Lạc nội mạc tử cung và những câu hỏi thường gặp
- Ngày cập nhật: 30/10/2023
Mục lục
- Lạc nội mạc tử cung là gì?
- Lạc nội mạc tử cung có thường gặp không?
- Ai có nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung?
- Triệu chứng của lạc nội mạc tử cung?
- Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung?
- Cách lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến chị em?
- Mối liên hệ giữa vô sinh và lạc nội mạc tử cung?
- Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung như thế nào?
- Lạc nội mạc tử cung có chữa khỏi được không?
- Thuốc sử dụng khi bị lạc nội mạc tử cung?
- Nếu vẫn bị đau nhiều và không giảm dù đã điều trị?
- Phẫu thuật có chữa khỏi lạc nội mạc tử cung không?
- Lạc nội mạc tử cung có thể tự khỏi không?
- Làm cách nào để ngăn ngừa lạc nội mạc tử cung?
- Một trường hợp điều trị lạc nội mạc tử cung bằng liệu pháp nội tiết
1. Lạc nội mạc tử cung là gì?
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) nằm ngoài buồng tử cung. Những vị trí mà các tế bào nội mạc tử cung lạc vị có thể đến trú đóng là:
- Buồng trứng
- Cơ tử cung
- Phúc mạc
- Ống dẫn trứng
- Mặt ngoài của tử cung, bàng quang, niệu quản, ruột và trực tràng
- Khoảng trống phía sau tử cung (còn gọi là túi cùng sau)
2. Lạc nội mạc tử cung có thường gặp không?
Lạc nội mạc tử cung xảy ra ở khoảng 1 trên 10 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi 30, 40.
3. Ai có nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung?
Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung nếu:
- Có mẹ hoặc chị gái bị lạc nội mạc tử cung
- Bắt đầu có kinh trước 11 tuổi
- Có kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày
- Có chu kỳ ngắn hơn 27 ngày
- Vô sinh, hiếm muộn
4. Triệu chứng của lạc nội mạc tử cung?
Triệu chứng phổ biến nhất của lạc nội mạc tử cung là đau vùng chậu mạn tính, đặc biệt là ngay trước và trong kỳ kinh nguyệt. Đau cũng có thể xảy ra khi quan hệ tình dục.
Nếu lạc nội mạc tử cung ở ruột, thì có thể bị đau khi đi vệ sinh. Nếu ảnh hưởng đến bàng quang, có thể đau khi đi tiểu.
Triệu chứng khác của lạc nội mạc tử cung là chảy máu nhiều trong thời kỳ hành kinh, khó mang thai, đầy hơi, buồn nôn, mệt mỏi, trầm cảm hoặc lo lắng do bị đau..
Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có thể không có triệu chứng. Trong trường hợp này, chị em thường phát hiện bị lạc nội mạc tử cung khi đi khám vô sinh, hiếm muộn hoặc khi phẫu thuật điều trị bệnh khác.
5. Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung?
Lý do tại sao mô nội mạc tử cung lại phát triển bên ngoài tử cung vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng có một số giả thuyết
- Di truyền có thể là nguyên nhân, một số tế bào nội mạc tử cung có thể đã lạc chỗ từ khi sinh ra.
- Máu kinh nguyệt chứa tế bào nội mạc tử cung chảy ngược qua ống dẫn trứng và vào khoang chậu thay vì ra khỏi cơ thể. Những tế bào này được cho là dính vào các cơ quan, tiếp tục phát triển và chảy máu theo thời gian.
- Các tế bào nội mạc tử cung cũng có thể di chuyển đến khoang trong bụng, vết mổ thành bụng, chẳng hạn như trong quá trình sinh mổ. Vết khâu tầng sinh môn khi đẻ thường, có cắt khâu tầng sinh môn
- Hệ thống miễn dịch bị lỗi không loại bỏ được các tế bào ở sai vị trí.
6. Cách lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến chị em?
Mô nội mạc tử cung lạc chỗ thường phát triển và chảy máu giống như niêm mạc tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt. Các mô xung quanh có thể bị kích thích, viêm và sưng tấy.
Sự chảy máu của mô nội mạc tử cung lạc chỗ mỗi tháng cũng có thể hình thành mô sẹo. Đôi khi mô sẹo là chất kết dính khiến các cơ quan dính vào nhau. Chảy máu, viêm và sẹo thường gây đau, đặc biệt là trước và trong kỳ kinh nguyệt.
Với nhiều phụ nữ, các triệu chứng do lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, bao gồm học tập, công việc, sức khỏe thể chất, các mối quan hệ và giao tiếp xã hội.
7. Mối liên hệ giữa vô sinh và lạc nội mạc tử cung?
Gần 5 trong 10 phụ nữ vô sinh bị lạc nội mạc tử cung. Viêm do lạc nội mạc tử cung có thể làm tổn thương tinh trùng, hoặc trứng, hoặc cản trở sự di chuyển của tinh trùng qua vòi tử cung vào tử cung. Trong trường hợp lạc nội mạc tử cung nặng, vòi tử cung có thể bị tắc nghẽn do kết dính hoặc mô sẹo
8. Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung như thế nào?
Bác sĩ sản phụ khoa: thăm khám toàn trạng, bao gồm cả khám vùng chậu. Lạc nội mạc tử cung có thể được chẩn đoán khi siêu âm, nội soi ổ bụng. Trong quá trình mổ nội soi, một lượng nhỏ mô được lấy gửi đi xét nghiệm mô bệnh học.Chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI) được chỉ định khi cần thiết
9. Lạc nội mạc tử cung có chữa khỏi được không?
Hiện tại chưa có cách chữa khỏi, nhưng bác sĩ sẽ thăm khám, xem xét một số yếu tố khi xác định phương pháp điều trị cho mỗi người, tùy thuộc vào mỗi cá nhân, bao gồm:
• Tuổi
• Triệu chứng đến mức nào, đã điều trị gì chưa?
• Bệnh nặng đến mức nào, gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống không?
• Mong muốn con không?…
10. Thuốc sử dụng khi bị lạc nội mạc tử cung?
Thuốc sử dụng để điều trị lạc nội mạc tử cung bao gồm thuốc giảm đau, và thuốc nội tiết tố, bao gồm thuốc tránh thai, thuốc chỉ chứa progestin và thuốc chủ vận hormone giải phóng gonadotropin.
Thuốc nội tiết tố giúp làm chậm sự phát triển của mô nội mạc tử cung và có thể giữ cho các chất kết dính mới không hình thành, từ đó giúp giảm đau. Thuốc chỉ chứa progestin là liệu pháp nội tiết thích hợp để sử dụng dài hạn. Chị em cần đến thăm khám tại phòng khám chuyên khoa để được tư vấn sử dụng thuốc phù hợp.
11. Nếu vẫn bị đau nhiều và không giảm dù đã điều trị?
Nếu cơn đau trầm trọng và không giảm sau khi điều trị dùng thuốc thì phẫu thuật, cắt tử cung hay bóc khối lạc nội mạc thùy theo vị trí khối lạc nội mạc, có thể là lựa chọn “cuối cùng”.
Mục tiêu của điều trị phẫu thuật là loại bỏ mô nội mạc tử cung được tìm thấy bên ngoài buồng tử cung. Phẫu thuật trong điều trị lạc nội mạc tử cung vẫn còn nhiều hạn chế vì khó có thể lấy hết những chố lạc nội mạc, có thể vẫn tái phát sau mổ.
Bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc chị em nào được hưởng lợi từ phẫu thuật và thời gian nào là phù hợp để phẫu thuật
12. Phẫu thuật có chữa khỏi lạc nội mạc tử cung không?
Phẫu thuật giúp loại bỏ mô lạc nội mạc tử cung, nhờ đó có thể làm giảm đau. Phần lớn phụ nữ đỡ đau sau phẫu thuật, nhưng cũng có khả năng sẽ bị đau trở lại.
Có tới 8 trong 10 phụ nữ bị đau trở lại trong vòng 2 năm sau phẫu thuật. Bệnh càng nặng thì khả năng tái phát càng cao.
Điều trị dùng thuốc sau khi phẫu thuật có vai trò quan trọng trong việc kéo dài thời gian không bị đau.
13. Lạc nội mạc tử cung có thể tự khỏi không?
Trong một số trường hợp, lạc nội mạc tử cung giống như một bệnh nhẹ, có thể tự khỏi.
Các trường hợp khác, lạc nội mạc tử cung có triệu chứng nghiêm trọng nhưng có thể kết thúc sau thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, lạc nội mạc tử cung có thể tái lại ở một số phụ nữ sau mãn kinh.
14. Làm cách nào để ngăn ngừa lạc nội mạc tử cung?
Không có biện pháp giúp ngăn ngừa lạc nội mạc tử cung, nhưng có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh bằng cách giảm nồng độ estrogen trong cơ thể.
Chị em có thể thử các cách sau:
• Tập thể dục thường xuyên (hơn 4 giờ một tuần) để giữ tỷ lệ mỡ trong cơ thể ở mức thấp. Từ đó giúp giảm lượng estrogen lưu thông trong cơ thể.
• Tránh uống nhiều rượu vì rượu làm tăng nồng độ estrogen.
• Tránh uống nhiều đồ uống có caffeine. Các nghiên cứu cho thấy uống nhiều đồ uống chứa caffein mỗi ngày, đặc biệt là nước ngọt và trà xanh, có thể làm tăng nồng độ estrogen.
15. Một trường hợp điều trị lạc nội mạc tử cung bằng liệu pháp nội tiết
Bệnh nhân nữ, T.H.N. năm nay 25 tuổi, đã kết hôn, chưa có con. Đến khám vì gần đây đau bụng nhiều khi hành kinh, đau vùng chậu, đau khi quan hệ, rối loạn kinh nguyệt. Chị N. đã uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ kèm theo mệt mỏi, lo lắng gây ảnh hưởng đến công việc. Gia đình chị có chị gái bị lạc nội mạc tử cung.
Khi đến bệnh viện thăm khám, chị N. được khám phụ khoa, làm xét nghiệm cơ bản, siêu âm, chụp MRI. Kết quả chẩn đoán là lạc nội mạc tử cung giai đoạn I.
Vì mong con nên chị được được tư vấn kế hoạch mang thai, chỉ định sử dụng thuốc chứa progestogen đường uống, loại không ức chế rụng trứng, không gây mỏng niêm mạc tử cung. Sau 3 tháng sử dụng các triệu chứng đau bụng kinh đau vùng chậu, và đau khi quan hệ đã giảm. Sau 6 tháng điều trị, các triệu chứng đau giảm nhiều, chị N. thấy sức khỏe, tinh thần tốt hơn, làm việc hiệu quả như trước.
Xem thêm:
- Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và chẩn đoán lạc nội mạc tử cung trước khi mang thai
- Hành trình mang thai thành công ở những người phụ nữ lạc nội mạc tử cung
- Bệnh lạc nội mạc tử cung: lời khuyên hữu ích từ chuyên gia
Tài liệu tham khảo
1.Endometriosis. www.acog.org. https://www.acog.org/womens-health/faqs/endometriosis
2.World Health Organization. Endometriosis. www.who.int. Published March 24, 2023. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/endometriosis
3.What are the risk factors for endometriosis? https://www.nichd.nih.gov/. Published January 28, 2022. https://www.nichd.nih.gov/health/topics/endometri/conditioninfo/at-risk
4.Lamceva J, Uljanovs R, Strumfa I. The Main Theories on the Pathogenesis of Endometriosis. Int J Mol Sci. 2023;24(5):4254. Published 2023 Feb 21. doi:10.3390/ijms24054254
5.Zondervan, K. T., Becker, C. M., Koga, K., Missmer, S. A., Taylor, R. N., & Viganò, P. (2018). Endometriosis. Nature Reviews Disease Primers, 4(1). doi:10.1038/s41572-018-0008-5
6.Missmer SA, Tu F, Soliman AM, et al. Impact of endometriosis on women’s life decisions and goal attainment: a cross-sectional survey of members of an online patient community. BMJ Open. 2022;12(4):e052765. Published 2022 Apr 27. doi:10.1136/bmjopen-2021-052765
7.Márki G, Vásárhelyi D, Rigó A, Kaló Z, Ács N, Bokor A. Challenges of and possible solutions for living with endometriosis: a qualitative study. BMC Womens Health. 2022;22(1):20. Published 2022 Jan 26. doi:10.1186/s12905-022-01603-6
8.de Ziegler D, Borghese B, Chapron C. Endometriosis and infertility: pathophysiology and management. Lancet. 2010;376(9742):730-738. doi:10.1016/S0140-6736(10)60490-4
9.Bonavina G, Taylor HS. Endometriosis-associated infertility: From pathophysiology to tailored treatment. Front Endocrinol (Lausanne). 2022;13:1020827. Published 2022 Oct 26. doi:10.3389/fendo.2022.1020827.
10.NICE. Endometriosis: Diagnosis and Endometriosis: Diagnosis and Management Management NICE Guideline.; 2017. https://www.nice.org.uk/guidance/ng73/resources/endometriosis-diagnosis-and-management-pdf-1837632548293
11.Mounsey AL, Wilgus A, Slawson DC. Diagnosis and Management of Endometriosis. American Family Physician. 2006;74(4):594-600. https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2006/0815/p594.html
12.What are the treatments for endometriosis? https://www.nichd.nih.gov/. https://www.nichd.nih.gov/health/topics/endometri/conditioninfo/treatment#:~:text=There%20is%20currently%20no%20cure
13.Information NC for B, Pike USNL of M 8600 R, MD B, Usa 20894. Treatment Options for Endometriosis. Institute for Quality and Efficiency in Health Care (IQWiG); 2017. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279498/
14.Acién P, Velasco I. Endometriosis: a disease that remains enigmatic. ISRN Obstet Gynecol. 2013;2013:242149. Published 2013 Jul 17. doi:10.1155/2013/24214.
15.OASH. Endometriosis | Womenshealth.gov. womenshealth.gov. Published January 30, 2019. https://www.womenshealth.gov/a-z-topics/endometriosis