Phòng ngừa cúm cho bé: Hiểu để bảo vệ con tốt hơn

Chuyên gia viết bài: BS. Trương Hữu Khanh
Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM
  • Ngày cập nhật: 16/08/2023

Cúm ảnh hưởng đến trẻ như thế nào

Ba mẹ có biết ở trẻ em, bệnh cúm nguy hiểm hơn nhiều so với cảm lạnh thông thường!

Mỗi năm, hàng triệu trẻ bị cúm theo mùa, hàng ngàn bé phải nhập viện, và một số trẻ bị cúm cướp đi sinh mệnh. Trẻ em có nhiều nguy cơ bị biến chứng do cúm, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.

Các biến chứng cúm có thể gây ra ở trẻ em gồm:

  • Viêm phổi: phổi bị nhiễm trùng và viêm
  • Mất nước: khi cơ thể trẻ mất quá nhiều nước và muối, thường là do lượng nước mất đi nhiều hơn lượng nước đưa vào
  • Làm nặng thêm các bệnh mạn tính có sẵn ở trẻ như bệnh tim, bệnh hen
  • Rối loạn chức năng não bộ
  • Các vấn đề về xoangnhiễm trùng tai
  • Trong một số trường hợp, biến chứng cúm có thể dẫn đến tử vong.
Hình ảnh mang tính chất minh họa

Những bé có nhiều nguy cơ bị biến chứng do cúm hơn?

Bé dưới 5 tuổi

có bệnh mãn tính như:

  • Hencác bệnh phổi mãn tính khác (chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính)
  • Rối loạn não, tủy sống, dây thần kinh ngoại biên, chẳng hạn như bệnh bại não, động kinh, đột quỵ, thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển từ trung bình đến nặng, loạn dưỡng cơ hoặc chấn thương tủy sống
  • Bệnh tim (chẳng hạn như bệnh tim bẩm sinh, suy tim sung huyết, bệnh động mạch vành)
  • Rối loạn chức năng thận, rối loạn chức năng gan
  • Rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết (như đái tháo đường)
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu
  • Béo phì mức độ nặng
Hình ảnh mang tính chất minh họa

Ba mẹ có thể bảo vệ các bé bằng cách nào?

Cách đầu tiên và tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi bệnh cúm là tiêm vaccine cúm hàng năm cho bé và cho cả ba mẹ nữa.

Một số điểm ba mẹ cần ghi nhớ:

  • Đối với trẻ nhỏ và trẻ có bệnh mãn tính, việc tiêm vaccine là đặc biệt quan trọng.
  • Các bé từ 6 tháng tuổi trở lên được khuyến cáo tiêm phòng cúm hàng năm.
  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng do cúm, nhưng còn quá nhỏ nên không thể tiêm vaccine cúm được. Do vậy, những người chăm sóc trẻ dưới 6 tháng tuổi cần được tiêm vaccine phòng cúm mùa.
  • Phụ nữ mang thai nên tiêm phòng cúm để bảo vệ bản thân và em bé khỏi bệnh cúm. Các mẹ tiêm phòng cúm khi mang thai sẽ bảo vệ em bé khỏi bệnh cúm trong những tháng đầu sau sinh nhờ kháng thể của mẹ truyền cho con qua nhau thai và sữa mẹ.
  • Virus cúm luôn thay đổi và do đó vaccine cúm được cập nhật thường xuyên để bảo vệ chống lại virus cúm và nên tiêm phòng cúm hằng năm để đảm bảo hiệu quả bảo vệ.

CDC khuyến nghị các bé từ 6 tháng tuổi trở lên cần tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm. Hãy nhớ rằng việc tiêm vaccine đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, vì các bé có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng do cúm


Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM
Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM)

Ngoài tiêm phòng cúm, ba mẹ còn cần làm gì để bảo vệ bé khỏi cúm mùa?

Để ngăn ngừa sự lây lan của virus, ngoài việc chủng ngừa cúm, ba mẹ và các bé cần làm một số việc hàng ngày sau:

  • Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh để bản thân không bị lây nhiễm
  • Nếu ba mẹ hoặc bé bị bệnh, hãy tránh tiếp xúc với những người khác
  • Đeo khẩu trang tại nơi công cộng
  • Thường xuyên che miệng khi ho và hắt hơi
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
  • Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng
  • Làm sạch các bề mặt, đồ chơi của trẻ có thể bị nhiễm virus cúm

Những việc đơn giản này có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và ngăn ngừa lây lan virus sang người khác nếu bị bệnh. Tuy nhiên, tiêm vaccine cúm hàng năm vẫn là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm.

Lợi ích của việc tiêm phòng cúm mùa là gì?

  • Vaccine cúm bảo vệ bé và ba mẹ không bị nhiễm cúm. Hiệu quả của vaccine có thể khác nhau và có thể phụ thuộc vào: sức khỏe và tuổi của bé khi được tiêm phòng cúm và mức độ phù hợp của vaccine với các chủng cúm đang lưu hành trong mùa đó
  • Vaccine cúm có thể giúp trẻ không phải nhập viện vì cúm. Một nghiên cứu gần đây cho thấy vaccine cúm giúp giảm 74% nguy cơ trẻ em phải nhập viện chăm sóc tích cực liên quan đến cúm.
  • Vaccine cúm có thể giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Một nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ các mùa cúm gần đây cho thấy vaccine cúm làm giảm một nửa nguy cơ tử vong do cúm ở trẻ em mắc bệnh mãn tính và gần 2/3 nguy cơ tử vong ở trẻ không mắc bệnh mãn tính.
  • Sau khi tiêm phòng cúm, nếu không may trẻ nhiễm cúm, bệnh cũng nhẹ đi nhiều.
  • Việc tiêm phòng cho ba mẹ và bé cũng có thể bảo vệ những người dễ bị biến chứng nặng do cúm, chẳng hạn như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người mắc bệnh mạn tính.
Hình ảnh mang tính chất minh họa

Hướng dẫn tiêm phòng vaccine cho trẻ

  • Trẻ từ 6 tháng tuổi – 8 tuổi, chưa tiêm vaccine cúm mùa: nên tiêm liều đầu tiên ngay khi có vaccine, liều thứ hai cần được tiêm sau liều đầu tiên ít nhất 4 tuần.
  • Từ 9 tuổi trở lên, trẻ có thể tiêm mỗi năm nhắc lại 1 mũi tương tự tiêm cho người trưởng thành.

Xem thêm: Sự cần thiết tiêm phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi

Lưu ý trước khi tiêm vaccine cho trẻ

Các bé nếu dị ứng, mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào trong vaccine cúm thì sẽ không được tiêm vaccine cúm đó, cần trao đổi với bác sĩ để lựa chọn được loại vaccine phù hợp.

Nếu bé bị dị ứng với trứng thì cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn phù hợp. Các bé có triệu chứng sốt hoặc nhiễm trùng cấp tính sẽ phải hoãn việc tiêm chủng.

Vaccine cúm bất hoạt không thể gây ra bệnh cúm. Tác dụng phụ sau khi tiêm thường nhẹcó thể tự phục hồi, bao gồm:

  • đau nhức nhẹ tại vị trí tiêm trong 1 đến 2 ngày.
  • sốt nhẹ hoặc đau nhức trong một hoặc hai ngày đầu tiên sau khi chủng ngừa.

Những thuốc như paracetamol có thể được sử dụng để điều trị sốt, đau sau khi tiêm vaccine nếu có. Ba mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về liều lượng và cách dùng.

Những trường hợp ba mẹ cần trao đổi với bác sĩ trước khi tiêm vaccine cho trẻ

Nếu trẻ có một trong các vấn đề dưới đây, ba mẹ cần trao đổi kỹ và chi tiết với bác sĩ trước khi quyết định tiêm vaccine

  • Đã từng bị dị ứng với vaccine hoặc bất kỳ thành phần nào trong vắc-xin, dị ứng với trứng.
  • Đã từng mắc hội chứng Guillain-Barré (viêm đa dây thần kinh cấp tính).
  • Bé đang không khỏe hoặc sốt.
Hình ảnh mang tính chất minh họa

Những dấu hiệu cảnh báo ở trẻ sau khi tiêm vaccine, ba mẹ cần đưa bé đi khám ngay

Thở nhanh, khó thở, thở rút lõm lồng ngực

Môi tái nhợt, da mặt xanh xao

Đau ngực, đau cơ (trẻ không chịu đi)

Mất nước (trẻ không đi tiểu trong 8 giờ, khô miệng, không có nước mắt khi khóc)

Không tỉnh táo, co giật

Không tương tác khi thức

Sốt trên 40°C, dùng thuốc hạ sốt không đỡ

Sốt ở trẻ dưới 12 tuần tuổi

Sốt hoặc ho đã cải thiện nhưng sau đó lại nặng hơn

Các bệnh mãn tính ở trẻ nặng thêm

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo

1. CDC. Children & influenza (flu). Centers for Disease Control and Prevention. Published 2019. https://www.cdc.gov/flu/highrisk/children.htm

2. Flu Information Flu: A Guide for Parents. https://www.cdc.gov/flu/pdf/freeresources/family/flu-guide-for-parents-2020.pdf

3. Influenza vaccine. www.caringforkids.cps.ca. https://caringforkids.cps.ca/handouts/immunization/influenza_vaccine

4. CDC. Who Should and Who Should not get a Flu Vaccine. Centers for Disease Control and Prevention. Published 2019. https://www.cdc.gov/flu/prevent/whoshouldvax.htm

5. Canada PHA of. Flu (influenza): Get your flu shot. aem. Published October 19, 2018. https://www.canada.ca/en/public-health/services/diseases/flu-influenza/get-your-flu-shot.html

6. When to Call Your Doctor About the Flu. ucsfhealth.org. https://www.ucsfhealth.org/education/when-to-call-your-doctor-about-the-flu

7. NHS. Flu Vaccine. NHS. Published 2018. https://www.nhs.uk/conditions/vaccinations/flu-influenza-vaccine/

8. Influenza in children. Paediatrics & Child Health. 2005;10(8):485-487. doi:https://doi.org/10.1093/pch/10.8.485

9. Flu and Children – NFID. https://www.nfid.org/. https://www.nfid.org/infectious-diseases/flu-and-children/

10. Your child and the flu: MedlinePlus Medical Encyclopedia. Medlineplus.gov. Published 2017. Accessed December 10, 2019. https://medlineplus.gov/ency/article/007445.htm

VTM1286099 (v1.0)