Liệu pháp nội tiết mãn kinh, nhẹ nhàng cùng bạn bước vào tuổi mãn kinh
- Ngày cập nhật: 19/09/2023
Mục lục
- Điều trị hiệu quả các triệu chứng mãn kinh
- Liệu pháp nội tiết mãn kinh là gì?
- Liệu pháp nội tiết sử dụng phổ biến cho các triệu chứng mãn kinh
- Điều trị nội tiết giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và cân bằng cảm xúc
- Liệu pháp nội tiết giúp cải thiện tình trạng da trong thời kỳ mãn kinh
- Sử dụng liệu pháp nội tiết sao cho đúng?
- Ai có thể dùng liệu pháp nội tiết mãn kinh?
- Thăm khám trước khi sử dụng liệu pháp nội tiết như thế nào?
- Sai lầm khi tự ý sử dụng thực phẩm chức năng lâu dài
- Bác sĩ sẽ hỗ trợ người bệnh như thế nào?
- Điều trị sớm giúp nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống
Điều trị hiệu quả các triệu chứng mãn kinh
Thay đổi lối sống là cách đơn giản có thể giúp cải thiện một số triệu chứng, và là phần quan trọng để kiểm soát giai đoạn mãn kinh.
Tuy nhiên, nếu chị em nhận thấy các triệu chứng vẫn chưa cải thiện như mong muốn, thì nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn. Điều trị bằng thuốc có thể giúp thời kỳ mãn kinh diễn ra kinh diễn ra nhẹ nhàng hơn.
Thuốc điều trị chính cho các triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh là liệu pháp nội tiết. Liệu pháp giúp ổn định nồng độ nội tiết tố trong cơ thể, hiệu quả cho các cơn bốc hỏa, cũng có thể giúp giảm khô âm đạo, ngủ ngon và duy trì mật độ xương.
Các liệu pháp nội tiết mãn kinh hiện đại có nguy cơ thấp là lựa chọn điều trị phổ biến.
Các phương pháp điều trị không sử dụng nội tiết cũng có thể hữu ích.
Liệu pháp nội tiết mãn kinh là gì?
Liệu pháp nội tiết mãn kinh, liên quan đến việc thay thế nội tiết tố (estrogen và progesterone, và đôi khi là testosterone).
• Liệu pháp nội tiết mãn kinh là cách hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh đồng thời mang lại những lợi ích sức khỏe khác. Bắt đầu sử dụng liệu pháp mãn kinh khi phụ nữ dưới 60 tuổi hoặc trong vòng 10 năm sau mãn kinh mang lại lợi ích như giảm nguy cơ tim mạch, phòng ngừa loãng xương.
• Các liệu pháp nội tiết mãn kinh khác nhau liên quan đến các nguy cơ khác nhau. Trao đổi với bác sĩ để lựa chọn liệu pháp phù hợp sẽ giúp làm giảm các nguy cơ này.
Liệu pháp nội tiết sử dụng phổ biến cho các triệu chứng mãn kinh
Liệu pháp nội tiết mãn kinh là một trong những phương pháp điều trị bằng thuốc được sử dụng phổ biến nhất cho phụ nữ mãn kinh, được khuyến cáo trong nhiều hướng dẫn điều trị của các hiệp hội y khoa trên thế giới. Ngoài ra, liệu pháp nội tiết cải thiện mật độ khoáng xương do đó có thể hỗ trợ phòng ngừa loãng xương ở tuổi mãn kinh.
Đường dùng đa dạng: viên uống, miếng dán qua da, gel, kem thoa âm đạo, que cấy…
Nội tiết tố thường là estrogen và progesterone. Tùy theo từng phụ nữ có thể sử dụng đơn tuần estrogen hoặc kết hợp với progesterone.
Điều trị nội tiết giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và cân bằng cảm xúc
Liệu pháp nội tiết điều trị hiệu quả các cơn bốc hỏa, cải thiện chất lượng đời sống tình dục và các triệu chứng khác của mãn kinh. Đối với phần lớn phụ nữ sau mãn kinh, có triệu chứng khi dưới 60 tuổi hoặc thời gian kể từ khi bắt đầu mãn kinh dưới 10 năm, lợi ích của liệu pháp này nhiều hơn so với nguy cơ.
Bên cạnh đó, các vấn đề về tâm trạng, giấc ngủ, và ham muốn tình dục cũng có thể được cải thiện. Một số chị em cũng thấy giảm bớt tình trạng đau nhức khớp, khô âm đạo và tiểu không tự chủ.
Liệu pháp nội tiết giúp cải thiện tình trạng da trong thời kỳ mãn kinh
Bên cạnh việc cải thiện các triệu chứng bốc hỏa, rối loạn cảm xúc, khô âm đạo, liệu pháp nội tiết còn giúp ích cho một số vấn đề ở da khi bước vào thời kỳ mãn kinh
Điều trị nội tiết giúp:
- Giảm nguy cơ mất collagen
- Cải thiện khả năng giữ nước
- Tăng độ dày của da
- Giảm tình trạng da khô, nếp nhăn, sẫm màu
Sử dụng liệu pháp nội tiết sao cho đúng?
Việc sử dụng liệu pháp “điều trị nội tiết” phải được chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Có nhiều phương cách khác nhau, thông thường nhất là liệu pháp kết hợp estrogen và progestin.
- Với estrogen có thể dử dụng bằng nhiều đường khác nhau: Đường uống, thoa qua da, dán ở da. Ngoài ra, còn có dạng estrogen bôi âm đạo hay đặt âm đạo thường được sử dụng cho các phụ nữ có các triệu chứng niệu dục.
- Với progestogen (Progestin): có thể dùng đường uống hay qua dụng cụ tử cung. Việc sử dụng progestin nhằm bảo vệ niêm mạc tử cung, giảm nguy cơ ung thư nội mạc. Do đó, đối với 1 số phụ nữ đã cắt tử cung, bác sĩ sẽ quyết định có sử dụng hay không sử dụng progestin.
Ai có thể dùng liệu pháp nội tiết mãn kinh?
Hầu hết phụ nữ có thể dùng liệu pháp nội tiết nếu có các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nhưng liệu pháp nội tiết có thể KHÔNG phù hợp nếu chị em:
• Có tiền sử ung thư vú, ung thư buồng trứng hoặc ung thư tử cung
• Bệnh lý đông máu
• Tăng huyết áp chưa điều trị – huyết áp sẽ cần được kiểm soát trước khi có thể bắt đầu liệu pháp nội tiết mãn kinh
• Bệnh lý gan mật
Khả năng có thai vẫn xảy ra khi dùng liệu pháp nội tiết, vì vậy chị em nên sử dụng biện pháp tránh thai trong 2 năm sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng nếu dưới 50 tuổi, hoặc trong 1 năm nếu sau 50 tuổi
Thăm khám trước khi sử dụng liệu pháp nội tiết như thế nào?
Trước khi điều trị liệu pháp nội tiết, chị em phụ nữ tiền mãn kinh – mãn kinh PHẢI được bác sĩ chuyên khoa khám, xét nghiệm và tư vấn, bao gồm:
+ Khám phụ khoa, siêu âm phụ khoa
+ Xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung,…
+ Xét nghiệm các rối loạn chuyển hóa đường, mỡ, sàng lọc các bệnh lý tim mạch
+ Tư vấn lợi ích và nguy cơ của liệu pháp nội tiết cũng như thời gian và chi phí của việc theo dõi đối với liệu pháp điều trị
Sai lầm khi tự ý sử dụng thực phẩm chức năng lâu dài
Thực phẩm chức năng có thể được xem như một giải pháp điều trị không nội tiết đối với phụ nữ tiền mãn kinh – mãn kinh.
Tuy nhiên việc sử dụng thực phẩm chức năng cần lưu ý:
+ Không hiệu quả đối với các triệu chứng rối loạn vận mạnh trong tiền mãn kinh – mãn kinh, hay các triệu chứng tiền mãn kinh – mãn kinh khác ở mức độ nặng.
+ Việc sử dụng thực phẩm chức năng cũng cần được hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa để có sự lựa chọn phù hợp, và theo dõi một cách hiệu quả, an toàn.
Bác sĩ sẽ hỗ trợ người bệnh như thế nào?
Khi thăm khám tiền mãn kinh, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra sức khỏe, đôi khi bao gồm siêu âm, siêu âm vú, nhũ ảnh, và xét nghiệm máu.
Đối với các triệu chứng, bác sĩ sẽ hướng dẫn thay đổi lối sống, hoặc đề xuất một số thuốc điều trị như liệu pháp nội tiết mãn kinh.
Việc điều trị sẽ được cá nhân hóa theo từng người để tối đa lợi ích và giảm thiểu rủi ro. Đồng thời các lợi ích và nguy cơ khi duy trì sử dụng liệu pháp nội tiết cũng cần được đánh giá định kỳ.
Như các phương pháp điều trị khác, liệu pháp nội tiết mãn kinh cũng có những tác dụng phụ đi kèm, nhưng bác sĩ và người bệnh hoàn toàn có thể quyết định đâu là lựa chọn mang lại nhiều lợi ích nhất. Khi điều trị triệu chứng mãn kinh, chị em nên quay lại thăm khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Thông thường các bác sĩ sẽ đặt lịch hẹn 3 tháng sau khi bắt đầu sửng dụng và theo dõi mỗi 1 năm.
Điều trị sớm giúp nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống
Chị N.T.N.A, 45 tuổi. Hai năm nay chu kỳ kinh của chị không đều, 2 -3 tháng mới có kinh, và khi có kinh lượng kinh nhiều, kéo dài 10 ngày.
Một năm nay chị hay đau nhức chân, thi thoảng có những cơn bốc hỏa dù đang trong phòng nhiệt độ 22o C, tần suất nhiều hơn trong 6 tháng nay. Chị cũng mất ngủ vài tháng nay nên không tập trung trong công việc.
Khi được thăm khám tại phòng khám ở bệnh viện Hùng Vương, chị có loãng xương mức độ nhẹ, không đái tháo đường, không tăng huyết áp, không rối loạn chuyển hóa mỡ máu, nhũ ảnh bình thường.
Chị được bác sĩ chuyên khoa sản phụ tư vấn và điều trị bằng liệu pháp nội tiết bao gồm estrogen và progenstin, uống mỗi ngày 1 viên. Các triệu chứng bốc hỏa, mất ngủ cải thiệt ngay sau 1 tháng điều trị.
Sau 3 năm điều tị, chị A hoàn toàn khỏe mạnh, làm việc đạt hiệu suất cao và ưu tiên việc chăm sóc sức khỏe. Chị khám phòng khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Xem thêm:
Tài liệu tham khảo
1.Takahashi TA, Johnson KM. Menopause. The Medical clinics of North America. 2015;99(3):521-534. doi:https://doi.org/10.1016/j.mcna.2015.01.006
2.Hormone Therapy for Menopause. www.acog.org. https://www.acog.org/womens-health/faqs/hormone-therapy-for-menopause
3.Ministry of Health.; 2005. https://www.moh.gov.sg/docs/librariesprovider5/resources-statistics/educational-resources/hormone_replacement_therapy.pdf
4.Shoback D, Rosen CJ, Black DM, Cheung AM, Murad MH, Eastell R. Pharmacological Management of Osteoporosis in Postmenopausal Women: An Endocrine Society Guideline Update. The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism. 2020;105(3):587-594. doi:https://doi.org/10.1210/clinem/dgaa048
5.The North American Menopause Society. Management of osteoporosis in postmenopausal women: the 2021 position statement of The North American Menopause Society. Menopause. 2021;28(9):973-997. doi:https://doi.org/10.1097/gme.0000000000001831
6.Mariette-JB. BMS & WHC’s 2020 recommendations on hormone replacement therapy in menopausal women. British Menopause Society. https://thebms.org.uk/publications/consensus-statements/bms-whcs-2020-recommendations-on-hormone-replacement-therapy-in-menopausal-women/
7.Stuenkel CA, Davis SR, Gompel A, et al. Treatment of Symptoms of the Menopause: An Endocrine Society Clinical Practice Guideline. The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism. 2015;100(11):3975-4011. doi:https://doi.org/10.1210/jc.2015-2236
8.Gambacciani M, Levancini M. Featured Editorial hormone replacement therapy and the prevention of postmenopausal osteoporosis. Menopausal Review. 2014;13(4):213-220. doi:https://doi.org/10.5114/pm.2014.44996
9.Flores VA, Pal L, Manson JE. hormone Therapy in Menopause: Concepts, Controversies, and Approach to Treatment. Endocrine Reviews. 2021;42(6):720-752. doi:https://doi.org/10.1210/endrev/bnab011
10.Experts Agree About hormone Therapy, Menopause Relief | The North American Menopause Society, NAMS. www.menopause.org. Accessed June 12, 2023. https://www.menopause.org/for-women/menopauseflashes/menopause-symptoms-and-treatments/the-experts-do-agree-about-hormone-therapy#:~:text=hormone%20therapy%20is%20the%20most
11.Stevenson S, Thornton J. Effect of estrogens on skin aging and the potential role of SERMs. Clin Interv Aging. 2007;2(3):283-97. doi: 10.2147/cia.s798. PMID: 18044179; PMCID: PMC2685269.
12.Erin Kamp and others, Menopause, skin and common dermatoses. Part 2: skin disorders, Clinical and Experimental Dermatology, Volume 47, Issue 12, 1 December 2022, Pages 2117–2122, https://doi.org/10.1111/ced.15308
13.North American Menopause Society. The 2020 genitourinary syndrome of menopause position statement of The North American Menopause Society. Menopause. 2020;27(9):976-992. doi:https://doi.org/10.1097/gme.0000000000001609
14.Cancer Screening Guidelines | Detecting Cancer Early. www.cancer.org. https://www.cancer.org/cancer/screening/american-cancer-society-guidelines-for-the-early-detection-of-cancer.html
15.The 2022 hormone therapy position statement of The North American Menopause Society. Menopause (New York, NY). 2022;29(7):767-794. doi:https://doi.org/10.1097/GME.0000000000002028
16.Overview | Menopause: diagnosis and management | Guidance | NICE. www.nice.org.uk. Published November 12, 2015. Accessed June 12, 2023. http://www.nice.org.uk/guidance/ng23