Những lưu ý trong sử dụng thuốc điều trị táo bón cho trẻ em
- Ngày cập nhật: 29/11/2024
Mục lục
Trong quá trình thăm khám và điều trị, tôi hiểu tình trạng táo bón ở con trẻ có thể gây ra nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh. Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ một số thông tin quan trọng về việc sử dụng thuốc điều trị táo bón ở trẻ em, để quý phụ huynh có thể yên tâm hơn, sử dụng thuốc đúng cách, từ đó đảm bảo hiệu quả và an toàn. Dưới đây là các lưu ý chi tiết cho từng nhóm thuốc trị táo bón.
1. Thuốc trị táo bón theo cơ chế hút giữ nước, làm mềm phân
Thuốc thường được sử dụng trong nhóm này là lactulose, PEG, sorbitol. Các thuốc này hoạt động bằng cách hút nước vào lòng ruột, giúp làm mềm phân và tăng khối lượng phân, từ đó giúp bé dễ đi vệ sinh hơn.
Khi cho bé sử dụng nhóm thuốc này, điều quan trọng nhất là quý vị phải tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng theo chỉ định của bác sĩ, vì liều dùng được tính toán dựa trên cân nặng của bé. Nếu dùng quá liều có thể gây ra tình trạng tiêu chảy và mất nước không mong muốn. Thuốc thường cần 1-2 ngày để phát huy tác dụng, vì vậy quý vị đừng vội nóng ruột và tuyệt đối không được tự ý tăng liều khi chưa thấy hiệu quả ngay.
Trong quá trình sử dụng thuốc, tôi khuyên quý vị nên cho bé uống nhiều nước hơn bình thường, vì thuốc có cơ chế hút nước vào ruột, nếu không bổ sung đủ nước có thể làm tăng nguy cơ mất nước. Một số bé có thể gặp tác dụng phụ như đầy hơi hoặc đau bụng nhẹ, những triệu chứng này thường không đáng ngại. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng trở nên nặng hơn hoặc kéo dài, quý vị nên dừng thuốc và liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.
2. Thuốc trị táo bón theo cơ chế kích thích
Các thuốc trị táo bón theo cơ chế kích thích có thể kể đến như Bisacodyl và senna. Những thuốc này không phải là lựa chọn ưu tiên, và phải được bác sĩ kê toa khi sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi. Thuốc kích thích trực tiếp lên niêm mạc ruột và các cơ thành ruột, làm tăng nhu động ruột để đẩy phân ra ngoài. Với nhóm thuốc này, chúng tôi lưu ý quý vị không cho bé sử dụng trong thời gian dài, vì có thể khiến ruột của bé trở nên phụ thuộc vào thuốc và giảm khả năng hoạt động tự nhiên.
Để thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất và không ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé, tôi khuyên nên cho bé uống thuốc vào buổi tối để thuốc có tác dụng vào sáng hôm sau. Trong quá trình sử dụng, quý vị cần theo dõi sát sao các triệu chứng của bé vì thuốc có thể gây đau quặn bụng hoặc khó chịu. Nếu bé có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc đau bụng quá mức, hãy dừng thuốc và liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
3. Thuốc trị táo bón theo cơ chế làm trơn
Trong nhóm trị táo bón theo cơ chế làm trơn thì điển hình là dầu khoáng. Thuốc hoạt động bằng cách làm trơn thành ruột, giúp phân di chuyển dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý một số điểm khi sử dụng loại thuốc này.
Chúng tôi không khuyến khích sử dụng dài ngày vì có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K, dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin ở trẻ. Đặc biệt, với các bé dưới 6 tuổi, chúng tôi khuyên không nên sử dụng dầu khoáng vì có nguy cơ hít phải dầu vào phổi, gây viêm phổi.
Khi cho bé uống thuốc, quý vị nên để bé ngồi hoặc đứng để tránh bị sặc. Ngoài ra, thuốc nên được uống cách bữa ăn ít nhất 2 giờ để không ảnh hưởng đến việc hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể.
4. Thuốc thụt tháo
Tiếp theo, tôi sẽ chia sẻ về nhóm thuốc thụt tháo như bơm hậu môn Glycerin, dung dịch thụt phosphate hay saline. Các thuốc này có tác dụng tăng lượng nước trong ruột già và kích thích nhu động ruột, giúp đẩy phân ra ngoài hiệu quả. Tuy nhiên, tôi khuyên phụ huynh chỉ sử dụng cho bé các thuốc này trong các trường hợp táo bón cấp tính và có chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng thường xuyên có thể gây tổn thương niêm mạc ruột của bé.
Khi thực hiện thụt tháo, phụ huynh cần đảm bảo vệ sinh tay sạch sẽ, để bé nằm nghiêng và bơm thuốc từ từ để tránh gây khó chịu cho bé. Điều quan trọng là phải theo dõi phản ứng của bé trong quá trình sử dụng thuốc. Nếu bé có biểu hiện đau nhiều, khó chịu quá mức hoặc đau bụng dữ dội, ba mẹ hãy ngừng sử dụng thuốc và đưa bé đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt
Xem thêm: