Lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không? Nguyên nhân là gì?
Mục lục
Lạc nội mạc tử cung (endometriosis là gì) ảnh hưởng đến khoảng 10% (190 triệu) phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trên toàn cầu. Vậy lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không? Nguyên nhân gây bệnh endometriosis là gì? Theo dõi bài viết dưới đây của a:care Việt Nam để biết thêm thông tin nhé.
Lạc nội mạc tử cung là gì? Các giai đoạn của bệnh
Để biết lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không trước hết ta cùng tìm hiểu xem lạc nội mạc tử cung là gì? Lạc nội mạc tử cung là khi mô nội mạc tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung. Những mô nội mạc tử cung có thể bị lạc đến buồng trứng, ống dẫn trứng và khung chậu. Sự phát triển của lạc nội mạc tử cung hiếm khi được tìm thấy ngoài khu vực có cơ quan vùng chậu.
Nội mạc tử cung là lớp lót bên trong tử cung. Trong một chu kỳ kinh nguyệt, lớp niêm mạc này sẽ dày lên, bong ra khi không có trứng được thụ thai bám vào, gây hành kinh ở phụ nữ.
Tương tự nội mạc tử cung, những mô nội mạc tử cung lạc chỗ cũng dày lên, bong ra, chảy máu trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, nhưng lại không được đào thải ra ngoài. Hiện tượng này gây nên các tổn thương viêm, xơ hóa, tạo sẹo, có thể dẫn đến mô vùng chậu và các cơ quan dính lại với nhau.
Có nhiều cách khác nhau để phân loại mức độ nghiêm trọng của lạc nội mạc tử cung. Phân loại phổ biến nhất theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (ASRM), lạc nội mạc tử cung được chia thành các 4 giai đoạn như sau: 1 – tối thiểu, 2 – nhẹ, 3 – trung bình và 4 – nặng.
- Giai đoạn 1 (tối thiểu): khối lạc nội mạc tử cung nhỏ hoặc ít, sang thương nhỏ trên các cơ quan, mô vùng chậu, hoặc bụng. Có rất ít hoặc không có mô sẹo.
- Giai đoạn 2 (nhẹ): sang thương lớn và nhiều hơn giai đoạn 1, cũng nằm trong mô sâu hơn và có thể có một số mô sẹo.
- Giai đoạn 3 (trung bình): Sang thương nhiều và xâm lấn sâu hơn. Có thể có các u nang nhỏ trên một hoặc hai buồng trứng, có những dải mô sẹo dày gọi là chất kết dính.
- Giai đoạn 4 (nghiêm trọng): Đây là giai đoạn nặng nhất. Nhiều sang thương sâu, mô sẹo nhiều, lớp bám dính dày. Ngoài ra còn có u nang lớn trên một hoặc cả hai buồng trứng.
Các loại lạc nội mạc tử cung
Dựa vào vị trí khởi phát bệnh, lạc nội mạc tử cung được chia làm 4 loại chính:
- Lạc nội mạc tử cung ở bề mặt phúc mạc
- Nang lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng
- Lạc nội mạc tử cung thâm nhiễm sâu
- Lạc nội mạc tử cung ở thành bụng
Dấu hiệu nhận biết của lạc nội mạc tử cung
Dấu hiệu thường thấy của lạc nội mạc tử cung là đau vùng chậu, thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Những người bị lạc nội mạc tử cung thường đau bụng kinh nặng hơn nhiều so với người bình thường và cơn đau có thể nặng dần theo thời gian. Các dấu hiệu phổ biến nhận biết lạc nội mạc tử cung bao gồm:
- Đau vùng chậu có thể bắt đầu trước kỳ kinh nguyệt và kéo dài nhiều ngày sau đó. Bạn cũng có thể bị đau lưng và đau bụng.
- Đau khi quan hệ tình dục. Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục thường gặp ở bệnh lạc nội mạc tử cung.
- Đau khi đi đại tiện hoặc đi tiểu: Bạn có nhiều khả năng gặp phải những triệu chứng này trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt.
- Ra máu kinh quá nhiều. Đôi khi, bạn có thể ra máu kinh nguyệt nhiều hoặc ra máu giữa các kỳ kinh.
- Các triệu chứng khác: Bạn có thể bị mệt mỏi, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi hoặc buồn nôn. Những triệu chứng này phổ biến hơn ở trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt.
Mức độ nghiêm trọng của cơn đau có thể không phải là dấu hiệu cho thấy số lượng hoặc mức độ phát triển của khối lạc nội mạc tử cung trong cơ thể. Bạn có thể có một lượng nhỏ mô lạc nội mạc tử cụng nhưng bị đau nặng. Hoặc bạn có thể có nhiều mô lạc nội mạc tử cung nhưng đau ít hoặc không đau.
Tuy nhiên, một số trường hợp bị lạc nội mạc tử cung nhưng không có triệu chứng. Vì vậy bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
Những người có nguy cơ mắc bệnh
Lạc nội mạc tử cung thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 – 40, những cô gái trẻ hơn, ở độ tuổi thiếu niên cũng có khả năng mắc lạc nội mạc tử cung.
Ngoài ra, bạn có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu:
- Chưa sinh con.
- Bắt đầu có kinh nguyệt trước 11 tuổi.
- Chu kỳ kinh nguyệt ngắn, dưới 27 ngày.
- Chu kỳ kinh nguyệt nặng kéo dài hơn bảy ngày.
- Có mẹ hoặc chị gái bị lạc nội mạc tử cung.
Lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không?
Lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không là thắc mắc của rất nhiều người. Lạc nội mạc tử cung không gây tử vong, tuy nhiên bệnh có liên quan đến một số tình trạng nguy hiểm như mang thai ngoài tử cung, tắc ruột non, hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Lạc nội mạc tử cung cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh con. Theo thống kê, có khoảng 50% số người bị lạc nội mạc tử cung gặp khó khăn trong việc thụ thai. Lạc nội mạc tử cung có thể làm tắc ống dẫn trứng, khiến trứng và tinh trùng không thể gặp nhau. hay có thể làm tổn thương tinh trùng hoặc trứng, cản trở quá trình thụ thai. Tuy nhiên, nhiều người bị lạc nội mạc tử cung ở mức độ nhẹ đến trung bình vẫn có thể thụ thai và mang thai đủ tháng.
Phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung
Thuốc và phẫu thuật là 2 phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung phổ biến. Bạn và bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị nào sẽ phụ thuộc vào triệu chứng và nguyện vọng mang thai của bạn. Thông thường, thuốc là sự lựa chọn hàng đầu nhưng nếu hiệu quả chưa như mong muốn, khi đó phương pháp phẫu thuật sẽ được cân nhắc.
Uống thuốc
Một số thuốc giảm đau không cần đơn được bác sĩ chỉ định sử dụng để giảm đau bụng kinh.
Điều trị nội tiết
Điều trị bằng nội tiết tố giúp làm giảm sản xuất hoặc hoạt động của estrogen và có thể làm ngưng chu kỳ kinh nguyệt. Từ đó, giúp các tổn thương giảm chảy máu, giảm viêm, sẹo và giảm hình thành nhiều u nang.
Các loại thuốc thường được chỉ định bao gồm: Progesterone, thuốc uống tránh thai hàng ngày, thuốc GnRH đồng vận.
Phẫu thuật bảo tồn
Phẫu thuật bảo tồn giúp loại bỏ mô lạc nội mạc tử cung nhằm mục đích bảo tồn tử cung và buồng trứng. Phương pháp này phù hợp với những người bị lạc nội mạc tử cung và đang cố gắng để mang thai.
Phẫu thuật cắt bỏ tử cung
Đây là phương pháp được khuyến cáo sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Ở những người không muốn mang thai, phẫu thuật cắt bỏ tử cung đôi khi có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng liên quan đến lạc nội mạc tử cung, bao gồm chảy máu kinh nguyệt nhiều và đau bụng kinh do co thắt tử cung.
Hy vọng qua bài viết trên, a:care Việt Nam đã giúp bạn giải đáp thắc mắc bị lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bệnh lại gây ra nhiều phiền toái cho cuộc sống, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Do đó, bạn cần chủ động phòng ngừa và thăm khám sức khỏe sinh sản định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh.
Xem thêm:
- Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến khả năng mang thai như thế nào?
- Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và chẩn đoán lạc nội mạc tử cung trước khi mang thai
- Lạc nội mạc tử cung và những câu hỏi thường gặp
Nguồn tham khảo:
1. Endometriosis. Available at: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/endometriosis/?gclid=CjwKCAjwp8OpBhAFEiwAG7NaErdGWTlDoHgbznihjN6fxVSzqAxX1qxc8sD5Anx5kOGdM8RVzIglGBoCg0AQAvD_BwE#:~:text=Endometriosis%20affects%20roughly%2010%25%20(190%20million)%20of%20reproductive%20age%20women%20and%20girls%20globally.
2. Endometriosis- symptoms &causes. Available at: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/endometriosis/symptoms-causes/syc-20354656
3. Endometriosis: Causes, symptoms, diagnosis &treatment. Available at: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10857-endometriosis
4. Endometriosis (WebMD). Available at: https://www.webmd.com/women/endometriosis/endometriosis-causes-symptoms-treatment
5. Can a person die from endometriosis? Available at: https://www.medicalnewstoday.com/articles/can-you-die-from-endometriosis6. Endometriosis Stages and What They Mean. Available at: https://www.verywellhealth.com/stages-of-endometriosis-4692244