Những điều cần biết về viêm phổi trẻ em? Khi nào mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay?
- Ngày cập nhật: 08/11/2023
Mục lục
- Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT) và viêm phổi ở trẻ em
- Tác nhân gây viêm phổi cộng đồng ở trẻ em
- Những biến chứng thường gặp của viêm phổi
- Làm thế nào để phát hiện sớm viêm phổi?
- Triệu chứng của viêm phổi nặng là gì?
- Cần lưu ý các dấu hiệu nguy hiểm nào để đưa trẻ đi khám ngay?
- Làm sao để chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà?
- Làm thế nào để phòng ngừa viêm phổi cho trẻ?
1. Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT) và viêm phổi ở trẻ em
Ho là vấn đề thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Khi trẻ ho không quá 30 ngày, trẻ đã có thể bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Đây là bệnh nhiễm khuẩn của đường thở (từ tai, mũi, họng, đường dẫn khí cho đến phổi), và chính là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ đến khám tại các cơ sở y tế. Nếu được chăm sóc tốt, đa số trẻ sẽ tự khỏi trong vòng 10 – 14 ngày. Tuy nhiên, một số trẻ sẽ diễn tiến thành viêm phổi (sưng phổi). Viêm phổi chính là tình trạng viêm của phổi do nhiễm trùng.
2. Tác nhân gây viêm phổi cộng đồng ở trẻ em
Nguyên nhân thường gặp nhất của viêm phổi là:
- Virút (Rhinovirus, cúm, á cúm, RSV, coronavirus…).
- Vi khuẩn (Streptococcus pneumoniae hay còn gọi là phế cầu, Hemophilus influenzae, …): là nguyên nhân chủ yếu của viêm phổi ở trẻ em, cần được điều trị bằng kháng sinh phù hợp.
- Tác nhân không điển hình (Mycoplassma pneumoniae, Chlamydia pneumophila,…)
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG), ở các nước đang phát triển, mọi trường hợp viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi đều phải được xem và điều trị như viêm phổi do vi khuẩn do sự đồng nhiễm virút – vi khuẩn rất phổ biến, tử vong do viêm phổi phần nhiều là ở các nước này.
3. Những biến chứng thường gặp của viêm phổi
Các biến chứng thường gặp của viêm phổi là: suy hô hấp (trẻ không còn khả năng hít vào đủ oxy cần thiết và không thể thải được khí carbonic ra ngoài, nếu không can thiệp kịp thời, có khả năng gây tử vong), viêm mủ màng phổi, viêm phổi hoại tử, abcès phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não.
Cho đến nay, dù y học đã đạt được nhiều thành tựu nhưng viêm phổi vẫn là nguyên nhân nhập viện và tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Trong năm 2019, trên thế giới vẫn có gần 700.000 trẻ dưới 5 tuổi chết vì viêm phổi, ước tính cứ mỗi phút lại có 1 trẻ tử vong do viêm phổi, và 99% là tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Vì vậy trẻ cần được phát hiện sớm bệnh viêm phổi để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng và tử vong.
Như vậy khi trẻ bị ho, chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề sau:
Làm thế nào để có thể phát hiện sớm là trẻ đã bị viêm phổi?
Khi nào cần cho trẻ nhập viện?
Khi nào cần cho trẻ đi cấp cứu ngay?
4. Làm thế nào để phát hiện sớm viêm phổi?
Triệu chứng sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi là thở nhanh. Để nhận biết trẻ có thở nhanh hay không, ta cần đếm nhịp thở của trẻ trong 1 phút, với đồng hồ có kim giây. Lưu ý là chỉ đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên không quấy, khóc.
- Trẻ dưới 2 tháng: thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần /phút trở lên
- Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng: thở nhanh khi từ 50 lần /phút trở lên
- Trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi: thở nhanh khi từ 40 lần /phút trở lên
Khi thấy trẻ thở nhanh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị sớm.Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời, kết quả sẽ rất tốt chỉ với kháng sinh uống rẻ tiền.
5. Triệu chứng của viêm phổi nặng là gì?
Đó là khi trẻ có thở co lõm lồng ngực, nghĩa là khi trẻ hít vào phần dưới lồng ngực sẽ bị lõm vào thay vì nở ra như bình thường. Cần cho trẻ nhập viện.
Cần lưu ý là mọi trường hợp viêm phổi ở trẻ dưới 2 tháng đều nặng và đều cần phải nhập viện.
6. Cần lưu ý các dấu hiệu nguy hiểm nào để đưa trẻ đi khám ngay?
Khi có 1 trong các dấu hiệu sau cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay vì có thể tính mạng trẻ đang bị đe dọa nghiêm trọng:
- Tím tái
- Bỏ bú hoặc bú kém (trẻ dưới 2 tháng tuổi), không uống được (trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi)
- Co giật
- Ngủ li bì, khó đánh thức
- Thở có tiếng rít
- Suy dinh dưỡng nặng.
Đặc biệt trẻ dưới 2 tháng nếu có sốt hoặc hạ nhiệt độ (trẻ lạnh), thở khò khè thì cũng là dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ đi khám ngay.
7. Làm sao để chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà?
Cho uống thuốc kháng sinh đúng cách
Cần cho trẻ uống kháng sinh theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Cha mẹ cần nhận biết đúng dạng thuốc cần cho trẻ uống, liều lượng mỗi lần uống, số lần uống trong ngày và số ngày cần dùng. Không tự ý ngưng kháng sinh dù trẻ có vẻ đã tốt hơn .
Đối với các loại thuốc viên, cần tán nhỏ viên thuốc trước khi cho trẻ uống. Có thể pha thêm một ít đường, hoặc pha với một ít sữa hay nước cháo để trẻ uống dễ hơn. Nếu trẻ ói trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc, cần cho trẻ uống lại một liều khác.
Chăm sóc trẻ đúng cách
Tiếp tục cho trẻ ăn hoặc cho bú nhiều lần hơn
Cho trẻ uống đủ nước
Giảm ho, đau họng bằng thuốc nam an toàn
Làm thông thoáng mũi
Cho trẻ đi tái khám: cũng là một việc quan trọng, bao gồm khám lại theo hẹn và khám lại ngay
Tái khám sau 2 ngày để các bác sĩ đánh giá đáp ứng của trẻ và quyết định điều trị tiếp
Cần đưa trẻ đi khám lại ngay, khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau:
- Khó thở hơn
- Thở nhanh hơn
- Không uống được
- Trẻ mệt hơn
8. Làm thế nào để phòng ngừa viêm phổi cho trẻ?
Có nhiều biện pháp để phòng ngừa viêm phổi trẻ em.
Theo TCYTTG, các biện pháp quan trọng nhất đã được chứng minh hiệu quả là:
- Cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh. Điều này giúp giảm gần 1/4 viêm phổi trẻ em.
- Sử dụng bếp sạch, không khói: giúp giảm 50% nguy cơ viêm phổi.
- Chủng ngừa HIB và phế cầu: giúp giảm 50% nguy cơ viêm phổi
- Trẻ em ít nhất từ 6 tháng tuổi và trẻ vị thành niên cần được tiêm vaccine cúm hàng năm để phòng viêm phổi. Cha mẹ những trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi cũng cần được tiêm vaccine cúm để bảo vệ bé, vì bé còn quá nhỏ chưa chủng ngừa vaccine được.
Ngoài ra, các biện pháp khác là:
- Nuôi dưỡng trẻ tốt, tránh suy dinh dưỡng
- Cho trẻ uống Vitamin A theo khuyến cáo
- Bổ sung kẽm hàng ngày cũng giúp giảm tần suất viêm phổi
- Tiêm chủng mở rộng đầy đủ.
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ.
- Tránh tình trạng hít khói thuốc lá thụ động (hít khói thuốc lá thụ động làm tăng gấp 2 nguy cơ viêm phổi).
- Giữ cho trẻ đủ ấm khi thời tiết thay đổi, trời mưa, trở lạnh.
- Rửa tay cũng là một biện pháp quan trọng phòng ngừa viêm phổi vi tác nhân gây bệnh viêm phổi thường lây truyền qua bàn tay nhiễm bẩn.
Tóm lại:
– Viêm phổi là bệnh rất phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi mà nếu không được phát hiện, chữa trị sớm, đúng cách trẻ rất dễ tử vong
– Chúng ta có thể tóm lược cách phát hiện và xử trí tại nhà như sau
1 . Trẻ có dấu hiệu nguy hiểm = bệnh rất nặng, nhập viện cấp cứu
2 . Trẻ thở co lõm lồng ngực = viêm phổi nặng, cần nhập viện ngay
3 . Trẻ thở nhanh = Viêm phổi, cần uống kháng sinh tại nhà – tăng cường ăn uống – sử dụng thuốc ho an toàn – tái khám theo hẹn
– Đây cũng là nội dung cơ bản nhất của phác đồ xử trí do TCYTTG đề nghị, đang được áp dụng rất rộng rãi tại các nước đang phát triển và đã chứng minh hiệu quả thực tế trên phạm vi toàn cầu: người ta đã ước tính chỉ với những cách làm khá đơn giản nêu trên đã giúp giảm được 50% tử vong do viêm phổi, cứu sống được khoảng 600.000 trẻ dưới 5 tuổi mỗi năm tránh khỏi lưỡi hái của hung thần viêm phổi trên toàn thế giới
Xem thêm: