Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến khả năng mang thai như thế nào?
- Ngày cập nhật: 17/5/2024
Mục lục
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa mạn tính phổ biến ở người phụ nữ, đặc trưng bởi mô nội mạc tử cung nằm lạc chỗ bên ngoài tử cung như ở buồng trứng, phúc mạc, bàng quang, trực tràng và một số vị trí khác. Điều này đã gây ảnh hưởng không những đến chất lượng cuộc sống, mà còn có những tác động tiêu cực đến khả năng mang thai và thai kỳ của người phụ nữ.
1. Ảnh hưởng của lạc nội mạc tử cung đến khả năng mang thai
Một trong những vấn đề gây lo lắng cho những người phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung chính là sự suy giảm về khả năng sinh sản. Sự ảnh hưởng của bệnh lý này được thể hiện trên nhiều khía cạnh. Đầu tiên, lạc nội mạc tử cung có thể ảnh hưởng đến buồng trứng, làm giảm số lượng noãn khả thi cho sự thụ tinh cũng như giảm dự trữ buồng trứng. Kế đến, tiến trình viêm và các marker viêm làm tiết ra những chất gây co thắt, làm xáo trộn nhu động ở tử cung và vòi trứng, làm ảnh hưởng đến sự di chuyển của trứng, tinh trùng và thậm chí của phôi. Ngoài ra, sự gặp gỡ của trứng và tinh trùng hay sự di chuyển của phôi sau thụ tinh cũng bị ảnh hưởng do ống dẫn trứng bị viêm tắc, ứ dịch hoặc bị giới hạn cử động bởi các dải dính do bệnh lý lạc nội mạc tử cung gây ra. Cuối cùng, những ảnh hưởng lên nội mạc tử cung cũng làm giảm khả năng làm tổ của phôi và cũng là tiền đề cho những biến chứng trong thai kì sau đó.
Mặc dù những kĩ thuật hỗ trợ sinh sản là một giải pháp cho vấn đề hiếm muộn, lạc nội mạc tử cung cũng gây những cản trở nhất định. Chẳng hạn, bệnh lí này cũng làm giảm khả năng đáp ứng của buồng trứng đối với kích thích từ hormone ngoại sinh và giảm số trứng thu được trong giai đoạn kích thích buồng trứng; làm giảm khả năng làm tổ của phôi trong giai đoạn chuyển phôi sau đó, có thể dẫn đến thất bại làm tổ nhiều lần.
Tìm hiểu thêm: Lạc nội mạc tử cung: ĐÚNG và CHƯA ĐÚNG?
2. Ảnh hưởng của lạc nội mạc tử cung trong thai kỳ
Tuy những thay đổi về hormone trong thai kỳ có thể là một phương thuốc chữa lạc nội mạc tử cung tạm thời, sự hiện diện của bệnh lý này cũng có những tác động tiêu cực nhất định đối với quá trình mang thai. Một số ảnh hưởng có thể được kể đến như:
- Sẩy thai: người ta nhận thấy có sự tăng nhẹ khoảng 1,3 lần nguy cơ sẩy thai ở những phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung so với những thai phụ không mắc bệnh lý này. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cũng cho thấy nguy cơ này là không đáng kể.
- Sinh non: những thai phụ mắc lạc nội mạc có nguy cơ sinh non cao gấp 1,2 – 3 lần so với những người không bị bệnh.
- Nhau tiền đạo: kết quả từ các nghiên cứu cho thấy nhau tiền đạo xuất hiện ở những thai phụ mắc lạc nội mạc tử cung cao gấp 2 – 11 lần so với những phụ nữ không có bệnh. Đặc biệt, nguy cơ mắc nhau cài răng lược cũng cao gấp 3 lần ở những thai phụ này.
- Thai nhỏ, tăng huyết áp thai kì, tiền sản giật, nhau bong non, băng huyết sau sinh: những nguy cơ này ở thai phụ mắc lạc nội mạc tử cung chỉ tăng nhẹ khoảng 1,4 – 1,7 lần, thậm chí nhiều nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt khi so với phụ nữ không mắc bệnh.
Tìm hiểu thêm: Quản lý thai kỳ ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung
3. Bệnh lạc nội mạc tử cung thường được chẩn đoán trễ
Tuy lạc nội mạc tử cung gây ra những triệu chứng khá rầm rộ, việc chẩn đoán bệnh lý này thường bị chậm trễ. Ước tính chẩn đoán xác định lạc nội mạc tử cung thường bị trì hoãn từ 8 – 12 năm. Nguyên nhân của vấn đề này có thể đến từ việc bệnh lý này có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng của lạc nội mạc có thể bị nhầm lẫn với triệu chứng sinh lý bình thường khiến cho người phụ nữ đến khám bệnh khi bệnh đã ở giai đoạn tiến xa. Hoặc một phần nguyên nhân khác cũng có thể đến từ giới hạn của các công cụ chẩn đoán bệnh hiện nay.
4. Tầm quan trọng của thăm khám và phát hiện sớm bệnh lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý viêm mạn tính, nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể tiến triển đến giai đoạn nặng hơn, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng sinh sản của người phụ nữ. Do đó, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời có thể ngăn chặn tiến triển của bệnh, giảm các vấn đề về đau vùng chậu, giảm sự hình thành của các dải sợi dính và từ đó của có thể giảm các vấn đề liên quan hiếm muộn.
Vì vậy, nếu có triệu chứng nghi ngờ như đau bụng khi hành kinh, đau khi quan hệ, đau vùng chậu, xuất huyết tử cung bất thường hoặc các vấn đề hiếm muộn, người phụ nữ nên được thăm khám và chẩn đoán sớm để giảm thiểu những vấn đề do lạc nội mạc tử cung gây ra nhé!
Xem thêm:
- Hành trình mang thai thành công ở những người phụ nữ lạc nội mạc tử cung
- Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và chẩn đoán lạc nội mạc tử cung trước khi mang thai
Tài liệu tham khảo
1. Horne AW, Missmer SA. Pathophysiology, diagnosis, and management of endometriosis. Bmj. Nov 14 2022;379:e070750. doi:10.1136/bmj-2022-070750
2. Vercellini P, Viganò P, Bandini V, Buggio L, Berlanda N, Somigliana E. Association of endometriosis and adenomyosis with pregnancy and infertility. Fertil Steril. May 2023;119(5):727-740. doi:10.1016/j.fertnstert.2023.03.018
3. Pascoal E, Wessels JM, Aas-Eng MK, et al. Strengths and limitations of diagnostic tools for endometriosis and relevance in diagnostic test accuracy research. Ultrasound Obstet Gynecol. Sep 2022;60(3):309-327. doi:10.1002/uog.24892