Nên làm gì nếu có các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp (RTI)?
Nếu có các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp, bạn có thể thực hiện một số cách sau:
- Những việc bạn có thể tự làm để giảm các triệu chứng
- Nhờ dược sĩ giúp đỡ
- Đi khám bác sĩ
Những việc bạn có thể tự làm
Đa số bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp sẽ khỏi sau một đến hai tuần. Thông thường, bạn có thể điều trị triệu chứng tại nhà. Dưới đây là các khuyến nghị NÊN LÀM và KHÔNG NÊN LÀM.
NÊN LÀM
- Nghỉ ngơi nhiều
- Uống nhiều nước để làm loãng đờm và dễ ho hơn
- Súc miệng bằng nước muối ấm nếu bạn bị đau họng (trẻ em không nên dùng cách này)
- Dùng thêm gối kê cao đầu khi ngủ để dễ thở hơn và làm sạch đờm trong ngực
KHÔNG NÊN LÀM
- Không để trẻ hít hơi nước từ bát nước nóng vì có nguy cơ bị bỏng
- Không cho trẻ em dưới 16 tuổi uống Aspirin
- Không hút thuốc. Việc này có thể làm các triệu chứng của bạn trở nên trầm trọng hơn
Hãy liên hệ với bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc không cải thiện trong vòng hai tuần.
Nhờ dược sĩ giúp đỡ
Dược sĩ có thể đề xuất các toa thuốc để giúp giảm các triệu chứng của bệnh. Nếu bạn đang dùng riêng các loại thuốc này, hãy cẩn thận không dùng nhiều hơn liều lượng được dược sĩ khuyên dùng.
Một số toa thuốc không thích hợp cho trẻ em, trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai. Dược sĩ có thể tư vấn cách điều trị tốt nhất cho bạn hoặc con bạn.
Mẹo nhỏ:
- Trước khi nhờ giúp đỡ, bạn nên viết chi tiết các triệu chứng của mình để ghi nhớ.
- Bạn có thể gọi điện hoặc liên hệ trực tuyến với hiệu thuốc trước khi trực tiếp đến đó.
Hãy liên hệ với bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc không cải thiện trong vòng hai tuần.
Đến gặp bác sĩ
Nếu có các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ nếu:
- Bạn cảm thấy không khỏe hoặc các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn
- Bạn ho ra máu hoặc ho có đờm dính máu
- Bạn bị ho hơn ba tuần
- Bạn đang mang thai
- Bạn trên 65 tuổi
- Bạn có hệ miễn dịch kém – ví dụ: đang mắc bệnh như tiểu đường hoặc đang hóa trị
- Bạn có bệnh mạn tính như bệnh tim, phổi hoặc thận
Mẹo nhỏ: Trước khi đi khám, bạn nên viết chi tiết các triệu chứng của mình để ghi nhớ.
Đừng ngại trao đổi với bác sĩ nếu bạn cảm thấy các triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp không thuyên giảm. Đó có thể là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng cần được chữa trị càng sớm càng tốt.
Xem thêm:
- Cách phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp (RTI) và ngăn ngừa lây bệnh sang người khác
- Ai có nguy cơ mắc nhiễm khuẩn đường hô hấp?
Tài liệu tham khảo:
- National Health Service, Respiratory tract infections (RTIs). https://www.nhs.uk/conditions/respiratory-tract-infection/. Accessed October 28, 2020.
- Health Service Executive, Respiratory tract infection. https://www.hse.ie/eng/health/az/r/respiratory-tract-infection/. Accessed October 28, 2020