Nhật ký của Lympho B: Hành trình chiến thắng virus cúm ở người bệnh hen (Phần 1)
- Ngày cập nhật: 30/7/2024
Mục lục
Các bạn độc giả thân mến, trong bài viết này, tôi sử dụng phép nhân hóa các tế bào trong cơ thể để mô tả lại quá trình phòng ngừa virus cúm ở người bệnh hen. Hãy tưởng tượng đây là một cuộc phiêu lưu vào thế giới vi mô bên trong cơ thể. Hy vọng bài viết sẽ giúp độc giả hiểu được tác động của vaccine lên hệ miễn dịch một cách thú vị và dễ tiếp cận hơn, đồng thời giải quyết thấu đáo các nỗi lo của người bệnh hen khi tiêm phòng cúm.
Mở đầu: Cuộc phiêu lưu trong cơ thể người bệnh hen
A. Hệ miễn dịch: Lực lượng phòng vệ
Nếu cơ thể chúng ta như một thành phố rộng lớn, thì hệ miễn dịch chính là lực lượng phòng vệ của thành phố đó. Hệ miễn dịch bao gồm tế bào bạch cầu và các cơ quan giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và các bệnh khác.
B. Giới thiệu tế bào lympho B và các tế bào bạch cầu
Trong hệ miễn dịch, các tế bào bạch cầu đóng vai trò rất quan trọng giúp chống lại các tác nhân gây bệnh; điển hình là lympho B, lympho T, bạch cầu đa nhân trung tính, đại thực bào,…. Các tế bào này được tạo ra trong tủy xương và lưu hành trong máu. Khi các sinh vật lạ, như vi khuẩn, virus tấn công, đại thực bào, bạch cầu đa nhân trung tính sẽ tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, và sau đó lympho B sẽ sản xuất kháng thể đặc hiệu để chống lại sinh vật lạ.
Và hành trình của chúng ta sẽ bắt đầu từ đây, khi lympho B và các tế bào bạch cầu khác của hệ miễn dịch bắt đầu cuộc chiến chống virus cúm trong môi trường đặc biệt của người bệnh hen.
Chương 1: Tin tức từ “Đài quan sát virus”
A. Cảnh báo về mối đe dọa của virus cúm hiện nay
“Chú ý! Đây là thông báo từ đài quan sát virus. Chúng tôi vừa phát hiện nguồn lây nhiễm cúm đang vượt quá khoảng cách an toàn với cơ thể. Tất cả các tế bào hãy nâng cao cảnh giác”. Đó là lời cảnh báo từ bên trong chúng ta khi ngày càng có nhiều người mắc cúm xung quanh.
Thật vậy, số ca mắc cúm gia tăng trong những tuần gần đây, vì thời tiết đang vào thời điểm giao mùa nên tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có cúm. Virus cúm nổi tiếng với khả năng lây lan nhanh chóng và dễ dàng trong cộng đồng chỉ qua ho, hắt hơi, hoặc trò chuyện. Khả năng lây nhiễm bắt đầu ngay trong giai đoạn ủ bệnh khi người mắc chưa xuất hiện triệu chứng, và virus cúm tồn tại trên các bề mặt trong nhiều giờ càng khiến chúng rất dễ lây lan.
B. Dự đoán những tác động đến cơ thể khi virus cúm xâm nhập
Thông báo tiếp tục: “Đặc biệt lưu ý, cơ thể chúng ta đang có bệnh hen, nên sẽ gặp nhiều thách thức và khó khăn hơn trong cuộc chiến với virus. Đường hô hấp của chúng ta đã trở nên nhạy cảm hơn bình thường, nên virus cúm có thể dễ dàng kích hoạt các cơn hen cấp tính. Bệnh hen đã làm suy yếu hệ thống phòng thủ tại phổi, tạo điều kiện thuận lợi cho virus xâm nhập và nhân lên nhanh chóng. Thêm vào đó, các thuốc điều trị hen mà chúng ta đang sử dụng có thể làm giảm tạm thời các hoạt động của hệ miễn dịch, làm phức tạp thêm khả năng chiến đấu chống virus. Vậy nên, nguy cơ viêm phổi do cúm ở cơ thể chúng ta cao hơn nhiều so với cơ thể bình thường khỏe mạnh. Chúng tôi khuyến cáo tất cả các tế bào cần phải hết sức cảnh giác trước virus cúm.”
Xem thêm:
- Nhật ký của Lympho B: Hành trình chiến thắng virus cúm ở người bệnh hen (Phần 2)
- Nhật ký của Lympho B: Hành trình chiến thắng virus cúm ở người bệnh hen (Phần 3)
Tài liệu tham khảo:
1.National Cancer Institute. NCI Dictionary of Cancer Terms. National Cancer Institute. Published February 2, 2011. https://www.cancer.gov/publications/dictionaries/cancer-terms/def/immune-system
2.Lymphocyte. Genome.gov. https://www.genome.gov/genetics-glossary/Lymphocyte#:~:text=Definition&text=A%20lymphocyte%20is%20a%20type
3.baochinhphu.vn. Số ca mắc cúm đang gia tăng. baochinhphu.vn. Published January 9, 2024. Accessed July 18, 2024. https://baochinhphu.vn/so-ca-mac-cum-dang-gia-tang-102240109170035481.htm
4.Jartti T, Bønnelykke K, Elenius V, Feleszko W. Role of viruses in asthma. Semin Immunopathol. 2020;42(1):61-74. doi:10.1007/s00281-020-00781-5
5.Asthma, Wellness H &, Diseases LH and. Pneumonia and Asthma… Why Should I Worry? | American Lung Association. www.lung.org. Published January 10, 2020. https://www.lung.org/blog/pneumonia-and-asthma
6.Pandya D, Puttanna A, Balagopal V. Systemic effects of inhaled corticosteroids: an overview. Open Respir Med J. 2014;8:59-65. Published 2014 Dec 31. doi:10.2174/1874306401408010059
7.Singanayagam A, Glanville N, Girkin JL, et al. Corticosteroid suppression of antiviral immunity increases bacterial loads and mucus production in COPD exacerbations. Nat Commun. 2018;9(1):2229. Published 2018 Jun 8. doi:10.1038/s41467-018-04574-1