Nhật ký của Lympho B: Hành trình chiến thắng virus cúm ở người bệnh hen (Phần 3)
- Ngày cập nhật: 30/7/2024
Các bạn độc giả thân mến, trong bài viết này, tôi sử dụng phép nhân hóa các tế bào trong cơ thể để mô tả lại quá trình phòng ngừa virus cúm ở người bệnh hen. Hãy tưởng tượng đây là một cuộc phiêu lưu vào thế giới vi mô bên trong cơ thể. Hy vọng bài viết sẽ giúp độc giả hiểu được tác động của vaccine lên hệ miễn dịch một cách thú vị và dễ tiếp cận hơn, đồng thời giải quyết thấu đáo các nỗi lo của người bệnh hen khi tiêm phòng cúm.
Chương 5: “Cuộc chiến thật sự” đã đến
A. Sự tấn công của virus cúm
Vào một buổi sáng, trời lạnh và có mưa, báo động đỏ vang lên khắp cơ thể. “Xâm nhập! Xâm nhập! Xâm nhập!” Tiếng chuông báo ở đường hô hấp khi virus cúm bắt đầu tấn công.
Lympho B từ đài quan sát virus thấy hàng ngàn con virus cúm đang cố gắng bám vào tế bào biểu mô đường hô hấp. Chúng giống như những quả bóng với nhiều gai nhọn, cố gắng tìm cách để xâm nhập qua lớp tế bào biểu mô vào trong cơ thể.
Lympho B hét lên. “Các tế bào bạch cầu cảnh giác! Đây không phải là tập trận nữa! Virus cúm đang tấn công”
B. Phản ứng của hệ miễn dịch
Ngay tức thì, đội quân miễn dịch được huy động. Nhóm bạch cầu đa nhân trung tính của ông Neutro và đại thực bào dẫn đầu là bà Macro lập tức tiếp cận các virus cúm để tiêu diệt, đồng thời truyền thông tin đến lympho B và lympho T. Lympho B và đội nhóm của mình bắt đầu sản xuất kháng thể với tốc độ chóng mặt. Những kháng thể này nhanh chóng bám vào các gai của virus, vô hiệu hóa và ngăn cản virus. Virus cúm không thể xâm nhập hay bám vào các tế bào biểu mô.
Với những tế bào đã bị nhiễm virus, Lympho T phát hiện và tiêu diệt nhanh chóng. Các bạch cầu đa nhân trung tính và đại thực bào tiếp tục nuốt chửng các mảnh vỡ virus và tế bào chết. “Nhớ bài học từ vaccine!” Lympho T hô to. “Tấn công chính xác, không gây kích ứng quá mức!”
Virus cúm vẫn tiếp tục ra sức công phá, nhưng hàng rào phòng thủ của hệ miễn dịch đã được chuẩn bị kỹ càng. Kháng thể của lympho B liên tục khóa chặt virus ở ngoài tế bào biểu mô đường hô hấp, virus cúm không thể tiến vào cơ thể thêm nữa nên dần bị dạt ra ngoài.
Chương 6: Kết thúc thắng lợi
A. Tổng kết cuộc chiến chống virus trong cơ thể người bệnh hen
Sau vài ngày chiến đấu quyết liệt, số lượng virus cúm giảm dần và không còn nữa. Lympho B, lympho T, đại thực bào, bạch cầu đa nhân trung tính và các đồng đội tập trung tại “Tòa thị chính phổi” để tổng kết chiến dịch.
Lympho B có công rất lớn trong cuộc chiến chống virus lần này, và được mời lên phát biểu. Trước tất cả các tế bào, lympho B dõng dạc: “Các bạn thân mến, qua cuộc chiến lần này, chắc hẳn các bạn đều đã hiểu tầm quan trọng của phòng ngừa cúm. Với sự trợ giúp của vaccine, chúng ta đã thành công chống lại virus.”
Ông Neutro gật đầu: “Chúng ta đã chiến thắng mà không kích hoạt cơn hen nào.”
“Vaccine đã giúp chúng ta rất nhiều. Vừa giúp chúng ta nhận diện và phản ứng nhanh với virus, vừa hỗ trợ kiểm soát cơn hen.” Lympho T tiếp lời.
Lympho B, với giọng nói trầm ấm kết luận: “Với những điều học được từ trận chiến, chúng tôi muốn gửi một thông điệp đến tất cả những người bệnh hen ngoài kia, đó là hãy tiêm phòng cúm! Đó là cách để bảo vệ bản thân và giúp chúng tôi – những người lính miễn dịch của bạn – làm việc hiệu quả hơn. Vaccine giống như một khóa huấn luyện đặc biệt, giúp chúng tôi sẵn sàng đối phó với kẻ thù thật sự.”
Lời nói của Lympho B được đón nhận bằng một tràng vỗ tay. Các tế bào bạch cầu, dù mệt mỏi sau khi đánh đuổi virus, nhưng đều cảm thấy tự hào và sẵn sàng cho những thách thức tiếp theo.
B. Thông điệp về tầm quan trọng của tiêm phòng cúm cho người bệnh hen
Và như thế hành trình chống virus cúm của các tế bào miễn dịch vẫn tiếp tục với lịch tiêm vaccine cúm mỗi năm 1 lần. Tôi rất hy vọng qua bài viết này độc giả phần nào hiểu được cách hệ thống phòng vệ của cơ thể hoạt động. Lympho B, Lympho T, bạch cầu đa nhân trung tính và đại thực bào, mỗi tế bào đều có vai trò riêng, nhưng cùng hướng đến mục tiêu chung là bảo vệ cơ thể.
Cuối cùng, thông điệp quan trọng nhất mà tôi mong muốn độc giả ghi nhớ sau bài viết là sự cần thiết của tiêm phòng cúm ở người bệnh hen, không chỉ để bảo vệ cá nhân mà còn góp phần ngăn chặn sự lây lan virus trong cộng đồng. Xem việc tiêm phòng cúm mỗi năm – bởi chủng cúm mùa thay đổi hằng năm – là một phần quan trọng trong kế hoạch chăm sóc sức khỏe, như những lời chia sẻ của Lympho B trong buổi tổng kết hôm ấy:
“Hãy tiêm phòng cúm! Đó là cách để bảo vệ bản thân và giúp chúng tôi – những người lính miễn dịch của bạn – làm việc hiệu quả hơn, sẵn sàng đối phó với virus”
Xem thêm:
- Nhật ký của Lympho B: Hành trình chiến thắng virus cúm ở người bệnh hen (Phần 2)
- Nhật ký của Lympho B: Hành trình chiến thắng virus cúm ở người bệnh hen
Tài liệu tham khảo:
1.Vasileiou E, Sheikh A, Butler C, et al. Effectiveness of Influenza Vaccines in Asthma: A Systematic Review and Meta-Analysis. Clin Infect Dis. 2017;65(8):1388-1395. doi:10.1093/cid/cix524
2.Nuwarda RF, Alharbi AA, Kayser V. An Overview of Influenza Viruses and Vaccines. Vaccines (Basel). 2021;9(9):1032. Published 2021 Sep 17. doi:10.3390/vaccines9091032