Nguyên nhân

Nguyên nhân cơ học chiếm >95% nguyên nhân gây đau lưng, đặc điểm là đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ hoặc nằm.

Triệu chứng

Đau lưng kiểu cơ năng khởi phát cấp tính ở phụ nữ sau mãn kinh gợi ý nhiều gãy xương đốt sống do loãng xương.

Đau không phải kiểu cơ học tăng vào ban đêm gợi ý căn nguyên nhiễm trùng hoặc u.

Đau kiểu viêm, xuất hiện ban đêm đánh thức bệnh nhân dậy kèm cứng khớp buổi sáng, cải thiện khi vận động thường gặp trong nhóm bệnh khớp cột sống (spondyloarthropathy).

Đau thần kinh toạ: đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân; có thể kèm yếu liệt, thường bị 1 bên hơn 2 bên.

Hội chứng đuôi ngựa:

– Thay đổi cảm giác đi tiểu

– Đau vùng hậu môn, đáy chậu

– Giảm cảm giác căng bàng quang

– Cần phải rặn khi đi tiểu

– Mất cảm giác ở chân, khó đi đứng: triệu chứng sớm

– Bí tiểu, tiêu tiểu không tự chủ: triệu chứng muộn

Giả đau cách hồi (đau cách hồi kiểu thần kinh) gặp trong hẹp ống sống. Thường bị 2 bên chân: đau, yếu hoặc liệt, xuất hiện khi đi đứng và giảm khi ngồi hoặc gập ra trước.

Điều trị

Đau thắt lưng cấp tính:

– Thuốc giảm đau: paracetamol, paracetamol phối hợp với codein hoặc tramadol

– Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): có thể lựa chọn một trong các thuốc trong nhóm này nhưng lưu ý không sử dụng kết hợp hai loại thuốc trong cùng một nhóm, việc lựa chọn thuốc cụ thể phụ thuộc vào tình trạng đau và cần cân nhắc các nguy cơ trên đường tiêu hóa và trên tim mạch của bệnh nhân cụ thể.

Các thuốc thuộc nhóm NSAID: diclofenac, meloxicam, celecoxib, etoricoxib, piroxicam-beta-cyclodextrin(1).

– Các thuốc giãn cơ: tolperisone, eperisone

Trường hợp đau thắt lưng có nguồn gốc thần kinh có thể kết hợp với một trong các thuốc giảm đau: gabapentin, pregabalin

Nằm nghỉ tại chỗ trên giường phẳng, đeo đai hỗ trợ vùng thắt lưng khi ngồi dậy hoặc đi lại vận động, chiếu đèn hồng ngoại hoặc điều trị điện xung, châm cứu kết hợp dùng thuốc. Khi đỡ đau lưng có thể tăng dần mức độ hoạt động.

Đau thắt lưng mạn tính

–  Có thể duy trì các nhóm thuốc trên nhưng chú ý sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả để tránh tác dụng không mong muốn của thuốc.

– Thuốc chống trầm cảm ba vòng (tricyclic antidepressant), chống lo âu amitriptyline.

– Kéo dãn cột sống, bơi, thể dục nhẹ nhàng.

– Điều chỉnh lối sống và thói quen làm việc, vận động để tránh gây đau tái phát.

Phòng ngừa

Phải chú ý tư thế khi làm việc, cứ cách khoảng 1 tiếng nên chủ động đứng lên đi lại, tránh ngồi quá lâu một chỗ sẽ rất dễ bị đau lưng. 

Không được thay đổi tư thế một cách đột ngột, không xoay người quá nhanh, quá mạnh. Khi ngủ chúng ta nên nằm ở tư thể ngửa, hoặc nằm nghiêng sẽ giúp cho máu huyết lưu thông dễ dàng, các cơ không bị chèn ép sẽ tránh được bệnh đau lưng. Phải thường xuyên tập thể dục mỗi ngày. Một điều nữa cũng rất quan trọng trong chế độ dinh dưỡng, đó là bổ sung canxi, photpho, kali và magie.

Phải chú ý tư thế khi làm việc, cứ cách khoảng 1 tiếng nên chủ động đứng lên đi lại, tránh ngồi quá lâu một chỗ sẽ rất dễ bị đau lưng.

Khuyến cáo bệnh nhân nên đến trung tâm y tế khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp của BYT-361/QĐ-BYT

(1) Paolaggi J, Therapeutic efficacy and tolerability of piroxicam-β-cyclodextrin in outpatient treatment of acute back pain. Lett Rhumatol 1995; 214: 1-7.

VTM2173405