Khó tiêu chức năng được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
- Ngày cập nhật: 25/12/2023
Mục lục
- Sơ lược về khó tiêu chức năng
- Các loại thuốc có thể gây ra các triệu chứng nhầm lẫn với chứng khó tiêu chức năng
- Các bệnh liên quan đến bệnh khó tiêu chức năng
- Khi nào nên đi thăm khám ngay?
- Bác sĩ chẩn đoán chứng khó tiêu chức năng như thế nào?
- Chế độ ăn phù hợp cho người bệnh khó tiêu chức năng?
- Điều trị khó tiêu chức năng thể đau bụng vùng thượng vị
- Điều trị khó tiêu chức năng thể đầy bụng sau ăn
- Điều trị khó tiêu chức năng ở người cao tuổi và có bệnh lý nền
1. Sơ lược về khó tiêu chức năng
Chứng khó tiêu là tình trạng đau vùng thượng vị (vùng nằm ở dưới mũi ức và trên rốn), nóng rát thượng vị, ăn nhanh no, đầy bụng sau ăn. Chứng khó tiêu có thể hiểu là bệnh có triệu chứng nhưng không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng, cần phân biệt với chứng khó tiêu thực thể (chứng khó tiêu có nguyên nhân). Các loại viêm niêm mạc dạ dày không được gọi là chứng khó tiêu thực thể trừ viêm niêm mạc dạ dày cấp.
Chứng khó tiêu chức năng có thể gặp trong khoảng 10 – 30% dân số, nữ hay bị hơn nam, tuổi trung bình hay bị từ khoảng 40 – 50 tuổi. Bệnh được chia thành hai thể: thể đầy bụng sau ăn và đau bụng vùng thượng vị, cũng có bệnh nhân biểu hiện triệu chứng của cả hai thể.
2. Các loại thuốc có thể gây ra các triệu chứng nhầm lẫn với chứng khó tiêu chức năng
Các thuốc gây triệu chứng của chứng khó tiêu, hàng đầu phải kế tới:
- Thuốc giảm đau chống viêm không steroids không chọn lọc (NSAIDs)
- Thuốc giảm đau chống viêm không steroids chọn lọc COX-2;
- Các thuốc aspirine hoặc clopidogrel dùng để chống ngưng kết tiểu cầu, thường được dùng dự phòng trong bệnh lý tim mạch.
Ngoài ra các thuốc khác cũng có thể gây các triệu chứng bao gồm: thuốc chẹn kênh canxi, kali, sắt, vitamin D, erythromycin, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin, sulfonylureas…
3. Các bệnh liên quan đến bệnh khó tiêu chức năng
Người bị chứng khó tiêu chức năng rất dễ bị mắc các bệnh khác như bệnh trào ngược dạ dày thực quản và hội chứng ruột kích thích, khoảng 20-50% những người này bị một hoặc cả hai bệnh kèm theo. Trong một nghiên cứu thực hiện tại Việt Nam gần đây cho thấy 75,9% bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản có khó tiêu chức năng kèm theo.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản gặp trong 10 – 20 % dân số biểu hiện điển hình: nóng rát vùng sau xương ức hoặc vùng họng, có thể thấy dịch chua, đắng trào lên miệng.
- Hội chứng ruột kích thích chiếm khoảng 8 – 12% hay gặp ở người trẻ dưới 50 tuổi, nữ hay gặp hơn nam. Bệnh biểu hiện bằng đau bụng dọc theo khung đại tràng, rối loạn phân: có thể táo bón hoặc ỉa lỏng hoặc táo bón và ỉa lỏng xen kẽ.
Ngoài ra chứng khó tiêu chức năng dễ bị mắc cùng các bệnh:
- Thực quản tăng nhạy cảm với trào ngược: bệnh này giống triệu chứng với bệnh trào ngược dạ dày thực quản nhưng thực sự không có trào ngược bệnh lý
- Bệnh nóng rát sau xương ức chức năng: người bệnh có cảm giác rất nóng sau xương ức nhưng thực sự cũng không có trào ngược dạ dày thực quản.
4. Khi nào nên đi thăm khám ngay
Khi có các triệu chứng của chứng khó tiêu chức năng mà có kèm thêm các triệu chứng:
- Sốt
- Nôn
- Thiếu máu
- Đại tiện phân đen
- Gày sút cân
- Tiền sử gia đình: bố mẹ anh em ruột bị ung thư dạ dày hoặc đại tràng
5. Bác sĩ chẩn đoán chứng khó tiêu chức năng như thế nào?
- Hỏi bệnh là rất quan trọng: người bệnh có đau hoặc khó chịu vùng thượng vị kéo dài trên 6 tháng, từng đợt nặng nhẹ khác nhau, triệu chứng xuất hiện hoặc tăng lên khi lo lắng căng thẳng, nghĩ ngợi nhiều. Đối với người trẻ mà không có yếu tố nguy cơ bị bệnh ác tính có thể điều trị thử, vừa có tác dụng chẩn đoán và đồng thời để điều trị.
- Xét nghiệm máu, siêu âm và nội soi dạ dày khi cần, để loại trừ bệnh thực thể gây các triệu chứng giống bệnh chứng khó tiêu chức năng.
6. Chế độ ăn phù hợp cho người bệnh khó tiêu chức năng?
Người bệnh nên ăn uống lành mạnh cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe chung. Đối với người có khó tiêu chức năng, một số sản phẩm, chế độ ăn sẽ không phù hợp
- Ăn nhiều gia vị: cay chua… có thể làm triệu chứng bệnh nặng hơn. Vì thế cần giảm bớt những gia vị gây kích thích.
- Ăn nhiều thức ăn béo như dầu mỡ cũng gây tăng các triệu chứng.
- Ăn nhiều thực phẩm có gluten: Một số người còn xuất hiện các triệu chứng khi ăn thức ăn có gluten chẳng hạn như bánh mì hoặc các sản phẩm từ bột mì.
- Đồ uống có cồn, có gas, và lên men cũng có thể gây các triệu chứng.
7. Điều trị khó tiêu chức năng thể đau bụng vùng thượng vị
Khó tiêu chức năng được chia thành hai thể là thể đầy bụng sau ăn và đau bụng vùng thượng vị. Thể đau bụng vùng thượng vị có đau vùng thượng vị, nóng rát vùng thượng vị ít nhất 1 ngày trong tuần.
Các thuốc sử dụng trong điều trị khó tiêu chức năng thể đau bụng vùng thượng vị gồm thuốc ức chế bài tiết axit (Thuốc ức chế bơm proton – PPI), các thuốc kháng thụ thể H2. Các thuốc này có tác dụng làm dịu triệu chứng đau và nóng rát tại vùng thượng vị.
8. Điều trị khó tiêu chức năng thể đầy bụng sau ăn
Thể đầy bụng sau ăn trong một tuần có ít nhất 3 ngày xuất hiện các triêu chứng ăn nhanh no, đầy tức khó chịu tại vùng thượng vị sau ăn.
Trong thể này sau mỗi bữa ăn bệnh nhân rất khó chịu, vì thế ăn ít hơn mà vẫn cảm giác đầy bụng. Phối hợp thuốc tăng cường vận động dạ dày prokinetics (itopride,…) và PPI (esomeprazole, lansoprazole,…) có thể làm triệu chứng đầy bụng khó tiêu, ậm ạch sau khi ăn được cải thiện.
9. Điều trị khó tiêu chức năng ở người cao tuổi và có bệnh lý nền
Ở người cao tuổi hoặc những người phải sử dụng nhiều loại thuốc điều trị các bệnh khác, khi cần dùng thuốc tăng cường vận động dạ dày prokinetics nên chọn thuốc ít gây tương tác với các thuốc khác như itopride, …
Xem thêm:
- Chứng khó tiêu chức năng và những điều bạn cần biết
- Phương pháp điều trị đồng mắc trào ngược dạ dày thực quản và khó tiêu chức năng
- Đồng mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản và khó tiêu chức năng
Tài liệu tham khảo
1.Stanghellini V, Chan FK, Hasler WL, Malagelada JR, Suzuki H, Tack J,
Talley NJ. Gastroenterology. 2016 May;150(6):1380-92. doi:10.1053/j.gastro.2016.02.011.
2.Black CJ, Paine PA, Agrawal A, Aziz I, Eugenicos MP, Houghton LA, Hungin P, Overshott R, Vasant DH, Rudd S, Winning RC, Corsetti M, Ford AC. British Society of Gastroenterology guidelines on the management of functional dyspepsia.Gut. 2022 Sep;71(9):1697-1723.
doi: 10.1136/gutjnl-2022-327737. Epub 2022 Jul 7.
3.Duncanson KR, Talley NJ, Walker MM, Burrows TL Food and functional dyspepsia: a systematic review. J Hum Nutr Diet. 2018 .DOI: 10.1111/jhn.12506