Người già bị táo bón – không nên chủ quan và coi thường 

Táo bón là tình trạng bệnh phổ biến, người già có nguy cơ mắc táo bón cao hơn gấp 5 lần so với người trẻ. Trong bài viết sau, a:care Việt Nam sẽ cung cấp thông tin giải thích lý do người già bị táo bón? Những biến chứng nghiêm trọng nào có thể gặp phải khi người già bị táo bón cũng như các loại thực phẩm người già nên ăn để hạn chế tình trạng này. 

Vì sao người già dễ mắc và tái phát táo bón?

Táo bón là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh càng lớn. Cụ thể, tỷ lệ mắc bệnh ở những người từ 65 tuổi là 26% đối với nữ và 16% đối với nam. Tỷ lệ này tăng lên 34% đối với phụ nữ và 26% đối với nam giới ở những người từ 84 tuổi trở lên. Vậy nguyên nhân táo bón ở người già là gì? 

Nguyên nhân người già bị táo bón
Nguyên nhân người già bị táo bón

Táo bón chức năng

Táo bón chức năng (táo bón nguyên phát) là một trong những nguyên nhân gây bệnh táo bón ở người già. Đây là tình trạng táo bón xảy ra do chức năng ruột, không liên quan đến bệnh lý hay do việc sử dụng thuốc. 

Táo bón do bệnh nền

Các bệnh liên quan đến hệ thần kinh như bệnh thần kinh tự chủ, đái tháo đường và các bệnh nội tiết khác có thể gây táo bón mãn tính. Trong đó, đái tháo đường gây ra nhiều triệu chứng về đường tiêu hóa như liệt dạ dày và bệnh đường ruột. Táo bón có thể gặp thường xuyên ở các bệnh nhân tiểu đường típ 1 và típ 2.

các bệnh liên quan đến hệ thần kinh như đái tháo đường có thể gây táo bón mãn tính
Các bệnh liên quan đến hệ thần kinh như đái tháo đường có thể gây táo bón mãn tính

Chấn thương tủy sống, bệnh đa xơ cứng và bệnh Parkinson cũng là những bệnh nền gây ra táo bón. Nguồn gốc của táo bón ở những bệnh nhân mắc các tình trạng này rất phức tạp.

Táo bón do thuốc

Một số loại thuốc như thuốc điều trị trầm cảm, thuốc dị ứng, thuốc giảm đau, thuốc điều trị huyết áp, thuốc lợi tiểu, thuốc dùng để điều trị bệnh Parkinson… có thể dẫn đến táo bón. Ngoài ra, thuốc gây mê được dùng trong phẫu thuật cũng có thể gây táo bón ở người già.

Táo bón do nhiều nguyên nhân khác

Ngoài những lý do nêu trên, người già bị táo bón lâu ngày còn có thể do một số nguyên nhân khác:

Chế độ sinh hoạt và ăn uống không hợp lý:

  • Uống không đủ nước 
  • Không nạp đủ chất xơ cho cơ thể
  • Uống nhiều cà phê, trà hoặc rượu 
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo động vật, đường tinh luyện
  • Nhịn đi tiêu. Nếu điều này xảy ra kéo dài, sau một thời gian, người bệnh có thể mất cảm giác muốn đi tiêu và gây ra táo bón
  • Ít vận động

Các nguyên nhân về cấu trúc như: nứt hậu môn, trĩ, khối u gây tắc nghẽn ống tiêu hóa, to trực tràng vô căn.

Biến chứng của táo bón ở người cao tuổi

Nếu tình trạng táo bón kéo dài có thể gây nên các biến chứng sau:

Tăng nguy cơ trĩ

Khi bị táo bón, việc rặn mạnh trong lúc đi đại tiện có thể gây sưng các tĩnh mạch ở hậu môn và phần dưới của trực tràng. Chính những tĩnh mạch sưng này hình thành nên các búi trĩ, dẫn đến bệnh trĩ.

táo bón làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ ở người già
Táo bón làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ ở người già

Nứt hậu môn và sa trực tràng

Nứt hậu môn là một vết rách nhỏ ở mô lót hậu môn, thường xảy ra do đi tiêu phân cứng hoặc rặn mạnh, phổ biến ở người bị táo bón. Một số dấu hiệu của nứt hậu môn bao gồm: một vết sưng hoặc mụn thịt gần vết rách, đau trong hoặc sau khi đi tiêu, chảy máu khi đi tiêu.

Theo thời gian, táo bón mãn tính có thể gây sa trực tràng. Đây là tình trạng xảy ra khi một phần của ruột già (trực tràng) bị lệch khỏi vị trí bình thường. Một số dấu hiệu của sa trực tràng có thể kể đến như: cảm giác không đi hết phân, ngứa và đau quanh hậu môn, rò rỉ phân, chất nhầy hoặc máu quanh hậu môn,…

Làm tăng tỉ lệ biến cố tim mạch, đột quỵ và tử vong

Tỷ lệ táo bón thường gia tăng theo tuổi và liên quan đến các yếu tố nguy cơ tim mạch. Ở người già, táo bón gây ra tình trạng phân cứng, khó đào thải, buộc họ phải rặn mạnh, có thể dẫn đến huyết áp cao và gây ra các biến cố tim mạch như suy tim sung huyết, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành cấp tính. 

Tìm hiểu thêm: Vì sao táo bón tái đi tái lại ở người cao tuổi?

Cách phòng ngừa táo bón ở người già

Người già có thể thực hiện một số những thói quen sau để phòng ngừa táo bón:

  • Uống nhiều nước
  • Duy trì lối sống năng động, tập thể dục thường xuyên
  • Bổ sung khoảng 25-30g chất xơ (tương đương khoảng 200 gram bông cải xanh hoặc 100 gram ngũ cốc nguyên hạt, 2-3 phần trái cây… mỗi ngày
  • Hãy sắp xếp thời gian đi vệ sinh đều đặn sau mỗi bữa ăn.

Người già bị táo bón nên ăn gì?

Người già bị táo bón nên ăn gì là vấn đề được nhiều người quan tâm, cùng tìm hiểu trong nội dung sau đây: 

Ăn đủ chất xơ

Tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày là một phương pháp tự nhiên và hiệu quả để giúp giảm các triệu chứng táo bón. Chất xơ có nhiều trong các loại trái cây và rau củ như: Khoai lang, cà rốt, kiwi, táo, lê,… 

Để khắc phục táo bón, người già nên bổ sung chất xơ
Để khắc phục táo bón, người già nên bổ sung chất xơ

Uống đủ nước

Ngoài việc ăn đầy đủ chất xơ, người già táo bón cũng nên bổ sung đủ nước cho cơ thể. Bạn nên uống đủ nước, các loại nước ép trái cây, rau quả có vị ngọt tự nhiên, ăn các loại súp, để giúp chất xơ hoạt động tốt hơn…

uống đủ nước rất hữu ích trong việc điều trị táo bón ở người già
Uống đủ nước rất hữu ích trong việc điều trị táo bón ở người già

Bài viết đã cung cấp các thông tin về táo bón ở người cao tuổi, bao gồm nguyên nhân người già bị táo bón, các biến chứng và cách phòng ngừa táo bón ở người già. Bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho hệ tiêu hoá vào chế độ ăn hàng ngày giúp người già thoát khỏi chứng táo bón hiệu quả. a:care Việt Nam hy vọng những thông tin trên hữu ích cho bạn và ông bà, cha mẹ.  

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

1. News-medical.net. Constipation in the Elderly. https://www.news-medical.net/health/Constipation-in-the-Elderly.aspx 

2. Schuster BG, Kosar L, Kamrul R. Constipation in older adults: stepwise approach to keep things moving. Can Fam Physician. 2015;61(2):152-158.

3. Andrews CN, Storr M. The pathophysiology of chronic constipation. Can J Gastroenterol. 2011;25 Suppl B(Suppl B):16B-21B.

4. nia.nih.gov.Concerned About Constipation? https://www.nia.nih.gov/health/concerned-about-constipation

5. Healthline. The Health Consequences of Constipation in Elderly People. https://www.healthline.com/health/constipation-in-elderly.

7. Bệnh viện 115. Táo bón: nguyên nhân, cách phòng tránh và điều trị ra sao? https://benhvien115.com.vn/tin-tuc-va-hoat-dong/tao-bonnguyen-nhancach-phong-tranh-va-dieu-tri-ra-sao-/20200406040448721 

8. Healthline. What Are the Long-Term Complications of Chronic Constipation? Why Treatment Matters. https://www.healthline.com/health/chronic-constipation/long-term-complications

9. Ishiyama Y, Hoshide S, Mizuno H, Kario K. Constipation-induced pressor effects as triggers for cardiovascular events. J Clin Hypertens (Greenwich). 2019;21(3):421-425. doi:10.1111/jch.13489

10. Medicalnewstoday. Which foods are good for constipation? https://www.medicalnewstoday.com/articles/322382

11. Niddk.nih.gov. Eating, Diet, & Nutrition for Constipation. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/constipation/eating-diet-nutrition 

12. Healthline.com. Carrots 101: Nutrition Facts and Health Benefits. https://www.healthline.com/nutrition/foods/carrots 

13. Healthline.com. The 17 Best Foods to Relieve Constipation. https://www.healthline.com/nutrition/best-foods-for-constipation 

VTM1301064 (v1.0)