Cải Thiện Táo Bón Ở Trẻ Bằng Cách Thay Đổi Chế Độ Sinh Hoạt
Mục lục
Trong hành trình chăm sóc con cái, cha mẹ có thể gặp phải tình trạng táo bón ở trẻ nhỏ. Hãy cùng a:care Việt Nam tìm hiểu rõ hơn về dấu hiệu, nguyên nhân và cách thức giúp trẻ vượt qua tình trạng này.
Dấu hiệu nhận biết táo bón ở trẻ
Rất nhiều bà mẹ lo lắng mang con đến phòng khám vì bé mãi 4-5 ngày mới đi tiêu một lần, hoặc trước đây bé đi tiêu 2-3 lần mỗi ngày thì nay bé lớn lên chỉ còn đi mỗi ngày 1 lần. Liệu các trường hợp đó có phải là táo bón hay không? Xin thưa là không. Nếu bé 4-5 ngày mới đi tiêu nhưng phân vẫn mềm, tơi xốp thì không gọi là táo bón. Tương tự, bé ngày càng lớn thì số lần đi tiêu trong ngày càng giảm đi cũng là hiện tượng sinh lý bình thường. Vậy dấu hiệu táo bón ở trẻ nhỏ là gì?
Táo bón là khi bé đi tiêu thưa thớt (dưới 3 lần mỗi tuần) kèm đi tiêu khó khăn và gây ra sự khó chịu, căng thẳng khi đi tiêu (phân cứng, rặn đau, ngồi lâu, tiêu khó khăn, đôi khi chảy máu hậu môn, …). Ước tính hầu như bé nào cũng có ít nhất 1 lần bị táo bón, nhưng chỉ thoáng qua rồi hết. Những bé bị táo bón kéo dài vài tuần lễ được gọi là táo bón mạn tính và cần những sự chăm sóc toàn diện từ chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, trấn an tâm lý và sử dụng thuốc.
Tuổi nào ở trẻ nhỏ thường mắc táo bón?
Có 3 thời điểm táo bón dễ xảy ra với các bé:
- Lúc chuyển từ chế độ ăn lỏng sang đặc (ăn dặm)
- Lúc bé tập ngồi bô một mình (tuổi biết đi)
- Lúc bé bắt đầu đến trường (mẫu giáo, tiểu học)
Làm sao nhận biết bé bị táo bón?
Ngoài việc đếm số lần đi tiêu trong 1 tuần và xem tính chất phân như đã nói ở trên, các bé bị táo bón còn có nhiều biểu hiện khác, đôi khi bị lầm với các rối loạn khác. Các bé có thể biểu hiện chướng bụng, đau bụng, hoặc biếng ăn, chậm lên cân. Đôi khi có bé lại bị chẩn đoán nhầm là tiêu chảy vì phụ huynh tình cờ phát hiện có ít phân lỏng dính ở đáy quần của bé mà bé hoàn toàn không hay biết (triệu chứng này gọi là són phân hay ỉa đùn, là một biểu hiện của tình trạng táo bón kéo dài). Ngoài ra, một số bé có biểu hiện “nín nhịn”, không chịu đi tiêu như ngồi xổm, gồng cứng người, bắt chéo 2 chân, hay đỏ mặt hoặc bấu chặt vào mẹ, v.v…
Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ
Có đến 95% các bé bị táo bón… không tìm ra nguyên nhân, tức là qua thăm khám và làm các xét nghiệm thông thường (thử máu, siêu âm, X quang) không thấy gì bất thường. Những trường hợp này gọi là “táo bón chức năng”. Chỉ có 5% trường hợp là “táo bón thực thể”, nghĩa là táo bón do một bệnh nào đó gây ra như bệnh phình đại tràng bẩm sinh, bệnh suy giáp trạng bẩm sinh, ngộ độc chì, các trường hợp tổn thương hay dị dạng cột sống vùng cùng cụt (vùng sát gần mông), dị dạng hậu môn, v.v… Những trường hợp táo bón thực thể thì phải cần điều trị bệnh lý gốc gây ra thì mới hết táo bón.
Các trường hợp táo bón chức năng, yếu tố gây ra táo bón có thể được giải thích bởi sự chưa hoàn thiện của hệ tiêu hóa, hoặc chế độ ăn và sinh hoạt chưa hợp lý. Tuy nhiên, yếu tố được nhắc đến nhiều nhất gây ra táo bón chức năng là “hành vi nín nhịn”. Có thể do bé “chê” nhà vệ sinh trong trường, hoặc do “kinh nghiệm” sau một lần đi tiêu phân cứng gây đau đớn, thế là lần mắc cầu sau bé quyết định nín lại, không chịu đi tiêu. Khi nín như vậy phân sẽ ngày càng khô trong trực tràng (đoạn ruột cuối trước khi thải ra hậu môn), ngày càng tích tụ to hơn và đến khi bé “chịu hết nổi” phải đi tiêu thì sẽ gặp khó khăn nhiều hơn, càng gây đau nhiều hơn. Thế là bé lại có ác cảm nặng nề hơn với chuyện đi tiêu, lại càng nín nhịn, lại càng đau hơn trong lần đi tiêu kế. Đó là “cái vòng lẩn quẩn” gây khó khăn rất lớn trong việc điều trị táo bón chức năng cho trẻ nhỏ.
Cải thiện táo bón ở trẻ nhỏ bằng cách thay đổi chế độ sinh hoạt
Việc điều trị táo bón ở trẻ nhỏ trước tiên đòi hỏi cha mẹ phải hết sức kiên nhẫn vì táo bón không hết nhanh như các bệnh cảm sốt thông thường và các bé cũng ít chịu hợp tác tốt. Điều trị táo bón phải kết hợp giữa sự thay đổi chế độ ăn uống, thói quen đi tiêu, hoạt động thể chất với việc dùng thuốc, nếu có. Đôi khi việc điều trị táo bón phải cần đến chuyên gia tâm lý nữa.
Tập luyện thói quen đi tiêu hàng ngày là một điều quan trọng, vừa giúp bé có phản xạ đi tiêu, vừa giúp loại bỏ phân không để ứ quá lâu trong trực tràng. Hàng ngày bé nên được tập đi tiêu vào một giờ nhất định nào đó, nếu sau 15 phút bé không cảm thấy mắc cầu thì thôi, lập lại vào hôm sau. Hãy khen nếu bé chịu vào nhà vệ sinh hoặc ngồi bô đi tiêu và kịp thời có những phần thưởng nho nhỏ khi bé tự đi tiêu được.
Đối với bé nhỏ dưới 6 tháng tuổi, các phụ huynh có thể massage bụng cho bé mỗi ngày. Chọn lúc bé chưa bú, bụng còn trống, lý tưởng nhất là sau khi tắm. Đặt bé nằm ngửa, chúng ta xoa dầu massage vào tay rồi massage bụng của bé, quanh rốn theo chiều kim đồng hồ. Động tác này có thể giúp bé đi cầu thường xuyên hơn.
Chất xơ và nước uống là 2 yếu tố quan trọng khác. Các thức ăn chứa nhiều chất xơ như trái cây, rau tươi và các loại bột ngũ cốc nguyên cám (các loại bột ngũ cốc ăn sáng, bánh mì đen,…) cần nên hiện diện trong bữa ăn hàng ngày của bé. Trẻ em ít chịu ăn rau quả nên đây là một trở ngại lớn, cần có sự hỗ trợ, khuyến khích của cha mẹ. Nước chín, nước ép trái cây là những loại nước hữu ích trong việc điều trị táo bón. Bé cần được uống đủ nhu cầu nước mỗi ngày, nhất là ở những nước có khí hậu nóng như nước ta.
Khuyến khích bé hoạt động thể lực, tránh ngồi yên một chỗ cũng là một biện pháp giúp tăng cường nhu động ruột, tránh táo bón.
Lượng nước cần uống hàng ngày
Lượng nước cần uống theo độ tuổi và giới tính:
Hy vọng các thông tin vừa được a:care Việt Nam chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu thêm về dấu hiệu, nguyên nhân cũng một số phương pháp hỗ trợ điều trị táo bón ở trẻ nhỏ.
Xem thêm:
- Táo bón chức năng ở trẻ em: Những điều ba mẹ cần biết
- Những nguyên tắc cần lưu ý khi điều trị táo bón cho trẻ
- Quan niệm sai lầm về táo bón và điều trị táo bón ở trẻ em ba mẹ thường mắc phải
Nguồn tham khảo
1. Medlineplus. Constipation in infants and children. https://medlineplus.gov/ency/article/003125.htm
2. The National Academies Press. Dietary Reference Intakes for Water, Potassium, Sodium, Chloride, and Sulfate (2005)
https://nap.nationalacademies.org/catalog/10925/dietary-reference-intakes-for-water-potassium-sodium-chloride-and-sulfate
3. Niddk.nih.gov. Symptoms & Causes of Constipation in Children. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/constipation-children/symptoms-causes
4. Kidshealth.org. Constipation. https://kidshealth.org/en/parents/constipation.html
5. Mayoclinic.org. Constipation in children. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/constipation-in-children/symptoms-causes/syc-20354242
6. Physio-pedia.com. Pediatric Functional Constipation. https://www.physio-pedia.com/Pediatric_Functional_Constipation
7. Ncbi.nlm.nih.gov. Pediatric Functional Constipation. ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537037/