Hiểu sâu hơn về khó tiêu chức năng: Khó chịu sau ăn và đau bụng vùng thượng vị
- Ngày cập nhật: 28/8/2024
Mục lục
Các bạn thân mến! là một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, tôi hiểu rằng khó tiêu chức năng có thể gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Vì vậy, trong bài viết này, tôi sẽ giúp mọi người hiểu sâu hơn về khó tiêu chức năng, về các thể bệnh, nguyên nhân gây bệnh cũng như nhóm thuốc điều trị.
Trước hết là 2 thể bệnh của khó tiêu chức năng là hội chứng khó chịu sau ăn (PDS: Postprandial Distress Syndrome) và hội chứng đau vùng thượng vị (EPS: Epigastric Pain Syndrome).
1. Bạn đang bị khó chịu sau ăn hay đau vùng thượng vị?
Để phân biệt một cách chính xác, bác sĩ sẽ dựa trên triệu chứng điển hình của 2 thể bệnh này.
Khó chịu sau ăn đặc trưng bởi các triệu chứng khó tiêu sau bữa ăn, cảm giác đầy bụng hoặc no sớm sau khi ăn, dẫn đến không ăn hết bữa ăn và ảnh hưởng đến sinh hoạt. Khó chịu sau ăn xảy ra ít nhất 3 ngày/tuần trong 3 tháng gần đây nhất và kéo dài trên 6 tháng.
Khác với khó chịu sau ăn, đau vùng thượng vị không chỉ xảy ra sau ăn mà có thể xảy ra tại các thời điểm khác nhau trong ngày. Triệu chứng là đau hoặc cảm giác nóng rát vùng thượng vị ít nhất 1 ngày/tuần trong 3 tháng gần nhất và kéo dài trên 6 tháng.
2. Khó tiêu chức năng khá phổ biến, và khó chịu sau ăn là hội chứng thường gặp hơn
Bạn không đơn độc khi gặp khó tiêu chức năng, thực tế nhiều người bị bệnh này, có từ 2.2% đến 12.3% dân số gặp khó tiêu chức năng tùy theo khu vực.
Trong hai thể bệnh, khó chịu sau ăn là thường gặp hơn cả và chiếm tới 67% trường hợp khó tiêu chức năng. Đau vùng thượng vị gặp ở khoảng 15% bệnh nhân; 18% bệnh nhân gặp cả 2 thể bệnh.
3. Nguyên nhân gây ra khó chịu sau ăn và đau thượng vị
Bạn có biết rằng nguyên nhân gây ra khó chịu sau ăn và đau vùng thượng vị là khác nhau? Khó chịu sau ăn liên quan đến tăng nhạy cảm dạ dày, lo âu và kích hoạt hệ miễn dịch niêm mạc, trì hoãn làm rỗng dạ dày, làm thức ăn ở lại dạ dày lâu hơn. Trong khi đó, đau vùng thượng vị dường như ít liên quan đến các bất thường trong chức năng và vận động của đường tiêu hóa.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta cần biết rằng chức năng và vận động của hệ tiêu hóa chịu ảnh hưởng bởi một số hóa chất trong cơ thể gọi là chất dẫn truyền thần kinh.
4. Các chất dẫn truyền thần kinh tác động lên vận động dạ dày và ruột như thế nào?
Trong cơ thể chúng ta có một số chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong điều hòa vận động đường tiêu hóa. Đó là acetylcholine, dopamine và serotonin.
Acetylcholine giúp kích thích co bóp cơ trơn ruột. Dopamine thì ức chế vận động đường tiêu hóa, làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới và giảm áp lực dạ dày [6]. Serotonin thúc đẩy giải phóng acetylcholine từ các tế bào thần kinh.
Hiểu về cách thức tác động của các chất dẫn truyền thần kinh sẽ giúp cho bạn hiểu hơn về các thuốc được chỉ định, đặc biệt là các thuốc trợ vận động tiêu hóa, từ đó yên tâm và tin tưởng hơn vào điều trị và đạt được hiệu quả điều trị cao hơn.
5. Đôi nét về nhóm thuốc trợ vận động đường tiêu hóa
Khi bạn có khó tiêu chức năng, đặc biệt là thể khó chịu sau ăn với nguyên nhân đã chia sẻ ở trên là do chậm làm rỗng dạ dày, thức ăn ở lại dạ dày lâu hơn. Thuốc trợ vận động sẽ thường được bác sĩ sử dụng.
Thuốc trợ vận động tiêu hóa giúp tăng cường tác dụng của acetylcholine, serotonin hoặc ức chế dopamine, từ đó kích thích cơ trơn đường tiêu hóa, thúc đẩy nhu động và tăng tốc độ di chuyển thức ăn. Những thuốc này được dùng để điều trị các rối loạn vận động như khó tiêu chức năng, chậm làm trống dạ dày, liệt dạ dày. Thuốc giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng tiêu hóa gắn liền với bệnh lý kể trên [8,9]. Các thuốc trợ vận động dạ dày đang được sử dụng trên lâm sàng hiện nay gồm các loại như itopride, mosapride, domperidone,…
Hi vọng những thông tin cơ bản chia sẻ ở trên giúp các bạn hiểu rõ hơn về khó chịu sau ăn và đau vùng thượng vị trong khó tiêu chức năng. Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng tương tự và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hãy chia sẻ với các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và đồng hành cùng bạn trong hành trình điều trị!
Xem thêm:
- Các thuốc sử dụng trong điều trị khó tiêu chức năng thể khó chịu sau ăn
- Khó tiêu chức năng: những điều người bệnh thường thắc mắc
- Khi nào cần thăm khám bác sĩ vì đầy bụng khó tiêu?
Tài liệu tham khảo:
[1] Moayyedi P, Lacy BE, Andrews CN, Enns RA, Howden CW, Vakil N. ACG and CAG Clinical Guideline: Management of Dyspepsia. Am J Gastroenterol 2017;112:988–1013.
[2] Talley NJ, Goodsall T, Potter M. Functional dyspepsia. Aust Prescr 2017;40:209–13.
[3] Stanghellini V, Chan FK, Hasler WL, et al. Gastroduodenal Disorders. Gastroenterology 2016;150:1380–92.
[4] Tack J, Palsson OS, Bangdiwala S, et al. Functional dyspepsia and its subgroups: prevalence and impact in the ROME IV global epidemiology study. Abstract #P0044. Presented at the 28th United European Gastroenterology Week Virtual 2020. UEG Journal 2020;8 (Suppl 1).
[5] Corsetti M, Fox M. The management of functional dyspepsia in clinical practice: what lessons can be learnt from recent literature? F1000Res 2017;6:1778.
[6] Gupta S, Kapoor V, Kapoor B. Itopride: A Novel Prokinetic Agent. JK Science 2004;6:106–8.
[7] Giudicessi JR, Ackerman MJ, Camilleri M. Cardiovascular safety of prokinetic agents: A focus on drug-induced arrhythmias. Neurogastroenterol Motil 2018;30:e13302.
[8] Quigley EMM. Prokinetics in the Management of Functional Gastrointestinal Disorders.
Curr Gastroenterol Rep 2017;19:53.
[9] Fass R, McCallum RW, Parkman HP. Treatment challenges in the management of gastroparesis-related GERD. Gastroenterol Hepatol (N Y) 2009;5(10 Suppl 18):4–16.