Kiểm soát cơn chóng mặt như thế nào? 

PGS.TS.BS. Nguyễn Đức Thuận
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS. Nguyễn Đức Thuận
Phó chủ nhiệm khoa Thần kinh – Bệnh viện Quân Y 103
  • Ngày cập nhật: 12/9/2024

Chóng mặt có thể xuất hiện đột ngột và dữ dội khiến bạn cảm thấy khó chịu, lo lắng. Tuy nhiên đừng quá căng thẳng vì có nhiều phương pháp đơn giản có thể giúp làm giảm bớt tình trạng này. Tạo lập được thói quen ứng phó đúng cách sẽ giúp bạn tự tin, nhanh chóng, an toàn, tự tin vượt qua mỗi khi cơn chóng mặt tái phát.

1. Một số phương pháp hữu ích khi bị chóng mặt

Khi bị chóng mặt, điều tôi khuyên bạn nên làm là tìm một nơi yên tĩnh để nằm nghỉ. Ánh sáng mạnh có thể làm tăng cảm giác khó chịu, nên nằm nghỉ ở một căn phòng tối sẽ giúp bạn dễ chịu hơn. Nếu đang lái xe, hãy tìm chỗ an toàn để dừng lại và thư giãn luôn.

Tôi cũng khuyên bạn cử động đầu từ từ và nhẹ nhàng, tránh những chuyển động đột ngột. Hãy tránh xa những tác nhân có thể kích thích cơn chóng mặt như ánh sáng chói, âm thanh cường độ cao, hay thậm chí là xem TV, sử dụng điện thoại và máy tính

Khi bị chóng mặt, bạn nên ngồi xuống để tránh té ngã. Nếu phải thức dậy vào ban đêm, nhớ bật đèn trước khi đứng dậy. Khi ngủ, tôi gợi ý bạn nên kê thêm gối để nâng đầu cao hơn, và tránh nằm nghiêng.

Buổi sáng khi thức dậy, hãy ngồi dậy từ từ và ngồi ở trên giường một lúc trước khi đứng lên. Và nên thư giãn bằng hít thở sâu thở ra chậm đều vì lo âu có thể khiến chóng mặt nặng hơn.

2. Trang bị các thiết bị an toàn trong nhà

Nếu thường xuyên bị chóng mặt, tôi khuyên bạn nên chuẩn bị các thiết bị và áp dụng biện pháp an toàn tại nhà để giảm nguy cơ té ngã. 

Hãy lắp đặt thanh vịn, tay vịn, lan can, sử dụng gậy hoặc khung tập đi nếu cần. Đảm bảo lối đi trong nhà thông thoáng (ví dụ: bỏ thảm và các vật dụng trên sàn nhà, những đồ dùng không cần thiết,cản trở thông khí và lối đi) và sử dụng các bề mặt sàn nhà có độ bám chặt, không trơn trượt.

Trang bị các thiết bị an toàn trong nhà

Ở nhà vệ sinh nên có chỗ bám chắc dẫn tới bồn cầu, sàn nhà vệ sinh nên lát gạch có độ bám, ma sát tốt, nếu được nên lắp thiết bị báo gọi người nhà khi cần sự giúp đỡ.

3. Khi nào cần báo cho bác sĩ?

Cuối cùng, nếu chóng mặt kèm theo các dấu hiệu như đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn nhiều, sốt cao, hãy liên hệ ngay với bác sĩ. Đặc biệt, nếu bạn gặp các triệu chứng như khó nói, nghe kém, nhìn đôi, mất thị lực, chân tay yếu/liệt, cần đi khám ngay lập tức; gọi xe cấp cứu nếu cần thiết.

Hy vọng những chia sẻ của tôi sẽ giúp bạn tự tin hơn khi đối mặt với cơn chóng mặt. Hãy nhớ rằng, với sự chuẩn bị và ứng phó đúng cách, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng này.

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

1. New Health Service. Vertigo. https://www.nhs.uk/conditions/vertigo/. Published 2020. Accessed October 21, 2020.

2. Vestibular Disorders Association. How Light Sensitivity & Photophobia Affect Vestibular Disorders. https://vestibular.org/blog/how-light-sensitivity-photophobia-affect-vestibular-disorders/. Accessed October 21, 2020.

3. Lakeline NeuroVisual Medicine. Dizzy While Driving. https://www.neurovisionaustin.com/about-binocular-vision-dysfunction/dizzy-while-driving/. Published 2020. Accessed October 21, 2020.

4. Hopkins Medicine. Recent Findings. https://www.hopkinsmedicine.org/otolaryngology/research/vestibular/recent_findings.html#:~:text=VERTIGO%20DUE%20TO%20AN%20OPENING,the%20inner%20ear%20balance%20canals Published 2020. Accessed October 21, 2020.

5. Horinaka A, Kitahara T, Shiozaki T, et al. Head‐Up Sleep May Cure Patients with Intractable Benign Paroxysmal Positional Vertigo: A Six‐Month Randomized Trial. Laryngoscope Investig Otolaryngol. 2019;4(3):353-358.

6. Stross K. Fall Prevention & Home Safety for Those with Vestibular Disorders. Vestibular Disorders Association. https://vestibular.org/sites/default/files/page_files/Documents/Fall-Prevention-and-Home-Safety_101.pdf . Accessed October 21, 2020.

VTM1328999 (v1.0)