Non-HDL-C và nguy cơ gặp các vấn đề tim mạch ở Châu Á

bác sĩ Châu Ngọc Hoa
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS Châu Ngọc Hoa
Phó Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam / Phó Chủ Tịch Hội Tim Mạch học TPHCM / Giảng viên cao cấp – Bộ môn Nội – Khoa Y – Đại học Y Dược TPHCM
  • Ngày cập nhật: 29/7/2024

Trong những năm gần đây, khu vực châu Á đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ béo phì và đái tháo đường, đặc biệt ở người trẻ tuổi. Bên cạnh đó, người châu Á thường có rối loạn lipid máu ở mức BMI (chỉ số khối cơ thể) thấp hơn so với các quốc gia phương Tây. Sự đô thị hoá, thay đổi lối sống và sự tích luỹ yếu tố nguy cơ từ tuổi trẻ dẫn đến sự giai tăng nguy cơ khởi phát sớm các bệnh tim mạch do xơ vữa.

Bệnh nhân béo phì hoặc đái tháo đường thường có chỉ số non-HDL-C tăng cao, trong khi LDL-C có thể chỉ tăng nhẹ hoặc thậm chí không tăng. Trên nhóm bệnh nhân này, chỉ số non-HDL-c có liên quan với nguy cơ bệnh tim mạch xơ vữ, vì vậy, việc theo dõi non-HDL-C ở nhóm bệnh này là cần thiết. 

1. Tăng non- HDL-C ảnh hưởng đến tim mạch như thế nào?

Tăng Non-HDL-C là yếu tố làm gia tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Các phân tử thuộc nhóm non-HDL-C có đường kính từ 70 nm trở xuống có thể dễ dàng vượt qua niêm mạc mạch máu bình thường và tích tụ trong thành mạch máu. Dần dần, sự tích tụ các non-HDL-C trong thành mạch gây viêm nhiễm, rối loạn chức năng của niêm mạc, và hình thành mảng xơ vữa. 

Xem thêm: Các chỉ số trong xét nghiệm lipid máu cơ bản

tăng non hdl-c ảnh hưởng đến tim mạch như thế nào

Các mảng xơ vữa có thể làm cho động mạch bị thu hẹp và cản trở sự lưu thông của dòng máu. Mảng xơ vữa cũng có thể vỡ ra, hình thành cục máu đông, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

2. Tăng non-HDL-C làm tăng nguy cơ tim mạch tồn dư

Non-HDL-C đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá “nguy cơ tim mạch tồn dư” – được định nghĩa là nguy cơ mắc bệnh tim mạch sau khi đã kiểm soát được các yếu tố nguy cơ như huyết áp, đường huyết và LDL-C.

Xem thêm: Kiểm soát non-HDL-C: Chìa khóa giảm nguy cơ tim mạch tồn dư trong điều trị rối loạn lipid máu.

Kết quả từ các nghiên cứu, thực nghiệm đều chỉ ra rằng ngay cả khi LDL-C được kiểm soát tốt, mức non-HDL-C cao vẫn làm tăng khả năng gặp vấn đề về tim mạch, đặc biệt là ở người đái tháo đường, béo phì, hội chứng chuyển hoá. Hay nói cách khác, hai người có cùng mức LDL-C, người nào có non-HDL-C cao hơn thì có nhiều nguy cơ tim mạch hơn. Cơ chế gây xơ vữa động mạch do non-HDL-C đã đề cập trước đó có thể là cơ sở để giải thích cho các kết quả này. 

Bác sĩ Châu Ngọc Hoa
PGS. Châu Ngọc Hoa

Tóm lại, với tỷ lệ béo phì và đái tháo đường ngày càng tăng ở châu Á, cùng với đặc điểm rối loạn lipid máu xuất hiện ở mức BMI thấp hơn so với phương Tây, việc chú trọng đến non-HDL-C trong quản lý nguy cơ tim mạch tồn dư trở nên rất quan trọng. Kiểm soát non-HDL-C không chỉ giúp kiểm soát rối loạn lipid máu toàn diện hơn mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe tim mạch tối ưu cho người dân.

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

1. David Tak Wai Lui, Junya Ako, Jamshed Dalal, et al. Obesity in the Asia-Pacific Region: Current Perspectives, Journal of Asian Pacific Society of Cardiology 2024;3:e21.

2. Ramachandran A, Snehalatha C, Ma RC. Diabetes in South-East Asia: an update. Diabetes Res Clin Pract. 2014 Feb;103(2):231-7

3. Ramachandran A, Snehalatha C, Shetty AS, Nanditha A. Trends in prevalence of diabetes in Asian countries. World J Diabetes. 2012 Jun 15;3(6):110-7. 

4. Luk AO. Changing landscape of diabetes in Asia – What are the unmet needs? J Diabetes Investig. 2024 Apr;15(4):402-409.

5. Misra A, Shrivastava U. Obesity and dyslipidemia in South Asians. Nutrients. 2013;5(7):2708-2733. Published 2013 Jul 16. 

6. Hoenig MR. Implications of the obesity epidemic for lipid-lowering therapy: non-HDL cholesterol should replace LDL cholesterol as the primary therapeutic target. Vasc Health Risk Manag. 2008;4(1):143-56.

7. Raja V, Aguiar C, Alsayed N, Chibber YS, ElBadawi H, Ezhov M, Hermans MP, Pandey RC, Ray KK, Tokgözoglu L, Zambon A, Berrou JP, Farnier M. Non-HDL-cholesterol in dyslipidemia: Review of the state-of-the-art literature and outlook. Atherosclerosis. 2023 Oct;383:117312.

8. Ginsberg HN, Packard CJ, Chapman MJ, et al. Triglyceride-rich lipoproteins and their remnants: metabolic insights, role in atherosclerotic cardiovascular disease, and emerging therapeutic strategies-a consensus statement from the European Atherosclerosis Society. Eur Heart J. 2021 Dec 14;42(47):4791-4806. 

VTM1324549 (v1.0)