Nhật ký của Lympho B: Hành trình chiến thắng virus cúm ở người bệnh hen (Phần 2)

PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan
Phó chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam. Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TPHCM. Trưởng khoa Hô hấp-Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1.
  • Ngày cập nhật: 30/7/2024

Các bạn độc giả thân mến, trong bài viết này, tôi sử dụng phép nhân hóa các tế bào trong cơ thể để mô tả lại quá trình phòng ngừa virus cúm ở người bệnh hen. Hãy tưởng tượng đây là một cuộc phiêu lưu vào thế giới vi mô bên trong cơ thể. Hy vọng bài viết sẽ giúp độc giả hiểu được tác động của vaccine lên hệ miễn dịch một cách thú vị và dễ tiếp cận hơn, đồng thời giải quyết thấu đáo các nỗi lo của người bệnh hen khi tiêm phòng cúm.

Chương 2: Cuộc họp khẩn tại “Tòa thị chính phổi”

Trong không khí căng thẳng, lực lượng phòng vệ – các tế bào bạch cầu – tụ họp tại Tòa thị chính phổi. Lympho B ngồi bên cạnh các đồng nghiệp.

A. Nỗi lo của các tế bào bạch cầu

Ông Neutro, trưởng nhóm bạch cầu đa nhân trung tính, lên tiếng: “Các bạn thân mến, chúng ta đang đối mặt với tình huống nguy hiểm kép. Virus cúm đang tiến đến, trong khi cơ thể vẫn đang tập trung nguồn lực để kiểm soát hen.”

Bà Macro, thay mặt các đại thực bào, bổ sung: “Đúng vậy! Nếu virus cúm tấn công hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.”

Tế bào bạch cầu đa nhân trung tính – ông Neutro (trái) và đại thực bào – bà Macro (phải)
Tế bào bạch cầu đa nhân trung tính

Tế bào bạch cầu đa nhân trung tính – ông Neutro (trái) và đại thực bào – bà Macro (phải)

Cuộc thảo luận sôi nổi dẫn đến quyết định tăng cường kiểm soát hen ngay lập tức, bằng cách nhắc nhở cơ thể: tránh các yếu tố làm khởi phát cơn hen, tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, biết dùng thuốc cắt cơn và xử trí khi xuất hiện cơn hen cấp thông qua sử dụng bảng kế hoạch hành động hen.

B. Các tế bào bạch cầu thảo luận về phương pháp phòng cúm

Khi họp bàn về cách phòng chống cúm, Lympho B mạnh dạn đề xuất: “Chúng ta cần một kế hoạch phòng thủ toàn diện. Tôi đề nghị tăng cường khả năng phát hiện virus để sản xuất kháng thể phù hợp, ngăn cản virus xâm nhập.”

Lympho T, gật đầu tán thành: “Ý kiến hay! Chúng tôi cũng cần tăng cường khả năng nhận diện để tiêu diệt tế bào nhiễm virus cúm hiệu quả hơn.”

Tế bào bạch cầu Lympho B trong máu
Tế bào bạch cầu Lympho B trong máu

Xuyên suốt cuộc họp, các tế bào đều mong muốn có thể nhận biết, phát hiện virus cúm nhanh chóng để chủ động bảo vệ cơ thể. Kế hoạch phòng thủ theo đó đã được đưa ra.

Chương 3: Chuyến thăm “Phòng thí nghiệm vaccine cúm”

Theo kế hoạch phòng thủ, Lympho B và các tế bào bạch cầu được cử đến thăm phòng thí nghiệm vaccine.

A. So sánh vaccine với “hình truy nã” virus cúm

Tiến sĩ Vac trưởng phòng thí nghiệm giải thích: “Các bạn thấy đó, vaccine giống như một bức hình truy nã của virus cúm. Vaccine chứa các thành phần của virus đã được vô hiệu hóa, các thành phần này là đặc điểm đặc trưng đẻ giúp các bạn nhận dạng virus cúm dễ dàng“.

Các loại vaccine theo thời gian. Kháng nguyên bề mặt là đặc điểm giúp nhận dạng virus cúm
Các loại vaccine theo thời gian. Kháng nguyên bề mặt là đặc điểm giúp nhận dạng virus cúm

B. Giải thích cách vaccine hoạt động qua hình ảnh huấn luyện đội quân miễn dịch

Tiến sĩ Vac mỉm cười: “Hãy tưởng tượng rằng tiêm vaccine giống như một khóa huấn luyện đặc biệt cho các bạn – lực lượng phòng vệ của chúng ta. Khi cơ thể tiêm vaccine, các bạn sẽ được học cách nhận diện và đối phó với kẻ thù – virus cúm – mà không gặp nguy hiểm. 

Các Lympho B sẽ học cách tạo ra kháng thể đặc hiệu ngăn chặn virus xâm nhập. Các Lympho T sẽ được huấn luyện để nhận diện và tiêu diệt tế bào nhiễm virus. Đây là một cuộc tập trận hiệu quả với độ an toàn cao.”

Các kháng thể đặc hiệu được tạo ra bởi Lympho B
Các kháng thể đặc hiệu được tạo ra bởi Lympho B

Ông tiếp tục: “Hơn nữa, virus cúm luôn thay đổi đặc điểm nhận dạng để trốn tránh các bạn. Vậy nên chúng ta cần tiêm vaccine và tập trận mỗi năm 1 lần để duy trì khả năng nhận diện virus, đảm bảo phòng cúm hiệu quả trong những năm sau”

Chương 4: Ngày tiêm chủng và “Cuộc chiến mô phỏng”

Ngày tiêm chủng đã đến. Theo hướng dẫn của Tiến sĩ Vac, các tế bào bạch cầu đã sẵn sàng cho cuộc đấu tập quan trọng này.

A. Tế bào bạch cầu tham gia trận đấu tập với vaccine cúm

Lympho B và Lympho T hào hứng khi vaccine được đưa vào cơ thể, nhanh chóng bắt đầu quá trình nhận diện, và diễn tập chống lại các thành phần của virus cúm trong vaccine.

Lympho B luyện tập tạo ra các kháng thể đặc hiệu sau khi phát hiện vaccine cúm
Lympho B luyện tập tạo ra các kháng thể đặc hiệu sau khi phát hiện vaccine cúm

B. Tác động của corticoid dạng hít

Khi corticoid được hít vào để điều trị hen, Lympho B lo lắng hỏi đồng đội: “Nhưng chúng ta vẫn đang dùng corticoid để điều trị hen. Điều này có ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của chúng ta không?”

“Đừng lo, Lympho B. Corticoid dạng hít liều thấp và trung bình chỉ đi vào đường dẫn khí nên không ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tạo miễn dịch và chống lại virus cúm của chúng ta. Chúng ta vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ như dự kiến!”. Ông Neutro trấn an.

Kết thúc cuộc chiến mô phỏng, các tế bào bạch cầu đã sẵn sàng đối phó với virus cúm thật. Lympho B cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết, biết rằng bản thân và đồng đội đã được trang bị tốt để bảo vệ cơ thể trong mùa cúm sắp tới.

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

1.UBND. 3 lưu ý kiểm soát hen người bệnh cần biết. yte.nghean.gov.vn. Accessed July 18, 2024. https://yte.nghean.gov.vn/tin-chuyen-nganh/3-luu-y-kiem-soat-hen-nguoi-benh-can-biet-578272
2.Nuwarda RF, Alharbi AA, Kayser V. An Overview of Influenza Viruses and Vaccines. Vaccines (Basel). 2021;9(9):1032. Published 2021 Sep 17. doi:10.3390/vaccines9091032
3.Donald Y.M. Leung, Harold S. Nelson, Stanley J. Szefler, William W. Busse. Do inhaled corticosteroids suppress the immune response to influenza vaccine in patients with asthma? The editor’s choice. 2004;133(4):583

VTM1324728 (v1.0)