Phân biệt giữa cảm lạnh và cúm, COVID-19

Trong thời đại hiện nay, khi các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp trở nên đáng lo ngại, việc phân biệt giữa cảm lạnh, cúm và COVID-19 trở thành một yếu tố quan trọng để xác định triệu chứng và đưa ra quyết định về chăm sóc sức khỏe. Ở bài viết này, a:care Việt Nam sẽ giúp bạn có thể phân biệt giữa cảm lạnh và cúm hay COVID – 19 để phòng tránh hiệu quả.

1. Nhận biết bệnh cảm lạnh, cúm và COVID-19

Khi vào thời điểm giao mùa, nhiệt độ và độ ẩm trong môi trường thay đổi thất thường là nguyên nhân dễ gây ra các bệnh lý về hô hấp. Bên cạnh sự lưu hành của COVID-19 thì cảm lạnh, cúm cũng là bệnh lý nhiều người mắc phải.

Để hiểu rõ hơn các triệu chứng của cúm, cách phân biệt cúm và cảm lạnh, cúm và COVID-19,… BS. Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Bộ Quốc phòng, thành viên chủ chốt “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà” đã có những chia sẻ vô cùng hữu ích.

BS. Nguyễn Huy Hoàng
Ảnh: BS. Nguyễn Huy Hoàng

Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm lưu hành ở các nơi trên thế giới. Các triệu chứng của cúm mùa gồm: sốt đột ngột, ho, đau đầu, đau cơ và khớp kèm theo mệt mỏi, đau họng, chảy nước mũi.

Cách điều trị cúm mùa: nếu sốt thì uống hạ sốt, bù điện giải, theo dõi nhiệt độ cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng…

2. Phân biệt giữa bệnh cảm lạnh và cúm

BS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết không có cách gì để phân biệt cúm mùa và cảm lạnh thông thường nếu không làm xét nghiệm chẩn đoán. Cách xử trí chung vẫn là điều trị triệu chứng (hạ sốt, bù điện giải…), theo dõi nhiệt độ, các dấu hiệu suy hô hấp (nhịp thở, phập phồng cánh mũi, tím tái đầu chi, rút lõm các cơ hô hấp…) và các dấu hiệu về thần kinh của người bệnh. Nếu có các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, cần phải đến các cơ sở y tế ngay.

“Trên thực tế, việc phân biệt giữa cúm và cảm lạnh hay COVID-19 rất khó, bởi triệu chứng gần như giống nhau, đều liên quan đến đường hô hấp trên”, BS. Nguyễn Huy Hoàng thông tin. 

Xét về nguyên nhân, BS Nguyễn Huy Hoàng cho biết, bệnh cúm mùa và cảm lạnh khác nhau về nguyên nhân và nguy cơ xảy ra các biến chứng. Cụ thể:

Cảm lạnh có thể do hàng chục loại vi rút thông thường gây ra. Bình thường, trong miệng, vùng hầu họng của những người khoẻ mạnh đều có nhiều loại vi khuẩn, vi rút, thậm chí nấm chung sống hòa bình, và không gây bệnh. Khi sức đề kháng yếu đi (do ăn ngủ kém, dùng thuốc ức chế miễn dịch, thời tiết lạnh đột ngột) thì các loại vi rút này phát triển mạnh lên, gây ra cảm lạnh.

Bệnh cúm mùa có nguyên nhân là vi rút cúm (influenza virus), thường do ba chủng vi rút cúm A, B, C gây ra. Ở người phổ biến nhất là hai chủng cúm A và cúm B, mỗi chủng lại có nhiều type khác nhau. Ở Việt Nam cúm mùa xảy ra quanh năm, tăng cao khi thời tiết trở lạnh, nếu không có biện pháp phòng tránh kịp thời sẽ gây ra những ổ dịch rải rác tại các địa phương.

phân biệt cảm lạnh, cúm và covid-19
Các triệu chứng của bệnh cảm lạnh, cúm và covid-19 khá giống nhau

3. Cách nhận biết khi nhiễm Coronavirus gây bệnh COVID-19

Theo BS. Huy Hoàng, dù là cảm lạnh thông thường, cúm mùa hay mắc COVID-19 thì bệnh nhân cũng đều có:

  • Các triệu chứng về viêm đường hô hấp như: hắt hơi, chảy nước mũi, ngạt mũi, ho khan, rát họng, đau họng khi nuốt…
  • Các triệu chứng toàn thân do nhiễm vi rút như: sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức cơ khớp, xung huyết da.
  • Một số bệnh nhân có thể có các triệu chứng về tiêu hóa như: buồn nôn, nôn, đau bụng, đi lỏng…

Điểm khác nhau giữa cảm lạnh và cúm mùa hay mắc COVID-19 là nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng (suy hô hấp, suy gan, suy thận, suy tim), viêm não, phù não…

4. Những triệu chứng cảm cúm ở trẻ

Cúm có triệu chứng gì?”  “sự khác nhau giữa cảm lạnh và cúm?” là câu hỏi được rất nhiều cha mẹ quan tâm. Nói về vấn đề này, chuyên gia cho hay, có rất nhiều triệu chứng cúm ở trẻ. Thông thường, bệnh cúm bắt đầu với hiện tượng: sốt đột ngột, ớn lạnh, run rẩy toàn thân, nhức đầu, đau mỏi người. Tiếp đó, triệu chứng cúm là triệu chứng ho khan, đau rát họng, chán ăn. Bình thường bé thích vui chơi, chạy nhảy nhưng khi nhiễm cúm đa số các bé đều không thích vận động và muốn nằm nghỉ ngơi.

triệu chứng cúm ở trẻ
Cơ thể nóng sốt là một trong những triệu chứng cúm phổ biến ở trẻ

5. Các giai đoạn của cảm cúm

Khi bị cúm, đa số người bệnh đều trải qua các giai đoạn của cúm sau:

Khởi phát (tính từ ngày 1-3): Lúc này người bệnh có các triệu chứng cúm như: Sốt, nhức đầu và đau mỏi toàn thân kèm theo ho khan, nghẹt mũi, đau rát họng.

Toàn phát (tính từ ngày thứ 4-7): Giảm sốt, bớt đau mỏi. Vẫn tiếp tục ho khan, khàn tiếng, đau họng và khô miệng. Một số người bệnh còn bị chóng mặt, đau đầu.

Bình phục (ngày thứ 8 trở đi): Do được nghỉ ngơi, điều trị đúng thuốc, các triệu chứng cúm của người bệnh giảm dần và tìm lại cảm giác ăn ngon miệng. Tuy nhiên, cơn ho vẫn chưa dứt và có thể kéo dài thêm 1-2 tuần.

6. Bị cúm nên uống thuốc gì?

Hiện nay, các hãng dược đã kết hợp nhiều thành phần như hạ sốt, chống dị ứng, giảm nghẹt mũi trong một viên thuốc, khá thuận tiện cho người bệnh.

Đã có một số thuốc làm giảm thời gian bị cúm mùa như oseltamivir, nhưng chúng ta không được tự ý sử dụng, cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Với những người thường xuyên mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm xoang, viêm Amidan… cần tham khảo ý kiến bác sĩ ngay khi bị sốt để dùng kháng sinh kịp thời nếu có bội nhiễm.

Nếu các triệu chứng cúm kéo dài hơn một tuần, bệnh nhân sốt cao kéo dài, sử dụng các thuốc hạ sốt thông thường không đỡ, ho nhiều, tức ngực, khó thở, đau nhức, mệt mỏi tăng thì nên đến các cơ sở y tế để theo dõi, điều trị kịp thời.

Tìm hiểu thêm: Tư vấn những loại thuốc cảm cúm cần thiết cho mọi người (phần 1)

người bị cảm cúm nên uống thuốc gì
Ảnh: Người bị cảm cúm thường có biểu hiện mệt mỏi (Ảnh minh họa)

7. Làm thế nào bạn có thể tránh bị COVID-19, cảm lạnh và cúm?

Để tránh bị COVID-19, cảm lạnh và cúm trong thời tiết giao mùa như hiện nay, các chuyên gia y tế khuyến cáo mỗi người nên tự tạo cho mình một thói quen ăn uống lành mạnh, lối sống tích cực như thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Ngoài ra cần tiêm phòng vắc-xin cúm, vắc-xin COVID-19  để hạn chế mắc cúm và COVID-19.

8. Những lưu ý trong phòng tránh cúm cho mẹ và bé

Cúm mùa có thể phòng chống bằng cách tiêm vắc-xin, nhưng vắc-xin này có hiệu quả bảo vệ từ 6 tháng đến 1 năm, và các chủng cúm gây bệnh cũng thay đổi hàng năm. Cứ mỗi năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại đưa ra dự báo về chủng cúm lưu hành, và vắc-xin cúm mùa thường được sản xuất dựa trên dự báo đó để phù hợp với các chủng gây bệnh đang lưu hành. Mọi người nên tiêm nhắc lại vắc-xin cúm hằng năm để có hiệu quả phòng bệnh cao.

Mẹ và bé cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý; tích cực vận động nhẹ nhàng theo sức của mình; tham gia các hoạt động ngoài trời; kiểm soát tốt stress, có đời sống tinh thần thoải mái, vui vẻ.

Bên cạnh việc tăng cường vận động, tiêm phòng cúm, BS. Huy Hoàng khuyến cáo, có thể dùng thêm một số loại thuốc hỗ trợ như: các loại bổ phế nguồn gốc thảo dược, các thuốc tăng cường miễn dịch…

Về thảo dược, nếu không có chống chỉ định thì nên dùng mật ong. Việc kết hợp mật ong và các loại thảo dược, gia vị như chanh/sả, gừng/tỏi… sẽ giúp nâng cao sức khoẻ của đường hô hấp.

Cùng với đó, nên vận động nhiều ở vùng cổ, vai để các mạch máu ở cổ họng lưu thông tốt hơn. Khi đó, khả năng chống chọi với cảm lạnh, cúm mùa cũng sẽ cao hơn.

Ngoài ra, cần giữ ấm vùng cổ, họng; súc miệng bằng nước muối sinh lý, sử dụng các dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp.

Qua bài viết trên, có thể thấy việc phân biệt giữa cảm lạnh và cúm hay COVID-19 có thể khá khó khăn do các triệu chứng tương tự nhau. Tuy nhiên, a:care Việt Nam hy vọng từ những thông tin hữu ích trên bạn có thể nhận biết được các triệu chứng và phòng ngừa hiệu quả.

THANH LAM

Chú thích ảnh:

Ảnh 1,2: BS. Nguyễn Huy Hoàng.

Ảnh 3: Người bị cúm thường có biểu hiện mệt mỏi (Ảnh minh họa)

VTM1298364