Hội chứng chuyển hóa là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa
Mục lục
Hội chứng chuyển hóa là tình trạng khá phổ biến. Tuy nhiên, hiểu về các yếu tố nguy cơ và thực hiện thay đổi lối sống lành mạnh có thể giúp bạn giảm thiểu khả năng mắc hội chứng chuyển hóa hoặc các biến chứng do tình trạng này gây ra. Bài viết dưới đây a:care Việt Nam sẽ thông tin tới bạn những kiến thức cần biết về hội chứng chuyển hóa.
Hội chứng chuyển hóa là gì?
Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, tiểu đường, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Hội chứng chuyển hóa còn được gọi là hội chứng kháng insulin.
Bạn có thể mắc hội chứng chuyển hóa nếu có ba hoặc nhiều hơn ba tình trạng sau đây:
- Vòng eo lớn: Đây còn được gọi là béo bụng hoặc “thân hình quả táo”. Chất béo dư thừa ở vùng bụng là yếu tố gây bệnh tim lớn hơn so với chất béo dư thừa ở các bộ phận khác trên cơ thể.
- Huyết áp cao: Huyết áp tăng cao và duy trì trong thời gian dài có thể làm hỏng tim và mạch máu của bạn. Huyết áp cao cũng có thể gây ra mảng bám tích tụ trong động mạch gây ra các bệnh về tim và mạch máu như đau tim hoặc đột quỵ.
- Lượng đường trong máu cao: Điều này có thể làm hỏng mạch máu và làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, gây ra các bệnh về tim và mạch máu.
- Triglyceride trong máu cao: Triglyceride là một loại chất béo trung tính được tìm thấy trong máu. Triglyceride ở mức cao làm tăng mức LDL cholesterol (cholesterol xấu) và dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh tim.
- HDL Cholesterol thấp (cholesterol tốt): Mức cholesterol trong máu rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. HDL Cholesterol “tốt” giúp loại bỏ LDL cholesterol “xấu” khỏi mạch máu của bạn.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh
Nguyên nhân gây nên hội chứng chuyển hóa là gì? Đọc thêm thông tin dưới đây để giải đáp.
Nguyên nhân
Các nhà nghiên cứu cho rằng kháng insulin được coi là nguyên nhân chính gây ra hội chứng chuyển hoá. Tình trạng kháng insulin xảy ra khi các tế bào trong cơ, mỡ và gan không phản ứng như bình thường với insulin – hormone quan trọng do tuyến tụy sản xuất để điều chỉnh đường huyết. Kháng insulin xảy ra vì nhiều lý do khác nhau, làm cho các tế bào trong cơ, mỡ và gan không thể hấp thụ hoặc lưu trữ glucose từ máu một cách hiệu quả. Kết quả là tuyến tụy phải liên tục tiết ra insulin để làm giảm lượng glucose trong máu. Điều này được gọi là tăng insulin máu.
Nếu cơ thể bạn không thể sản xuất đủ insulin để làm giảm lượng đường trong máu, sẽ dẫn tới tình trạng tăng đường huyết và được gọi là tình trạng tiền tiểu đường hoặc tiểu đường tuýp 2.
Các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng kháng insulin như:
- Béo bụng hoặc béo phì: Chất béo trong cơ thể giải phóng các chất làm giảm tác dụng của insulin. Các nghiên cứu cho thấy rằng lượng mỡ thừa trong cơ thể đặc biệt quanh vùng bụng sẽ làm tăng nguy cơ kháng insulin. Mỡ nội tạng dư thừa (mỡ xung quanh các cơ quan của bạn) gây ra tình trạng kháng insulin nhiều hơn so với mỡ dư thừa dưới da.
- Lối sống thiếu vận động: Cơ bắp sử dụng nhiều glucose và glucose dự trữ (glycogen) để hoạt động. Hoạt động thể chất làm cho cơ thể bạn nhạy cảm hơn với insulin và giúp cơ bắp hấp thụ nhiều đường hơn. Việc thiếu hoạt động thể chất có thể gây ra tình trạng kháng insulin.
- Một số loại thuốc: Một số loại thuốc có thể gây kháng insulin, bao gồm corticosteroid, một số loại thuốc huyết áp, và một số loại thuốc điều trị tâm thần.
Yếu tố nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa
Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn người bình thường:
- Tuổi: Nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa tăng lên theo độ tuổi, tỷ lệ mắc bệnh < 10% ở lứa tuổi 20, tăng lên đến 40% ở lứa tuổi 60.
- Béo phì: Chỉ số khối cơ thể (BMI) > 23, hoặc tình trạng béo bụng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa.
- Tiền sử tiểu đường: Người có tiền sử gia đình mắc tiểu đường tuýp 2 hoặc tiểu đường thai kỳ sẽ có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn bình thường.
- Các tình trạng bệnh lý khác làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa như: Tăng huyết áp, hội chứng buồng trứng đa nang ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản và hormone sinh dục nữ.
Các bệnh lý liên quan đến hội chứng chuyển hóa
Theo ước tính tỉ lệ mắc hội chứng chuyển hóa ở người trưởng thành tại hầu hết các quốc gia trên thế giới là từ 20% – 30%.
Tất cả các thành phần của hội chứng chuyển hóa có liên quan độc lập với nguy cơ tim mạch, trong khi kháng insulin làm tăng đáng kể nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng béo phì trung tâm làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và đái tháo đường tuýp 2.
Một số nghiên cứu đã xác nhận người mắc hội chứng chuyển hóa có gia tăng nguy cơ của bệnh tim mạch. Nguy cơ mắc và tử vong do bệnh tim mạch cao gấp 1,5-3 lần so với người bình thường.
Khả năng dự báo của hội chứng chuyển hóa về nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 cũng đã được kiểm chứng bởi nhiều nghiên cứu. Hội chứng chuyển hóa không chỉ làm tăng gấp 5 lần nguy cơ đái tháo đường mà còn có khả năng dự báo mắc đái tháo đường tuýp 2.
Điều trị hội chứng chuyển hoá
Mục tiêu điều trị của hội chứng chuyển hóa là giảm khả năng phát triển các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Ngoài các biện pháp như: tập thể dục thường xuyên, thay đổi chế độ ăn, giảm cân,…
Bác sĩ thường chỉ định một số thuốc sử dụng cho hội chứng chuyển hóa như:
- Thuốc hạ huyết áp: Bao gồm thuốc ức chế ACE, thuốc ức chế thụ thể angiotensin, thuốc lợi tiểu và thuốc chẹn beta. Tuy nhiên một số thuốc lợi tiểu và thuốc chẹn beta có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp2 ở những người mắc hội chứng chuyển hóa.
- Thuốc kiểm soát chất béo trung tính trong máu và mức HDL Cholesterol “tốt”: Các loại thuốc như statin và niacin có thể giúp giảm mức chất béo trung tính và LDL Cholesterol “xấu”, giúp nâng cao mức HDL Cholesterol “tốt” của bạn.
- Thuốc làm giảm lượng đường trong máu: Chất nhạy cảm insulin như thiazolidinediones có thể giúp điều trị lượng đường máu cao. Những loại thuốc này có thể gây ra tổn thương gan, thiếu máu, suy tim.
- Thuốc giảm cân: Có thể giúp bạn giảm cân bằng cách khiến bạn giảm cảm giác đói hơn. Chúng cũng có thể làm giảm lượng chất béo mà cơ thể bạn hấp thụ từ thức ăn.
- Phẫu thuật giảm cân: Giúp làm giảm kích thước dạ dày từ đó khiến bạn ăn ít hơn. Các biến chứng từ phẫu thuật này bao gồm tổn thương dạ dày hoặc ruột và các vấn đề về hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn.
Tuy nhiên, các loại thuốc kể trên có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn do đó người bệnh nên tuân thủ theo liều lượng chỉ định của bác sĩ để đạt kết quả tốt nhất.
Phòng bệnh hội chứng chuyển hóa
Duy trì kích thước vòng eo, huyết áp và mức cholesterol đồng thời tăng cường tập luyện thể dục và giảm cân sẽ giúp giảm nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa.
Các biện pháp giúp giảm nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hóa như:
- Ăn kiêng: Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh gồm trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Tránh sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, những thực phẩm có chứa đường và tinh bột tinh chế.
- Uống nước: Tránh sử dụng các đồ uống có đường, nên sử dụng các đồ uống không calo như nước lọc và trà.
- Hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp làm giảm huyết áp, lượng đường trong máu và mức cholesterol.
- Khám sức khỏe thường xuyên cũng giúp ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa, giúp phát hiện hội chứng ở giai đoạn đầu, điều trị kịp thời giúp giảm các biến chứng về sức khỏe lâu dài.
- Ngừng hút thuốc: Bỏ thuốc lá giúp cải thiện đáng kể sức khỏe tổng thể của bạn.
- Giảm hoặc kiểm soát căng thẳng: Hoạt động thể chất, thiền, yoga có thể giúp bạn kiểm soát căng thẳng và cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần.
Giải đáp các câu hỏi thường gặp
Dấu hiệu nhận biết của hội chứng chuyển hóa
Hầu hết các rối loạn liên quan đến hội chứng chuyển hóa đều không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng. Một số dấu hiệu có thể gặp phải là vòng eo lớn. Và nếu lượng đường trong máu cao, bạn có thể thấy các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiểu đường như khát nước và đi tiểu nhiều, mệt mỏi và mờ mắt.
Hội chứng chuyển hóa gây ra biến chứng gì?
Hội chứng chuyển hóa có thể gây ra tích tụ mảng bám (xơ vữa động mạch) và cục máu đông trong mạch máu. Điều này có thể làm chậm hoặc chặn lưu lượng máu đến các cơ quan khác. Ngoài ra, lượng đường trong máu cao có thể làm mạch máu bị tổn thương hoặc tắc nghẽn sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh sau đây:
- Bệnh tim mạch vành
- Suy tim
- Tổn thương các cơ quan, đặc biệt là tổn thương tuyến tụy, gan, túi mật và thận
- Hẹp động mạch chủ
- Các biến chứng khi mang thai như tiền sản giật, sản giật và tiểu đường thai kỳ
- Gặp vấn đề về trí nhớ và khả năng suy nghĩ
- Rung tâm nhĩ, bệnh huyết khối
- Tiểu đường tuýp 2.
- Ung thư ruột kết, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt
- Rối loạn cương dương
Khi nào cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn?
Bạn cần gặp bác sĩ khi thấy cơ thể mình có ít nhất một yếu tố cấu thành nên hội chứng chuyển hóa như tăng huyết áp, cholesterol máu cao, thân hình có dáng quả táo,… Bác sĩ sẽ xem xét có cần phải xét nghiệm để tìm các thành phần khác của hội chứng chuyển hóa hay không và để biết những điều nên làm để tránh các biến chứng của bệnh.
Tôi có thể đảo ngược hội chứng chuyển hóa không?
Hoàn toàn có thể đảo ngược hội chứng chuyển hóa. Thay đổi lối sống lành mạnh kết hợp sử dụng thuốc có thể giúp cải thiện hội chứng chuyển hóa rất hiệu quả. Để có hiệu quả hoặc cải thiện tốt nhất bạn nên liên hệ và đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Hy vọng, bài viết trên của a:care Việt Nam đã giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về hội chứng chuyển hóa. Biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất là khám định kì để biết tình trạng sức khỏe và chủ động điều trị, phát hiện sớm là cách duy nhất để ngăn ngừa nguy cơ bệnh lý diễn ra.
Xem thêm:
Tài liệu tham khảo
1.Nhlbi. What Is Metabolic Syndrome? https://www.nhlbi.nih.gov/health/metabolic-syndrome
2.Hội tim mạch học Việt Nam. HỘI CHỨNG CHUYỂN HÓA. http://vnha.org.vn/huyetap.vn/baiphatthanh/21.Hoi-chung-chuyen-hoa.pdf
3.Nhlbi. METABOLIC SYNDROME. https://www.nhlbi.nih.gov/health/metabolic-syndrome/treatment
4.Healthline. Metabolic Syndrome: Risk Factors, Diagnosis, and More. https://www.healthline.com/health/metabolic-syndrome#1
5.Cleveland clinic. Metabolic Syndrome. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10783-metabolic-syndrome