Kiểm soát non-HDL-C: Chìa khóa giảm nguy cơ tim mạch tồn dư trong điều trị rối loạn lipid máu

Bác sĩ Trương Quang Bình
Chuyên gia viết bài: GS.TS.BS Trương Quang Bình
Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM / Chủ tịch Phân hội xơ vữa động mạch Việt Nam / Giảng viên cao cấp Đại học Y Dược TP. HCM
  • Ngày cập nhật: 24/6/2024

Có một thực tế đáng lo ngại là mặc dù đã kiểm soát tốt một số yếu tố nguy cơ tim mạch chính (huyết áp, đường huyết và LDL-C) nhiều người vẫn gặp phải các biến cố tim mạch không mong muốn. Nguy cơ gặp biến cố tim mạch sau khi kiểm soát các yếu tố nguy cơ chính nêu trên được gọi là “nguy cơ tồn dư”.

1. Non-HDL-C và nguy cơ tim mạch tồn dư

Chúng ta đã biết rằng điều trị làm giảm LDL-C là nền tảng trong điều trị và dự phòng bệnh tim mạch xơ vữa. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng lớn cho thấy “nguy cơ tồn dư” vẫn còn ở những bệnh nhân được kiểm soát tốt LDL-C. Mặc dù có mối quan hệ nhân quả giữa LDL-C và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, LDL-C không phản ánh toàn bộ gánh nặng bệnh tim mạch xơ vữa do “cholesterol xấu” gây ra. Hơn nữa, khả năng dự đoán nguy cơ biến cố tim mạch của LDL-C ở bệnh nhân đang điều trị statin là còn hạn chế. 

Trong khi đó, khuyến cáo từ các Hiệp hội Y khoa công nhận non-HDL-C là thước đo tổng lượng cholesterol gây xơ vữa một cách đầy đủ, có thể giúp tiên lượng “nguy cơ tim mạch tồn dư” liên quan đến cholesterol. Vì vậy, non-HDL-C đóng vai trò là một mục tiêu điều trị quan trọng ở bệnh nhân tim mạch ngay cả khi họ đã đạt được mức LDL-C lý tưởng với liệu pháp statin.

non-hdl

2. Mức non-HDL-C mục tiêu để giảm nguy cơ tồn dư

Trong các hướng dẫn điều trị rối loạn lipid máu, mức non-HDL-C mục tiêu đã được khuyến cáo rõ ràng. Cụ thể, hướng dẫn của AACE/ACE 2017 khuyến cáo mức non-HDL-C mục tiêu là dưới 80 mg/dL ở bệnh nhân nguy cơ cực cao, dưới 100 mg/dL ở bệnh nhân nguy cơ rất cao, và dưới 130 mg/dL ở bệnh nhân nguy cơ cao.

Theo AHA/ACC 2018, ở bệnh nhân có bệnh tim mạch do xơ vữa, có nguy cơ tim mạch rất cao, mức non-HDL-C cần đạt là dưới 100 mg/dL.

Theo hướng dẫn của ESC/EAS 2019, với bệnh nhân nguy cơ rất cao (như bệnh tim mạch do xơ vữa, hoặc đái tháo đường có tổn thương cơ quan đích), mức non-HDL-C mục tiêu là dưới 85 mg/dL. Ở bệnh nhân nguy cơ cao (như đái tháo đường không có tổn thương cơ quan đích, hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch) thì mức non-HDL-C mục tiêu là thấp hơn 100 mg/dL.

Gần đây, khuyến cáo của NICE 2023 cho biết trong dự phòng tiên phát bệnh tim mạch, mục tiêu điều trị là giảm non-HDL-C hơn 40% so với mức ban đầu. Đối với những trường hợp dự phòng thứ phát, mức non-HDL-C mục tiêu là dưới 100 mg/dL.

3. Các biện pháp giúp giảm non-HDL-C hiệu quả

Nền tảng của việc kiểm soát non-HDL-C luôn bắt đầu bằng thay đổi lối sống, kết hợp giữa chế độ ăn và tập thể dục. Chúng ta cần giảm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa trong khẩu phần ăn, đồng thời duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên. Ngoài ra, các thực phẩm giàu axit béo omega-3 như cá hồi, cá mòi, cá thu và cá trích cũng rất có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Bên cạnh thay đổi lối sống, để giảm non-HDL-C về mức mục tiêu còn cần các liệu pháp kết hợp thuốc. Bắt đầu từ việc sử dụng thuốc statin để hạ LDL-C, sau đó kết hợp thêm thuốc khác để đưa Non-HDL-C về mức mong muốn. Ba nhóm thuốc thường được sử dụng kết hợp với statin bao gồm fibrate, các chế phẩm axit béo omega-3 và niacin.

Các biện pháp giúp giảm non-HDL-C

Tóm lại, non-HDL-Cholesterol đang trở thành mục tiêu ngày càng quan trọng trong điều trị rối loạn lipid máu. Hầu hết các nguy cơ tim mạch tồn dư liên quan đến tăng non-HDL-C đều có thể được kiểm soát hiệu quả bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Người bệnh cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để điều trị được hiệu quả và phòng ngừa biến cố tim mạch về sau.

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo

[1] Hansen MK, Mortensen MB, Warnakula Olesen KK, Thrane PG, Maeng M. Non-HDL cholesterol and residual risk of cardiovascular events in patients with ischemic heart disease and well-controlled LDL cholesterol: a cohort study. Lancet Reg Health Eur. 2023;36:100774. doi:10.1016/j.lanepe.2023.100774.

[2] Mach F, Baigent C, Catapano AL, et al. 2019 ESC/EAS Guidelines for the Management of dyslipidaemias: Lipid Modification to Reduce Cardiovascular Risk. European Heart Journal. 2019;41(1):111-188. doi:10.1093/eurheartj/ehz455

[3] Jellinger PS, Handelsman Y, Rosenblit PD, et al. American association of clinical endocrinologists and american college of endocrinology guidelines for management of dyslipidemia and prevention of cardiovascular disease. Endocr Pract. 2017;23(Suppl 2):1-87. doi:10.4158/EP171764.APPGL

[4] Grundy SM, Stone NJ, Bailey AL, et al. 2018 AHA/ACC/AACVPR/AAPA/ABC/ACPM/ADA/AGS/APhA/ASPC/NLA/PCNA Guideline on the Management of Blood Cholesterol: Executive Summary: A Report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Clinical Practice Guidelines. J Am Coll Cardiol. 2019;73(24):3168-3209. doi:10.1016/j.jacc.2018.11.002

[5] NICE guideline. Cardiovascular disease: risk assessment and reduction, including lipid modification. Guidance. NICE website. Published December 14, 2023. Accessed Jun 19, 2024. https://www.nice.org.uk/guidance/ng238/chapter/Recommendations#lipid-lowering-treatment-for-secondary-prevention-of-cardiovascular-disease

[6] Michael Miller. Managing Non-HDL Cholesterol. Medscape website. Accessed Jun 19, 2024. https://www.medscape.org/viewarticle/561713

VTM1321401 (v1.0)