Những phương pháp giúp cải thiện và điều trị chóng mặt hiệu quả
- Ngày cập nhật: 17/11/2023
Mục lục
- Chóng mặt là gì?
- Liệu chóng mặt có dễ nhầm lẫn với những biểu hiện khác không?
- Nguyên nhân của chóng mặt là gì?
- Khi nào chóng mặt là nguy hiểm?
- Chóng mặt được chẩn đoán như thế nào?
- Chóng mặt được điều trị như thế nào?
- Các loại thuốc nào được sử dụng trong điều trị chóng mặt?
- Các bài tập hỗ trợ phục hồi chức năng tiền đình nào bạn có thể thực hiện tại nhà?
- Một ca lâm sàng điều trị chóng mặt sử dụng thuốc hỗ trợ tiền đình
Chóng mặt là gì?
Chóng mặt là một triệu chứng phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi. Nếu bạn từng trải qua cảm giác căn phòng quay cuồng, mặt đất lúc lắc hay cảm thấy mất thăng bằng khi đứng dậy hoặc quay đầu, đó chính là biểu hiện của chóng mặt. Chóng mặt có thể tồi tệ hơn khi bạn thay đổi tư thế đột ngột, ví dụ như lăn người trên giường hoặc ngước đầu lên.
Chóng mặt có thể gây căng thẳng hoặc lo lắng, nhưng không phải lúc nào nó cũng là vấn đề y khoa nghiêm trọng.
Khi trải qua cơn chóng mặt, bạn cũng đồng thời gặp phải các triệu chứng khác đi kèm như: buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, mệt mỏi, …
Liệu chóng mặt có dễ nhầm lẫn với những biểu hiện khác không?
Chóng mặt thường rất dễ nhầm lẫn với một số triệu chứng tương tự khác:
Tiền ngất: Cảm giác tối sầm mắt, như thể bạn sắp ngất xỉu. Đây là triệu chứng hay gặp ở người huyết áp thấp hoặc thiếu máu.
Mất thăng bằng: Đi đứng lảo đảo, mất phương hướng, dễ vấp ngã. Điều này thường do các bệnh lý tại não.
Nặng đầu, lâng lâng: Cảm giác đầu nặng trĩu, ê ẩm, giống như sau một đêm thức khuya. Triệu chứng này có thể do stress hoặc có bệnh nội khoa trong cơ thể như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn điện giải,….
Nếu gặp những triệu chứng trên, bạn nên đi khám sớm để bác sĩ làm các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị đúng bệnh. Không nên chủ quan hoặc tự ý dùng thuốc.
Nguyên nhân của chóng mặt là gì?
Chóng mặt có thể là sinh lý do say tàu xe, hoặc khi bạn ở trên cao.
Phần lớn chóng mặt là do rối loạn tiền đình. Nguyên nhân phổ biến nhất là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV). Tai trong của chúng ta có các tinh thể nhỏ giúp kiểm soát thăng bằng. BPPV xảy ra khi các tinh thể này bị di chuyển khỏi vị trí bình thường.
Một số vấn đề về tai trong khác có thể gây chóng mặt bao gồm: Bệnh Ménière, Viêm dây thần kinh tiền đình, Viêm mê đạo, …
Chóng mặt cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Đôi khi, chóng mặt có thể do các vấn đề nghiêm trọng gây ra nhưng rất hiếm gặp, có thể kể đến: Chấn thương đầu, Migraine, Đột quỵ, Nhiễm trùng, U não, …
Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân gây chóng mặt
Khi nào chóng mặt là nguy hiểm?
Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn hoặc người thân bị chóng mặt kèm theo:
- Khó khăn khi nói hoặc nuốt
- Tay hoặc chân yếu, tê, châm chít
- Đau đầu dữ dội
- Nôn ói nhiều, không dừng
- Sốt cao, rét run
- Nhìn đôi hoặc mờ mắt
- Giảm thính lực, nhất là một bên
Chóng mặt được chẩn đoán như thế nào?
Bác sĩ sẽ hỏi kỹ về các triệu chứng của bạn. Bạn nên cho bác sĩ biết cụ thể những chuyển động hoặc hoạt động nào khiến chóng mặt xuất hiện. Bạn cũng sẽ được hỏi về các bệnh lý khác bạn đang mắc phải và các loại thuốc đang dùng.
Bác sĩ sẽ khám thực thể, kiểm tra thính lực và khả năng giữ thăng bằng của bạn.
Khi cần thiết, bạn có thể được chỉ định xét nghiệm máu hoặc chụp cắt lớp vi tính não, chụp cộng hưởng từ não để loại trừ nguyên nhân nghiêm trọng gây chóng mặt.
Chóng mặt được điều trị như thế nào?
Điều trị chóng mặt nhằm vào nguyên nhân bệnh. Một số biện pháp điều trị thường dùng:
- Nếu do bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ, u não… cần điều trị cấp cứu.
- Áp dụng phương pháp Epley để tái định vị sỏi tai nếu bạn bị chóng mặt tư thế kịch phát do rơi sỏi tai.
- Dùng thuốc giảm chóng mặt, buồn nôn hay nôn. Nhóm thuốc này ức chế hệ thống tiền đình để đạt sự cân bằng cho cơ thể nhưng lại làm cơ thể kém thích nghi và phục hồi về bình thường, do đó thường được bác sĩ chỉ định trong thời gian ngắn.
Thuốc hỗ trợ chức năng tiền đình sẽ giúp ổn định hệ thống tiền đình và có thể dùng kéo dài.
- Các bài tập vật lý trị liệu giúp cải thiện chức năng tiền đình và thăng bằng.
- Điều chỉnh lối sống: Bỏ hút thuốc, hạn chế rượu bia, tập thể dục điều độ, chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngủ nghỉ đầy đủ.
Nói chung, đa số các trường hợp chóng mặt đều có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện và can thiệp kịp thời.
Các loại thuốc nào được sử dụng trong điều trị chóng mặt?
Thuốc ức chế tiền đình: Giúp giảm cảm giác quay cuồng, xoay vòng nhanh chóng nhưng chỉ nên dùng trong thời gian ngắn.
Thuốc chống nôn: Giảm triệu chứng buồn nôn, nôn khi chóng mặt. Có nhiều dạng thuốc chống nôn khác nhau tùy theo mức độ triệu chứng và đường dùng.
Thuốc hỗ trợ chức năng tiền đình: Giúp cải thiện dần triệu chứng, phục hồi thăng bằng, tái hòa nhập cuộc sống sớm. Thuốc thường dùng là Betahistine, với liều hiệu quả nhất là 48mg/ngày, uống trong 1-3 tháng.
Ngoài ra, các thuốc tăng cường tuần hoàn não như piracetam, vinpocetin, ginkgo biloba… giúp tăng cường máu lên não, hoạt hóa não thực hiện tốt chức năng dẫn truyền thần kinh, làm giảm chóng mặt.
Bảng 1: Các thuốc thường được dùng trong điều trị chóng mặt
Nhóm thuốc | Liều lượng | Tác dụng phụ | Thai kỳ |
Thuốc ức chế tiền đình | |||
Meclizine | 12.5-25 mg mỗi 6 giờ | Buồn ngủ, nhìn mờ | B |
Dimenhydrinate | 50-100 mg mỗi 6 giờ | Buồn ngủ, bồn chồn, tim nhanh, mờ mắt, tăng dịch tiết phế quản | B |
Diazepam | 1-5 mg mỗi 8 giờ | Buồn ngủ, lú lẫn, giảm trí nhớ, hội chứng cai | D |
Lorazepam | 1-2 mg mỗi 8 giờ | Buồn ngủ, lú lẫn, giảm trí nhớ, hội chứng cai | D |
Thuốc chống nôn | |||
Metoclopramide | 5-10 mg mỗi 6 giờ | Loạn động muộn, triệu chứng ngoại tháp | B |
Prochlorperazine | 5-10 mg mỗi 6 giờ | Hạ huyết áp, triệu chứng ngoại tháp | B |
Ondansetron | 12.5-25mg mỗi 6 giờ | Táo bón, chóng mặt, mệt mỏi, QT dài | C |
Thuốc hỗ trợ tiền đình | |||
Betahistine | 24mg mỗi 12 giờ | Triệu chứng tiêu hóa, co thắt phế quản | B |
Ảnh hưởng thai kỳ xếp từ A (không hại đến thai, có thể sử dụng) đến D (không được dùng vì ảnh hưởng thai)
Các bài tập hỗ trợ phục hồi chức năng tiền đình nào bạn có thể thực hiện tại nhà?
Để nhanh chóng cải thiện tình trạng chóng mặt, bên cạnh điều trị bằng thuốc, việc tập luyện các bài tập phục hồi chức năng tiền đình là vô cùng quan trọng. Mỗi bài tập nên lặp lại nhiều lần mỗi ngày. Ban đầu bạn có thể sẽ thấy chóng mặt hơn nhưng hãy kiên trì, sau 3-5 ngày sẽ thấy cải thiện rõ rệt.
Dưới đây là một số bài tập đơn giản mà bạn có thể tự tập luyện tại nhà:
Các bài tập Cawthorne-Cooksey
Bài tập khi nằm
Cử động mắt
- Mắt nhìn lên xuống.
- Mắt nhìn từ trái sang phải và ngược lại.
- Tập trung vào ngón tay di chuyển từ xa đến gần.
Cử động đầu
- Gập đầu ra sau và về trước.
- Nghiêng đầu qua lại 2 bên.
Bài tập khi ngồi
- Cử động đầu và mắt: như trên.
- Nhún vai và xoay vai.
- Cúi người về phía trước và nhặt vật trên mặt đất.
- Cúi người sang bên và nhặt vật trên mặt đất.
Bài tập khi đứng
- Cử động đầu, mắt và vai: như trên.
- Thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng với mắt mở, sau đó với nhắm mắt.
- Ném quả bóng từ tay này sang tay kia.
- Thay đổi từ tư thế ngồi sang đứng, sau đó xoay một vòng tại chỗ.
Bài tập khi di chuyển
- Đi lên và xuống dốc.
- Đi lên và xuống bậc thang.
- Ném bóng và bắt bóng.
- Các trò chơi liên quan đến động tác cúi xuống, duỗi người, nhắm mục tiêu (ví dụ: bowling, …).
Bài tập ổn định vận nhãn
- Nhìn thẳng, tập trung vào chữ cái (ví dụ: chữ E) đặt ngang tầm mắt trước bạn.
- Xoay đầu từ bên này sang bên kia, giữ mắt tập trung vào chữ cái mục tiêu. Tăng tốc độ di chuyển đầu. Nếu bạn thấy quá chóng mặt, hãy chậm lại.
- Lúc đầu, bài tập có thể chỉ diễn ra trong 10 giây vì nó gây ra chóng mặt. Sau đó, bạn có thể tăng dần thời gian tập lên tối đa một phút.
Bài tập Brandt-Daroff
- Ngồi ở mép giường và nghiêng đầu của bạn 45 độ sang một hướng.
- Nằm xuống nhanh sang hướng còn lại (bên trái nếu bạn nghiêng đầu sang phải và ngược lại).
- Giữ vị trí này khoảng 30 giây hoặc đến khi chóng mặt hết.
- Quay về tư thế ngồi thẳng ban đầu.
- Lặp lại các bước kể trên ở bên đối diện.
Một ca lâm sàng điều trị chóng mặt sử dụng thuốc hỗ trợ tiền đình
Bệnh nhân nữ 55 tuổi, đến phòng khám vì triệu chứng chóng mặt và nôn ói. Bệnh nhân khai rằng 3 ngày nay, bệnh nhân chóng mặt kiểu xoay vòng (mọi thứ xung quanh xoay trước mặt bệnh nhân), từng cơn, các cơn kéo dài 1-2 phút, xuất hiện khi bệnh nhân xoay đầu sang trái hoặc thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi, ói ra thức ăn khi chóng mặt nhiều. Sau thăm khám, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán: Chóng mặt kịch phát lành tính. Bệnh nhân được bác sĩ thực hiện nghiệm pháp Epley để điều trị ngay tại phòng khám. Bệnh nhân sau khi làm nghiệm pháp này có giảm chóng mặt một phần. Bệnh nhân được bác sĩ hướng dẫn tập luyện bài tập Brandt-Daroff và điều trị kèm với betahistine 24mg 2 lần/ngày. Bệnh nhân sau 1 tuần, chóng mặt gần như hết hoàn toàn. Bệnh nhân được tiếp tục điều trị tương tự đủ 1 tháng, bệnh nhân hoàn toàn hết chóng mặt.
Kết quả ca lâm sàng này cho chúng ta thấy hiệu quả của việc kết hợp điều trị nguyên nhân với các thuốc hỗ trợ tiền đình và các bài tập phục hồi chức năng tiền đình trong điều trị chóng mặt.
Xem thêm:
- Những lưu ý cho cuộc hẹn thăm khám với bác sĩ khi bị chóng mặt
- Tại sao cần tuân thủ điều trị khi bị chóng mặt?
Tài liệu tham khảo
1. Zaidi, S.H. and A. Sinha, Vertigo: A Clinical Guide. 2013: Springer.
2. Louis, E.D., S.A. Mayer, and J.M. Noble, Merritt’s neurology. Fourteenth edition ed. 2022, Philadelphia: Wolters Kluwer Philadelphia.
3. Brandt, T. and R.B. Daroff, The multisensory physiological and pathological vertigo syndromes. Annals of Neurology, 1980. 7(3): p. 195-203.
4. An approach to vertigo in general practice. Australian Journal for General Practitioners, 2016. 45: p. 190-194.
5. Parfenov, V.A., et al., Effectiveness of betahistine (48 mg/day) in patients with vestibular vertigo during routine practice: The VIRTUOSO study. PLoS One, 2017. 12(3): p. e0174114.
6. Ramos Alcocer, R., et al., Use of betahistine in the treatment of peripheral vertigo. Acta Otolaryngol, 2015. 135(12): p. 1205-11.
7. Swartz, R. and P. Longwell, Treatment of vertigo. Am Fam Physician, 2005. 71(6): p. 1115-22.
8. Claussen, C.-F., Vestibular compensation. Acta Oto-Laryngologica, 1994. 114(sup513): p. 33-36.
9. Cooksey, F., Rehabilitation in vestibular injuries. 1946, SAGE Publications.
10. Meldrum, D. and K. Jahn, Gaze stabilisation exercises in vestibular rehabilitation: review of the evidence and recent clinical advances. J Neurol, 2019. 266(Suppl 1): p. 11-18.
11. Cetin, Y.S., et al., Comparison of the effectiveness of Brandt-Daroff Vestibular training and Epley Canalith repositioning maneuver in benign Paroxysmal positional vertigo long term result: A randomized prospective clinical trial. Pak J Med Sci, 2018. 34(3): p. 558-563.