Loãng xương là gì?

Loãng xương là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý về xương trên toàn thế giới. Bệnh thường gặp ở nữ hơn ở nam với tỷ lệ 3:1.

Loãng xương và gãy xương không những làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn làm tăng gánh nặng điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân.

Định nghĩa

Loãng xương là một rối loạn chuyển hóa của bộ xương gây tổn thương sức mạnh của xương đưa đến tăng nguy cơ gãy xương. Hệ xương khớp trong cơ thể chúng ta luôn có quá trình hủy xương và tạo xương diễn ra liên tục và cân bằng. Nhưng khi độ tuổi càng cao thì quá trình hủy xương sẽ tăng lên, quá trình tạo xương giảm gây mất cân bằng giữa hai quá trình hủy xương và tạo xương dẫn đến tình trạng mất xương, tình trạng này kéo dài gây ra loãng xương.

Hậu quả lớn nhất của loãng xương là gãy xương, tuổi thọ trung bình càng cao thì tỷ lệ loãng xương càng cao.

Nguyên nhân

  • Tuổi tác: người già ít hoạt động ngoài trời, thiếu ánh nắng, thiếu vitamin D, chức năng dạ dày, đường ruột, gan, thận và tạo xương suy yếu, xương bị thoái hóa.
  • Hormon sinh dục nữ giảm: làm tăng nhanh tốc độ quá trình chuyển canxi từ xương vào máu.
  • Hormon cận giáp: Do canxi trong thức ăn không đủ để duy trì nồng độ canxi cần thiết trong máu khi đó hormon cận giáp tiết ra để huy động canxi trong xương chuyển ra cho máu nhằm duy trì sự ổn định nồng độ canxi trong máu. Tình trạng kéo dài làm cho kết cấu xương bị thưa, loãng.
  • Dinh dưỡng thiếu: canxi, photpho, magie, albumin dạng keo, axit amin và các nguyên tố vi lượng thiếu cũng góp phần gây loãng xương.

Triệu chứng đau khớp gợi ý loãng xương

Bệnh loãng xương không có triệu chứng rõ ràng từ sớm, nhưng theo thời gian có thể nhận thấy lưng còng, dáng đứng khom xuống và dần dần sụt cân. Trong vài trường hợp dấu hiệu đầu tiên là gãy xương (xương sườn, cổ tay hoặc hông). Xương sống có thể bị gãy (trở nên dẹp hơn hoặc bị nén).

Một số triệu chứng gợi ý loãng xương:

  •  Đau xương: Tình trạng đau nhức ở các đầu xương, đau nhức mỏi dọc ở các xương dài, có cảm giác đau như bị châm chích toàn thân. Những cơn đau sẽ diễn biến nặng hơn về đêm và nghỉ ngơi cũng không làm cho triệu chứng này thuyên giảm.
  • Đau cột sống: Các dấu hiệu đau như thắt ngang cột sống, hoặc sang một bên hoặc hai bên mạn sườn do các rễ thần kinh liên sườn bị kích thích và gây đau. Bên cạnh đó, đau cột sống còn kèm theo những triệu chứng khác như co cứng các cơ dọc cột sống gây đau, giật cơ khi thay đổi tư thế. Khi người bệnh nằm yên một chỗ sẽ có cảm giác dễ chịu và ít đau hơn.
  •  Gù vẹo cột sống, giảm chiều cao: Đây là triệu chứng cơ bản thường dễ phát hiện ở bệnh loãng xương. Khi lớn tuổi xuất hiện dấu hiệu gù vẹo cột sống và giảm chiều cao so với lúc trẻ, do các đốt sống bị lún, xẹp hoặc bị gãy lún.
  • Các triệu chứng toàn thân: Ngoài những triệu chứng đau nhức xương khớp kể trên thì còn kèm theo một vài triệu chứng khác như người bệnh có cảm giác lạnh hoặc ớn lạnh, thường xuyên bị chuột rút, đổ mồ hôi bất thường

Trên đây là những biểu hiện gợi ý bệnh loãng xương, bệnh nhân cần phải được chẩn đoán và chữa trị kịp thời bởi bác sĩ chuyên khoa.

Hậu quả của loãng xương

Khi người bệnh bị chấn thương dù là nhẹ nhất thì sẽ dẫn đến tình trạng bị gãy xương, đây là hậu quả cuối cùng của bệnh loãng xương. Tình trạng gãy xương do bệnh loãng xương thường gặp ở những vị trí chịu lực chủ yếu của cơ thể như cột sống, thắt lưng, cổ xương đùi, xương cổ tay.

Gây lún xẹp, gãy đốt sống làm gù lưng, giảm chiều cao, có thể chèn ép các rễ thần kinh gây đau lưng cấp hoặc mãn tính, rối loạn cảm giác phản xạ, dễ mắc các bệnh do nhiễm trùng cơ hội.

Gãy xương cột sống là hậu quả thường gặp nhất ở bệnh nhân loãng xương(1), bệnh nhân có thể bị liệt, phải bất động, ảnh hưởng lên chất lượng cuộc sống đặc biệt là người già dễ bị loét ở các điểm tỳ (mông, gót). Viêm phổi, viêm phế quản, ứ đọng đờm dãi do bệnh nhân phải bất động dài ngày làm tăng nguy cơ và tỷ lệ tử vong.

Cách dự phòng và tầm soát loãng xương

Nếu tăng khối lượng xương đỉnh lên 10% sẽ giảm được 50% nguy cơ gãy xương do loãng xương trong suốt cuộc đời. Khối lượng xương đỉnh bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau: dinh dưỡng, di truyền, hormon, hoạt động thể chất và yếu tố môi trường.

Chúng ta có thể phòng ngừa bằng các cách sau:

–  Cung cấp canxi, vitamin D theo nhu cầu. Chế độ ăn lành mạnh, giàu thực phẩm chứa canxi như sữa, cá, đậu và các loại rau xanh.

–  Tập thể dục thường xuyên, tập các bài tập chịu tải trọng và các bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp.

–  Giảm nguy cơ té ngã:

Mang giày gót thấp có đế không trượt

Kiểm tra nhà của bạn để loại bỏ các dây điện, thảm và các chướng ngại vật mà có thể khiến bạn bị té ngã. Giữ phòng sáng, đảm bảo rằng bạn có thể vào ra giường của mình một cách dễ dàng.

Cài đặt các thanh vịn ở bên trong và bên ngoài cửa phòng tắm của bạn, để giảm nguy cơ té ngã do trơn trượt.

– Giữ cân nặng hợp lý

– Ngưng hút thuốc, giảm rượu bia

– Phụ nữ mãn kinh: bổ sung thêm nội tiết tố.

Khuyến cáo bệnh nhân nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

  1. NIH/ORBD National Resource Center. October 2000.
VTM2173405