Trẻ bị táo bón mạn: thắc mắc của phụ huynh và giải đáp từ chuyên gia (Phần 1)

Bác sĩ Nguyễn Cẩm Tú
Chuyên gia viết bài: TS.BS.CKII Nguyễn Cẩm Tú
Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố – Hồ Chí Minh
  • Ngày cập nhật: 29/11/2024

Táo bón là tình trạng đi tiêu không thường xuyên (≤ 2-3 lần/tuần), kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng như đi tiêu khó khăn, đau khi đi tiêu, phân cứng, nhỏ từng viên, hoặc són phân. Đây là vấn đề sức khỏe phổ biến ở trẻ em, không chỉ gây khó chịu mà nếu kéo dài, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng, và phương pháp phòng ngừa táo bón là chìa khóa để cha mẹ can thiệp kịp thời và hiệu quả, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe của trẻ.

Trẻ bị đau bụng và khóc khi đi vệ sinh là tình trạng khiến cả cha mẹ và trẻ đều lo lắng, khó chịu. Nguyên nhân phổ biến nhất thường liên quan đến táo bón, khiến việc đi tiêu trở nên đau đớn và khó khăn. 

Để giúp trẻ không sợ khi đi vệ sinh, các phụ huynh nên điều chỉnh chế độ ăn uống, đảm bảo đủ nước và ăn thực phẩm giàu chất xơ để làm mềm phân, giúp việc đi tiêu của bé dễ dàng hơn. 

 Làm sao để giúp bé không sợ đi nặng

Ngoài ra, phụ huynh cần khuyến khích trẻ đi vệ sinh đúng giờ, thoải mái, ngồi đúng tư thế (hình minh họa tư thế), và tránh tạo áp lực cho trẻ. Nếu trẻ bị đau, có thể massage bụng nhẹ nhàng và sử dụng thuốc làm mềm phân theo chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng kéo dài, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp.

Có nhiều lý do khiến trẻ vẫn bị táo bón dù đã ăn nhiều rau xanh và uống đủ nước. Một số trẻ có thói quen nhịn đi vệ sinh vì mê chơi, chỉ thích đi tiêu ở nhà, hoặc sợ nhà vệ sinh dơ. Tâm lý căng thẳng và sợ đau khi đi tiêu cũng có thể góp phần gây táo bón. Ngoài ra, việc trẻ ít vận động, thiếu hoạt động thể chất làm giảm nhu động ruột, cũng khiến việc đi tiêu trở nên khó khăn. Các bệnh lý như suy giáp, dị tật ống tiêu hóa, rối loạn thần kinh cơ, hoặc tác dụng phụ của thuốc cũng có thể là nguyên nhân. Nếu táo bón kéo dài, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Tại sao con tôi vẫn bị táo bón dù đã ăn nhiều rau xanh và uống đủ nước?

Mặc dù một số loại sữa công thức có thể làm tăng nguy cơ táo bón, nhưng còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến tình trạng này. Thông thường sữa công thức chứa hàm lượng protein và chất béo cao, làm cho phân trở nên đặc hơn. Một số trẻ có thể không dung nạp tốt các thành phần trong sữa công thức, dẫn đến khó tiêu và táo bón. Tuy nhiên, thực tế không phải mọi bé uống sữa công thức đều bị táo bón. 

Điều quan trọng là chọn loại sữa có thành phần dinh dưỡng phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ và đảm bảo trẻ được uống đủ nước cũng như chế độ ăn giàu chất xơ để hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.

Đúng là việc tập cho trẻ bỏ bỉm quá sớm có thể góp phần gây táo bón. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì khi chưa thực sự sẵn sàng, bỏ bỉm sớm có thể khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, sợ hãi và nhịn đi tiêu. Nhịn đi tiêu kéo dài làm phân bị khô cứng và ứ trong ruột, gây ra táo bón. 

TS.BS.CKII Nguyễn Cẩm Tú
TS.BS.CKII Nguyễn Cẩm Tú

Để tránh tình trạng này, phụ huynh cần chú ý quan sát các dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng bỏ bỉm như trẻ tự giác báo khi muốn đi vệ sinh, giữ bỉm khô được lâu hơn, và trẻ cảm thấy thoải mái khi đi vệ sinh. Như vậy giúp trẻ tự tin hơn trong quá trình chuyển đổi.

Việc cho trẻ dùng điện thoại hoặc máy tính bảng khi đi vệ sinh có thể góp phần gây táo bón vì trẻ mải chơi điện thoại sẽ làm gián đoạn phản xạ tự nhiên của việc đi tiêu. 

Bình thường, khi khối phân gần đến hậu môn, trẻ sẽ có cảm giác mót rặn, lúc này trẻ cần chủ động rặn để mở cơ thắt hậu môn, giúp đẩy phân ra ngoài. Tuy nhiên, khi trẻ quá tập trung vào màn hình, trẻ sẽ lơ là, bỏ qua nhu cầu tự nhiên của cơ thể, và mất phản xạ đẩy phân ra ngoài, lâu ngày sẽ dẫn đến táo bón. Do đó, phụ huynh nên hạn chế cho trẻ dùng các thiết bị điện tử để duy trì thói quen đi vệ sinh lành mạnh.

Phụ huynh có thể áp dụng các biện pháp tự nhiên để kích thích đại tràng hoạt động tốt hơn ở trẻ em. Dưới đây là một số gợi ý: 

– Tăng cường chế độ ăn giàu chất xơ bao gồm rau xanh, trái cây có tính nhuận trường và ngũ cốc nguyên hạt, giúp thúc đẩy nhu động ruột. 

– Sử dụng một số thực phẩm chứa men vi sinh như sữa chua cũng có thể giúp cải thiện hệ vi sinh đường ruột và chức năng tiêu hóa. 

– Đảm bảo trẻ uống đủ nước hàng ngày để làm mềm phân. 

– Duy trì hoạt động thể chất đều đặn hỗ trợ quá trình tiêu hóa. 

– Massage bụng nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ giúp kích thích nhu động ruột. 

– Tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ và đúng tư thế cũng giúp trẻ đi tiêu dễ dàng hơn.

Những biện pháp này không chỉ cải thiện chức năng tiêu hóa mà còn giúp trẻ hình thành thói quen lành mạnh.

Có cách nào tự nhiên để kích thích đại tràng hoạt động tốt hơn ở trẻ không

Dùng thuốc trị táo bón có thể không hiệu quả vì nhiều lý do. Có thể liều lượng hoặc loại thuốc chưa phù hợp với tình trạng của trẻ, hoặc trẻ sử dụng thuốc chưa đúng cách và chưa đủ thời gian theo hướng dẫn. Để cải thiện hiệu quả điều trị, cha mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, đảm bảo trẻ uống đủ nước, và tạo thói quen đi vệ sinh đúng giờ và đúng cách. Hãy kết hợp việc sử dụng thuốc trị táo bón theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng. Hãy chia sẻ với bác sĩ về những khó khăn trong quá trình điều trị để chúng tôi có thể hỗ trợ tốt nhất cho các bé.

Xem thêm:

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Koppen IJ, Lammers LA, Benninga MA, Tabbers MM. Management of Functional Constipation in Children: Therapy in Practice. Paediatr Drugs. 2015 Oct;17(5):349-60. doi: 10.1007/s40272-015-0142-4. PMID: 26259965; PMCID: PMC4768242.

2.Mulhem, E., Khondoker, F., & Kandiah, S. (2022). Constipation in Children and Adolescents: Evaluation and Treatment. American Family Physician, 105(5), 469-478

3.Tabbers MM, DiLorenzo C, Berger MY, Faure C, Langendam MW, Nurko S, et al. Evaluation and Treatment of Functional Constipation in Infants and Children: Evidence-Based Recommendations From ESPGHAN and NASPGHAN. J Pediatr Gastroenterol Nutr. 2014;58(2):258-74

VTM1335885-2 (v2.0)