Hướng dẫn ba mẹ cách cho trẻ uống kháng sinh và các thuốc khác
- Ngày cập nhật: 14/11/2023
Mục lục
- Hãy hiểu bé hơn và trò chuyện với bé nhiều hơn
- Cách cho trẻ uống những kháng sinh khó uống, có vị đắng
- Che dấu mùi vị của thuốc để trẻ thấy dễ chịu hơn khi uống
- Trẻ uống kháng sinh rồi nôn ói ra có cần uống lại không?
- Những lưu ý dành cho ba mẹ khi trẻ hay nôn thuốc
- Uống kháng sinh với sữa, thức ăn có được không?
- Cách cho trẻ dưới 1 tuổi uống thuốc
- Cách pha kháng sinh dạng bột pha hỗn dịch
- Một số lưu ý khác khi cho trẻ uống thuốc
- Tuân thủ điều trị kháng sinh
Cho trẻ uống thuốc nhiều khi là nhiệm vụ khó khăn của cha mẹ, vì các bé thường không muốn uống thuốc. Một phần vì trẻ sợ hãi, khó chịu khi phải uống thuốc, một phần vì trẻ không hiểu tại sao phải sử dụng thuốc. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý một số phương pháp để ba mẹ tham khảo, tùy theo độ tuổi và khả năng hợp tác của bé, nhằm giúp quá trình uống thuốc trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn với cả ba mẹ và bé.
1. Hãy hiểu bé hơn và trò chuyện với bé nhiều hơn
Hãy nói chuyện với bé để tìm ra lý do bé không muốn uống thuốc, do khó nuốt, hay do thuốc đắng, hay do mùi khó chịu,… Hãy tìm hiểu lý do trẻ không uống thuốc từ đó tìm ra biện pháp phù hợp.
Giải thích vì sao bé cần uống thuốc, thuốc sẽ giúp cho bé đỡ khó chịu và giảm triệu chứng bệnh như thế nào?
Ba mẹ cũng có thể làm cho việc uống thuốc trở nên vui vẻ hơn, như giả đò cho búp bê hoặc gấu bông uống thuốc thật vui nhộn.
Trẻ có thể phối hợp uống thuốc hơn nếu được lựa chọn và đưa ra ý kiến. Trường hợp này ba mẹ nên hỏi xem trẻ thích uống thuốc trên giường hay trên ghế, trước hay sau khi xem ti vi,… và để trẻ lựa chọn.
Ba mẹ cũng có thể hứa cho trẻ phần thưởng sau khi uống thuốc xong. Nhưng cần đảm bảo là ba mẹ sẽ thực hiện được lời hứa.
2. Cách cho trẻ uống những kháng sinh khó uống, có vị đắng
Trẻ cảm nhận vị đắng của thuốc ở đáy lưỡi, vì vậy cố gắng giảm cho thuốc tiếp xúc với phần này. Với trẻ lớn hơn, có thể cho trẻ uống một chút nước đá lạnh, hoặc ăn một chút kem trước khi uống thuốc để giảm vị khó chịu.
Đối với thuốc dạng lỏng: Ba mẹ hãy hỏi xem bé thích uống thuốc bằng muỗm, ống nhỏ giọt, xilanh, ống hút, hay uống thuốc trong cốc hơn. Hỏi bác sĩ xem có thể trộn lẫn thuốc với thức ăn hay đồ uống khác để giúp mùi vị dễ chịu không (chẳng hạn như nước ép trái cây, mật ong, socola dạng lỏng hoặc siro,…). Lưu ý đừng pha loãng thuốc quá nhiều vì sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn để trẻ uống hết.
Đối với thuốc viên nén hoặc viên nang: Nếu viên thuốc khó nuốt có thể nghiền nhỏ thuốc, hoặc mở vỏ nang lấy bột thuốc trộn với thức ăn mềm như sữa chua,… Ba mẹ nhớ hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi thực hiện vì một số loại thuốc sẽ giảm tác dụng nếu nghiền nhỏ hoặc mở vỏ nang thuốc.
Trộn thuốc với một số chất béo như bơ đậu phộng, socola có thể giúp giảm vị đắng của thuốc nhờ tạo một lớp màng, bao lấy các tế bào cảm thụ vị giác ở lưỡi.
Sau khi uống thuốc đắng ba mẹ có thể chuẩn bị một lượng nhỏ đồ uống trẻ yêu thích, để trẻ dùng ngay.
3. Che dấu mùi vị của thuốc để trẻ thấy dễ chịu hơn khi uống
Hương vị là một yếu tố quan trọng quyết định việc trẻ có chịu uống thuốc hay không, đây là phản ứng tự bảo vệ của cơ thể để tránh nuốt phải các chất độc hại. Mùi vị khó chịu của thuốc được cải thiện bằng cách trộn với nhiều loại sirô hoặc nước ép có hương vị khác nhau.
Trước khi trộn thuốc với bất kỳ thực phẩm khác, hãy hỏi ý kiến bác sĩ, và cân nhắc mùi vị yêu thích của trẻ để chọn được loại phù hợp. Mùi cam thảo, bạc hà và dừa có thể phù hợp với người lớn nhưng nhiều bé không thích.
Mùi vị của thuốc và Hương vị thích hợp giúp che giấu mùi thuốc.
Thuốc | Mùi thuốc | Hương vị giúp che giấu mùi thuốc |
Multivitamin (chẳng hạn Vitamin C,…) | Chua | Cherry, chanh, cam, quýt, dâu tây, mâm xôi, dứa |
Kháng sinh, paracetamol | Đắng | Socola, cà phê, dâu tây, mâm xôi, đào, cam, quế, bạc hà, cherry |
Lactulose, Sorbitol | Ngọt | Caramel, chanh, cam, vanilla |
Viên bổ sung sắt, thuốc chống dị ứng, ORS (dung dịch bù nước, điện giải đường uống cho trẻ bị tiêu chảy) | Mặn | Caramel, chuối, socola, nho, vanilla, mâm xôi, cam, quế |
Mùi khác | Bơ đậu phộng, mứt, mật ong, sốt táo, kem |
4. Trẻ uống kháng sinh rồi nôn ói ra có cần uống lại không?
Kháng sinh là loại thuốc thường được sử dụng khi trẻ bị nhiễm khuẩn và việc trẻ cần uống kháng sinh đủ liều lượng góp phần quan trọng trong hiệu quả điều trị. Tuy nhiên các kháng sinh thường có mùi vị đặc trưng, khiến trẻ khó uống hoặc dễ nôn sau khi uống.
Chưa có khuyến cáo rõ ràng hay nghiên cứu cụ thể cho việc uống bổ sung kháng sinh khi trẻ nôn ói, ba mẹ hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn. Nếu cho trẻ uống thuốc viên, mà trẻ nôn sau 15 phút, thấy nguyên viên thì cho uống lại.
Trường hợp trẻ uống thuốc dạng lỏng, mà nôn trong quá trình uống thuốc, bổ sung liều dựa trên lượng thuốc còn lại trẻ chưa uống. Nếu trẻ nôn sau khi uống thuốc hơn 2 giờ, không cần bổ sung thêm liều thuốc. Cần liên hệ với bác sĩ/dược sĩ để có thêm tư vấn khi ba mẹ không biết có nên bổ sung thêm thuốc cho trẻ hay không.
Bác sĩ/dược sĩ sẽ dựa vào nhiều yếu tố như thời gian từ lúc cho trẻ uống thuốc đến thời gian trẻ nôn thuốc, dạng bào chế của thuốc, dược động của thuốc, khả năng hấp thu của cơ thể trẻ,…
Bác sĩ có thể cân nhắc đổi thuốc có mùi vị dễ chịu hơn, hoặc dùng đường tiêm khi không thể sử dụng đường uống (ví dụ do nôn mửa) hoặc nếu hấp thu không đủ (ví dụ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ).
Đối với trường hợp nôn và buồn nôn kéo dài, ba mẹ cần dừng thuốc và đưa trẻ đi khám ngay.
5. Những lưu ý dành cho ba mẹ khi trẻ hay nôn thuốc
Kỹ thuật cho trẻ uống thuốc sai có thể gây nôn mửa. Ép trẻ uống thuốc có thể dẫn đến nôn mửa hoặc nghẹt thở. Ba mẹ có kỹ thuật tốt hơn giúp giảm được sự phản kháng của trẻ.
Kỹ thuật cho bé uống thuốc dạng lỏng:
- Thiết bị: Ống xilanh hoặc ống nhỏ thuốc bằng nhựa
- Tư thế của trẻ: Ngồi (Không được cho bé nằm ngửa)
- Đặt ống xilanh vào trong miệng bé. Một số trẻ nhỏ sẽ hợp tác hơn nếu để trẻ cầm ống. Nói trẻ ngậm lấy ống. Sau đó, đẩy từ từ thuốc vào trong miệng trẻ
- Nhỏ giọt hoặc đưa thuốc từ từ hướng về phía sau miệng áp vào má trong, tránh lưỡi
- Đừng nhỏ thuốc vào phía sau cổ họng, vì có thể lọt vào khí quản và gây ngạt thở
6. Uống kháng sinh với sữa, thức ăn có được không?
Không chỉ sữa, một số thực phẩm cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của kháng sinh cũng như các loại thuốc khác.
Để kháng sinh đường uống có hiệu quả, thuốc cần được hấp thu qua đường tiêu hóa, đi vào máu và phân bố đến vùng bị nhiễm khuẩn. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hấp thu của thuốc, bao gồm nồng độ axit trong dạ dày, sự hiện diện của chất béo, canxi hoặc các chất dinh dưỡng khác trong dạ dày. Nhóm kháng sinh không thể dùng cùng với sữa là tetracycline, vì canxi trong sữa liên kết với kháng sinh và ngăn cản ruột hấp thu thuốc.
Đối với hầu hết các loại kháng sinh, thức ăn làm giảm khả năng hấp thu. Tuy nhiên, một số loại kháng sinh được hấp thu tốt hơn khi dùng cùng với thức ăn và nên dùng trong khi ăn. Đối với một số kháng sinh, thức ăn không tác động đáng kể đến sự hấp thu mà còn giúp làm giảm khó chịu ở dạ dày, hạn chế tác dụng phụ của thuốc.
Điều quan trọng là phải làm theo hướng dẫn trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, hoặc hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ để sử dụng thuốc cho phù hợp. Không làm theo hướng dẫn có thể dẫn đến việc kháng sinh không hiệu quả, không chữa khỏi nhiễm trùng.
7. Cách cho trẻ dưới 1 tuổi uống thuốc
Ôm bé vào lòng, nên bế sao cho đầu bé cao hơn phần thân. Đặt cánh tay của bé sát gần sau lưng bạn. Ôm chặt cánh tay và bàn tay kia của bé bằng cánh tay và bàn tay của bạn, đồng thời đặt đầu bé vào giữa cánh tay và người bạn. Tay còn lại cho bé uống thuốc.
- Đặt ống xilanh, thìa phân liều hoặc ống nhỏ giọt vào miệng bé, vào phía má của bé.
- Đưa từ từ thuốc vào để giảm nguy cơ bị nghẹn hoặc trào ra ngoài.
- Bạn cũng có thể cho thuốc vào bình sữa có núm vú và để bé tự ti.
8. Cách pha kháng sinh dạng bột pha hỗn dịch
Bột pha hỗn dịch là dạng thuốc thường được dùng ở trẻ em. Quá trình sử dụng, bảo quản thuốc có thể ảnh hưởng đến hiệu quả và an toàn trong quá trình điều trị. Pha hỗn dịch uống kháng sinh cho trẻ có thể chia thành 5 bước:
Bước 1: Kiểm tra lọ thuốc
Khi mở hộp thuốc, kiểm tra nhãn thuốc đúng tên và hàm lượng, thuốc còn hạn sử dụng. Sau đó, xem tiếp tờ hướng dẫn sử dụng, tài liệu gồm các nội dung chi tiết liên quan đến quá trình sử dụng thuốc để ba mẹ tham khảo.
Bước 2: Chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ
Dùng nước đun sôi để nguội để pha thuốc. Các dụng cụ pha thuốc có sẵn trong hộp thuốc, bao gồm 1 xylanh, hoặc thìa, hoặc cốc chia vạch chuyên dùng để pha và chia liều thuốc uống. Không dùng các dụng cụ gia dụng hàng ngày để chia liều thuốc.
Bước 3: Pha thuốc
Trước tiên, lắc mạnh lọ thuốc để làm tơi bột thuốc. Tiếp theo, mở nắp lọ thuốc bằng cách vừa nhấn vừa xoay. Dùng dụng cụ thích hợp để đong chính xác lượng nước. Thêm nước vào lọ, đóng nắp. Lắc để phân tán thuốc đồng đều.
Đặc biệt có một số loại thuốc được bào chế dạng cốm pha hỗn dịch, như vậy hạt cốm sẽ không tan hoàn toàn trong nước, nhằm giảm vị đắng của thuốc. Để sử dụng loại thuốc này hiệu quả, ba mẹ chú ý không nên lắc quá mạnh nhằm hạn chế vỡ các hạt cốm và gây ra vị đắng khi uống.
Bước 4: Chia liều và cho uống
Dùng dụng cụ pha thuốc để lấy một lượng thuốc chính xác theo đơn của bác sỹ. Cho trẻ uống lượng thuốc vừa lấy.
Bước 5: Bảo quản
Ghi lại ngày pha thuốc trên nhãn lọ thuốc. Lọ thuốc đã pha được nút kín và bảo quản theo thời hạn ghi trên tờ hướng dẫn sử dụng. Lưu ý lắc kỹ lọ thuốc trước mỗi lần sử dụng.
Với bột pha hỗn dịch có hoạt chất Clarithromycin, thời gian bảo quản là 14 ngày ở nhiệt độ phòng (15-30 OC). Không cần bảo quản trong tủ lạnh. Với Azithromycin là 10 ngày ở nhiệt độ 5 – 30 độ. Cefuroxim là 10 ngày trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ 2 – 8 độ.
9. Một số lưu ý khác khi cho trẻ uống thuốc
Thuốc dạng lỏng, dạng nước
Sử dụng các dụng cụ đo lường chuẩn, chẳng hạn như ống tiêm hoặc cốc đựng thuốc để lấy đúng liều, không sử dụng các đồ dùng gia đình, chẳng hạn như muỗng, thìa cà phê hoặc thìa canh.
Sau khi uống thuốc, nên cho trẻ uống thêm nước lọc tráng miệng để không còn cảm giác lợn cợn hoặc bị đắng, đặc biệt là một số loại thuốc được bào chế dạng cốm pha hỗn dịch do trẻ nhai vỡ các hạt cốm còn sót trong miệng.
Thuốc dạng viên, dạng đặc.
Không trộn thuốc với mật ong ở trẻ dưới 1 tuổi do có nguy cơ ngộ độc của mật ong ở trẻ sơ sinh.
Không phá vỡ các viên thuốc dạng bào chế đặc biệt như bao tan trong ruột, hoặc dạng phóng thích kéo dài.
10. Tuân thủ điều trị kháng sinh
Tuân thủ thời gian sử dụng thuốc kháng sinh có vai trò quan trọng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Việc uống thuốc đúng liều lượng, đủ thời gian giúp tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh và hạn chế nguy cơ kháng thuốc kháng sinh.
Nếu bé được chỉ định sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn, triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm hoặc hết hẳn sau 2 hoặc 3 ngày. Tuy vậy, việc kiên trì cho trẻ uống thuốc đủ liều lượng và thời gian theo toa là rất quan trọng để đảm bảo vi khuẩn đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
Nếu trẻ không uống kháng sinh đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ, nhiễm trùng nhiều khả năng sẽ tái phát. Lần tái phát sẽ khó điều trị hơn vì nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh tăng lên sau khi lần đầu dùng không đủ liều lượng.
Thuốc kháng sinh sẽ có hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách. Nên cho trẻ uống thuốc cùng một thời điểm mỗi ngày để hạn chế quên thuốc.
Xem thêm:
- Điều trị và phòng ngừa viêm họng cho trẻ trong thời điểm giao mùa
- Viêm họng tái phát ở trẻ em, ba mẹ đừng chủ quan
- Những điều cần biết về viêm phổi trẻ em? Khi nào mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay?
Tài liệu tham khảo:
1. Sally Hitchings. Tips to help your child to take medicine. nhs.uk. Published June 2015. https://www.ouh.nhs.uk/patient-guide/leaflets/files/11990Pmedicine.pdf
2. Smith L, Leggett C, Borg C. Administration of medicines to children: a practical guide. Australian Prescriber. 2022;45(6):188-192. doi:10.18773/austprescr.2022.067
3. Kendrick JG, Ma K, DeZorzi P, Hamilton D. Vomiting of Oral Medications by Pediatric Patients: Survey of Medication Redosing Practices. The Canadian Journal of Hospital Pharmacy. 2012;65(3). doi:10.4212/cjhp.v65i3.1142
4. Bnf for Children (Bnfc) 2020-2021. Pharmaceutical Press; 2020.
5. Medicine – Refusal to Take. Seattle Children’s Hospital. Published 2021. https://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/medicine-refusal-to-take/
6. Giving medicine to your child. Ministry of Health NZ. Accessed November 1, 2023. https://www.health.govt.nz/your-health/conditions-and-treatments/treatments-and-surgery/medications/giving-medicine-your-child
7. Enforcement Reports. www.accessdata.fda.gov. https://www.accessdata.fda.gov/drugsatfda_docs/label/2013/050710s039
8. Enforcement Reports. www.accessdata.fda.gov. https://www.accessdata.fda.gov/drugsatfda_docs/label/2015/050605s048
9. Medicines for babies and children. nhs.uk. Published December 7, 2020. https://www.nhs.uk/conditions/baby/health/medicines-for-babies-and-children/