Khó tiêu chức năng: những điều người bệnh thường thắc mắc (Phần 2)
- Ngày cập nhật: 31/5/2024
Mục lục
- Khó tiêu chức năng có phải do vi khuẩn H. pylori gây ra hay không? Trước đây tôi bị vi khuẩn này và đã được diệt trừ, nay lại có triệu chứng khó tiêu, vậy có phải là bị nhiễm H. pylori lại hay không?
- Tôi được bác sĩ chẩn đoán là khó tiêu chức năng, uống thuốc thì giảm nhưng triệu chứng cứ thỉnh thoảng tái đi tái lại. Khi nào tôi có thể tự điều chỉnh được và khi nào tôi cần phải đi gặp bác sĩ?
- Tôi được chẩn đoán bị khó tiêu chức năng. Vậy tôi có cần được nội soi dạ dày định kỳ để tầm soát và phát hiện ung thư dạ dày không?
Phần trước chúng tôi đã giải đáp một số thắc mắc về khó tiêu chức năng, trong phần này chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác những câu hỏi mà người bệnh và người thân thường hỏi khi đi thăm khám. Cũng như đưa ra lời khuyên để người bệnh biết cách xử trí khi khó tiêu chức năng tái phát, cũng như thời điểm thăm khám phù hợp.
Khó tiêu chức năng có phải do vi khuẩn H. pylori gây ra hay không? Trước đây tôi bị vi khuẩn này và đã được diệt trừ, nay lại có triệu chứng khó tiêu, vậy có phải là bị nhiễm H. pylori lại hay không?
Trả lời: Theo các quan điểm trước đây, H. pylori được cho là nguyên nhân gây ra khó tiêu chức năng. Tuy nhiên quan điểm này hiện nay không còn chính xác. Khi điều trị diệt trừ nhiễm H. pylori ở người bệnh có triệu chứng khó tiêu chức năng, chỉ có khoảng 8% trường hợp cải thiện triệu chứng lâu dài sau khi diệt trừ H. pylori thành công. Điều này cho thấy H. pylori là một nguyên nhân không thường gặp gây khó tiêu chức năng, và trong đa số trường hợp đây là một nhiễm trùng thường gặp ở dạ dày có thể xảy ra đồng thời trên cùng người bệnh có triệu chứng khó tiêu chức năng. Do đó, khi người bệnh có triệu chứng khó tiêu chức năng tái phát, thường cần phải đi tìm nguyên nhân và các yếu tố thúc đẩy khác, đặc biệt thường gặp trong thực tế là các thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt, căng thẳng tâm lý và mất ngủ.
Tôi được bác sĩ chẩn đoán là khó tiêu chức năng, uống thuốc thì giảm nhưng triệu chứng cứ thỉnh thoảng tái đi tái lại. Khi nào tôi có thể tự điều chỉnh được và khi nào tôi cần phải đi gặp bác sĩ?
Trả lời: Đặc điểm của khó tiêu chức năng là tình trạng triệu chứng thường có xu hướng tái phát, tuy nhiên bệnh không có xu hướng tiến triển nặng dần và dẫn đến tình trạng nguy hiểm như loét dạ dày tá tràng hay ung thư. Trong phần lớn trường hợp khi triệu chứng tái phát, cần xem lại chế độ ăn uống sinh hoạt, stress, mất ngủ – đây là những yếu tố thúc đẩy quan trọng và thường gặp. Một số loại đồ ăn thức uống có thể khởi phát triệu chứng khó tiêu trên người bệnh này mà không gặp trên người bệnh khác, do đó cần nên lập nhật ký thức ăn khi có triệu chứng tái phát. Điều này sẽ giúp tìm ra yếu tố thường gây khởi phát triệu chứng khó tiêu và tránh cho người bệnh không phải kiêng khem quá mức dẫn đến ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và sinh hoạt. Cũng cần lưu ý là một số thực phẩm chức năng và các thuốc điều trị các bệnh lý khác, thường gặp là các thuốc điều trị viêm mũi xoang, cơ xương khớp, cũng là các tác nhân thường gây khởi phát triệu chứng.
Bác sĩ thường sẽ kê đơn một số các thuốc hỗ trợ bao gồm kháng tiết acid, trung hòa acid, trợ vận động tiêu hóa có thể giúp giảm nhanh triệu chứng. Tuy nhiên không nên tự dùng các loại thuốc này nếu chưa có ý kiến bác sĩ, đặc biệt là khi dùng mà triệu chứng không cải thiện rõ sau 1 – 2 tuần, hoặc triệu chứng tái phát lần này kèm theo với các biểu hiện báo động tình trạng bệnh nguy hiểm (xuống cân không chủ ý, thiếu máu, tiêu phân đen, sờ thấy có hạch cổ, hạch trên xương đòn hoặc u bụng, triệu chứng xảy ra về đêm làm bạn thức giấc …). Trong những trường hợp này bạn nên tái khám sớm.
Tôi được chẩn đoán bị khó tiêu chức năng. Vậy tôi có cần được nội soi dạ dày định kỳ để tầm soát và phát hiện ung thư dạ dày không?
Trả lời: Ung thư dạ dày đặc biệt ở giai đoạn sớm (tức là giai đoạn có thể chữa lành hoàn toàn bằng các thủ thuật nội soi không cần phải phẫu thuật cắt dạ dày và hóa trị liệu) thường không có triệu chứng. Ngược lại, ung thư dạ dày nếu đã có triệu chứng rõ ràng thì thường đã ở giai đoạn trễ dẫn đến việc điều trị xâm lấn, khó khăn và khó chữa lành hoàn toàn. Do đó, việc tầm soát định kỳ ở những người bệnh có nguy cơ cao ung thư dạ dày, đặc biệt là những người đã có tổn thương tiền ung thư trên nội soi (teo niêm mạc dạ dày, chuyển sản ruột, loạn sản dạ dày) sẽ giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và có thể điều trị triệt để và ít xâm lấn.
Khó tiêu chức năng là tình trạng rối loạn tiêu hóa lành tính và mặc dù triệu chứng có thể tái phát nhưng lại không có nguy cơ diễn tiến thành ung thư. Do đó, khó tiêu chức năng không phải là chỉ định để nội soi định kỳ tầm soát ung thư dạ dày. Tuy nhiên, một số trường hợp khó tiêu chức năng đi kèm với tình trạng có các tổn thương tiền ung thư dạ dày trên nội soi. Do đó, quyết định có cần nội soi tầm soát định kỳ hay không, và nếu làm thì thời khoảng mỗi bao lâu, sẽ tùy thuộc vào sự hiện diện và mức độ nặng của các tổn thương kèm theo này.
Chúng tôi mong rằng những thông tin, lời khuyên này sẽ giúp các bạn phần nào giảm bớt lo lắng và kiểm soát tốt hơn triệu chứng khó tiêu của mình. Hãy chú ý quan sát cơ thể, điều chỉnh lối sống cho phù hợp và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Chúng tôi tin rằng bạn sẽ sớm tìm lại một hệ tiêu hóa khỏe mạnh và cảm thấy thoải mái hơn.
Xem thêm:
- Khó tiêu chức năng: những điều người bệnh thường thắc mắc (Phần 1)
- Khi nào cần thăm khám bác sĩ vì đầy bụng khó tiêu?
- Khó tiêu chức năng: Nguyên nhân và giải pháp điều trị
Tài liệu tham khảo
1.Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị khó tiêu chức năng. Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam 2022.
2.Stanghellini V, Chan FK, Hasler WL et al. Gastroenterology. 2016 May;150(6):1380-92.
3.Black CJ, Paine PA, Agrawal A et al.. British Society of Gastroenterology guidelines on the management of functional dyspepsia. Gut. 2022 Sep;71(9):1697-1723.