Phát hiện sớm bệnh Alzheimer ở người cao tuổi để điều trị hiệu quả

TS.BS. Trần Công Thắng
Chuyên gia viết bài TS.BS. Trần Công Thắng
Trưởng Bộ môn Thần kinh, Đại học Y Dược TP.HCM / Trưởng đơn vị Trí nhớ và Sa sút trí tuệ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. / Chủ tịch Hội Bệnh Alzheimer và Rối loạn Thần kinh Nhận thức Việt Nam.
  • Ngày cập nhật: 18/12/2023

1. Hiểu hơn về Alzheimer

Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hoá dân số và đã khiến cho các bệnh ở nhóm người lớn tuổi bao gồm sa sút trí tuệ nói chung và bệnh Alzheimer nói riêng đang có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2021, có khoảng 55 triệu người bị sa sút trí tuệ. Đặc biệt, sa sút trí tuệ do nguyên nhân bệnh Alzheimer chiếm tới gần 80% trường hợp.

Bệnh Alzheimer là nguyên nhân gây ra sa sút trí tuệ thường gặp nhất
Bệnh Alzheimer là nguyên nhân gây ra sa sút trí tuệ thường gặp nhất

Bệnh thường bắt đầu từ từ. Thật sự, có rất nhiều người không biết mình bị mắc bệnh Alzheimer. Họ cho rằng họ bị quên do tuổi già. Tuy nhiên, thời gian trôi đi, trí nhớ của họ ngày càng tệ nhiều hơn. 

Người bệnh Alzheimer bị mất dần đi các khả năng quan trọng trong cuộc sống như tính toán tiền bạc, nấu ăn, và thậm chí là đọc báo, xem phim. Họ dễ bị lạc mất đồ vật, đi lạc và sai lầm trong những công việc đơn giản. Một số người trở nên lo âu, giận dữ hoặc kích động. Đến một lúc nào đó, người bệnh Alzheimer cần phải được người thân chăm sóc, ngay cả những nhu cầu tối thiểu (ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cá nhân) hoặc phải đưa vào viện dưỡng lão.

2. Các dấu hiệu cảnh báo bệnh Alzheimer

Cũng như các bộ phận còn lại của cơ thể thì não bộ chúng ta sẽ thay đổi khi chúng ta già đi. Đa số chúng ta có thể nhận thấy các suy nghĩ chậm lại và thỉnh thoảng gặp phải các vấn đề khi ghi nhớ

Tuy nhiên, sự suy giảm trí nhớ một cách nghiêm trọng và những thay đổi lớn trong cách tâm trí chúng ta hoạt động có thể là một dấu hiệu cho thấy các tế bào não đang suy yếu. Người bệnh Alzheimer thường rất khó để nhận thấy các vấn đề của họ. Tuy nhiên, các triệu chứng này lại thường được quan sát bởi gia đình, bạn bè và người chăm sóc. Sau đây là các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo của bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ.

Các dấu hiệu cảnh báo thường gặp của bệnh Alzheimer
Các dấu hiệu cảnh báo thường gặp của bệnh Alzheimer
  • Giảm trí nhớ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Đây là một biểu hiện sớm nhất trong bệnh Alzheimer. Người bệnh hay quên các những việc vừa làm, hỏi đi hỏi lại một câu hỏi, quên những sự kiện mình đã tham dự gần đây. 
  • Gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch và giải quyết vấn đề. Người bệnh giảm khả năng làm các công việc có nhiều công đoạn như quản lý sổ tiết kiệm ở ngân hàng, tổ chức đám tiệc tại nhà,…. Họ cũng gặp khó khăn hơn trong việc duy trì tập trung và mất nhiều thời gian hơn để làm những việc họ từng làm trước đây. 
  • Nhầm lẫn thời gian và địa điểm. Người bệnh có thể quên thứ ngày tháng năm hoặc thậm chí không nhớ mình đang sống ở đâu khi bệnh ở trong giai đoạn nặng. 
  • Giảm khả năng kết nối liên hệ trong không gian. Người bệnh có thể gặp phải khó khăn trong việc duy trì thăng bằng và đọc sách, người bệnh có thể không xác định được phương hướng và bị lạc đường. 
  • Các vấn đề về từ ngữ khi nói hoặc viết. Người bệnh có thể dừng lại giữa cuộc trò chuyện và không biết phải tiếp tục thế nào hoặc có thể lặp lại những gì vừa nói. Họ có thể gặp khó khăn với việc gọi tên các đồ vật quen thuộc. 
  • Rút lui khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội. Người bệnh có xu hướng rút lui khỏi các các hoạt động xã hội và mất dần các thú vui hoặc sở thích trong cuộc sống. Họ trở nên thu rút trong thế giới riêng của họ. 
  • Thay đổi tâm trạng và tính cách. Họ có thể trở nên bối rối, nghi ngờ, sợ hãi, chán nản hoặc lo lắng. Họ cũng có thể trở nên khó chịu ngay cả với bạn bè và người thân trong gia đình.
Giảm trí nhớ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày
Giảm trí nhớ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày

3. Hãy tìm đến bác sĩ khi nghi ngờ mắc bệnh Alzheimer

Nếu bạn hoặc ai đó trong gia đình bạn thấy rằng mình quên nhiều hơn bình thường, đã đến lúc đi gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ tìm xem nguyên nhân nào làm bạn hay bị quên. Nếu bị mắc bệnh Alzheimer, việc tìm ra bệnh sớm sẽ giúp bạn và gia đình được điều trị bệnh sớm và lên kế hoạch cho cuộc sống

Bác sĩ có thể làm những việc sau đây để giúp chẩn đoán bệnh Alzheimer: 

• Kiểm tra sức khỏe tổng quát của bạn.

• Hỏi các câu hỏi về bệnh sử gia đình.

• Hỏi người nhà về biểu hiện trí nhớ của bạn

• Thực hiện các bài đánh giá về trí nhớ và kỹ năng của bạn

• Làm các xét nghiệm máu và nước tiểu• Chụp hình kiểm tra não bộ của bạn (CT Scan hoặc MRI não)

4. Các thuốc được dùng trong điều trị Alzheimer

Hiện nay, bệnh Alzheimer vẫn chưa được điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên các phương pháp điều trị hiện nay có thể giúp thay đổi diễn tiến bệnh, hiểu rõ về các lựa chọn điều trị có thể giúp người bệnh giải quyết các triệu chứng và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống. 

Thuốc kháng men cholinesterase

Các thuốc thuộc nhóm ức chế enzyme acetylcholinesterase bao gồm donepezil, galantamine, rivastigmine. Ưu tiên bắt đầu điều trị các thuốc này càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán. Các tác dụng phụ thường gặp nhất bao gồm tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Dùng thuốc cùng bữa ăn có thể giảm thiểu các tác dụng phụ này. Thuốc cũng có thể gây chậm nhịp tim nên cẩn thận khi sử dụng ở người có nhịp tim chậm hoặc có tiền sử ngất. 

Memantine

Memantine được sử dụng cho bệnh Alzheimer trung bình và nặng dưới dạng đơn trị liệu hoặc kết hợp với các thuốc kháng men cholinesterase.

Các phương pháp điều trị trúng đích đang được nghiên cứu
Các phương pháp điều trị trúng đích đang được nghiên cứu

Choline alfoscerate

Choline alphoscerate là là một loại thuốc cung cấp choline cho hoạt động chức năng nhận thức. Choline alphoscerate được sử dụng đơn trị liệu hoặc kết hợp với donepezil cải thiện được nhận thức, hành vi và chức năng ở những bệnh nhân bị suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ. 

Điều trị miễn dịch

Nhóm thuốc làm chậm sự tiến triển của bệnh hiện nay được FDA chấp nhận hiện nay là Lecanumab. Đây là một liệu pháp truyền tĩnh mạch kháng thể kháng amyloid được cung cấp hàng tháng để điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn đầu, suy giảm nhận thức nhẹ có nồng độ beta-amyloid tăng cao trong não.

5. Phương pháp điều trị không dùng thuốc

Giao tiếp cởi mở giữa bác sĩ, người chăm sóc và bệnh nhân sẽ mang lại cơ hội xác định các triệu chứng, đánh giá và chẩn đoán chính xác cũng như hướng dẫn phù hợp.

Tiếp cận hành vi:

  • Chiến lược giao tiếp như tương tác bình tĩnh, cung cấp các hoạt động vui vẻ, sử dụng ngôn ngữ đơn giản và chỉ “nói không” khi liên quan đến an toàn 
  • Lập kế hoạch kịp thời cho các quyết định và nhu cầu pháp lý và y tế 
  • Tập thể dục trị liệu, trị liệu bằng ánh sáng, trị liệu bằng âm nhạc

Hỗ trợ của người chăm sóc: 

  • Có kế hoạch về thời gian nghỉ ngơi ngắn cho người chăm sóc
  • Giáo dục tâm lý bao gồm chuẩn bị cho những tình huống ảnh hưởng của Alzheimer, tránh các tình huống có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hoặc làm tăng mối nguy hiểm cho sự an toàn và sức khỏe.
 Điều trị tâm lý hành vi cho cả người bệnh Alzheimer và người chăm sóc là cần thiết
Điều trị tâm lý hành vi cho cả người bệnh Alzheimer và người chăm sóc là cần thiết

6. Những thói quen tốt giúp phòng ngừa bệnh Alzheimer

Bằng chứng ngày càng tăng cho thấy mọi người có thể giảm nguy cơ suy giảm nhận thức bằng cách áp dụng các thói quen sinh hoạt lành mạnh. Khi có thể, hãy kết hợp những thói quen này để đạt được lợi ích tối đa cho não bộ và cơ thể. Bắt đầu ngay bây giờ và không bao giờ là quá muộn hoặc quá sớm.

Tập thể dục và đổ mồ hôi

Tham gia các bài tập thể dục thường xuyên để nâng cao nhịp tim và tăng lưu lượng máu đến não bộ. 

Học tập chăm chỉ

Giáo dục trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời sẽ giúp giảm nguy cơ suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ. 

Bỏ hút thuốc lá

Bằng chứng cho thấy hút thuốc làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức. Bỏ hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ đó xuống mức tương đương với những người không hút thuốc.

Đề phòng tai nạn

Chấn thương não có thể làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ. Thắt dây an toàn, đội mũ bảo hiểm và thực hiện các bước để tránh té ngã.

Ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng, ít chất béo và nhiều rau và trái cây hơn để giúp giảm nguy cơ suy giảm nhận thức. 

Giấc ngủ ngon

Không ngủ đủ giấc do các tình trạng như mất ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến các vấn đề về trí nhớ và suy nghĩ.

Hãy chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn

Hãy tìm kiếm các điều trị y tế nếu bạn có các triệu chứng trầm cảm, lo lắng hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Ngoài ra, hãy cố gắng quản lý căng thẳng.

  Kết giao bạn bè

Duy trì hoạt động xã hội có thể hỗ trợ sức khỏe não bộ. Theo đuổi các hoạt động xã hội có ý nghĩa, tìm cách trở thành một phần của cộng đồng, bạn bè và gia đình.

Rèn luyện trí tuệ

Hãy thử thách và kích hoạt tâm trí của bạn. Hoàn thành bảng ghép hình, làm điều gì đó mang tính nghệ thuật, chơi các trò chơi khiến bạn phải suy nghĩ chiến lược. Thử thách trí óc có thể mang lại lợi ích ngắn hạn và dài hạn cho não bộ.

Tham gia các bài tập thể dục thường xuyên để tăng lưu lượng máu đến não bộ
Tham gia các bài tập thể dục thường xuyên để tăng lưu lượng máu đến não bộ

7. Một trường hợp sử dụng choline alfoscerate trong điều trị Alzheimer

Bệnh nhân nam, 63 tuổi đến phòng khám với than phiền về trí nhớ. Khoảng 6 năm trước, người bệnh bắt đầu có các biểu hiện quên. Ban đầu quên những chuyện vừa nói với con cái (nhắc đi nhắc lại một chuyện đã kể), các dự định (đi đổ xăng, đi mua đồ). Tình trạng này diễn tiến từ từ, ngày càng nặng dần. Bệnh nhân quên nơi cất đồ, chỗ để tiền; quên tên của người thân. Bệnh nhân cũng không còn tự uống thuốc được vì quên đã uống thuốc hay chưa. 

Một năm trước bệnh nhân có một lần đi lạc ở công viên cách nhà vài chục mét, người nhà phải đi kiếm đưa về nên sau đó đi khám ở phòng khám Trí nhớ và sa sút trí tuệ bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh và được chẩn đoán bệnh Alzheimer. Tiền sử mắc bệnh tăng huyết áp kiểm soát tốt, gia đình không ai mắc bệnh tương tự. 

Sau đó, bệnh nhân đã được điều trị bệnh Alzheimer một năm nay với donepezil 5mg/ngày và choline alfoscerate 800mg/ngày, kết hợp với các bài tập huấn luyện nhận thức tại trung tâm 3 lần/ tuần. Hiện nay, bệnh nhân cải thiện nhiều về trí nhớ, có thể nhớ được tên và nhận ra con cháu sống cùng, đồng thời có thể tự sinh hoạt, ăn uống, tắm rửa vệ sinh độc lập. 


Kết quả ca lâm sàng này cho chúng ta thấy hiệu quả của việc kết hợp thuốc choline alfoscerate với donepezil cùng các bài tập phục hồi chức năng nhận thức trong điều trị bệnh Alzheimer.

Tài liệu tham khảo

1.Knopman DS, Amieva H, Petersen RC, Chételat G, Holtzman DM, Hyman BT, Nixon RA, Jones DT. Alzheimer disease. Nature Reviews Disease Primers. 2021;7(1):33.
2.Cummings J, Lee G, Ritter A, Sabbagh M, Zhong K. Alzheimer’s disease drug development pipeline: 2019. Alzheimers Dement (N Y). 2019;5:272-293.
3.Hampel H, Mesulam MM, Cuello AC, Farlow MR, Giacobini E, Grossberg GT, Khachaturian AS, Vergallo A, Cavedo E, Snyder PJ, Khachaturian ZS. The cholinergic system in the pathophysiology and treatment of Alzheimer’s disease. Brain. 2018;141(7):1917-1933.
4.Atri A. Current and Future Treatments in Alzheimer’s Disease. Semin Neurol. 2019;39(2):227-240.
5.Na R, Yang JH, Yeom Y, Kim YJ, Byun S, Kim K, Kim KW. A Systematic Review and Meta-Analysis of Nonpharmacological Interventions for Moderate to Severe Dementia. Psychiatry Investig. 2019;16(5):325-335.
6.Kishita N, Backhouse T, Mioshi E. Nonpharmacological Interventions to Improve Depression, Anxiety, and Quality of Life (QoL) in People With Dementia: An Overview of Systematic Reviews. J Geriatr Psychiatry Neurol. 2020;33(1):28-41.
7.Tricco AC, Ashoor HM, Soobiah C, Rios P, Veroniki AA, Hamid JS, Ivory JD, Khan PA, Yazdi F, Ghassemi M, Blondal E, Ho JM, Ng CH, Hemmelgarn B, Majumdar SR, Perrier L, Straus SE. Comparative Effectiveness and Safety of Cognitive Enhancers for Treating Alzheimer’s Disease: Systematic Review and Network Metaanalysis. J Am Geriatr Soc. 2018;66(1):170-178.
8.Jeremic D, Jiménez-Díaz L, Navarro-López JD. Past, present and future of therapeutic strategies against amyloid-β peptides in Alzheimer’s disease: a systematic review. Ageing Research Reviews. 2021;72:101496.
9.Zeng BS, Tseng PT, Liang CS. Lecanemab in Early Alzheimer’s Disease. N Engl J Med. 2023;388(17):1630.
10.Budd Haeberlein S, Aisen PS, Barkhof F, Chalkias S, Chen T, Cohen S, Dent G, Hansson O, Harrison K, von Hehn C, Iwatsubo T, Mallinckrodt C, Mummery CJ, Muralidharan KK, Nestorov I, Nisenbaum L, Rajagovindan R, Skordos L, Tian Y, van Dyck CH, Vellas B, Wu S, Zhu Y, Sandrock A. Two Randomized Phase 3 Studies of Aducanumab in Early Alzheimer’s Disease. J Prev Alzheimers Dis. 2022;9(2):197-210.
11.Avgerinos KI, Ferrucci L, Kapogiannis D. Effects of monoclonal antibodies against amyloid-beta on clinical and biomarker outcomes and adverse event risks: A systematic review and meta-analysis of phase III RCTs in Alzheimer’s disease. Ageing Res Rev. 2021;68:101339.
12.Brenman JE. Lecanemab in Early Alzheimer’s Disease. N Engl J Med. 2023;388(17):1631.
13.Sagaro GG, Traini E, Amenta F. Activity of Choline Alphoscerate on Adult-Onset Cognitive Dysfunctions: A Systematic Review and Meta-Analysis. J Alzheimers Dis. 2023;92(1):59-70.

VTM1298780 (v1.0)