nhập viện, nhập khoa hồi sức tích cực, sử dụng nhiều thuốc men hơn, người bệnh sẽ dễ tử vong hơn.
Nghiên cứu của tác giả Kuang Ming Liao và cộng sự năm 2022 tại Đài Loan trên 10.855 người bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tác giả so sánh các kết cục viêm phổi, suy hô hấp, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ giữa nhóm người bệnh COPD mắc hay không mắc cúm. Kết quả nghiên cứu cho thấy người bệnh COPD mà mắc cúm thì có nguy cơ viêm phổi tăng gấp 1,77 lần, suy hô hấp tăng gấp 1,097 lần, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tăng gấp 1,338 lần, đột quỵ tăng gấp 1,134 lần.
3. Tiêm ngừa cúm cho người mắc bệnh hô hấp mạn tính có hiệu quả như thế nào?
Trả lời: Tiêm ngừa cúm có hiệu quả giúp người bệnh hô hấp mạn tính giảm gánh nặng bệnh tật do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và cúm.
Nghiên cứu của tác giả Chang, H.-C và cộng sự năm 2021 tại Đài Loan trên 543 người bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho thấy tiêm ngừa cúm giúp giảm khám cấp cứu, giảm nhập viện, suy hô hấp, và chi phí y tế trên người bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở mọi mức độ nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nền tảng.
4. Tiêm ngừa cúm cho người mắc bệnh hô hấp mạn tính có tác dụng phụ thế nào?
Trả lời: Tiêm ngừa cúm cho người bệnh hô hấp mạn tính không gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng. Phân tích gộp kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy tiêm ngừa cúm trên người bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không làm tăng tác dụng phụ so với giả dược.
5. Thời điểm nào tiêm ngừa cúm cho người mắc bệnh hô hấp mạn tính là an toàn và hiệu quả hơn cả?
Trả lời: Thời điểm tiêm ngừa cúm tốt nhất cho người mắc bệnh hô hấp mạn tính nên nằm ngoài giai đoạn cấp tính của bệnh, ví dụ người bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên tiêm ngừa cúm ngoài đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Thời điểm này, người bệnh thường không đang dùng corticoid toàn thân, nhờ đó hiệu quả của tiêm ngừa vaccine là cao nhất, ngoài ra người bệnh ngoài đợt cấp sẽ không có nhiều triệu chứng, vì thế các tác dụng phụ do tiêm ngừa cúm, nếu có, không bị nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh phổi mạn tính. Nhờ vậy việc theo dõi, xử trí tác dụng phụ của tiêm ngừa cúm sẽ có hiệu quả cao nhất, an toàn cho người bệnh.
6. Có thể tiêm ngừa cúm chung với các vắc xin khác mà người bệnh cần tiêm không, ví dụ vaccin ngừa phế cầu, ngừa bạch hầu uốn ván ho gà, ngừa bệnh “giời leo”?
Trả lời: Hoàn toàn có thể tiêm ngừa vaccin cúm chung cùng thời điểm với các vaccin ngừa phế cầu, ngừa bạch hầu uốn ván ho gà, ngừa bệnh “giời leo” mà không làm giảm hiệu quả của tiêm ngừa cúm, và không tăng tác dụng phụ.
7. Khuyến cáo điều trị hiện nay khuyên tiêm ngừa cúm cho người bệnh phổi mạn tính như thế nào?
Trả lời:
Bộ Y tế Việt Nam, các hiệp hội y khoa trên thế giới đều khuyên tiêm ngừa cúm hằng năm cho người mắc bệnh nền trong đó có bệnh phổi mạn tính. Ví dụ, hướng dẫn điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính GOLD khuyến cáo tiêm ngừa cúm hằng năm cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tương tự, hướng dẫn điều trị hen GINA cũng khuyến cáo tiêm ngừa cúm hàng năm cho người mắc hen.
Xem thêm:
- Có nên tiêm vắc xin cho người có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)?
- Vì sao người có bệnh nền nên tiêm vắc xin cúm định kỳ hằng năm?
Tài liệu tham khảo
1. Kuang-Ming Liao, Yi-Ju Chen, Chuan-Wei Shen, Shao-Kai Ou, Chung-Yu Chen. The Influence of Influenza Virus Infections in Patients with Chronic Obstructive Pulmonary Disease. International Journal of Chronic Obstructive Pulmonary Disease 2022:17 2253–2261
2. Chang, H.-C.; Liu, S.-F.; Li, Y.-C.; Kuo, H.-C.; Tsai, Y.-C.; Chen, M.-H. The Effectiveness of Influenza Vaccination on Chronic Obstructive Pulmonary Disease with Different Severities of Airflow Obstruction. Biomedicines 2021, 9, 1175
3. Kopsaftis Z, Wood-Baker R, Poole P. Influenza vaccine for chronic obstructive pulmonary disease (COPD). Cochrane Database of Systematic Reviews 2018, Issue 6. Art. No.: CD002733.
4. Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease. Global Strategy for Prevention, Diagnosis and Management of COPD: 2023 Report.
5. Global Initiative for Asthma. 2023 GINA Report, Global Strategy for Asthma Management and Prevention.